Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014

Hình ảnh quốc gia và nhận định quốc tế

Hình ảnh quốc gia và nhận định quốc tế
Huế Dương: (TBKTSG) - Hình ảnh quốc gia là câu chuyện không mới, nhất là trong các thảo luận về du lịch, xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu... Tuy nhiên, nó còn có một vai trò quan trọng ít được nhắc đến, đó là giữ gìn và khôi phục uy tín quốc tế của một quốc gia.
Người dân TPHCM tuần hành trong ôn hòa phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam. Ảnh: NGUYỄN VINH
Thủ đoạn “tiên hạ thủ vi cường” của Trung Quốc

Sự cố xảy ra tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Bình Dương, Hà Tĩnh vừa qua đang được các quan chức ngoại giao Trung Quốc ráo riết tận dụng trong các bài phát biểu và phỏng vấn của họ với báo giới quốc tế nhằm dựng lên một bức tranh bạo lực trong đó họ là nạn nhân và mô tả tình hình Việt Nam như một nơi có nhiều rủi ro, với “bất ổn”, “cướp phá”, và “đánh đập”.

Việc cố tình tô vẽ Việt Nam như vậy chứng tỏ Bắc Kinh cũng đang cố gắng tìm kiếm sự cảm thông của dư luận quốc tế. Có lẽ ngoài chuyện muốn đánh lạc hướng chú ý dư luận ra khỏi hành động đặt giàn khoan phi pháp tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc còn muốn tiếp tục thúc đẩy hình ảnh quốc gia về một Trung Quốc “trỗi dậy hòa bình”.

Việt Nam cũng có những nỗ lực tương tự. Cuộc chiến ngôn ngữ trên trường quốc tế, ngẫm cho cùng, cũng là để duy trì hình ảnh quốc gia mà cả hai bên đã tạo dựng bấy lâu nay. Hình ảnh này có vai trò định hướng cho cộng đồng quốc tế nhận định ai là người yêu chuộng hòa bình và ai là kẻ đang xâm phạm lãnh hải nước khác và gây bất ổn an ninh cho khu vực và thế giới.

Không khó để thấy Trung Quốc đang là kẻ đuối lý trong xung đột tại biển Đông với các bên liên quan khi một mực từ chối những đàm phán đa phương và ngăn cản hướng tiếp cận pháp lý để giải quyết. Do đó, chiến lược truyền thông quốc tế của họ là lợi dụng sự thiếu thông tin của người dân các nước khác về lịch sử tranh chấp ở biển Đông để đưa ra nhiều thông tin gây nhiễu hòng ngăn cản những tìm hiểu một cách sâu sắc về bản chất vấn đề. Họ cũng chọn cách chủ động đưa thông tin trước theo phương châm “tiên hạ thủ vi cường”.

Đối với Việt Nam, trong khi những hành động pháp lý đang được cân nhắc và có thể mất nhiều thời gian, việc xây dựng dư luận quốc tế thuận lợi là hết sức quan trọng. Công tác truyền thông chủ quyền biển đảo quốc gia ở nước ngoài do đó nên chú ý đến cách người nước ngoài tiếp nhận xử lý thông tin và vai trò của hình ảnh quốc gia trong đó.

Hình ảnh quốc gia trong xử lý thông tin


Khi tiếp cận một vấn đề mà không có đủ thời gian hay kỹ năng và phương tiện để tìm hiểu thì người ta thường áp dụng cách xử lý thông tin tiệm cận, tức là dựa trên các cảm nhận và những gì mà họ đã biết sẵn về vấn đề đó thay vì đi sâu vào chi tiết để hiểu thấu đáo nó trước khi đưa ra nhận định sau cùng.

Vì vậy, có lẽ với nhiều người đọc nước ngoài, việc nhận xét một vấn đề của một quốc gia khác có thể dựa nhiều trên hình ảnh mà họ đã có sẵn trong tâm trí mình về quốc gia đó. Nếu một thông tin về tranh chấp chủ quyền biển đảo nào đó quá phức tạp hoặc thiếu vắng chi tiết tin cậy, có khả năng người đọc trung lập sẽ đưa ra những nhận xét mang tính cảm quan nhiều hơn. Mối quan hệ cá nhân của họ với công dân các quốc gia ấy đóng vai trò như một gợi ý quan trọng cho sự hình thành nhận định của họ.

Vai trò của mỗi công dân

Hình ảnh quốc gia không nằm trong tay một tổ chức, một doanh nghiệp hay một cá nhân nào đó cho dù họ có bao nhiều quyền lực đi nữa, mà nó là một tập hợp của các hành động và ngôn ngữ của mỗi người dân đến từ quốc gia đó.

Mỗi tình bạn trên Facebook, mỗi một du học sinh, và mỗi khách du lịch đến từ Việt Nam đều có thể góp phần gây dựng nên hình ảnh về Việt Nam trong con mắt quốc tế như một quốc gia yêu chuộng công lý và hòa bình.

Các cựu binh Mỹ từng nhận xét rằng nếu họ được tiếp xúc với người dân Việt Nam như bây giờ, họ đã không tham chiến.

Những cuộc xuống đường vừa qua của công dân Việt Nam khắp nơi trên thế giới, những Facebook có avatar hướng về biển Đông và những lời bình luận (comment) phản bác luận điệu của giới chức Trung Quốc trên các báo quốc tế bởi các bạn trẻ có khả năng ngoại ngữ thực sự đang góp phần giữ gìn hình ảnh này.

Tuy nhiên, về lâu dài không nên chỉ dựa vào hình ảnh thân thiện dễ mến để đạt được lợi thế thông tin. Sẽ hiệu quả hơn nhiều khi nội dung thông tin đến từ mỗi công dân Việt Nam có logic với đầy đủ những kiến thức sâu sắc về lịch sử, địa lý và văn hóa Việt Nam bởi suy cho cùng, chúng ta muốn sự ủng hộ quốc tế không chỉ là bằng trái tim mà còn cả bằng lý trí. Muốn như vậy, trước hết cần trang bị đầy đủ kiến thức liên quan cho người dân một cách có hệ thống và liên tục ngay từ bây giờ.


Báo chí Mỹ với biển Đông
Phải nói thẳng ra rằng truyền thông ở Mỹ được cả Việt Nam và Trung Quốc chú ý đặc biệt do tính chất quan trọng của việc Mỹ có tham gia sâu hơn vào tình hình biển Đông lúc này hay không.
Theo dõi báo chí Mỹ về tình hình biển Đông, dường như phần lớn họ đăng tải các nội dung theo hướng tường thuật lại những gì đã và đang xảy ra với ngôn ngữ trung lập. Có thể thấy nội dung những bài báo này ít có tính định hướng người đọc nên suy nghĩ theo hướng nào mà là để họ tự xử lý phân tích và đưa ra nhận xét.
Phóng viên Euan McKirdy của CNN theo tàu cảnh sát biển Việt Nam tường thuật sự việc tại biển Đông đã nói “với trách nhiệm của một phóng viên độc lập, tôi đã có mặt để phản ánh một cách trung thực và khách quan nhất tới độc giả”. Nội dung bài báo mới nhất đăng tải trên CNN hôm 30-5-2014, McKerdy đã viết: “Trong một buổi chiều đầy nắng và yên bình giữa biển, những gì đang xảy ra như một trận đánh nhỏ sống động, đan xen giữa sự hung hăng của Trung Quốc và sự bình tĩnh từ phía Việt Nam khi đưa ra thông báo rằng Trung Quốc đang vi phạm luật pháp quốc tế. Tiếng còi báo hiệu và còi rú báo động reo lên inh ỏi và chói tai”.
Tờ New York Times ngày 27-5-2014 trong bài viết về vụ việc tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm lại sử dụng ngôn ngữ trung dung kèm theo video của người phát ngôn Trung Quốc. Do vậy, dẫu vẫn nên liên tục cung cấp thông tin cho truyền thông quốc tế, Việt Nam cũng đừng mong đợi quá nhiều là họ sẽ sử dụng ngôn từ ủng hộ cho chúng ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét