Để đừng ai “được như” và “bị như” Dương Chí Dũng
Một người học vấn trung bình, từng đi lao động xuất khẩu ở Đức, nghĩa là về trí tuệ, tư duy không lấy gì làm xuất sắc, nhưng lại có một gia đình khá quyền thế. Cứ thế, con đường quan lộ của DCD mở ra thênh thang, sau khi đã có bằng… “tiến sĩ”. Hoặc là phải “chạy chọt”, mua bán, hoặc là được đẩy lên kiểu “trong guồng”. Rút cục, cái giá phải trả không phải là DCD, mà là xã hội. Đó mới là điều cay đắng!
Một vụ án tham nhũng, nhưng chứa
đựng đằng sau nó những “ung nhọt” khác.
Ngày 16.12.2013, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án sau ba ngày xét xử vụ Dương Chí Dũng, nguyên cục trưởng cục Hàng hải Việt Nam, nguyên chủ tịch tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và những người liên quan. Qua vụ này, thử nhìn lại chính sách nhân sự, một vấn đề mà người ta nói có vẻ rất hay nhưng làm thì vô cùng dở.Thông tin trên báo chí cho biết ông Dương Chí Dũng sinh năm 1957; đã tốt nghiệp phổ thông trung học nhưng thi không đỗ đại học; ông đi xuất khẩu lao động sang Đông Đức nhưng làm ở đó vài năm thì về nước do hai nước Đức thống nhất; sau đó ông làm việc tại văn phòng Công đoàn Hải phòng và năm 1994 vào làm việc tại Liên hiệp các xí nghiệp nạo vét (tổng công ty Xây dựng đường thủy sau này) và trong thời gian này ông bắt đầu học tại chức tại đại học Hàng hải.
Để cho đừng ai “được như” và “bị như” Dương Chí Dũng phải thay đổi cơ chế cán bộ đó. Vì khi nó vẫn còn thì có dẹp một ông Dũng thì lại sinh ra mười ông Dũng khác.
Chắc ông tốt nghiệp phổ thông khoảng năm 1975-1977 và đi lao động ở Đức vào cuối các năm 1980 khi đã ở tuổi 30. Không rõ trong khoảng 10 năm, từ tuổi 20 đến 30 ông đã làm gì. Nếu chăm chỉ làm việc chắc ông cũng đã có thể trở thành một công nhân tử tế. Nhưng ông lại là con của giám đốc công an Hải Phòng khi đó. Ông đã được sang Đức lao động. Do hai nước Đức thống nhất nên ông về nước và xin được việc làm tầm thường cho đến tận 1994 (ở tuổi 37). Từ những thông tin này có thể thấy đến tuổi 40 ông chưa thể hiện là một người có tài, xuất sắc gì cả, may lắm là người trung bình.
Gần 20 năm sau khi tốt nghiệp phổ thông ông mới xin học đại học tại chức. Ba năm sau tốt nghiệp đại học (chắc vào khoảng 1997) và rồi làm luôn tiến sĩ (không rõ năm nào). Hoặc ông đã học rất nhiều trong khoảng 20 năm sau khi tốt nhiệp phổ thông, hoặc hệ thống giáo dục Việt Nam thực sự có vấn đề. Khả năng sau chắc hẳn cao hơn. Từ một người, như có thể thấy hẳn là không xuất sắc, sự nghiệp của ông thăng tiến một cách bất thường.
Năm 2003 ông được cất nhắc làm tổng giám đốc tổng công ty Xây dựng đường thủy. Khi tổng công ty này thua lỗ đầm đìa ông được cất nhắc lên làm tổng giám đốc Vinalines vào tháng 8.2005 và 2007 lên làm chủ tịch Vinalines, rồi đến năm 2012 làm cục trưởng cục Hàng hải Việt Nam. Đứng đầu hai tổng công ty bê bết nợ vẫn thăng tiến như rồng, đấy chẳng phải là dấu hiệu của hệ thống chính sách nhân sự lệch lạc?
Ngày 14.12.2013 ông được cho là đã nói những lời cuối cùng trước tòa: “về cố ý làm trái, mặc dù bị cáo đã trình bày do nhận thức và hiểu về văn bản, thông báo HĐQT công ty cho công ty về dự án sửa chữa tàu biển, thứ hai là hiểu ụ không phải là tàu nên đi đến quyết định đầu tư như vậy. Trong quá trình có thấy những sai sót, bị cáo với cương vị là chủ tịch HĐQT có phần trách nhiệm, khuyết điểm ở đây… Bị cáo sinh ra trong một gia đình nội, ngoại đều có truyền thống cách mạng. Bị cáo cũng đi theo con đường của gia đình, học hành, phấn đấu, cũng có chí, cầu thị, có 2 bằng đại học, bằng tiến sỹ kinh tế, được khen thưởng nhiều…”
Từ những lời trên có thể thấy bản thân ông Dũng nhận mình hiểu biết kém, tuy có đến hai bằng đại học và một bằng tiến sĩ, và điều đó khắc sâu mối nghi và nguy của hệ thống bằng cấp cũng như nhân sự ở Việt Nam.
Nó còn cho thấy lẽ ra ông đã có thể là một công nhân tử tế, nhưng có lẽ chính do là con ông cháu cha, nên ông đã được đẩy lên thành một người đầy bằng cấp và lãnh đạo cỡ lớn. Thảm họa là ở chỗ đó. Tôi mong đừng ai được “đẩy lên” như ông Dũng, vì chính cái đó làm cho người ta tha hóa đi.
Ông nhất quyết không tiết lộ trước tòa ai đã “lộ bí mật điều tra” khi báo cho ông bỏ trốn vì ông nói đã khai hết với cơ quan điều tra, ông cũng nhất quyết bác bỏ cáo buộc tội tham ô mà công tố viên đưa ra chống lại ông, ông chỉ nhận có sai sót, khuyết điểm và nhận một phần trách nhiệm. Ông từ chối cáo buộc tội tham ô, vì ông không nhận tiền, nhưng vợ ông thì nhận, như chính thú nhận của ông trong ngày 12.12.2013 tại tòa rằng “tiền mua căn hộ lấy từ vợ. Số tiền đó là do anh Sơn đưa cho vợ tôi, tổng số là hơn 10 tỷ đồng”.
Dương Chí Dũng chỉ là một trường hợp. Chúng ta có thể thấy nhiều ví dụ về một con người lẽ ra có thể là một công nhân tử tế, nhưng do nỗ lực “chạy chọt” của bản thân, hay do là “con ông cháu cha” được đẩy lên vị trí cao quá tầm hiểu biết của mình với những hệ quả thảm khốc cho bản thân, gia đình và xã hội. Có phần lỗi của đương sự, nhưng cái cơ chế “cán bộ” luôn được coi là quan trọng bậc nhất này đã tạo cơ hội cho những kẻ cơ hội kiếm chác, leo cao, rồi thành tội phạm, thậm chí nó còn tha hóa cả những người vốn tử tế và biến họ thành tội phạm.
Để cho đừng ai “được như” và “bị như” Dương Chí Dũng phải thay đổi cơ chế cán bộ đó. Vì khi nó vẫn còn thì có dẹp một ông Dũng thì lại sinh ra mười ông Dũng khác.
Nguyễn Quang A
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét