Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014

Tại sao Ukraine bị khủng hoảng?

Tại sao Ukraine bị khủng hoảng?
Vì sao bạo động đẫm máu đang xảy ra tại nước cộng hòa Ukraine ở Đông Âu? Câu trả lời tóm tắt là do hai yếu tố chính: Rủi ro không thể tránh trong sinh hoạt dân chủ và vai trò của các cường quốc.
Một người biểu tình trong cuộc xung đột đẫm máu với cảnh sát ở 
công trường Độc Lập, thủ đô Kiev, Ukraine. (Hình: AP/Sergei Chuzavkov)
Thể chế dân chủ chỉ ổn định với trình độ dân trí cao, người dân có mức sinh hoạt khá, hệ thống pháp luật đầy đủ, và phải trải qua một quá trình thực thi lâu dài. Có nhiều tình huống để cho những thế lực hay cá nhân lạm dụng giành được chính quyền chẳng hạn như bằng gian lận bầu cử và chiếm giữ đặc quyền đặc lợi.

Đồng thời sự bất đồng ý kiến lúc nào cũng có và phía đối nghịch sẽ tìm mọi cách chống đối từ hợp pháp đến bất hợp pháp như tổ chức đảo chính. Người ta nhận thấy chưa một quốc gia nào mới bước vào sinh hoạt dân chủ có thể bình ổn ngay sau một thời gian ngắn, mà phải tiến triển qua nhiều chuyển hóa trong hàng chục hay trăm năm.

Ukraine là đất nước có lịch sử lâu dài nhiều ngàn năm với những thời kỳ phát triển tốt dẹp nhưng chưa thành một quốc gia thống nhất và luôn luôn bị xâm lăng, chia cắt bởi các nước hay đế quốc lân bang. Bao gồm nhiều sắc dân và đa ngôn ngữ, Ukraine chỉ thật sự là thực thể chính trị qua danh nghĩa một nước Cộng Hòa Xô Viết trong Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết. Sau khi Liên Xô sụp đổ, năm 1991 Ukraine chính thức trở thành một quốc gia có đầy đủ chủ quyền, độc lập và theo chế độ dân chủ.

Thoạt đầu Ukraine được xem là là nước có nhiều điều kiện thuận lợi về chính trị và kinh tế hơn tất cả các nước cộng hòa Xô Viết cũ nhưng tiếp theo đó trong thời Tổng Thống đầu tiên Leonid Kravchuk nền kinh tế sa sút trầm trọng. Cuộc bầu cử năm 1996 đưa Leonid Kuchma lên làm Tổng Thống, tuy nhiên ông bị phía đối lập phê phán về tham nhũng, dành đặc lợi cho phe cánh mình, gian lận bầu cử, tập trung trong tay nhiều quyền hành và hạn chế tự do dân chủ.

Năm 2004, Thủ Tướng Viktor Yanukovich đắc cử Tổng Thống qua một cuộc bầu cử được xem là có nhiều sắp xếp trước. Quần chúng quay sang ủng hộ ứng cử viên đối lập Viktor Yushchenko và cuộc cách mạng ôn hòa được gọi là Cách Mạng màu Da Cam diễn ra, Yushchenko trở thành Tổng Thống và bà Yulia Tymoshenko là Thủ Tướng. Năm 2006, Yanukovich trở lại quyền lực ở vị trí Thủ Tướng trong Liên Minh Đoàn Kết Quốc Gia và đắc cử Tổng Thống năm 2010 với 48% phiếu cử tri.

Vì sao Yanukovich được bầu trở lại? Đó là sự phức tạp của tình hình chính trị Ukraine. Đất nước này có hai vùng dân tộc khác nhau và xu hướng chính trị khác nhau. Vùng phía Tây, dân chúng nói tiếng Ukraine, Ba Lan, Đức trong khi vùng phía Đông và Đông Nam dân chúng nói tiếng Nga. Yanukovich được sự ủng hộ mạnh mẽ của dân Ukraine nói tiếng Nga và có khuynh hướng thân thiện với Nga trong khi dân chúng vùng phía Tây thiên về phía Âu Châu.

Kể từ khi Ukraine độc lập, ý định của Âu Châu và Hoa Kỳ muốn đưa quốc gia này vào quỹ đạo Tây Phương trong khi Nga muốn duy trì ảnh hưởng cũ của mình, là nguyên nhân tác động đến nội tình chính trị Ukraine.

Nước Cộng Hòa Xô Viết Ukraine là một thành viên Liên Hiệp Quốc từ 1945 khi Tây Phương thỏa thuận với Liên Xô để cho một trong 15 nước cộng hòa Xô Viết là một thành viên độc lập cùng lúc với Liên Xô. Ukraine cũng đã là hội viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An và tích cực tham gia vào công tác quốc tế trong Lực Lượng Bảo Vệ Hòa Bình Liên Hiệp Quốc, chiến dịch Iraq và chống hải tặc Somalia. Dù coi việc hội nhập với phương Tây là một mục tiêu chiến lược, Ukraine vẫn muốn duy trì bang giao thân hữu với Nga và quân bình quan hệ kinh tế, mậu dịch, đặc biệt là nhu cầu dầu khí mua của Nga.

Năm 1998. Ukraine ký hiệp định hình thành quan hệ đối tác với Liên Âu, và có thể trở thành một thành viên của Liên Âu trong tương lai, nhưng không xác định hạn kỳ. Cũng như vậy, Ukraine lập quan hệ mật thiết với NATO và có ý định gia nhập NATO. Sự kiện này bị Nga chỉ trích và chống đối vì cho rằng phương hại đến nền an ninh của Nga. Năm 2010 khi đắc cử Tổng Thống, Viktor Yanukovych đã loại bỏ lộ trình này trong chính sách ngoại giao của ông.

Những diễn biến phức tạp ấy đi tới chỗ trầm trọng và khủng hoảng xảy ra từ tháng 11 năm ngoái khi Tổng Thống Yanukovych đột ngột khước từ gia nhập Liên Âu và ký kết thỏa hiệp mậu dịch tự do như các chính quyền trước đã thỏa thuận từ lâu. Thay vào đó ông quan hệ chặt chẽ hơn với Nga và chấp nhận sự tài trợ.

Những phe phái thân Tây Phương coi động thái của Yanukovych là sự phản bội lợi ích quốc gia Ukraine để củng cố quyền lực cá nhân, duy trì hành động tham nhũng và dành đặc quyền cho những đồng minh chính trị thân tín của mình. Các cuộc biểu tình chống đối xảy ra liền sau đó, thoạt đầu còn ôn hòa nhưng dần dần thêm căng thẳng và bạo động bùng phát.

Ngày 30 tháng 11, cảnh sát đàn áp một cuộc biểu tình, bắt giữ 35 người. Hình ảnh của sự đán áp khích động phe phái đối lập và tới ngày 1 tháng 12 gần 300,ooo dân chúng xuống đường ở thủ đô Kiev, chiếm giữ tòa thị sảnh.

Sau chuyến công du của Tổng Thống Yanukovych qua Moscow, Tổng Thống Vladimir Putin loan báo hôm 17 tháng 12 là Nga sẽ mua lại $15 tỷ trái hiếu ngân khố Ukraine và hạ giá khí đốt bán cho Ukraine. Cả hai Tổng Thống Putin và Yakunovich đều khẳng định là không có điều kiện gì ràng buộc trong những biện pháp này.

Ngày 22 tháng 1, hai người biểu tình tử thương vì trúng đạn của cảnh sát và là thương vong đầu tiên trong phong trào biều tình.

Một tuần sau đó, Thủ Tướng Ukraine từ chức và Quốc Hội thân Yanukovych rút lại đạo luật chống biểu tình, nhưng hai biện pháp nhượng bộ này của chính quyền tỏ ra không có hiệu quả.


Ngày 31 tháng 1, Dmytro Bulatov, một lãnh tụ đối lập mất tích từ 10 ngày trước, tái xuất hiện với nhiều vết bầm trên thân thể và tai bị cắt đứt một mảnh. Ông cho biết đã bị một nhóm lạ mặt bắt cóc tra tấn và tin rằng đây là một nhóm thân Nga hành động với mục đích răn đe cảnh cáo.

Ngày 16 tháng 1 phe đối lập chấm dứt sự chiếm giữ tòa thị sảnh để đổi lấy việc phóng thích toàn thể 234 người biểu tình đã bị bắt giữ. Nhưng tiếp theo chuyển hướng có triển vọng hòa hoãn này, tối 18 tháng 2, cảnh sát mở chiến dịch dồn người biểu tình chiếm đóng trên nhều đường phố về công trường Độc Lập là cứ điểm hoạt dộng của họ và bạo loạn xảy ra với ít nhất 26 người thiệt mạng trong đó có 10 cảnh sát. Bạo loạn tiếp diễn trong hai ngày tiếp theo, hỏa lực được cả hai phía sử dụng làm cho số thương vong lên tới hàng trăm.

Đòi hỏi từ phía biểu tình là không gì có thể khác hơn sự từ chức của Tổng Thống Yanukovych. Ngược lại ông cũng tỏ ra sẽ kiên quyết chiến đấu tới cùng.

Tổng Thống Obama đang công du Mexico lên án sự đổ máu ở Ukraine và kêu gọi cả hai phía kiềm chế. Ông yêu cầu Tổng Thống Yanukovych không đưa quân đội can thiệp vào vụ xung đột và đồng thời nhắc nhở phía biểu tình “đừng vượt quá ranh giới quyền hạn của họ”. Bộ ngoại giao Hoa Kỳ phủ nhận sự dính dáng vào nội tình Ukraine.

Các nước Liên Âu họp khẩn cấp ở Brussels ngày Thứ Năm để tìm kiếm khả năng can thiệp bằng ngoại giao và đồng thời xem xét việc thi hành những biện pháp trừng phạt. Liên Âu hy vọng rằng biện pháp cấm các giới chức cùng những 'đại gia” kinh tế chính trị xuất ngoại và phong tỏa tài sản ở Âu Châu của họ sẽ khiến các người này phải áp lực Tổng Thống Yanukovych thay đổi đường lối. Tuy nhiên các quan sát viên không tin rằng Hoa Kỳ và Liên Âu có chính sách nào hiệu quả tại Ukraine.

Trong khi đó Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov lên án Tây Phương “khuyến khích phe đối lập hành động ngoài pháp luật”. Lên tiếng trên đài truyền hình Kuwait ông nói: “Chúng tôi không muốn áp đặt điều gì như các đối tác Tây Phương của chúng tôi đã làm”. Bộ Ngoại Giao Nga cho rằng những kẻ đối nghịch dùng bạo lực theo kiểu Quốc Xã Đức cướp chính quyền năm 1933.

Ukraine với 48 triệu dân sống trên đất nước 600,000 km2, gấp hai lần Việt Nam, là nước có diện tích lớn nhất hoàn toàn trong lãnh thổ Âu Châu (phần lớn Liên Bang Nga nằm trên lãnh thổ Á Châu). Ukraine đất đai phì nhiêu từng được coi là vựa lúa mì ở Âu Châu, đứng hàng thứ ba trên thế giới về xuất cảng bột mì. Trong thời kỳ Xô Viết, Ukraine tập trung nhiều công xưởng kỹ nghệ và sản xuất vũ khí cho khối Liên Xô. Xưởng chế tạo máy bay Antonov ở Ukraine sản xuất nhiều loại máy bay vận tải có danh tiếng. Sergei Korolev, kỹ sư hỏa tiễn là người cầm đầu chương trình vũ trụ của Liên Xô trong thời kỳ chạy đua không gian với Hoa Kỳ từ thập niên 1950 và 1960.

Nga hiện nay còn thuê căn cứ Sevastopol của Ukraine, làm bản doanh của hạm đội Hắc Hải.

Và giới hâm mộ môn bóng đá đều đã từng quen thuộc với các tên câu lạc bộ Dynamo Kiev và Oleh Blokhin thủ môn được xem là xuất sắc nhất thế giới. Cùng với Ba Lan, Ukraine đã đứng tổ chức giải Euro 2010.

Hà Tường Cát
(Người Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét