Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

Từng giúp đỡ thời chống Mỹ, "tôi biết tính người Việt"

Từng giúp đỡ thời chống Mỹ, "tôi biết tính người Việt"
TT - Một hãng tin Nga là Gazeta.ru đăng bài viết “Người Việt Nam sẽ không bao giờ cam chịu” của tác giả Vladimir Koryagin vào ngày 1-6 với một chi tiết thú vị: Trung Quốc từng phủ nhận Hoàng Sa của mình. Bài viết kể lại một chi tiết thú vị là vào cuối thế kỷ 19 có hai tàu chở đồng của Anh bị nạn trong vùng biển Hoàng Sa. Người dân đảo Hải Nam đã chiếm số đồng này khiến chính quyền Anh phản ứng. Khi đó Trung Quốc trả lời rằng Hoàng Sa không phải là lãnh thổ Trung Quốc nên họ không có trách nhiệm với những gì xảy ra ở đó.

Người dân Hà Nội xem tấm bản đồ "Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ" của Trung Quốc (năm 1904) chứng minh điểm cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam - Ảnh: VIỆT DŨNG

Bài báo giải thích tương đối chi tiết lịch sử Hoàng Sa và Trường Sa, khẳng định trên các bản đồ cổ thế kỷ 17 “Hoàng Sa, Trường Sa không hề được nhắc đến trong sử sách và các văn kiện Trung Quốc”.

Thậm chí bài viết kể lại một chi tiết thú vị là vào cuối thế kỷ 19 có hai tàu chở đồng của Anh bị nạn trong vùng biển Hoàng Sa. Người dân đảo Hải Nam đã chiếm số đồng này khiến chính quyền Anh phản ứng.

Khi đó Trung Quốc trả lời rằng Hoàng Sa không phải là lãnh thổ Trung Quốc nên họ không có trách nhiệm với những gì xảy ra ở đó.

"Trách nhiệm để xảy ra tình hình căng thẳng trên biển Đông hoàn toàn là do Trung Quốc" Chuyên gia Nga Nikolai Kolesnikov

Bài viết ghi nhận các cột mốc trong chiến dịch xâm chiếm Hoàng Sa mà Trung Quốc thực hiện cho đến thời điểm Bắc Kinh đưa giàn khoan Hải Dương 981 tới vùng thềm lục địa Việt Nam ngày 1-5-2014.

Gazeta.ru trích dẫn nhận định của các chuyên gia am hiểu lịch sử châu Á và Đông Nam Á.

Họ bao gồm ông Grigori Lokshin - cố vấn khoa học cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN trực thuộc Viện Viễn Đông của Viện hàn lâm Khoa học Nga, Ivan Melnikov - phó chủ tịch thứ nhất Đuma Quốc gia, Nikolai Kolesnikov - chủ tịch đoàn chủ tịch Tổ chức xã hội các cựu binh chiến tranh Việt Nam và I. Usov - cố vấn khoa học cao cấp của Viện Nghiên cứu chiến lược Nga.

Ông Grigori Lokshin khẳng định việc Trung Quốc đưa giàn khoan tới vùng biển Việt Nam là sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế.

Ông kể đã tới Lý Sơn nên có thể hiểu “làm sao người Việt Nam chấp nhận bị cấm ra vùng biển khơi mà không dưng Trung Quốc nhận vơ là của họ”.

Ông nói có thể hiểu nỗi bất bình của người Việt.
Ông Melnikov cho biết Nga, cả Trung Quốc và Việt Nam đều là đối tác toàn diện, vì thế sẽ là đúng đắn và hợp logic khi Nga không đứng về phía nào.

Quan điểm của Nga là hai phía “cần dựa trên những văn kiện quốc tế giải quyết vấn đề này”.

Từng tham gia giúp đỡ người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông Nicolai Kolesnikov khẳng định: “Biết tính người Việt, tôi có thể khẳng định họ không bao giờ chấp nhận vai trò mà Trung Quốc định cho họ. Sớm hay muộn gì người Việt cũng sẽ đòi được công lý lịch sử cho quần đảo Hoàng Sa. Mọi nỗ lực giải quyết vấn đề bằng vũ lực sẽ đi vào ngõ cụt, kết thúc bằng vực thẳm”.

Ông I. Usov cảnh báo: “Việt Nam là đối tác chiến lược duy nhất của Nga ở Đông Nam Á. Trước đây Nga giữ quan điểm trung lập trong cuộc tranh cãi giữa hai nước về biển Đông. Với sự thay đổi đường lối chiến lược, xuất hiện hiểm họa là Matxcơva có thể xem lại thái độ của mình với các phía và chuyển vị thế trung lập tuyệt đối của mình thành có lợi cho Trung Quốc. Tuy nhiên, tôi tin rằng nếu điều đó xảy ra, nó sẽ là một sai lầm”.

DUY VĂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét