Viết thêm: Hôm nay 9.8 cô em gái mình từ Roma bay về qua ngả Paris, vừa về đến nhà gọi điện cho mình đã phàn nàn ngay về dịch vụ đón tiếp tại sân bay Nội Bài. Chỉ có 1 chuyến quốc tế hạ cánh nhưng thời gian chờ lấy hành lý cũng hơn 1 tiếng. Cô em kể lần trước 3 chuyến cùng hạ cánh nhưng sân bay tiết kiệm chỉ sử dụng 1 băng chuyền hành lý nên thời gian đợi lấy lâu hơn. Lần này trong đoàn cũng có người không nhận được hành lý.
Lại Trần Mai: Sân bay quốc tế Nội Bài là cảng hàng không quốc tế ở miền Bắc Việt Nam. Sân bay này là cửa ngõ giao thông quan trọng không chỉ của thủ đô Hà Nội mà còn của cả miền Bắc. Đây là sân bay lớn thứ ba của Việt Nam hiện nay về diện tích, sau Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh và Sân bay quốc tế Cam Ranh ở Khánh Hòa và là sân bay lớn thứ 2 của Việt Nam xét về công suất nhà ga và số lượt khách thông qua mỗi năm. Sân bay quốc tế Nội Bài thuộc huyện Sóc Sơn, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 30km theo tuyến đường bộ về phía Tây Bắc, khoảng cách này sẽ được rút ngắn còn lại 15km khi cầu Nhật Tân và tuyến đường nối đầu cầu này với Nội Bài hoàn thành vào giữa năm 2015 (theo kế hoạch là giữa năm 2014).
Đôi điều về sân bay Nội Bài Hà Nội
Sân bay quốc tế nhưng bé nhỏ, đến mức rất hiếm thấy trên thế giới
Thường xuyên qua lại sân bay Nội Bài trong thời gian công tác, có năm tháng nào cũng bay ra nước ngoài từ sân bay này, tôi thường có cảm giác thất vọng vì sự tạm bợ đến khó hiểu của nó. Ấn tượng mạnh nhất trong tôi là sân bay này được thiết kế như một ngôi nhà tạm khung thép, trên lợp mái tôn, nói nôm na y như các quán bia ngoài trời ở Hà Nội ngày trước: Tìm được mảnh đất hợp lý là chủ quán thuê thợ đến dựng khung sắt, mua tôn về lợp mái, bổ sung một số thiết bị như bàn, ghế, quạt trần... Thế là có một quán bia sẵn sàng phục vụ thượng đế từ sáng đến tối mịt.
Thế nhưng giờ này kiếm được những quán bia khung sắt lợp mái tôn có diện tích lớn ở nội thành Hà Nội hơi bị khó. Cuộc sống ngày càng tiến lên, nhu cầu hưởng thụ vật chất của người dân tăng nhanh. Họ không còn chấp nhận đến nhâm nhi ở những quán bia như vậy nữa.
Mấy hôm nay được thưởng thức nhiều bữa ăn ngon tại một số quán bình dân (hàng trăm người ăn cùng lúc) ở Hà Nội, tôi càng cảm thấy nhu cầu ăn ngon, trong không gian đẹp, được phục vụ tận tình, có văn hóa... của người Hà Nội là có thật. Và họ có khả năng tài chính đáp ứng nhu cầu này.
Thế nhưng có lẽ những người quản lý Sân bay quốc tế Nội Bài đã không nhận thấy những thay đổi lớn ở đất nước, nhất là những nhu cầu mới trong quá trình hội nhập. Hoặc họ nhận thấy, nhưng với đặc trưng lớn nhất là một doanh nghiệp nhà nước, nên họ không nghĩ đến việc phải thay đổi.
Hành lý chui ra từ dưới cái hầm thô sơ này
Hậu quả là Sân bay quốc tế Nội Bài càng ngày càng xuống cấp. Chưa nói tới dịch vụ đi kèm, chỉ nhìn bộ mặt sân bay bẩn thỉu, rác rưởi khắp nơi, thậm chí nước nhỏ tong tỏng từ mái tôn xuống đầu các vị khách quốc tế, trúng cả đầu Đại sứ Lào ra tiễn đoàn chúng tôi sang công tác tại Lào, chắc ai cũng thấy xấu hổ, trừ những người quản lý Sân bay quốc tế Nội Bài.
Mỗi lần về nước là mỗi lần mấy đứa con mình kêu sợ khi phải chầu chực chờ nhận hành lý ký gửi. Về vào mùa hè thì nóng nực, còn vào mùa đông thì lạnh giá nhưng sân bay tiết kiệm không sử dụng điều hòa nhiệt độ. Thời gian chờ khoảng 1 tiếng trở lên. Thế nên mồ hôi nhễ nhại nhưng cứ phải loanh quanh chầu chực nhìn lũ valises, thùng các tông... chậm chạp chui lên từng đợt theo băng chuyền từ dưới hầm.
Nhiều hành khách đứng chờ hơn một giờ liền cũng không thấy đồ của mình ra
Nếu có dịp đứng chờ lấy hành lý trong sân bay, bạn hãy thử nhìn lên trần, ngắm các bức tường xung quanh, rồi nhìn xuống đất, sẽ thấy chúng có đầy vết bẩn, vết ố, vết xây trát chỉnh sửa lem nhem, lỗ đinh đục tường... Rồi nhìn đến dãy xe đẩy, cái chạy được cái thì không, cũng bẩn như những bức tường. Rồi nhìn dãy bàn ghế làm việc của các nhân viên hải quan, nhân viên tiếp nhận khiếu nại do mất đồ, vỡ vali hay hành lý chưa về..., sẽ thấy chúng cũng trong tình trạng tương tự. Rồi nhìn những tấm biển chỉ dẫn, những thiết bị kiểm tra hành lý... Không thể kể hết.
Cảm giác chung là : Bẩn, bẩn và bẩn.
Mọi thứ trông đều u ám, xỉn và tối chứ không rực rỡ, tươi sáng như sân bay ở các nước khác, hay như vào các trung tâm thương mại, siêu thị cao cấp trong thành phố Hà Nội.
Chầu chực hàng tiếng đồng hồ để nhận hành lý tại sân bay Nội Bài.
Rất may là lần này về đến Nội Bài trời mát. Hình như đã có điều hòa nhiệt độ hoạt động tại khu chờ nhận hành lý, lại chỉ đi một mình, không có trẻ con đi cùng, nên tôi không cảm thấy nóng nực, mệt mỏi. Tuy nhiên, thời gian chờ thì quá dài và nhờ đó cũng có dịp ngắm đi ngắm lại những vết bẩn, vết ố, vết xây trát sửa chữa nhem nhuốc, lỗ đinh đục tường... đã có ở đó từ năm ngoái, năm kia.
Lúc tôi xuống chờ nhận hành lý, có tới 6 chuyến bay quốc tế về cùng lúc. Vì Cảng hàng không này chỉ có 2 băng chuyền nên mỗi băng phải cáng đáng hành lý cho 3 chuyến bay. Thế nên mặc dù chờ đến hơn 1 tiếng, chưa thấy hành lý của mình ra, nhưng trên băng chuyền vẫn có đầy hành lý, không biết là của chuyến mình hay chuyến bay khác, nên vẫn cứ phải kiên nhẫn chờ. Mà không phải chỉ có tôi, còn có một số hành khách khác cũng cùng chuyến bay của tôi đang chờ. Do đó càng yên tâm chờ.
Rồi thêm 30 phút nữa trôi qua, vẫn chưa thấy gì, trong khi hành lý vẫn chậm chạp chui lên theo từng đợt từ dưới hầm. Ai nấy đều sốt ruột, nhất là những người có người ra đón đang chờ ở sảnh bên ngoài.
Cuối cùng thì cũng đến lúc mọi người đoán ra hành lý của 3 chuyến bay đã lên hết dù băng chuyền vẫn chạy vì vẫn còn có một số hành lý không có người nhận (chắc là hành lý thất lạc của những người bay các chuyến trước), do đó chúng tôi bắt đầu tiến về quầy báo hành lý thất lạc. Cùng lúc đó, tiếng loa thông báo hết hành lý cất lên, và đề nghị ai chưa nhận được hành lý thì tới quầy để làm thủ tục nhận sau.
Có khoảng 20 chục người chưa nhận được hành lý.
Tại quầy, chúng tôi trình hộ chiếu, thẻ lên máy bay và phiếu nhận hành lý; nhân viên tra trên mạng xem thông báo gửi từ sân bay bên kia, nơi xuất phát. Đối với tôi, họ báo đã nhận được tin báo từ bên kia là hành lý sẽ được chuyển vào chuyến tới.
Chúng tôi được phát hai tờ giấy: Một là "tờ khai hành lý thất lạc" (đúng ra là biên bản, lỗi của bên vận chuyển và chúng tôi đâu phải là tội phạm phải viết tờ khai) có xác nhận của đại diện sân bay. Hai là tờ "hướng dẫn nhận hành lý thất lạc tại nhà".
Nhìn thấy tờ "hướng dẫn nhận hành lý thất lạc tại nhà" tôi mừng qúa, mấy lần trước toàn phải tự ra sân bay lấy, mệt mỏi, mất thời gian và rất tốn kém. Nhân viên phục vụ bảo khoảng trưa ngày hôm sau sẽ có người mang hành lý đến tận nhà.
Thế là về nhà chờ. Có điều là quà cáp chưa có nên chưa thể đến thăm bè bạn, họ hàng được. Đặc biệt những thứ cần bỏ tủ lạnh ngay như các loại bơ, pho mát, giăm bông, xúc xích, sô cô la, hoa quả tươi... mà chờ đến trưa ngày hôm sau thì coi như vứt đi. Người thân bây giờ thích được tặng đồ ăn tây, rượu tây (thực phẩm an toàn) hơn là quần áo hay đồ mỹ phẩm không hợp gu.
Nhân viên phục vụ bảo khoảng trưa ngày hôm sau sẽ có người mang hành lý đến tận nhà, nhưng tôi đoán là phải chiều tối vì tôi biết có hai chuyến đi Nội Bài. Nếu tôi đi chuyến sớm, sẽ rẻ được khoảng 300 USD song phải chờ ở sân bay trung gian 16 tiếng, còn chuyến tôi bay muộn hơn 1 tiếng nhưng lại không phải chờ ở sân bay trung gian, nên về sớm hơn. Vả lại theo kinh nghiệm bay và chờ nhận hành lý lần này, chuyến tới sẽ về vào sáng hôm sau; sân bay sẽ phải chờ hành khách nhận hết hành lý, sau đó mới xem tới số hành lý không ai nhận, tức là hành lý thất lạc của chuyến trước, trong đó có hành lý của tôi; rồi làm các thủ tục và mang trả các nhà...
Y như rằng, mãi đến 7h tối ngày hôm sau mới có điện thoại báo hành lý đang được đưa tới nhà. Biết đường phố nhà mình chật, mật độ giao thông cao, tôi đã ra trước cửa chầu chực sẵn từ nửa tiếng trước. Rồi cũng có 1 chiếc ô tô màu đen tuyền dừng lại gần nhà. Một người ló đầu khỏi xe nhìn quanh, tôi đoán là xe chở hành lý cho mình nên tính băng qua đường để sang nhận.
Tuy nhiên sang đến nửa chừng đường thì tôi quay lại, một mặt vì mật độ xe chạy ngang cao quá, sợ tai nạn; mặt khác vì tôi chợt nghĩ ra đấy không phải là xe hàng không, trông không khác gì xe tư nhân đang chạy đầy đường và hay đỗ quanh nhà, do đó không thể là xe chở hành lý cho mình.
Thế rồi anh ta vẫy vẫy tôi sang, hóa ra là xe chở hành lý cho mình thật.
Có điều tôi hơi buồn về cách cư xử: Anh phàn nàn tôi ở xa trung tâm (đúng 4km tính từ Bờ Hồ), đường đông, mang hàng cho rồi mà không khẩn trương, nhanh nhẹn chạy sang lấy để anh phải chờ. Tôi giải thích nhưng anh không nghe. Anh bảo lần sau cứ thấy xe đỗ là phải chạy tới ngay, không phải thấy chữ xe hàng không mới chạy đến.
Nghĩ nhận hành lý thất lạc do lỗi của bên vận chuyện mà cũng bị mắng thì kể cũng lạ.
Nếu bạn nào có hành lý thất lạc, có thể liên lạc với Đội tìm kiếm hành lý thất lạc của sân bay Nội Bài theo số điện thoại: 04.3884.0008 ; fax: 04.3886.5059
Dưới đây là thông tin về quy trình gửi - nhận hành lý sưu tầm trên mạng:
Quy trình quản lý hành lý ký gửi tại sân bay
Hành lý được tiếp nhận tại quầy check-in. Sau khi kiểm tra trọng lượng, đóng gói, hành khách được nhân viên hỏi 5 câu hỏi kiểm tra an ninh: Hành lý có phải của anh (chị) không? Anh (chị) có tự tay đóng gói hành lý không? Hành lý có phải đồ dễ vỡ hay không?...
Tiếp đó, hành lý được gắn nhãn có mã số, chuyển qua băng chuyền vào trong. Tại đây, nhân viên hải quan (với các chuyến bay quốc tế) và nhân viên an ninh sẽ kiểm tra hành lý. Nếu hành lý không vi phạm luật hàng không, quá trình ký gửi coi như hoàn tất.
Tại sân bay đến, trong khi hành khách xuống máy bay, hành lý chứa trong các container nhỏ sẽ được chuyển khỏi khoang hàng máy bay. Các container được xe chuyên dụng đưa tới băng chuyền.
Tại đây, nhân viên sân bay vận chuyển hành lý ra khỏi container, đưa lên băng chuyền.
Hàng hóa của các chuyến bay nội địa được chuyển
thẳng từ băng chuyền này vào phòng đợi.
Hành lý từ các chuyến bay quốc tế phải được chuyển
qua hầm kiểm tra an ninh, hải quan trước khi đưa lên phòng đợi.
Việc lấy đồ từ băng chuyền trong phòng đợi không
khác nhau giữa các chuyến bay nội địa và quốc tế.
Sau khi lấy hành lý, hành khách nội địa sẽ được nhân viên sân bay đối chiếu mã số ở nhãn dán trên hành lý với thẻ khách để đảm bảo lấy đúng hành lý.
Với các chuyến bay quốc tế, hành lý không phải khai hải quan được phép đi qua cửa xanh. Tại cửa này, nhân viên hải quan không kiểm tra liệu hành khách có lấy đúng hành lý hay không.
Với hành lý phải kê khai, hành khách làm thủ tục và đưa qua máy soi tại cửa đỏ. Đây là bước cuối cùng của quá trình quản lý hành lý ký gửi tại sân bay và không thuộc sự quản lý của ngành hàng không.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét