Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

Nhìn lại và... giật mình!

Nhìn lại và... giật mình!
Người Lao Động Giám đốc điều hành một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở quận Bình Tân - TPHCM nói thẳng: “Lao động không có chuyên môn, kỹ năng, làm thì ít mà phá thì nhiều”
Vừa qua, Trung tâm Hỗ trợ việc làm bền vững Pacific đã thực hiện một khảo sát khá thú vị về “Một câu trả lời cho tương lai” trên 2.500 công nhân nhập cư tại TPHCM. Câu hỏi đưa ra là: “Nếu bạn kiếm được 100 triệu đồng bạn sẽ làm gì?”. Kết quả là có 65% trả lời: “Điều đó không bao giờ xảy ra”, 32% cho biết: “Tôi sẽ về quê ngay để lấy vợ (hoặc chồng)”. Số còn lại có nhiều lựa chọn: Mở cơ sở sản xuất, mở tiệm tạp hóa, chăn nuôi, buôn bán... Tuyệt nhiên không ai trả lời sẽ tiếp tục làm công nhân!
Công nhân KCX Tân Thuận - TPHCM tan ca. Nhiều người cho biết 
chỉ làm việc vài năm rồi về quê lấy vợ, lấy chồng. Ảnh: HỒNG ĐÀO 
Ít người được đào tạo chính quyCó thể đây chỉ là một khảo sát hạn chế về không gian, thời gian và độ bao phủ của các ngành nghề. Tuy nhiên, qua đó nổi lên một vấn đề: Nguồn nhân lực hiện nay tại các doanh nghiệp (DN) không bền vững. Bất cứ lúc nào DN cũng có thể đứng trước nguy cơ mất người, thiếu hụt nhân lực cho các kế hoạch sản xuất kinh doanh. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
Nhiều người được hỏi cho biết làm công nhân chỉ là tạm thời để giải quyết cuộc sống trước mắt vì hiện nay ở các địa phương không có đủ công ăn việc làm. Ngoài ra, với suy nghĩ và thói quen của những người sinh ra và lớn lên từ những vùng quê, họ vẫn thích gắn bó với quê cha đất tổ hơn là bỏ xứ tha hương.
Trong số 2.500 người được hỏi thì chỉ có 21% đi học nghề rồi mới đi làm. Số còn lại chưa hề qua lớp đào tạo nghề chính quy, bài bản nào. Chị Lê Thị Phương, ở Công ty F.T (KCX Linh Trung - TPHCM), quê ở Thái Bình, nói: “Bạn bè rủ vào TPHCM làm công nhân để kiếm ít vốn về mở quán cà phê. Tôi làm việc đã 5 năm, để dành được 15 triệu đồng. Cố gắng thêm một thời gian nữa xem sao, được hay không được 100 triệu đồng tôi cũng nghỉ làm”.
Còn chị Nguyễn Ngọc Hồng, quê ở Trà Vinh, đang làm việc tại KCX Tân Thuận thì cho biết cha mẹ chị có tiệm sạc bình ở thị trấn nhưng bây giờ làm ăn ế ẩm vì điện lưới quốc gia đã về tận vùng sâu, vùng xa. “Tôi ráng dành dụm mua cho cha chiếc xe máy để chạy xe ôm nhưng làm 3 năm rồi vẫn chưa đủ” - chị Hồng kể. Chị cho biết thêm công ty mình làm việc là công ty Nhật Bản hẳn hoi nhưng với ngành nghề đang làm thì sau này có về quê cũng không giúp ích được gì bởi “họ chỉ cho mình làm một công đoạn chớ có dạy cả quy trình đâu mà biết làm!”.

Năng suất, chất lượng đều thấp

Theo báo cáo gần đây nhất của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của lao động Việt Nam năm 2011 đạt gần 2.400 USD/người (năm 1990 đạt 265 USD, năm 1995 đạt 630 USD, năm 2000 đạt 842 USD, năm 2005 đạt 1.237 USD và 2010 đạt 2.067 USD). Tuy nhiên, năng suất này vẫn còn thấp hơn Indonesia 10 lần, Malaysia 20 lần, Thái Lan 30 lần, Nhật Bản 135 lần... Một con số khác đáng buồn hơn: chất lượng lao động Việt Nam được các DN đánh giá nằm trong nhóm 10% thấp nhất khu vực.

Lý giải nguyên nhân năng suất lao động thấp, các chuyên gia cho rằng đó là do mâu thuẫn giữa mô hình tăng trưởng kinh tế hiện tại và chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Còn các DN thì cho rằng lao động Việt Nam thiếu hiểu biết về công nghệ và khả năng sáng tạo, thiếu khả năng thích nghi với công nghệ mới, không có kỹ năng... Ở một số ngành như chế biến thực phẩm, y tế, xây dựng, vận tải, hóa chất, dệt có tình trạng lao động thiếu hụt kỹ năng nghiêm trọng... Giám đốc điều hành một DN có vốn đầu tư nước ngoài ở quận Bình Tân - TPHCM nói thẳng: “Tuyển lao động không có chuyên môn, kỹ năng, họ làm thì ít mà phá thì nhiều”.

Vậy thì nguyên nhân của mọi nguyên nhân là đâu? Câu trả lời là chủ yếu do tỉ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp. Chúng tôi hỏi giám đốc một DN tại KCN Tân Tạo - TPHCM: “Trong số 500 công nhân của ông, có bao nhiêu xuất thân từ trường nghề?”. Sau 5 phút chờ đợi phòng nhân sự tổng hợp, câu trả lời của ông khiến chúng tôi hết sức bất ngờ: 8 người! “Thế 492 người còn lại?”. “Đều là con em nông dân mấy tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang... Đa số chỉ mới học hết lớp 9”.

Tại một DN khác, tỉ lệ công nhân được đào tạo từ các trường nghề, trung tâm dạy nghề có cao hơn: khoảng 30%. Tuy nhiên, dù mang tiếng là đã qua đào tạo nhưng số người làm được việc rất ít, hầu hết phải đào tạo lại.

Đâu rồi lao động trẻ?

Một giám đốc người Nhật ở KCX Tân Thuận hỏi: “Hằng năm các báo cáo đều nói rằng cả nước đã đào tạo nghề cho hàng triệu lao động; các trường đại học, cao đẳng cũng có ngần ấy sinh viên ra trường. Thế thì lực lượng lao động trẻ, khỏe, có kiến thức này đi đâu, làm gì mà không thấy vào DN?”. Xin chuyển câu hỏi này cho các cơ quan chịu trách nhiệm về giáo dục - đào tạo Việt Nam.


http://www.baomoi.com/Nhin-lai-va-giat-minh/47/10608063.epi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét