Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014

Việt Nam báo cáo LHQ về nhân quyền

Đọc cho vui, cho tạm quên thực trạng hàng ngày:
Việt Nam báo cáo LHQ về nhân quyền
- 8h30 tối nay (giờ VN), sau Báo cáo quốc gia theo cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 2, Việt Nam sẽ đối thoại với các nước tại HĐ Nhân quyền LHQ về các biện pháp thúc đẩy quyền con người trên thực tế.
Đoàn đại biểu Việt Nam nhận lời chúc mừng từ đại biểu các nước 
sau khi trúng cử HĐ Nhân quyền LHQ tháng 11/2013. Ảnh: TTXVN
Người dân thảo luận hàng ngày chuyện chính trị, kinh tế
Trong bản báo cáo gửi đến HĐ Nhân quyền LHQ, được công khai trên website của hội đồng này, chính phủ VN cho biết những việc đã làm trong thực hiện các quyền con người về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa.

Theo đó, các quyền tự do ngôn luận, báo chí và thông tin được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật, được đảm bảo tốt hơn nhờ truyền thông đại chúng phát triển nhanh và đa dạng.

"Các cuộc thảo luận và giải trình về các cơ chế, chính sách, các hội thảo và tranh luận về các chính sách của nhà nước ở Quốc hội cũng như trong toàn quốc được thông tin trên cả nước trong mọi lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước với sự tham gia của tất cả các tổ chính chính trị - xã hội và người dân, là thực tế đang diễn ra hàng ngày đối với mọi người dân Việt Nam", báo cáo nêu.

Các ví dụ được đưa ra là việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và việc đưa luật Tiếp cận thông tin vào chương trình làm luật của QH khóa 13.

Bên cạnh số lượng lớn cơ quan báo chí trong nước và đại diện các tổ chức truyền thông nước ngoài và các nhà báo đang hoạt động ở Việt Nam, báo cáo cũng nhận định "báo chí đã trở thành diễn đàn cho nhiều tổ chức xã hội và dân sự và là công cụ quan trọng bảo vệ xã hội, các quyền tư do và công dân".

"Mọi công dân đều có quyền nói lên nguyện vọng của mình, thể hiện quan điểm chính trị hay đóng góp vào tất cả các vấn đề chính trị, kinh tế-xã hội và văn hóa thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng khác nhau. Nhiều cơ quan báo chí tích cực điều tra và đấu tranh chống tham nhũng, các hành vi vi phạm nhân quyền, quyền công dân và các biểu hiện tiêu cực khác", báo cáo cho biết khi sửa luật Báo chí sắp tới sẽ có chế tài đối với các cơ quan nhà nước từ chối cung cấp thông tin cho báo chí.

Báo cáo cũng nhấn mạnh tốc độ phát triển nhanh của Internet ở Việt Nam, với số lượng người dùng đứng thứ 3 ở Đông Nam Á và thứ 8 ở châu Á.

Về quyền tự do hội họp, lập hội, báo cáo nêu: Bên cạnh việc ghi nhận quyền này trong Hiến pháp và pháp luật, chính phủ còn ban hành Nghị định 45 năm 2010 về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Các luật về hội và biểu tình cũng đang được soạn thảo.

Báo cáo cũng nói về các quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng; quyền của người đang chấp hành án phạt tù; quyền được xét xử công bằng; cũng như các quyền về kinh tế, xã hội và văn hóa (đảm bảo an sinh xã hội; phát triển thị trường lao động, thúc đẩy việc làm; xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo nhà ở cho người thu nhập thấp; chăm sóc y tế, giáo dục) và quyền của các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương (người cao tuổi; bình đẳng giới và đảm bảo quyền của phụ nữ; trẻ em; người khuyết tật; người dân tộc thiểu số).

Quốc tế quan tâm


Chuẩn bị cho phiên thảo luận, một số nước gửi trước câu hỏi, xoay quanh các vấn đề vốn là tâm điểm đối thoại nhân quyền giữa Việt Nam và quốc tế thời gian qua.

Việc đảm bảo, thực thi và thúc đẩy các quyền về tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin, đặc biệt là thông tin trên Internet là mối quan tâm chung của các nước Hà Lan, Đức, CH Séc, Bỉ, Mexico, Hoa Kỳ và Anh.

Trong khi đó, việc xúc tiến các cơ chế pháp lý để cụ thể hóa quyền tự do lập hội và biểu tình đã được quy định trong Hiến pháp, cũng như phát huy vai trò của các tổ chức xã hội dân sự, được các nước Canada, Đức, CH Séc, Hoa Kỳ và Anh quan tâm.

Các nước Đức, CH Séc, Bỉ, Mexico, Anh, Nauy và Thụy Sĩ kiến nghị xem xét việc duy trì án tử hình...

Các quyền về bình đẳng giới, đảm bảo quyền của phụ nữ và trẻ em gái, chống các hành vi vi phạm các quyền này cũng được một số quốc gia nêu lên. Bên cạnh đó là việc đảm bảo tốt hơn nữa trong thực tiễn quyền của các nhóm yếu thế như dân tộc thiểu số, trẻ em, những người thuộc giới tính thứ ba (LGBT)...

Phiên báo cáo và thảo luận này sẽ kéo dài ba tiếng rưỡi tại trụ sở HĐ Nhân quyền LHQ, thành phố Geneva, Thụy Sĩ.

Chung Hoàng
http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/160321/viet-nam-bao-cao-lhq-ve-nhan-quyen.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét