Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2014

Tỉ dụ mùa xuân

Tỉ dụ mùa xuân
khanh bt - Tôi biết rằng dù thế nào đi nữa tôi cũng sẽ sống cùng anh theo cách mà anh đang sống. Bởi đơn giản là tôi yêu anh. Tôi sẽ theo anh đi hết cuộc đời này
Có khi tôi gọi đùa anh bằng cái tên: “Tỉ dụ”. Bởi anh thường bắt đầu những câu chuyện với tôi bằng hai chữ: “Tỉ dụ”. Ngay khi anh hỏi cưới tôi, anh cũng nói như thế này: “Tỉ dụ anh lấy em làm vợ. Em lên thành phố ở với anh được không?”. Tôi nhớ đến câu ca dao nội tôi vẫn thường ngâm nga, tôi đọc cho anh nghe: “Đi đâu cho thiếp theo cùng. Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam”. Anh vỗ tay cười khoan khoái giống như anh vừa uống xong một ly bia khi đang khát nước.
“Hay. Quá hay. Anh phải đọc thêm câu thơ này cho em nghe: Khi lấy anh em nhớ mang theo cái cưa. Mang theo cái đục, mang theo cái dùi. Cưa để làm gì, để cưa đôi chân. Đục để làm gì, để đục đôi mắt. Còn cái dùi… đố em để làm gì?”. Tôi đỏ mặt khi anh đọc những câu thơ này, hình như là của ông Nguyên Sa nhưng anh đã cải biên ít nhiều. Thế là tôi bỏ làng quê của mình về làm vợ anh.

Tôi với anh gần như chưa kịp có những buổi hẹn hò thì anh đã đưa tôi về trong căn nhà rộng thênh thang, có quá nhiều cánh cửa mở ra ở nhiều ngõ khác nhau, có nhiều thứ tiện nghi nhưng lại thiếu cây xanh và tiếng chim hót. Bạn bè nói với tôi rằng tôi là một người rất hạnh phúc. Không hạnh phúc sao được khi những cô gái ở làng quê nghèo như tôi gần như lớn lên, dù có nhan sắc hay không có nhan sắc, đều không thể nào thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn là đến tuổi lấy chồng, lấy một thanh niên trong xóm. Rồi cả cuộc đời đôi mắt ngước nhìn không thoát khỏi lũy tre làng.

Lúc đầu, tôi cũng chẳng chú ý tới anh. Bởi có thể anh xa lạ và cao sang quá so với một cô gái quê như tôi. Hôm đó anh ghé làng để tìm người thợ gỗ có tay nghề về thành phố sửa chữa lại ngôi đền cổ nghe nói đã được công nhận là di tích quốc gia. Nhà tôi ở đầu ngõ, nơi có cây me to như nó được trồng từ ngàn năm về trước. Tôi dựng một túp lều nhỏ dưới gốc me, bên cạnh hàng nước của bà Lệ để may vá. Chả là tôi đã học may từ chị Thơm, chủ một tiệm may trong làng. Nghề may dù sao cũng nhàn hạ hơn nghề cuốc đất, trồng lúa.

Anh dừng chiếc xe gắn máy ngay dưới gốc cây me, kêu một chai nước ngọt uống, rồi bắt chuyện với bà Lệ: “Bà có biết ông Đỗ thợ mộc không?”. Ông Đỗ thợ mộc tức là tên của ba tôi. Tôi nghe nói ngày xưa, ba luôn tha phương ở nhiều nơi để làm nhà. Ngay cả khi mẹ tôi sinh tôi, cũng chẳng có ba bên cạnh. Giờ đây thì ba già lắm rồi nên ba không còn đi lang thang như ngày xưa nữa. Chính câu hỏi của anh khiến tôi phải ngưng đạp máy may ngước đầu nhìn. Lúc đó bà Lệ nói như reo lên: “Cậu gặp may rồi. Cô Phấn thợ may kia chính là con gái út của ông Đỗ thợ mộc”.

Người ta nói duyên chồng vợ giống như là định mệnh. Tôi tin như thế, bởi tôi không hề nghĩ một đứa con gái như tôi lại lấy được một ông chồng như anh. Tôi vốn quen với cách sống của miền quê mà tôi đã được sinh ra và lớn lên. Theo anh về phố là bởi trong thẳm sâu của trái tim tôi anh là bóng của một cây đại thụ, tôi là cây nhỏ nương vào bóng cây kia. Chính những chạm khắc, hoa văn điêu khắc cổ đã níu anh lại gần bên tôi. Khởi đầu những gặp gỡ giữa anh và ba tôi gần như chỉ là công việc.

Tôi đâu biết rằng anh ngồi ăn chung mâm bữa cơm đạm bạc với gia đình tôi, với những món ăn dân dã: cá rô kho, rau bí luộc, rau lang luộc và bát canh cua bằng nguyên liệu ở ruộng gần nhà và trong vườn, là cách chinh phục trái tim người con gái còn khờ khạo như tôi. Anh ôm tôi trong tiếng lá tre đan nhau tạo ra những âm thanh lạ: “Tỉ dụ em sinh ra đứa con gái đầu lòng thì em đặt tên là gì?”. Tôi buột miệng: “Thanh Trúc”. Anh cười đắc ý: “Thì ra là em nhìn tre mà đặt tên con, hay đó. Anh sẽ cho con đi học thiết kế thời trang. Còn mẹ nó sẽ mở một tiệm may, chuyên may những bộ đồ mốt”.

Bạn bè của anh là dân thành phố. Họ xa lạ với tôi vô cùng. Có khi anh sợ tôi buồn, đưa tôi đến vũ trường, ở nơi người ta vung tiền ra để mua một chai rượu bằng hơn cả tháng tôi ngồi may vá. Tôi ngồi trên chiếc salon nơi góc vũ trường. Bạn anh đưa tay: “Chị nhảy với tôi bài này?”. Tôi lắc đầu: “Em không biết nhảy”. Anh phụ họa: “Em cứ nhảy đi. Điệu sì lô đó mà. Chỉ bước chầm chậm là được”. Tôi khó chịu đến mức độ kỳ lạ khi bàn tay của một người đàn ông không phải là anh choàng qua vòng eo tôi. Bản nhạc chỉ năm phút mà tôi có cảm giác như nó kéo dài cả ngày trời.

Anh yêu tôi, anh muốn tôi thoát khỏi cái vỏ quê mùa. Anh muốn tôi hòa nhập vào cùng guồng máy anh đang sống. Khi anh tặng tôi thỏi son môi đắt tiền, thậm chí anh mang về cho tôi chiếc áo ngực mắc tiền “nước chạy lên chạy xuống” mà tôi thường xem quảng cáo trên ti vi, tôi chẳng biết dùng nó để làm gì? Tôi nói với anh: “Sao em cảm thấy lạc lõng ở đây quá”. Anh ôm tôi vào lòng: “Lạc lõng à? Thì em thích dạo phố. Thích mua sắm hay thích làm gì tùy em. Thỉnh thoảng em cũng có thể về thăm ba mẹ cho đỡ buồn cũng được”.

Thật ra thì tưởng chừng không bận bịu gì mấy khi làm vợ anh, nhưng rồi những công việc không tên tuổi cứ lôi kéo khiến tôi không kịp về thăm ba mẹ. Mẹ nhắn: “Có bận cách mấy thì cũng nhớ ghé qua nhà ngày tết để còn thắp nén nhang cho ông bà”. Nhà tôi vẫn thường tề tựu đông đủ trong những ngày tết. Mẹ cúng đủ ba ngày tết. Mãi đến mùng bốn tết mới cúng tiễn ông bà đi. Tôi nói: “Tết thì người ta đi thăm hàng xóm, đi chùa hay đi đâu đó. Mẹ cứ lao vào bếp mất cả mùa xuân”. Mẹ xỉa tay vào trán tôi: “Vài bữa cô lấy chồng rồi quên giỗ chạp ông bà hết cho mà coi”.

Rồi tôi theo anh về lại con đường làng nhỏ trong mùa xuân. Vẫn cây me cổ thụ tỏa bóng mát ngày nào tôi gặp anh. Chỉ có khác đi là từ ngày tôi theo anh về thành phố, tiệm may nhỏ của tôi đã đóng cửa. Ba tôi lại đi theo một đoàn nghiên cứu nào đó để trùng tu lại những ngôi nhà cổ. Mẹ đang lặt rau trong ánh nắng chiều xiên nghiêng trên những gốc cau trước nhà. Anh mang theo đủ mọi thứ lỉnh kỉnh để “ăn tết nhà quê”. Tôi cười với anh: “Anh làm như ở nhà ba mẹ không cho anh ăn tết thì phải?”. Mẹ hỏi tôi khi tôi bước chân vào ngạch cửa: “Thằng chồng con sống có tốt với con không?”. Tôi cười với mẹ: “Ảnh thương con lắm mẹ ơi”. Rồi mẹ hỏi tiếp: “Tụi mày ăn tết ở đây chớ?”.

Anh lăng xăng lít xít ra vườn, nhìn những cây mai đã lặt hết lá, hít hà: “Con định về lặt lá mai phụ mẹ?”. Mẹ phì cười: “Người ta lặt lá mai từ mùng 10 tháng chạp lận con. Đợi con lặt thì ra giêng mới ra hoa”. Anh thích thú ngồi bệt xuống đất học gói bánh tét. Anh thật sáng dạ, chỉ mới học mà gói thật nhanh. Tôi nhại giọng anh: “Tỉ dụ thất nghiệp anh gói bánh tét em đi bán há?”. Mùng hai tết, anh nói: “Hay là hết tết này em đem mẹ lên ở chung cho đỡ buồn”. Tôi chưa kịp trả lời thì anh nói tiếp: “Tỉ dụ mẹ không đồng ý thì em đẻ cho bà một đứa cháu để bà bồng cho vui”.

Tôi biết rằng dù thế nào đi nữa tôi cũng sẽ sống cùng anh theo cách mà anh đang sống. Bởi đơn giản là tôi yêu anh. Tôi sẽ theo anh đi hết cuộc đời này với những câu tỉ dụ của anh, và như câu ca dao ngày nào: “Đi đâu cho thiếp theo cùng”. Và cả những câu thơ của Nguyên Sa: “Khi lấy anh em nhớ mang theo cái cưa…”. Tôi về với anh bằng những câu thơ của Nguyên Sa và cả những câu chuyện anh thường bắt đầu bằng hai chữ “Tỉ dụ”. Nhưng tỉ dụ một ngày tôi lạc mất anh thì sao? Tôi chưa bao giờ nghĩ tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét