Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014

Bia ơi, ôi thôi, trôi xuống cống...

Ôi thôi, trôi xuống cống
Sáng nay, 16/2/2014, báo TT đăng tin là tiêu thụ bia ở VN đã lên đến con số kinh khủng 2,9 tỉ lít bia, với số tiền tiêu tốn lên đến 3 tỉ đô (1*). Với con số "hoành tráng" này thì dân VN sắp hạ gục dân Đức. Đức là vương quốc bia ở châu Âu mà. 
Trước 1975, miền Nam chỉ có một nhà máy bia duy nhất đường Nguyễn Chí Thanh, tp HCM. Dân số miền Nam thời ấy vào khoảng 23 triệu người bằng 1/4 dân số bây giờ. Thế mà, hình như dân số VN bây giờ bằng 90 triệu người, gấp 4 lần dân số miền Nam trước kia, mà số nhà máy bia thì đã lên trên 30 nhà máy hầu như có mặt trên mọi tỉnh thành.

Các hãng bia Nhật, Mỹ, Đan Mạch, ... lần lượt cũng đã và đang đua nhau vào VN, góp mặt chung vui bia bọt với VN. Báo TT đang lo ngại về tình hình này liên quan đến sức khỏe, đến tai nạn giao thông và đặt câu hỏi cho nhiều người, và những người này cũng trã lời kiểu trớt quớt cho qua chuyện. Bây giờ, Thiện mỗ cùng với các bạn làm một cuộc phân tích theo nhãn quan của Thiện mỗ:

Điểm thứ nhất: thang giá trị của người Việt Nam, nhất là dân Bắc, dân CM, đã thay đổi khá nhiều: từ "sĩ nông công thương" người ta quay ngoắc 180 độ thành "thương công nông sĩ". 

Vì là thương, nên tiền là trên hết. Ông Đỗ Mười, trong dịp đầu xuân năm nào đó đã chúc nhà nhà kiếm tiền, người người kiếm tiền, vì dân giàu thì nước mạnh. Do đó, dân VN bây giờ (nhất là dân Bắc) tâm trí dồn vào việc làm tiền như điên. Nếu có dịp nào hối lộ được thần thánh, thần Phật để mong có nhiều tiền thì làm liền, không đắn đo suy nghĩ. Từ tiền qua tham nhũng thì không bao xa. 

Tham nhũng thời miền Nam trước 1975 (2*) so với tham nhũng bây giờ, thời XHCN quá độ, thì thua xa cả ngàn lần, không được tinh vi như bây giờ. Do đó, theo tôi, những chầu bia bọt diễn ra khắp nơi, tại bất cứ tầng lớp dân chúng nào trong xã hội ta bây giờ là hệ luỵ của tham nhũng, một hình thái tham nhũng nhẹ, như tai biến sơ sơ làm cho méo miệng, chân tay cứng đờ một chút thôi. 

Một cậu giảng viên ĐH Nông Lâm kể cho tôi nghe. Một ngày nọ cậu ta được một đám sinh viên nông lâm mời nhậu trong một quán ăn trước nhà trường. Lẽ dĩ nhiên là một chầu bia bọt hoành tráng. Cuối cùng thì lý do của chầu bia bọt này cũng được phơi bầy. Một cậu sinh viên có một điểm không tốt đối với môn học của giảng viên. Nay nhờ giảng viên nghĩ tình ngày nhậu nhẹt hôm nay nâng điểm lên cho. Cậu giảng viên thật bị sốc, nhiều đêm bị dằn vặt nhưng cuối cùng cậu ta từ chối nâng điểm, và sau một thời gian cậu ta đành từ chức, tìm chỗ khác dạy học, vì các vụ nhậu nhẹt xin điễm cứ tiếp tục diễn ra. Cũng may cái ngành dạy của cậu ta thuộc loại "hot" nên cũng dễ kiếm việc làm. Do dó, chầu bia bọt của sinh viên (chắc mọi trường trên mọi miền đất nước VN cũng như thế!) chẵng qua cũng chỉ là một cuộc tham nhũng nhẹ ký, không có tiền tươi ở đây, công an không thể bắt tại trận để qui tội tham nhũng. 


Nói theo từ ngữ dân IT, thì sinh viên và giảng viên được gọi là những đối tượng (object). Giữa những đối tượng này có một mối liên hệ 2 chiều. Từ sinh viên hướng về giảng viên là mối "xin nâng điểm", còn từ giảng viên hướng về sinh viên là mối "cho thêm điểm". Quan hệ (relation) này thường được gọi là cơ chế xin-cho, và đại lượng kích hoạt (trigger) là "tiền", trong trường hợp này là chầu bia bọt. Rốt cuộc thì cũng phải trả tiền chầu bia bọt, nên cuối cùng là tiền. Nếu muốn phá vỡ relation thì bạn thử đề nghị một cách phá. Ông bạn giảng viên thôi làm giảng viên ở Nông Lâm, là cắt đứt relation đối với anh sinh viên, nhưng relation kể trên vẫn còn đó. Bạn thử đề nghị phá vở relation này đi. Nếu phá vở được thì tư nhiên bia bọt sẽ tự động xẹp luôn.

Điểm thứ hai: hầu như ở VN giờ đây mọi ký kết hợp đồng thương mại kinh tế giữa các đối tác dân doanh quốc doanh đều được diễn ra trong các nhà hàng khách sạn, quán cà phê hoặc phòng karaoke

Với cả bầu đoàn thê tử ban lãnh đạo công ty xí nghiệp (và không quên kế toán trưởng đi kèm). Và những chầu bia bọt rượu đắt tiền hoành tráng kèm theo những câu dzô dzô đinh tai nhức óc. Không biết lệ tục này xuất hiện từ bao giờ, chứ ở miền Nam trước 1975 không hề có. Thiện mỗ, 11 năm du học và làm việc ở Pháp và Thuỵ Sĩ, và 10 năm ở miền Nam làm việc cho công ty IBM và BGI (hãng bia Pháp, tiền thân của Sabeco bây giờ) cũng thường ký kết hợp đồng thương mại với các cơ quan nhà nước, hoặc tư nhân, nhưng tại văn phòng, chưa bao giờ xách nhau ra nhà hàng hoặc quán nhậu chiêu đãi. 

Công chức miền Nam trước 1975, vẫn còn theo cái tập tục công chức của tây để lại, là bị cấm nhậu nhẹt với đồng nghiệp, với sếp hoặc với đối tác. Vào thời ấy làm chi có những nhà hàng, khách sạn, quán bar hoành tráng như bây giờ. Nếu có đi ăn đêm thì lên Chợ Lớn, khu Nguyễn Tri Phương, còn hầu hết trong thành phố Sài Gòn, về đêm người ta ngoan ngoãn đi ngủ sớm. 

Còn bây giờ thì hết chỗ nói. Có lẽ cái tập tục ăn nhậu chiêu đãi ký kết hợp đồng này, ta học từ Hàn Quốc và Trung Quốc thì phải. Bây giờ, đến cái độ mà người ta vô tư tuyên bố hoặc đi làm ăn mà không nhậu là không được, hoặc biết bia bọt là có hại cho sức khoẻ tí tí thôi, nhưng lợi là vô cùng. Theo Thiện mỗ, việc nhậu nhẹt bia bọt trước khi ký kết hợp đồng kinh tế thương mại, hoặc sau khi lên chức, hoặc sau khi được thưởng huân chương huy hiệu gì đó chẳng qua là một cuộc tham nhũng hợp pháp ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Ai mà truy tố cho được. Bây giờ, làm thế nào để sửa sai nhân danh chống tham nhũng. Bạn thử đề xuất một biện pháp giải quyết vấn nạn này.

Điểm thứ ba: Sau 1975, các vị lãnh đạo từ miền Bắc (có thể là dân tập kết trước kia) vào tiếp quản các cơ quan công quyền miền Nam cũ, thường muốn tiếp xúc với nhân viên cũ ở lại không di tản nói là muốn gần dân hơn, muốn biết tâm tư nguyện vọng của nhân viên, thế là bày những trò ăn uống. 

Có lẽ, nhiều năm bị sống cực khổ thiếu thốn đủ bề ở ngoài Bắc XHCN, nên cái "hội chứng" thiếu ăn nó bám theo vào Nam, và nay ở miền Nam trù phú tha hồ được ăn thả cữa mà khỏi bị quy chụp là tiểu tư sản. Hồi tôi làm việc cho hãng bia Pháp, BGI, tại công ty chưa bao giờ có một buỗi liên hoan chung giữa nhân viên và ban giám đốc. Nhưng sau khi NN ta tiếp quản hãng bia đổi tên thành XNLH RƯỢU BIA NƯỚC GIẢI KHÁT MIỀN NAM (nay là SABECO) thì liên hoan liền tù tì, nhân danh đủ thứ lý do, đến nỗi sau đó tôi từ chối tham dự lấy lý do sức khoẻ. 

Do đó, ở các cơ quan công quyền cũng như quốc doanh, người ta làm việc rề rà ít đi, nhưng liên hoan ăn chơi thì nhiều, trở thành một ung thư nhậu hồi nào không biết. Giờ đây, bạn có thể tìm thấy vô số quán ăn kiêm cà phê, hoặc nhà hàng đặc sản hoặc không, trước các trụ sở UBND, trường học, bệnh viện, đại học, v.v.. Nghĩa là giờ đây người ta làm việc ở một cái quán hoặc nhà hàng thay vì ở văn phòng cơ quan công cộng. Và người ta gọi bia là mồi giao tiếp. Nói cách khác, hình thức giao tiếp này chẳng qua cũng là những cuộc trao đổi mua chuộc trong cái cơ chế xin-cho, của kẻ mua người bán, mà tiền là dầu bôi trơn. Bây giờ, bạn thử hỏi làm sao phá bỏ cái vòng kim cô này (không phải của Quán Thế Âm Bồ Tác đâu nhé).

Qua 3 luận điểm vừa kể trên bạn có thể xem hiện tượng bia bọt của VN chẳng qua là một biến tướng của tham nhũng nhẹ, nhưng không kém phần nguy hại, đang đầu độc giới trẻ và lũng đoạn sức lao động của giới công chứ. Thế thì bạn nên làm gì, và NN nên làm gì. Bạn và NN nên tìm cách giải quyết vấn đề.

Tây hội nhập với bia hơi Việt Nam

DƯƠNG QUANG THIỆN
P/S: Người viết đang có một cậu giảng viên lập trình hiện là "học trò" của lớp ứng dụng ERP của Thiện mỗ. Cậu ta có riêng một tiệm chạp phô trong ấy có bán bia đủ loại. Khi bàn qua vụ bia bọt, cậu ta hứa sẽ thôi bán bia như là một hình thức chống tham nhũng. Nhưng không biết cậu ta có tiếc rẻ sau đó hay không, vì rằng, mình không bán thì cũng có thằng khác nhảy vào thay mình bán bia. Thế cũng như không. Sao đây ???

Ghi chú:

(1*) Con số 3 tỉ đô nghe sao kỳ kỳ thế nào đấy. Theo Thiện mỗ lượm lặt được trong báo chí VN thì hằng năm, VN chi : (a) cho 100.000 sinh viên du học với chi phí lên đến 3 tỉ đô, (b) cho chữa bệnh bên Singapore 3 tỉ đô; (c) cho đồ điện tử, điện thoại động, phần mềm vi tính: 3 tỉ đô; (d) cho ô tô cho các siêu sao, cho các đại gia: 3 tỉ đô; (e) cho các công ty FDI nhập nguyên liệu (bắp, đậu nành, bột cá cho thực phẩm gia súc: 3 tỉ đô; (f) cho người giàu đi du lịch: 3 tỉ đô; (g) nay cho bia bọt: 3 tỉ đô. Nghĩa là 1/6 GDP tiêu vào những cái chi chi đâu, không ăn nhằm chi vào việc tạo công ăn việc làm cho dân chúng, hoặc cải tiến nền kinh tế đang xập xệ.

(2*) Trước 1975, nghĩa là cách đây 40 năm, tôi có 3 bài viết về tham nhũng ở miền Nam, thời Thiệu Kỳ. Bây giờ đọc lại, Thiện mỗ thấy mình ngây thơ thời ấy cho miền Bắc là trong sạch, không tham nhũng, chỉ có miền Nam mà thôi, nhưng bây giờ điểm lại sau 40 dưới mái nhà xã hội chủ nghĩa, tham nhũng ở VN trầm trọng ngàn lần so với thời Thiệu Kỳ. Mà thời ấy Nguyễn Văn Thiệu đã tuyên bố ở Vũng Tàu là nếu bỏ tù tất cả các công chức tham nhũng thì lấy ai làm việc. Bây giờ mà áp dụng câu nói đó cho VN XHCN thì sẽ sao ta?

D.Q.T - 18/02/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét