Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

Bực mình vì cái trò nịnh quan trên

Bực mình vì cái trò nịnh quan trên
Hàng chục học sinh của Trường Trung cấp Luật Đồng Hới, Quảng Bình đứng trong mưa lạnh để làm đội "tiêu binh" đón thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thuý Hiền vào làm việc với nhà trường. Chuyện xảy ra ngày 19.2 vừa qua. Người dân chứng kiến học sinh cầm cờ đứng chờ giữa trời lạnh chỉ để vẫy vẫy đón một quan chức, không ai không bực mình.

Các học sinh đội mưa rét đứng chờ đoàn của Thứ trưởng. Ảnh: Internet
Bực mình vì cái trò nịnh quan trên của cấp dưới. Có lẽ bà Thứ trưởng Nguyễn Thuý Hiền không chỉ đạo chuyện này, và chắc cũng không có nhu cầu phải được đón tiếp như quan phủ đi kinh lý ngày xưa. Có chăng là nhu cầu của quan sở tại. Họ phải tỏ ra rất kính trọng quan trên, để được lòng và để được những việc khác. Vì để được việc mình, họ sẵn sàng bắt học sinh phải đứng vẫy cờ bất chấp cái rét cắt da cắt thịt.

Bà Thứ trưởng chắc sẽ rất đau lòng khi ngồi trong xe hơi, nhìn ra cửa kính, thấy hai hàng học sinh đứng làm "tiêu binh" đón bà. Không biết bà có xuống xe bắt tay chào và cảm ơn các em hay không. Chắc các em sẽ thấy ấm áp khi nhận được sự quan tâm như vậy.

Cái kiểu đón tiếp quan chức trên xuống long trọng và đậm đặc chất quan lại phong kiến không thiếu ở nước mình. Bắt cơ sở đón tiếp, cờ xí rợp trời, băng rôn khẩu hiểu nhiệt liệt đón chào đồng chí A, B, C về thăm và làm việc... Dân chúng ra chào đón, vẫy tay giống như bá tánh được dịp thấy "long nhan". Có những quan chức không hài lòng về cách tiếp đón này, nhưng cũng không ít người khoái chí vì thấy mình như bậc quân vương.

Còn nữa, cái tập quán giới thiệu chức danh chức vụ của quan trên cũng hình thức ghê gớm. Ông quan đó có bao nhiêu chức danh phải đọc cho kỳ hết, thiếu một chức coi chừng quan giận. Chỉ riêng khoản giới thiệu này thôi cũng mất biết bao nhiêu thì giờ.

Tại sao phải tổ chức đón tiếp kiểu quan lại như vậy. Quan chức, dù cấp nào, đi làm việc là công việc của họ, không thể bắt dân chúng mất thì giờ để đón tiếp. Đi làm việc thì phải làm cho tốt, việc gì phải băng rôn, khẩu hiệu, cờ xí long trọng.

Quan chức tạo hình ảnh và giá trị trong mắt dân chúng không phải là những hình thức bên ngoài, mà những việc làm được cho dân cho nước.

Hãy dẹp gấp những trò đón tiếp hình thức, tốn kém, mất thì giờ và mất lòng dân.

Lê Thanh Phong
(Lao động)


QUẢNG BÌNH (NV) Giữa trời mưa lạnh rét căm căm 13 độ C, hàng chục sinh viên trường Trung Cấp Luật được lệnh đứng dàn hai bên đường để đón thứ trưởng Bộ Tư Pháp đến thăm suốt cả tiếng đồng hồ.
Sự kiện diễn ra đã làm bùng phát dư luận phẫn nộ, vì hiện tượng biến học sinh-sinh viên làm “vật thí thân” đã bị bãi bỏ lâu nay tại tỉnh Quảng Bình.


Sinh viên trường trung cấp dàn hai bên đường đón bà thứ trưởng “mẹ hiền.” (Hình: Hải Tarzan)

Theo báo Một Thế Giới, hàng chục sinh viên trường Trung Cấp Luật Ðồng Hới thuộc Bộ Tư Pháp được lệnh của ông hiệu trưởng điều động ra đứng hai bên đường hôm 19 tháng 2 để đón bà thứ trưởng Bộ Tư Pháp đến thăm trường.
Báo này nói rằng bất chấp việc đường phố Ðồng Hới sau cơn mưa rét lạnh đến cắt da, ông hiệu trưởng buộc các em cầm cờ vẫy để hoan hô bà thứ trưởng. Có em phong phanh chiếc áo mỏng, lạnh run, vẫn phải cố đứng nghiêm.
Dư luận phụ huynh và người dân chung quanh bày tỏ sự bất bình khi cho rằng bà thứ trưởng đến thăm trường chỉ nhằm mục đích loan báo nhiệm vụ trọng tâm của trường trong năm mới.
Có người nói rằng dẫu tính chất chính trị quan trọng trong cuộc thăm viếng, cũng không cần thiết buộc sinh viên phải đứng đón hai bên đường với cờ xí chẳng khác nghênh đón một nhà lãnh đạo quốc gia.
Trong khi đó, theo ông Ðỗ Ðức Hồng Hà, hiệu trưởng trường Trung cấp Luật Ðồng Hới, “sinh viên chỉ đứng một tí, không lạnh lẽo gì.” Hơn nữa, theo ông, việc sinh viên bị buộc phải cầm cờ xí rườm rà, là “truyền thống” của trường từ khi mới thành lập, cách nay hai năm.
Ông Hà cũng nói rằng đó là “truyền thống tôn sư trọng đạo vì bà thứ trưởng cũng là một nhà giáo, mà cô giáo thì không khác mẹ hiền, nên cần cử các cháu sinh viên ra đón.”
Còn theo dư luận, sự kiện trên là bằng chứng hiển nhiên cho thấy căn bệnh nịnh bợ, xum xuê của một số cán bộ ngành giáo dục vẫn còn nguyên sau hàng chục năm. Có người còn cho rằng, thái độ trên cho thấy ông Ðỗ Ðức Hồng Hà không xứng đáng đảm nhận vai trò một hiệu trưởng của trường trung cấp ngành luật. (PL)

1 nhận xét:

  1. Ông Ðỗ Ðức Hồng Hà có tên thật là Vô Đức Hắc Giang. Ban giám hiệu và các tổ chức đoàn thể trong trường, họ đâu rồi ?

    Trả lờiXóa