Về trả lời phỏng vấn VOV của Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn
Dư luận còn chưa hết phẫn nộ với những phát ngôn hồ đồ thiếu i-ốt của Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn thì mới đây Thứ trưởng Bộ thông tin & truyền thông Đỗ Quý Doãn (ĐQD) lại tiếp tục tạt một gáo nước cống vào nền văn hóa Việt Nam XHCN. Hãy theo dõi 2 câu cuối trong đoạn phỏng vấn mà VOV đã dành cho quan chức cấp thứ trưởng này:
Trích lời ô. ĐQD: "Nhưng theo tôi, khi pháp luật quy định đầy đủ nhất là khi chúng ta tự do nhất". Câu này sử dụng mệnh đề điều kiện: NẾU A THÌ B nhưng lại mắc hai lỗi nghiêm trọng.
1. Lỗi A không tồn tại: Phát biểu "khi pháp luật quy định đầy đủ nhất" chứng tỏ ông Doãn không nắm vững kiến thức về pháp luật. Xã hội luôn vận động và phát triển không ngừng, do đó, những quy định của luật pháp KHÔNG BAO GIỜ theo kịp quá trình tiến hóa này.
- Thế kỷ trước, mấy ai chấp nhận hôn nhân đồng tính? Thậm chí, còn quy kết đó là chuyện vi phạm đạo đức xã hội, trái với thuần phong mỹ tục!
- Hơn nửa thế kỷ trước, làm gì có khái niệm thụ tinh trong ống nghiệm để phát sinh điều luật quy định cho/nhận tinh trùng?
- Chỉ xét riêng trong lĩnh vực CNTT & TT, hơn hai chục năm trước làm gì đã có mạng xã hội để mà ràng buộc người sử dụng?
...
Như vậy, luật pháp luôn luôn đi sau xã hội một khoảng đủ để dành chỗ cho các dự luật mới được bàn thảo và xem xét cân nhắc đưa vào áp dụng. Và trong khi những dự luật ấy còn đang bàn luận, sửa đổi... thì xã hội vẫn thấy THIẾU một ràng buộc thích hợp.
Nhưng nếu tạm chấp nhận A có khả năng tồn tại, thì ô. Doãn lại mắc sai lầm khi gắn kết A với B. Nếu pháp luật quy định "đầy đủ nhất", nhưng nó lại "bất hợp lý nhất" thì sao? Đầy đủ và hợp lý là hai khái niệm hoàn toàn khác xa nhau. Anh có thể bao phủ toàn bộ ngóc ngách xã hội, từ chuyện "ngực lép, mông to" đến chuyện "phạt tiền chì chiết vợ"... nhưng đến quá nửa là không thấu tình đạt lý, thì làm sao dám khẳng định điều đó mang lại "tự do nhất" cho con người?
Những phát biểu khiên cưỡng ngớ ngẩn ấy có thể diễn đạt theo các kiểu tương tự:
- Khi cạnh góc vuông là cạnh lớn nhất thì ta có diện tích tam giác là cực đại (!?!)
- Khi lực tác động F luôn lớn hơn phản lực -F thì vật rơi tự do với vận tốc lớn nhất (!?!)
- Khi đứa trẻ là con của bà hàng xóm thì nó có chỉ số IQ cao nhất (!?!)
...
Rõ ràng, câu nói trên chỉ là kết quả của việc ghép từ vô thức, nói mà không hề hiểu mình đang nói cái gì!
Trích lời ô. ĐQD: "Chẳng hạn như việc, cá nhân biến trang thông tin điện tử của riêng mình (blog) thành nơi cung cấp thông tin tổng hợp, thì nó không còn là trang thông tin điện tử cá nhân nữa, mà đã trở thành trang thông tin điện tử tổng hợp."
Trời đất ơi! Tôi có một tủ sách gia đình, nhưng tôi không thể vừa là văn sĩ, vừa là khoa học gia, triết gia... để có thể TỰ viết hết các loại sách báo tài liệu. Như thế, tôi phải dùng các loại sách báo tài liệu của rất nhiều tác giả khác để làm đầy cái tủ sách của mình. Và như thế ô. Doãn quy kết nó không còn là tủ sách cá nhân/gia đình của tôi nữa, nó đã trở thành thư viện cộng đồng ư?
Ở đây, ô. Doãn đã hoàn toàn mù tịt về khái niệm blog cá nhân cũng như chưa hề đọc qua Điều 19 Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Ông nên hiểu blog cá nhân KHÔNG phải chỉ được phép đăng những chuyện cá nhân đâu nhé! Ông suy nghĩ gì khi trên trang nhất một tờ báo phát hành buổi sớm có đăng tin: "Chiếc cầu N đã xuất hiện nhiều vết nứt gãy, nghiêm cấm mọi người và các phương tiện lưu thông qua cầu". Và sau đó, những trang blog cá nhân/mạng xã hội chia sẻ thông tin này đều bị truy tố???
Thật là mỉa mai, trong một đoạn trả lời ngắn ngủi, phần đầu ô. Doãn nói một câu vớ vẩn mà không hiểu mình nói điều gì. Ngay sau đó, lại khuyên người ta một câu xanh rờn: "Chứ làm mà không biết mình đang làm cái gì, đúng hay sai thì còn nguy hiểm hơn."
Trích lời ô. ĐQD: "Quan trọng là áp dụng phù hợp bởi vì con người của mình khác, trình độ dân trí cũng khác."
Khác ở đây là khác như thế nào?
- Chỉ vì họ nói tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Nhật... còn ta nói tiếng Việt?
- Chỉ vì họ mắt xanh da trắng còn ta da vàng mũi tẹt?
- Khi tổ chức các giải bóng đá quốc gia, Việt Nam phải tuân thủ luật lệ của FIFA hay có thể tùy tiện đặt ra luật riêng: kiểu như trận đấu chỉ có 60' (vì vóc dáng và thể lực đặc thù của dân tôi nó khác), hoặc không có trọng tài chính mà thủ quân của hai đội kiêm luôn hai trọng tài ngang cấp (vì xứ chúng tôi quen kiểu vừa đá bóng vừa thổi còi rồi)...
Việc sử dụng từ "khác" ở câu nói trên chỉ là một hình thức ngụy biện vô căn cứ, để cố tình chà đạp lên các công ước và luật pháp quốc tế.
Người dân chúng tôi đã quá ngao ngán với trình độ và văn hóa của quan chức các vị. Hãy rời bỏ chức quyền (...) để dân chúng có thể bầu lên những người khác xứng đáng hơn!.
http://pvhai.blogspot.com/2013/08/trinh-o-quan-chuc-viet-nam.html
Nghị định 72 không hạn chế quyền tự do ngôn luận
Những ai cho rằng, Nghị định 72 hạn chế quyền tự do ngôn luận thì đó là tư duy ngụy biện.
Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Nghị định 72 về quản lý và cung cấp sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9/2013. Tuy nhiên, một số ý kiến thiếu thiện chí đã cố tình hiểu sai và cho rằng, Nghị định 72 là “cuộc tấn công tàn khốc nhắm vào quyền tự do thông tin".
Để rộng đường dư luận, phóng viên VOV đã phỏng vấn ông Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông về vấn đề này.
Ông Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông |
PV: Thưa ông, dư luận trong và ngoài nước, nhất là những người thường xuyên sử dụng Internet rất quan tâm tới việc ban hành Nghị định 72 về quản lý và cung cấp sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Ông có thể nói rõ, văn bản pháp luật này ban hành nhằm mục đích gì?
Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: Internet là một lĩnh vực mới ở nước ta. Việt Nam chính thức hòa mạng Internet ngày 19/11/1997. Trong 15 năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc đối với việc ứng dụng các dịch vụ Internet ở Việt Nam. Với môi trường mới này, bên cạnh những mặt tích cực cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp vì Internet là thế giới phẳng. Cho nên, nếu chúng ta không có chế tài, không có những quy định để phát huy những mặt tích cực thì những mặt tiêu cực, hạn chế của nó sẽ có tác động đến đời sống xã hội, đến văn hóa, nhận thức, tư tưởng, lối sống, đặc biệt lối sống của thanh thiếu niên. Bất cứ một quy định nào khi ban hành bao giờ cũng nhằm đạt mục đích quản lý và phát triển.
Tôi muốn nhắc lại vấn đề này để thấy tư duy của chúng ta có nhiều thay đổi. Khi Internet mới ra đời, Chính phủ ban hành một quyết định tạm thời là quyết định 21. Lúc đó, tư duy là quản lý được đến đâu thì phát triển đến đó. Nếu anh quản lý được 5 thì cho phát triển 5. Nhưng sau mấy năm, khi internet bắt đầu phát triển, chúng ta xây dựng Nghị định 55 với tư duy phát triển đi đôi với quản lý, nhưng quản lý không làm ảnh hưởng đến phát triển. Đó là bước đột phá về mặt tư duy. Đến bây giờ, khi xây dựng Nghị định 72, tư duy của chúng ta là quản lý phải theo kịp sự phát triển của Internet.
PV: Ông có thể giới thiệu một vài điểm đáng chú ý của Nghị định 72?
Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: Nghị định 72 chú trọng đến thông tin trên Internet, thứ nhất là thông tin điện tử, mạng xã hội và game online. Đây là 3 lĩnh vực đang được xã hội hết sức quan tâm. Mạng xã hội, trang tin điện tử, game online là gì? Chúng ta phải có những quy định cụ thể để những lĩnh vực trên ngày càng phát triển, nhưng là phát triển lành mạnh, bảo đảm sự bình đẳng của các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp nước ngoài. Một vấn đề đáng chú ý nữa là nghị định phân biệt rõ 5 loại trang tin điện tử như: trang tin điện tử tổng hợp, trang tin điện tử cá nhân, trang tin điện tử của các doanh nghiệp… Quy định như vậy để những ai muốn lập trang tin điện tử thì họ phải biết họ có quyền gì và giới hạn đến đâu, rõ ràng hơn, minh bạch hơn.
PV: Thưa ông, với quy định, các trang web cá nhân hoặc trang do cá nhân lập ra trên các mạng xã hội sẽ không được phép "cung cấp thông tin tổng hợp". Theo giải thích của Bộ Thông tin và Truyền thông, quy định như vậy là nhằm chấm dứt tình trạng sao chép, vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, làm như vậy là hạn chế quyền tự do ngôn luận. Ông nghĩ sao về điều này ?
Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: Về mặt hình thức có vẻ ràng buộc. Nhưng theo tôi, khi pháp luật quy định đầy đủ nhất là khi chúng ta tự do nhất. Tôi biết tôi được làm gì và không được làm gì. Chứ làm mà không biết mình đang làm cái gì, đúng hay sai thì còn nguy hiểm hơn. Chẳng hạn như việc, cá nhân biến trang thông tin điện tử của riêng mình (blog) thành nơi cung cấp thông tin tổng hợp, thì nó không còn là trang thông tin điện tử cá nhân nữa, mà đã trở thành trang thông tin điện tử tổng hợp. Còn những ai bảo rằng, đưa ra quy định như vậy là hạn chế tự do ngôn luận, theo tôi đó là tư duy ngụy biện.
PV: Khi xây dựng nghị định 72, Bộ Thông tin và Truyền thông có tham khảo kinh nghiệm của các nước không, thưa ông?
Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: Mỗi nước có một đặc thù riêng nhưng nền tảng chung về mặt công nghệ, chúng ta phải đảm bảo. Những nơi làm làm tốt mạng xã hội trên thế giới, chúng tôi đều tham khảo để áp dụng cho phù hợp với thực tiễn.
Quan trọng là áp dụng phù hợp bởi vì con người của mình khác, trình độ dân trí cũng khác. Dân chủ phụ thuộc vào nền tảng kinh tế- xã hội. Vì dụ những nước rất phát triển nhưng vấn đề dân chủ cũng còn vô vàn thứ phải bàn. Còn nước chúng ta ở trình độ phát triển như vậy thì vấn đề dân chủ thế nào cũng phải phù hợp.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Hương Giang/VOV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét