Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014

Thay đổi chính sách ngoại thương để hạn chế tổn thương

Thay đổi chính sách ngoại thương để hạn chế tổn thương
Lê Hữu Đức (*) (TBKTSG) Trong thời gian gần đây, tình hình căng thẳng trên biển Đông khiến nhiều người lo ngại nếu quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc có trục trặc sẽ ảnh hưởng ra sao đến sản xuất trong nước. Việt Nam có chủ động điều chỉnh chính sách ngoại thương cho phù hợp với những thay đổi có thể xảy ra trong tương lai?

Ngay cả những hàng hóa không có lợi thế kinh tế theo quy mô như hoa quả của Trung Quốc cũng xuất hiện rất nhiều và rẻ trên thị trường Việt Nam. Ảnh: THANH TAO
Theo số liệu thống kê, chỉ tính riêng năm 2013, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 12,3 tỉ đô la Mỹ (chủ yếu là nguyên vật liệu, nông sản thô) và nhập khẩu từ nước này đến 36,9 tỉ đô la Mỹ (chủ yếu là nguyên vật liệu cho sản xuất trong nước). Như vậy, giá trị hàng hóa nhập siêu từ Trung Quốc năm 2013 đã gần gấp đôi con số năm 2011 (13,8 tỉ đô la).

Vậy đâu là nguyên nhân?

Vì Trung Quốc là nền kinh tế rất lớn nên họ có được lợi thế kinh tế theo quy mô ở một số ngành nghề, tức là khi sản xuất với số lượng lớn thì giá thành trên một đơn vị sản phẩm sẽ càng nhỏ. Tuy nhiên, ngay cả những hàng hóa không có lợi thế kinh tế theo quy mô như hoa quả, tăm tre... của Trung Quốc cũng xuất hiện rất nhiều và rẻ trên thị trường Việt Nam. Nhiều nước xung quanh cũng không bị tình trạng thâm hụt quá lớn như Việt Nam. Vậy sai lầm một phần rất lớn nằm ở chính sách ngoại thương và chính sách kinh tế của Việt Nam.

Thứ nhất, có sự không phù hợp trong chính sách ngoại thương, cụ thể là chính sách tỷ giá. Lạm phát Việt Nam hầu như năm nào cũng ở mức rất cao so với Trung Quốc và thế giới, và việc giữ tỷ giá đồng tiền nội địa cố định đã làm cho giá trị đồng tiền Việt Nam bị định giá quá cao so với thị trường trong suốt thời gian dài dẫn đến tình trạng thâm hụt thương mại kéo dài.

Lấy ví dụ năm 2010, nhiều chuyên gia dự tính, tỷ giá đồng nhân dân tệ là thấp hơn tỷ giá đô la Mỹ ở mức cân bằng là 30%. Trong khi đó, bằng chính sách kiềm chế tỷ giá, tiền đồng đã bị định giá cao hơn khoảng 35% so với đô la Mỹ. Nếu tính toán đơn giản, chúng ta sẽ thấy tiền đồng trong năm 2010 bị định giá cao hơn đồng nhân dân tệ 65% (!). Con số này có nghĩa là hai sản phẩm hàng hóa như nhau cùng sản xuất với các yếu tố hoàn toàn giống nhau cả ở Việt Nam và Trung Quốc, thì do chính sách tỷ giá của chúng ta đã khiến cho sản phẩm của Trung Quốc bán sang Việt Nam rẻ hơn 65% so với hàng Việt Nam.

Thứ hai, việc định giá đồng tiền nội địa quá cao trong suốt một thời gian dài đã làm cho hàng hóa, nguyên vật liệu nhập từ Trung Quốc quá rẻ, khiến ngành công nghiệp phụ trợ trong nước không thể phát triển được. Các doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh để sản xuất hàng thay thế hàng Trung Quốc. Kết quả là nền kinh tế bị phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc.

Thứ ba, chính sách ngoại thương của Việt Nam có sự không nhất quán giữa định hướng xuất khẩu và thay thế hàng nhập khẩu. Các nhà hoạch định chính sách Việt Nam mong muốn hàng hóa Việt Nam có mặt ở các nước khác, tức là định hướng xuất khẩu, nhưng về mặt chính sách lại định giá đồng nội tệ cao, vô hình trung giúp các doanh nghiệp nhập khẩu nhập được hàng rẻ hơn, tức là nghiêng về định hướng thứ hai.

Và đâu là sự điều chỉnh phù hợp?


Thứ nhất, cần phải thừa nhận rằng chính sách thay thế hàng nhập khẩu với sự can thiệp mạnh, sự bảo hộ của Chính phủ đã không còn phù hợp với tình hình thực tế Việt Nam và thế giới. Ở Việt Nam, do tình trạng tham nhũng tràn lan khiến cho những chính sách này dễ bị các nhóm lợi ích thao túng. Hiện tượng Vinashin, Vinalines và các tập đoàn kinh tế trong thời gian gần đây là những bằng chứng cho thấy sự thất bại này.

Ngoài ra, một điều rất quan trọng nữa là sau khi chúng ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và có thể là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau này, thì những quy tắc chung của luật chơi toàn cầu sẽ không cho phép Chính phủ được can thiệp trực tiếp vào doanh nghiệp. Những hành động này sẽ mang một rủi ro tiềm ẩn rất lớn về pháp lý quốc tế trước các vụ kiện hoặc các biện pháp đáp trả về kinh tế trong tương lai như chúng ta đã thấy ở các biện pháp chống bán phá giá ở Mỹ và châu Âu với hàng giày da và thủy sản Việt Nam trong thời gian gần đây.

Thứ hai, Chính phủ cần nhất quán chính sách định hướng xuất khẩu trong các chính sách cụ thể của mình. Hầu hết các nước sử dụng chính sách định hướng xuất khẩu rất thành công, còn những nước sử dụng chính sách thay thế hàng nhập khẩu thì ngược lại. Những bằng chứng về thành công trong chính sách định hướng xuất khẩu đó là Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc (ở một số giai đoạn), Trung Quốc... Cái quan trọng nhất của chính sách này đó là nó sẽ tạo động lực giúp cho các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh trên sân chơi chung của thế giới. Khi doanh nghiệp có thể xuất khẩu hàng hóa đến nước nào thì có nghĩa là doanh nghiệp đó có thể cạnh tranh với doanh nghiệp của nước đó.

Thứ ba, Việt Nam nên tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu thay vì tự làm một sản phẩm từ đầu đến cuối. Nền kinh tế thế giới trong nhiều thập niên qua đã hình thành nên một chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu trong đó mỗi quốc gia luôn có một lợi thế cạnh tranh (lợi thế so sánh) ở một công đoạn sản xuất nào đó. Chúng ta nên lựa chọn những công đoạn nào mà mình làm tốt nhất trong chuỗi giá trị đó rồi từ từ nâng cao năng lực để chuyển lên các mức cao hơn mà ở đó giá trị mang lại cho quốc gia cao hơn và cũng cần những năng lực ở mức cao hơn.

(*) Thạc sĩ, giảng viên kinh tế, trường Đại học Hoa Sen

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét