Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2013

No China Shop - nơi không bán hàng Trung Quốc

(LĐ) - Số 51 - Thứ bảy 09/03/2013
Trong khi hàng hóa kém chất lượng của Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam, một doanh nhân trẻ đã nghĩ đến việc xây dựng phong trào bán và sử dụng các hàng hóa tiêu dùng không có xuất xứ từ Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Trang bán hàng: http://www.nochina-shop.com/ (No-China Shop)
Nguyễn Hồ Nhật Thành, 27 tuổi, chìa cho tôi một chiếc phong bì lì xỳ in bản đồ Việt Nam kèm theo câu “Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam”. Tết vừa rồi, Thành đã in khoảng 10.000 chiếc phong bì như vậy để bán và “bán chạy đến không ngờ, khách hàng đặt in thêm 3.000 cái nữa mà không kịp thời gian” - Thành kể.
Không chỉ in phong bì, Thành còn in 100 chiếc áo thun với hình ảnh và khẩu hiệu “Việt Nam khẳng định chủ quyền” vừa để kinh doanh, vừa để cổ vũ cho chủ quyền Việt Nam trên các quần đảo. Những ngày này, Thành đang đi từ TPHCM ra Hà Nội bằng đường bộ, vừa kết hợp đi “bán rong”, vừa cổ động cho phong trào kinh doanh hàng không xuất xứ từ Trung Quốc.

Các sản phẩm của No China Shop đã được đông đảo 
người tiêu dùng đón nhận trong dịp tết vừa qua.

“Tất cả áo thun tôi đều mua từ các nhà sản xuất trong nước, chỉ trong một tháng trước tết, cứ nghĩ làm chơi mà thu về hơn 50 triệu đồng”. Thành - người luôn tỏ ra bức xúc với những hành động xâm lược của Trung Quốc - kể: “Hiện nay tôi đang tìm các nguồn cung cấp thực phẩm, hàng may mặc, tiêu dùng từ những nguồn trong nước hoặc các nước không phải Trung Quốc để cung cấp cho thị trường. Phân khúc thị trường của những người không muốn sử dụng hàng Trung Quốc đang ngày càng lớn, nhưng các doanh nghiệp trong nước lại bỏ quên vì không để ý, hoặc vì không tìm được nguồn hàng”.

Mọi chuyện bắt đầu từ giữa tháng 12.2012, khi doanh nhân trẻ này lập một trang facebook với tên gọi No China Shop để giới thiệu thông tin về những mặt hàng không có xuất xứ từ Trung Quốc cho người tiêu dùng. Sự hưởng ứng mạnh mẽ từ những người sử dụng Internet khiến Thành quyết định biến tinh thần yêu nước thành một mục tiêu kinh doanh. Hằng đêm, Thành biến cửa hàng bán đồ nội thất của mình trên đường Tô Hiến Thành (Q.10) trở thành một sạp hàng bán các sản phẩm không xuất xứ từ Trung Quốc, chủ yếu là quần áo cho trẻ em và nam giới. Tuy vậy, trong những ngày khai trương, cửa hàng của Thành không phải “luôn nhận được cái nhìn thiện cảm từ mọi người” - như lời doanh nhân này kể.

“Tôi đang muốn nhắm đến các mặt hàng thực phẩm, trái cây sạch và quần áo, vì đó là những mặt hàng tiêu dùng có thể dễ dàng thay thế bằng hàng Việt Nam và được người tiêu dùng chấp nhận rộng rãi” - Thành nói - “Từ ý tưởng No China Shop, tôi nhận thấy có rất nhiều ngành hàng có thể phát triển vì nhu cầu người tiêu dùng đối với mặt hàng này rất cao, nhưng sức một mình tôi không thể làm nổi. Do đó, tôi rất muốn dùng tên gọi No China Shop để liên kết các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước lại, nhằm chống sự khuynh loát thị trường của hàng hóa Trung Quốc, đồng thời cung cấp cho người tiêu dùng thêm những lựa chọn tiêu dùng an toàn”.

Giờ đây, doanh nhân trẻ này không chỉ muốn No China Shop là tên gọi của một cửa hàng kinh doanh như ý định ban đầu của anh, mà còn hy vọng No China Shop được phát triển thành một nơi để các cửa hàng, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa phổ biến thông tin về sản phẩm và dịch vụ.

No China Shop chỉ là đơn vị trung gian để giới thiệu hàng Việt Nam, chúng tôi không lấy bất kỳ chi phí nào. Nếu có, thì phần trích đó sẽ được đưa vào để giảm giá cho người tiêu dùng, khi họ tìm đến với hàng Việt” – Thành quả quyết.

Theo kế hoạch, No China Shop sẽ cung cấp cho khách hàng thẻ thành viên, khi khách hàng mua hàng tại các đơn vị có liên kết sẽ được giảm giá. Cách làm này - theo Nguyễn Hồ Nhật Thành, vừa giảm được chi phí quảng cáo cho doanh nghiệp, vừa tạo ra được một mạng lưới kinh doanh hàng không xuất xứ từ Trung Quốc, đồng thời giúp người tiêu dùng có lợi hơn khi họ tìm đến với những mặt hàng sản xuất trong nước.

Theo doanh nhân Nhật Thành: “Chỉ cần tạo được một mạng lưới khách hàng thì các doanh nghiệp nhỏ sẽ mạnh dạn thay đổi thói quen kinh doanh, nguồn hàng”. “Cứ mỗi khi nhìn vào con số nhập siêu 10 tỉ USD hằng năm từ Trung Quốc và hàng hóa kém chất lượng của nước này khuynh loát thị trường Việt Nam, cùng với những động thái xâm lăng mọi mặt với Việt Nam, tôi lại thấy tức giận vô cùng. Đã đến lúc biến lòng yêu nước từ những lời nói thành hành động” –Nguyễn Hồ Nhật Thành khẳng định.


http://laodong.com.vn/Kinh-doanh/No-China-Shop-Noi-khong-ban-hang-Trung-Quoc/105171.bld
-----------

Một số ảnh đẹp trên mạng:



Tẩy chay sản phẩm Trung Quốc - Trả tiền cho nỗi đau

Trịnh Kim Tiến - Giờ đây mỗi khi mua một món đồ của Trung Quốc tôi cảm thấy tôi đang phải trả tiền cho những nỗi đau mất mát của đồng bào mình, trả tiền cho sự nô lệ của đất nước tôi vào hàng hóa Trung Quốc. Một nỗi đau âm ỉ đến từ từ nhưng lại rất sâu đắng. 

Tôi cảm thấy căm ghét sự bành trướng xâm lược của Trung Quốc, ghét việc họ đô hộ đất nước tôi cả nghìn năm, ghét việc họ Hán hóa người Việt, ghét họ bắt, đánh, giết ngư dân tôi, ghét họ chiếm đóng núi rừng Việt Bắc của cha ông, ghét họ hung hăng xâm chiếm Hoàng Sa Trường Sa, ghét họ nghênh ngang trương bảng Tam Sa, ghét họ đưa lưỡi bò đòi liếm sạch biển Đông...

Vậy thì tại sao tôi lại vừa xuống đường bày tỏ lòng yêu nước, phản đối hành động xâm lăng lại vừa có thể tiếp tay làm giàu cho kẻ xâm lược!? Tại sao tôi lại phải bỏ đồng tiền vất vả kiếm ra để làm giàu cho những kẻ đang bắn giết ngư dân, mưu đồ xâm lấn, chà đạp lên danh dự dân tộc mình!? Tôi tự hỏi mình khi tôi cầm chiếc áo nhập từ Trung Quốc tôi đã từng mua trước đây.

Trung Quốc đã biến thị trường của chúng ta trở thành một bãi rác với những sản phẩm kém chất lượng, phế phẩm, thậm chí là những sản phẩm gây độc hại trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Điều đáng đau xót là tôi phải thừa nhận một điều rằng Việt Nam đang phải làm nô lệ hàng hóa cho Trung Quốc. Có nhiều nguyên nhân, trách nhiệm dẫn đến sự nô lệ này nhưng chính chúng ta, những người tiêu dùng đã trực tiếp vô tình góp phần nào vào tình trạng nô lệ ngày hôm nay. 

Trong bối cảnh nô lệ đó, sản phẩm Trung Quốc như một sợi dây thừng quái quỷ nhất. Nó vừa là sợi dây mà người ta như kẻ chết đuối được quăng xuống dòng nước. Nó vừa là sợi dây thòng lọng tròng vào đầu. Đó chính là hình ảnh nói lên bản chất của nô lệ. Biết là phi nghĩa, biết là độc hại, biết là đe dọa độc lập kinh tế quốc gia nhưng vẫn phải nhắm mắt bám vào. 

Trong tình trạng nô lệ đó, tẩy chay hàng Trung Quốc, không sử dụng hàng Trung Quốc, thật là khó để chúng ta có thể nói và làm theo, bởi hàng hóa của Trung Quốc tràn ngập trên thị trường Việt Nam với đủ mọi loại mặt hàng giá cả hấp dẫn và mẫu mã tinh vi. 

Nhưng có thật sự là chúng ta không thể làm điều đó? Bất cứ ai cũng có thể thoát ra khỏi số kiếp nô lệ nếu biết rõ mình đang nô lệ và dứt khoát không còn muốn mình tiếp tục làm nô lệ. 

Đã đến lúc mỗi người chúng ta cần tích cực thay đổi, xóa bỏ đi quá khứ bị phụ thuộc, thay đổi nhu cầu sử dụng từ những mặt hàng nhỏ nhất. 

Đã đến lúc chúng ta phải thoát khỏi tâm lý tự cô lập, thu hẹp thị trường của mình trong một nền kinh tế mở cửa bởi những lo sợ và cam chịu. 

Đã đến lúc chúng ta phải hết sức mình vượt qua những khó khăn phải đối diện khi phải từ bỏ những mặt hàng rẻ tiền của Trung Quốc để tìm đến với những mặt hàng tương tự từ các nước khác với giá thành cao hơn. Nó thật không dễ dàng gì với những gia đình trung bình và hộ nghèo. Nhưng các cụ vẫn thường bảo “của rẻ là của ôi”, “tiền nào thì của ấy”. Mua đồ rẻ chưa chắc đã tiết kiệm được chi phí, bởi những mặt hàng đó hầu hết là những hàng kém chất lượng, dễ dàng hư hỏng của Trung Quốc, họ tuồn qua Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau. Đọc trên các mặt báo và chính chúng ta cũng từng sử dụng qua, có thể thấy có vô số mặt hàng độc hại từ Trung Quốc tràn lan nhưng vì lợi nhuận mà nhiều doanh nghiệp đã bất chấp đạo đức đem đến cho người tiêu dùng sử dụng. 

Đã đến lúc chúng ta sau khi hiểu rõ là độc hại thì phải tháo gỡ những thói quen, đã từng cố tình coi như không biết. Bởi sự độc hại thường nó gậm nhấm, tác động lâu dài âm thầm trong cơ thể chúng ta trong khi trước mắt chúng ta chỉ thấy được nhu cầu ăn ngon, mặc đẹp, mua rẻ. Sự dễ dãi trong việc lựa chọn vật dụng, thực phẩm là chúng ta đang tự đầu độc chính mình và người thân, biến mình thành nô lệ của kẻ xâm lược. 

Tôi cũng như mọi người khác, cũng đã mua, cũng đã sử dụng vô số đồ dùng, sản phẩm nhập từ Trung Quốc. Từ những bộ quần áo, giày dép cho đến đồ ăn, bánh kẹo có xuất xứ Trung Quốc. Tủ của tôi - một “đống rác” khổng lồ - với những bộ quần áo chỉ mặc được đôi lần, những chiếc áo bục chỉ, những chiếc quần phai màu rất nhanh... 

Tự hứa với mình, từ nay tôi sẽ cố gắng để không mang “rác” về nhà nữa. 

Tự hứa với mình, từ nay tôi sẽ cố gắng để không tiếp tay làm giàu cho giặc nữa. 


---------


Trịnh Kim Tiến - Một tuần nay, cứ đều đặn buổi sáng đến công ty làm việc, buổi chiều tối bày đồ trẻ em ra bán trước cửa công ty. Từ ngày bán đồ trẻ em, ngoài việc có thể kiếm thêm được một chút tiền để ổn định cuộc sống, tôi còn cảm thấy hạnh phúc hơn khi nhìn thấy những nụ cười hồn nhiên thơ ngây khoác lên mình những chiếc áo, chiếc váy mang xuất xứ không phải từ Trung Quốc. Những bộ đồ trẻ em mà tôi bán đều được tôi lựa chọn kĩ càng, tôi chỉ nhập hàng Việt và hàng Thái để bán cho khách. Với mong muốn “người Việt Dùng hàng Việt, tẩy chay, tránh xa các sản phẩm độc hại từ Trung Quốc”, dù có hôm chỉ bán một bộ đồ, tôi vẫn cảm thấy mình đã làm được một việc có ích.








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét