Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014

Sốc: Tăng thu ngân sách 12-14% mới đảm bảo trả nợ

Các bác thử nghĩ xem đám quan chức tài chính có khốn nạn không. Mồm cứ xoen xoét nợ công luôn trong ngưỡng an toàn. An toàn gì mà mới theo con số nợ ước rất thấp so với nhiều nguồn khác và lệch chuẩn theo thông lệ quốc tế, vẫn sẽ phải đạt tăng thu 12-14%/năm, cân đối ngân sách nhà nước vững chắc, bội chi hợp lý và dành khoảng 20% tổng thu ngân sách nhà nước để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ. Thế này thì nguy rồi, đã vượt ngưỡng an toàn rồi. Ta biết GDP chỉ tăng trưởng 5-6% mối năm. Nếu không có lạm phát thì thu ngân sách chỉ được tăng 5-6%, nếu có lạm phát 5-6% thì hy vọng thu tăng 10-12%, thấp hơn con số 12-14% nêu trên. Đó là chưa kể hiện nay đất nước đang trong tình trạng sưu cao thuế nặng, cần giảm tỷ lệ huy động ngân sách trên GDP, tức là tốc độ tăng thu phải chậm lại. Vậy thì chỉ có cách duy trì tỷ lệ lạm phát cao để vừa đánh tụt của cải tích lũy và mồ hôi xương máu lao động hàng ngày của dân (thuế lạm phát), vừa đảm bảo tăng thu ngân sách 12-14%/năm. Tình trạng ngân sách bên bờ vực thẳm thế này thì XỢ quá (1 bạn gái tuổi U40 của tôi thích viết sai chính tả như vậy để gây ấn tượng), chỉ cần một biến động lớn như thiên tai, mất mùa, động đất, chiến sự... lập tức nền kinh tế sẽ tự do rơi xuống vực thẳm. Đất nước sẽ phải cầu viện IMF, WB và các nước lớn, và kèm theo là mất chủ quyền kinh tế. Nhìn ảnh bác Dũng trợn mắt nhìn tương lai thấy thương quá. Không phải lỗi ở bác; bác mới đến nhậm chức được hơn 1 năm. Nghe nói bác Bộ trưởng tiền nhiệm tiêu tiền ngân sách như đại thiếu gia Tàu sang Las Vegas đánh bạc.

Tăng thu ngân sách 12-14%/năm mới đảm bảo trả nợ
"Nếu so với GDP thì tỷ lệ nợ công năm 2012 là 50,8% và ước tính của 2013 là 54,1%. “Do vậy, áp lực về vay mới để trả các khoản vay cũ trong nước là tương đối lớn”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhìn nhận. Cụ thể, phải đạt tăng thu 12-14%/năm, cân đối ngân sách nhà nước vững chắc, bội chi hợp lý và dành khoảng 20% tổng thu ngân sách nhà nước để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ.


Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.
NGUYÊN HÀ: Được chọn đăng đàn đầu tiên trước Quốc hội tại hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn bắt đầu từ chiều 10/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa có văn bản báo cáo về các nhóm vấn đề Quốc hội đã lựa chọn, trong đó có nợ công.


Báo cáo nêu rõ, theo số tuyệt đối, nợ công trong những năm gần đây có xu hướng tăng. Tuy nhiên, nếu so với GDP thì tỷ lệ thay đổi không nhiều, lần lượt qua các năm 2010 là 51,7%, 20111 là 50,1%, đến 2012 là 50,8% và ước tính của 2013 là 54,1%.

Nợ công hiện ở dưới mức theo nghị quyết của Quốc hội là 65%, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.

Về nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng nợ công trong thời gian qua, Bộ trưởng lý giải, trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn vốn của Nhà nước tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế cho đầu tư phát triển còn chưa lớn, để có nguồn vốn đáp ứng cho nhu cầu phát triển của đất nước, cần phải huy động nguồn tài chính bổ sung cho đầu tư phát triển, đặc biệt là cơ sở hạ tầng.

Liên quan đến cơ cấu nợ công, vấn đề nằm trong lo lắng của không ít vị đại biểu, báo cáo cho biết khoảng 50% là nợ nước ngoài với điều kiện vay cơ bản là ưu đãi với thời gian đáo hạn còn lại khoảng 15 năm. 50% còn lại là khoản vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn phần lớn nằm trong khoảng từ 2-5 năm.

“Do vậy, áp lực về vay mới để trả các khoản vay cũ trong nước là tương đối lớn”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhìn nhận.

Đề cập nguyên nhân, ông Dũng cho rằng chủ yếu là do thị trường vốn trong nước còn chưa phát triển, đối tượng mua trái phiếu Chính phủ phần lớn là các ngân hàng thương mại trong khi cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng này chủ yếu là không kỳ hạn hoặc có thời hạn ngắn.

Vẫn theo Bộ trưởng, hiện nay trên thế giới chưa có tiêu chí về phạm vi nợ công áp dụng chung cho các quốc gia, phạm vi nợ công của phần lớn các nước bao gồm nợ Chính phủ và nợ được Chính phủ bảo lãnh.

Còn đối với Việt Nam, theo quy định của Luật Quản lý nợ công hiện hành, nợ công đã bao gồm: nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương.

Riêng về nợ đọng xây dựng cơ bản, theo Bộ trưởng thì đây là khoản nợ phát sinh do cần thiết đẩy nhanh tiến độ một số dự án trọng điểm, do chấp hành kỷ luật tài chính ở một số nơi chưa nghiêm. Do vậy, cần thực hiện đúng nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Thủ tướng về việc thực hiện việc cân đối vốn dự toán để thanh toán các khoản nợ đọng của các công trình trong danh mục đã được phê duyệt. Phấn đấu tăng thu để có nguồn xử lý nợ đọng ở lĩnh vực này.

Nợ của doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ bảo lãnh luôn là vấn đề khiến nhiều vị đại biểu lo lắng.

Bộ trưởng cho biết, các khoản nợ này và nợ vay về cho vay lại của Chính phủ đều đã được tính trong phạm vi nợ công. Riêng các khoản vay nợ của doanh nghiệp không được tính trong nợ công bởi doanh nghiệp là người trực tiếp đi vay nợ để đầu tư và có nghĩa vụ trả nợ. Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm trả nợ.

Khả năng cân đối nguồn trả nợ cũng là nội dung nằm trong nhóm vấn đề dành cho Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng.

Bộ trưởng trình bày, với tổng mức dư nợ công hiện nay (54,1% GDP) và dự kiến bội chi ngân sách nhà nước đến 2015 và giai đoạn 2016-2020 để đảm bảo khả năng trả nợ cần phải thực hiện những nhiệm vụ quan trọng.

Đó là, thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách phải đạt yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ đề ra trong chiến lược phát triển ngành tài chính đến 2020 và kế hoạch 5 năm 2011-2015.

Cụ thể, phải đạt tăng thu 12-14%/năm, cân đối ngân sách nhà nước vững chắc, bội chi hợp lý và dành khoảng 20% tổng thu ngân sách nhà nước để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ.

Mặt khác, các khoản vay bù đắp bội chi cơ bản chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển và thực hiện quản lý, sử dụng hiệu quả, giải ngân đúng tiến độ, đúng quy định. Cơ bản không vay nước ngoài thương mại, lãi suất cao, thời gian ngắn, kể cả đối với các khoản vay về cho vay lại.

Nâng cao hiệu quả quỹ tích lũy trả nợ để đảm bảo nguồn trả nợ của các khoản vay về cho vay lại, định kỳ đánh giá những rủi ro của nợ công để có biện pháp xử lý kịp thời và cơ cấu lại nợ một cách hiệu quả cũng là một nhiệm vụ quan trọng khác.

Ở các giải pháp chủ yếu giảm nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng “hứa” sẽ tập trung xử lý các khoản nợ vay về cho vay lại trong quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét