Phó giáo sư Đặng Thị Hạnh: Cánh chim không mỏi trong giới khoa học
(PL&XH) - Với những đóng góp to lớn trong việc nghiên cứu, truyền dạy văn học, văn hóa Pháp tại Việt Nam trong suốt gần 30 năm, Vừa qua, PGS Đặng Thị Hạnh từng công tác tại khoa Văn – ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội đã vinh dự được nhận Huân chương Cành cọ Hàn lâm của nước Cộng hòa Pháp.Truyền thống gia đình
PGS Đặng Thị Hạnh xuất thân trong một gia đình “đại trí thức” nổi tiếng. Ông nội PGS Đặng Thị Hạnh là cụ Đặng Nguyên Cẩn, đỗ Phó bảng dưới triều Nguyễn. Cụ vốn là một văn thân yêu nước, từng chiến đấu và sát cánh bên cạnh những tên tuổi chí sĩ nổi tiếng khác như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh, Ngô Đức Kế... Thân phụ của PGS là GS Đặng Thai Mai, một trong những tên tuổi nổi tiếng của nền văn học nghệ thuật nước nhà. Gia đình ông Đặng Thai Mai còn được biết tới với 3 người con rể đều làm tướng. Hai Trung tướng: Phạm Hồng Cư, Phạm Hồng Sơn và không thể không nhắc tới người con rể cả, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Những người anh chị em còn lại của PGS Đặng Thị Hạnh đều có học hàm, học vị PGS và GS.
Tâm sự về con đường và cơ duyên đưa mình đến với khoa học, cụ thể là việc giảng dạy, nghiên cứu văn học, văn hóa Pháp, PGS Đặng Thị Hạnh chia sẻ: Tôi vốn thuộc về một thế hệ chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa khác nhau. Học phổ thông dưới thời Pháp thuộc, học đại học trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp bùng nổ, rồi làm việc khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc bước vào giai đoạn quyết liệt. Nhưng điều may mắn nhất của tôi cũng như những anh chị em khác trong nhà là được xuất thân trong một gia đình gia giáo, ông nội cũng như ông cụ thân sinh ra chúng tôi đều là những người có vốn hiểu biết uyên thâm. Chính vì điều đó mà ngay từ khi còn rất nhỏ, anh chị em chúng tôi đều được tiếp xúc với nguồn tài liệu vô cùng phong phú và dồi dào trong lĩnh vực văn học. Tuy chiến tranh là vậy, nhưng nguồn tư liệu bằng văn bản tiếng Pháp mà chúng tôi được tiếp cận đều không bị gián đoạn, do những người bạn, người đồng nghiệp thân thiết của cụ thân sinh ra chúng tôi là GS Đặng Thai Mai thường xuyên gửi từ Pháp về Việt Nam.
Chính điều đó là một trong những lý do đưa PGS Đặng Thị Hạnh đi tới và gắn bó trọn cuộc đời mình với công tác giảng dạy, nghiên cứu lĩnh vực văn học, văn hóa Pháp.
ông Jean Noel Poirier Đại sứ Pháp tại Việt Nam.
Nói về những người thầy, người cô giảng dạy tại trường ĐH Tổng hợp, những người đã có ảnh hưởng rất lớn tới con đường nghiên cứu khoa học của mình, PGS Đặng Thị Hạnh đã không giấu được sự xúc động, bồi hồi. Thế hệ những người thầy, người cô từng trực tiếp giảng dạy PGS Đặng Thị Hạnh đều là những tên tuổi lớn trên nhiều lĩnh vực của các ngành khoa học xã hội tại Việt Nam như: Nguyễn Tài Cẩn (Ngôn ngữ học), Đỗ Đức Hiểu (Văn học phương Tây), Cao Xuân Huy (Triết học), Đào Duy Anh (Lịch sử)… Đây được xem là thế hệ vàng son, gạo cội nhất trong các ngành khoa học xã hội tại Việt Nam. Các thầy, các cô thuộc thế hệ này ngoài cái tâm còn có cái tầm đối với nghề. Họ làm việc bằng niềm đam mê, sự công tâm, cống hiến và nỗ lực hết mình cho việc giảng dạy và đào tạo góp phần xây dựng nên những lớp kế cận trong công cuộc giảng dạy và nghiên cứu của các lĩnh vực khoa học xã hội.
Đặt trong mối tương quan so sánh về công tác nghiên cứu, giảng dạy của giảng viên cũng như việc học tập, tiếp thu kiến thức về văn học Pháp nói riêng cũng như văn học phương Tây nói chung của sinh viên trong giai đoạn trước kia và hiện nay, PGS Đặng Thị Hạnh cho biết: Trước kia, tuy cuộc sống học tập vô cùng gian khổ về mặt vật chất, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, nhưng chúng tôi lại có những thuận lợi mà so với hiện nay, sinh viên khó có được.
Đấy là việc được tiếp xúc với nguồn tài liệu nguyên bản, quý hiếm bằng tiếng Pháp. Được dạy dỗ bởi những người thầy, người cô có tâm và có tầm trong công tác đào tạo nhân tài cho đất nước.
“Thế hệ chúng tôi, quá trình học tập tại giảng đường ĐH về mọi mặt đều được Nhà nước bao cấp, nên không phải lo bất cứ điều gì về kinh tế cũng như sinh hoạt cuộc sống. Công việc chính hàng ngày của SV khi đó là đọc sách để tự trang bị cho mình một hệ thống nền tảng kiến thức vững chắc về chuyên ngành mình học. Không những vậy, một vài sinh viên có kết quả học tập tốt sẽ được nhà trường tạo điều kiện cho đi nước ngoài trong một thời gian ngắn để trau dồi thêm vốn hiểu biết cũng như kiến thức chuyên môn”, PGS Đặng Thị Hạnh chia sẻ thêm.
Trong hồi ức của PGS Đặng Thị Hạnh, đó là những ngày được sang Pháp học hỏi thêm kiến thức. Những buổi đi thăm các công trình kiến trúc nổi tiếng, những địa điểm từng gắn liền với cuộc sống thường nhật của những đại thi hào như Victor Hugo, Balzac… đã giúp cho bản thân bà cũng như những bạn sinh viên khác trong chuyến đi đó mở mang rất nhiều điều bổ ích. Một điểm thuận lợi khác mà thế hệ PGS Đặng Thị Hạnh từng được thừa hưởng đó là việc đại sứ quán Pháp thường bỏ tiền ra để mua tư liệu phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu văn học, văn hóa Pháp trong các trường ĐH, CĐ tại Việt Nam.
Tuy vậy, bất cứ một giai đoạn, thời kỳ nào đều có những thuận lợi và những khó khăn khác nhau. Điều quan trọng là chúng ta thích ứng với chúng ra sao.
“Ở đời điều hạnh phúc nhất đối với mỗi người là được sống trong một gia đình yên ấm, được làm và theo đuổi công việc mà mình thực sự yêu thích, đam mê”, PGS Đặng Thị Hạnh tâm sự.
Xuân Thắng - Lê Mận
http://phapluatxahoi.vn/20130310084832607p1001c1049/pho-giao-su-dang-thi-hanh-canh-chim-khong-moi-trong-gioi-khoa-hoc.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét