Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

Chuyện tôi bị công an “làm luật”

Chuyện “làm luật” của người lái xe đường dài
Lại Trần Mai: Hôm đầu tiên đến làm việc ở cơ quan mới (1983), anh Nguyễn Văn Sinh, phó tiến sĩ toán kinh tế đầu tiên của Việt Nam, có bố mẹ đều là thứ trưởng (có người là thứ trưởng công an), sống tại một tòa biệt thự rất đẹp ven hồ Thuyền Quang, hỏi tôi: Em có biết trong giới quan chức nước ta, giới nào vô văn hóa nhất không ? Tôi ngẩn ngơ chưa biết trả lời sao thì anh nói: Giới ngoại giao và công an. 
Trải qua đúng 30 năm sống, làm việc, giao lưu với đủ hạng người của tất cả các bộ, ngành, tiếp xúc từ các bác nông dân, công nhân tới nhiều thế hệ lãnh đạo cao cấp nhất của đất nước, tôi nghiệm thấy điều anh Sinh nói rất đúng. Và tôi còn thấy nói chung chức vụ, quyền lực càng cao thì văn hóa càng kém, cư xử càng thiếu thật thà, lòng tham và ích kỷ càng không có giới hạn... Trong Blog này, đôi lần tôi đã nhắc lại kỷ niệm khó quên này, như ở đây hay ở đây.
Ảnh minh họa
Kỷ niệm lớn nhất của tôi về chuyện "làm luật" của giới công an đứng đường là vụ bị chặn xe ở đèo Cù Mông năm 1984. Hồi đó tôi phụ trách công đoàn cơ quan, được phân công đi nhận 5 tấn gạo cứu đói tại Sài Gòn.

Đây đang là lúc cao điểm thực hiện chính sách "cấm chợ ngăn sông" của bác Đỗ Mười, nên để được vận chuyển 5 tấn gạo này, tôi phải có giấy phép kèm công điện mật, khẩn của phó thủ tướng Vũ Đình Liệu yêu cầu các cơ quan liên quan giúp đỡ thực hiện công vụ vận chuyển. Đi đến đâu, với công điện mật, khẩn này, xe tải 5 tấn của tôi được ưu tiên đi trước, kể cả qua phà Bến Thủy lẫn phà Sông Gianh giữa nửa đêm, họ cũng phải thức dậy để cho phà chạy...

Giữa trưa hè miền Trung, trời quá nắng nóng, đường nhựa như tan chảy, tôi và anh Đông lái xe đều phải mặc quần soóc. Đến đèo Cù Mông, nơi rất nổi tiếng về "làm luật", chúng tôi bị công an chặn lại. Sau khi xem giấy tờ xe và giấy phép vận chuyển lương thực, thấy không hoạch họe được gì, đám công an đòi phạt vì lái xe mặc quần soóc trong lúc thi hành công vụ. Hai bên cãi nhau, anh Đông hỏi các anh có biết nước nào văn minh nhất thế giới không ? Đó là nước Pháp, ở đó đám công chức, nhất là cảnh sát, vẫn thường xuyên mặc quần soóc đi làm, đi phạt vi cảnh... Nhưng đám công an ta nhất định giữ giấy tờ xe đòi hối lộ.

Đến lúc này tôi mới mang công điện mật, khẩn của phó thủ tướng Vũ Đình Liệu ra khoe trong khi anh Đông mang thẻ xác nhận là lái xe của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra trưng (thẻ được cấp hồi anh còn làm lái xe cho Thủ tướng) đồng thời đề nghị được gọi điện về Hà Nội để báo cáo. Nhìn thấy mấy thứ này, đám công an xanh mắt mèo, vội vàng trả giấy tờ, xin thôi thôi, các anh đi giúp cho... Nhưng anh Đông cương quyết không đi ngay mà kéo ghế ngồi mắng thêm một lúc nữa, làm cho đám công an không dám "làm luật" những xe tiếp theo. Tôi nhớ anh Đông kể về bác Phạm Văn Đồng cũng hay mặc quần soóc trong giờ làm việc.

Nhưng đấy là chuyện ngày xưa; hồi đó công an còn biết sợ. Còn bây giờ, họ có biết sợ ai đâu. Khi con người đã không biết sợ thì còn điều gì họ chẳng dám làm ? Tốt nhất là nên giữ khoảng cách với đám công an và ngoại giao.

***********

Chuyện “làm luật” của người lái xe đường dài
Một chuyến xe khách đường dài từ Đà Nẵng vào Sài Gòn hoặc từ Hà Nội vào Sài Gòn, mức chi phí thực tế của nó chỉ tốn khoản phí chừng 200 ngàn đồng trên một người ở hạng xe chất lượng cao nếu đi từ Đà Nẵng vào Sài Gòn và tốn chừng 350 ngàn đồng ở hạng xe chất lượng cao nếu đi từ Hà Nội vào Sài Gòn.
Nhưng trên thực tế, mức giá đã đội lên gấp đôi, gấp ba lần bình thường, và trong dịp Tết thì đội lên gấp ba, gấp bốn lần bình thường. Lý giải nguyên nhân dẫn đến chuyện này, nhiều tài xế than thở là do họ phải chung chi cho công an giao thông ở các trạm quá nhiều, họ khó có thể tồn tại được nếu không nâng giá lên như vậy.

Một trạm thu phí xe đường dài của CSGT RFA photo

Giá vé cao vì chung chi quá nhiều
Ông Phùng, tài xế xe chở bốn mươi khách, chạy tuyến Đà Nẵng – Sài Gòn, cho chúng tôi biết rằng trên một tuyến đường chưa đầy 1000km, chính xác là 930km từ bến xe Đà Nẵng vào bến xe miền Đông mà ông đã phải chung đến mười một trạm, có ngày lên đến ba chục trạm, mỗi trạm tốn hết 500 ngàn đồng. Như vậy, với 11 trạm, nhà xe tốn hết 5,5 triệu đồng, tương đương với 20 người khách ngồi trên xe.
Với những ngày phát sinh lên đến hơn ba chục trạm đứng đường của công an giao thông, số tiền chung chi mất đi ngót nghét mười triệu đồng vì những trạm phát sinh này chỉ thu từ 200 đến 250 ngàn đồng.

Nhưng, dù có thu thấp hay thu cao thì nhà xe cũng tốn từ năm triệu đến mười triệu đồng cho một chuyến xe chạy từ Đà Nẵng vào Sài Gòn, và để bù vào khoản tiền chung chi này, không còn cách nào khác, nhà xe phải nâng giá vé lên gấp đôi, gấp ba lần bình thường.
Đương nhiên là việc nâng giá vé này sẽ gây khó khăn cho nhà xe nhiều mặt, vì nếu nâng giá vé ngay trong bến thì sẽ bị quản lý thị trường để ý, có thể bị phạt hoặc bị tước giấy hành nghề. Nên hầu như mỗi lần nâng giá vé xe, các chủ xe phải cùng nhau họp kín để đưa ra mức chung chi, hối lộ cho quản lý thị trường. Một khi đã xong thủ tục này, họ chỉ còn việc nâng giá vé lên từ một lần rưỡi đến hai lần nhân dịp lễ tết hoặc ngày quốc khánh gì đó là xem như tạm ổn.

Mức vé trong phòng vé chỉ là mức tượng trưng, mức vé bên ngoài chợ đen và qua thương lượng với khách bắt dọc đường mới quan trọng, thường thì khi thương lượng với khách dọc đường, nhà xe cố gắng nâng giá càng cao càng tốt để vừa bù vào khoản tiền chung chi cho các trạm công an giao thông đứng đường, vừa kiếm thêm chút lãi.

Xe từ miền Bắc vào Sài Gòn, nhà xe nhét khách xuống gầm để bù lỗ.

Ông Hùng, năm nay 45 tuổi, là tài xế chạy xe đường dài từ bến xe Giáp Bát, Hà Nội vào bến xe Miền Đông, Sài Gòn được hơn hai mươi năm nay, ông cho chúng tôi biết rằng trước đây, việc đi lại có vẻ ít phải chung chi hơn bây giờ, còn bây giờ, nội việc chung chi cho các trạm công an giao thông đứng đường từ Hà Nội vào Sài Gòn, mỗi chuyến xe, ông mất gần mười triệu đồng cho khoản này, cộng thêm hai triệu đồng tiền mua vé qua các trạm thu phí liên tỉnh, vị chi một chuyến xe, ông mất gần mười hai triệu đồng.
Vạch lá tìm sâu để phạt
Chính vì cách thu tiền không minh bạch, không có giấy tờ và tùy hứng của công an giao thông các tỉnh nên tài xế lái xe đường dài luôn tập cho mình một kĩ năng rất nhạy bén và nhanh nhẹn. Nhạy bén ở chỗ khi nhìn thấy cây gậy của công an giao thông chỉ ra, việc đầu tiên là rút xấp giấy tờ xe, bằng lái và nhét vào đó năm trăm ngàn đồng hoặc hai trăm ngàn đồng tùy vào mỗi trạm để nhảy xuống đường, chạy vội lại trình giấy tờ.

Bên công an giao thông cũng nhạy bén và nhanh tay không kém, họ cầm xấp giấy tờ, thò hai ngón tay vào kẹp lấy tờ giấy bạc, nhét gọn vào đai nịt và trả xấp giấy lại, cho xe chạy. Trong vấn đề chung chi này, nhà xe phải nhớ như đinh đóng cột rằng trạm nào thu hai trăm ngàn, trạm nào thu năm trăm ngàn, nếu nhớ nhầm, đưa nhầm số tiền hoặc không đưa tiền mới mà đưa tiền rách, tiền cũ, lần sau gặp lại sẽ bị phạt gắt máu.

Mà chuyện tìm lỗi để phạt nhà xe của công an giao thông thì thiên hình vạn trạng, có thể phạt vì xe chạy quá tốc độ, bản số bị mờ do bụi bám, hoặc nếu không tìm ra lỗi nào thì họ leo lên xe để đếm khách, chỉ cần thừa ra một người là ách xe, lai dắt xe về đồn. Ông Hùng lắc đầu, than thở rằng cách làm việc và tìm lỗi của công an giao thông còn gắt máu và tỉn mỉ hơn cả hải tặc và cảnh sát biển Trung Quốc làm với ngư dân Việt Nam.

Ông Phụng, tài xế xe chạy tuyến Hà Nội - Sài Gòn, than thở với chúng tôi là việc chung chi đã khiến cho nhà xe buộc phải nhét thêm khách vào ghế xếp, đôi khi nhét khách xuống cả gầm xe, mức độ nguy hiểm chết người quá cao nhưng họ cũng không còn cách nào khác để lựa chọn.

Vì thời bây giờ, bỏ vốn ra mua một chiếc xe đã quá cao, cộng thêm tiền bảo hiểm, tiền chung chi trên đường, tiền đi Tết, quà cáp cho các quan chức công an mỗi dịp lễ lạc hay sinh nhật của con các quan chức này cũng đủ làm nhà xe đuối hơi. Và quan trọng nhất là khi sắm một chiếc xe, nhà xe nào cũng mong lấy lại được vốn càng sớm càng tốt rồi sau đó kiếm lãi sống qua ngày. Nhưng trong tình hình thu chi hiện nay, nhà xe lúc nào cũng như đang ngồi trên lửa, việc kiếm lại tiền vốn quá khó đối với họ.

Hơn nữa, với lượng xe chạy trên đường ngày càng thêm nhiều, việc chạy đua bắt khách, tranh giành khách ngày càng thêm khó khăn, vất vả, nếu nghĩ đến đạo đức thì cách gì cũng lỗ vốn nên đành làm liều, tự tạo cho mình một tâm lý máu lạnh để chặt chém khách mà kiếm lãi. Đó là những gì ông Phụng chứng kiến được trong việc chạy xe chở khách thời bây giờ.

Ông Phụng nói thêm rằng không cần phải dạy đạo đức gì cho nhà xe lắm đâu, cũng không cần phải chấn chỉnh thị trường gì cho mấy, chỉ cần ngành công an giao thông bớt ra đứng đường, bớt hối lộ, tham nhũng, nhà xe bớt phải chung chi cho mấy loại thu phí mờ ám này, tự dưng, họ sẽ biết cách điều tiết chuyến xe, giá vé và chăm sóc hành khách kĩ hơn, đạo đức hơn thôi.

Sau khi tìm hiểu tình hình chung chi và giá vé qua nhiều tài xế chạy xe đường dài, chúng tôi đều nhận chung một kết luận: nếu ngành giao thông bớt đứng đường để chặt chém họ bằng những khoản thu cắt cổ, quái đản và mờ ám, thì nhà xe sẽ sống có đạo đức và hành khách sẽ đi xe giá thấp hơn nhiều. Mà phần lớn những hành khách chọn phương tiện xe đường dài để đi lại đều là thành phần có thu nhập thấp trong xã hội.

Nhóm phóng viên RFA tường trình từ VN
2013-08-23

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét