Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

Người Nhật nghĩ gì về thời cuộc?

Người Nhật nghĩ gì về thời cuộc?

Nikkei-225-Price
Hôm qua ra sân bay đón ông bạn Nhật, trên đường về khách sạn tấp vào quán ăn tối luôn. Đến lúc gọi đồ uống mới phát hiện là ông bạn mình thường xuyên qua lại Việt Nam 8 năm nay mà không biết rằng, có một loại rượu sake sản xuất tại Việt Nam, hiệu là Etsu no Hajime.
Loại sake này sản xuất tại một nhà máy 100% vốn Nhật, đặt tại Huế. Nhớ lại, vào khoảng mười mấy năm trước, khi đi thăm lăng Khải Định mình có đi ngang qua nó. Và lúc ấy ấn tượng lớn nhất là câu hỏi: tại sao một nhà máy sản xuất rượu sake lại đặt ở cái nơi khỉ ho cò gáy đấy không biết. Sao không phải là một khu công nghiệp nào đó, hay ít nhất phải gần những thị trường lớn như Tp.HCM hay Hà Nội, mà lại đặt ở Huế. Đã thế lại nằm lẩn khuất trong những khu đồi vắng gần nghĩa trang hoạn quan nhà Nguyễn, một nơi thật thâm u tịch mịch…
Và thế là mình quyết định nài nỉ ông bạn uống thử xem, đối với một người Nhật thì nó là ngon hay dở (vì mình không uống rượu nên không tự kiểm chứng được).
Không ngờ ông bạn cứ khen ngon, một mình cưa hết hai chai 300ml! Và rồi thì rượu vào lời ra, lần đầu tiên thấy bạn mình nói nhiều, tâm sự mọi lĩnh vực từ trái sang phải! Nhân đó mình có cơ hội tìm hiểu xem một người dân Nhật Bản bình thường suy nghĩ như thế nào, quan tâm đến cái gì một cách chân thực nhất!

Sau đây là đoạn tâm sự của ông bạn (trong ngoặc kép)
-“Dạo này tự nhiên thấy phấn khích quá! Biết sao không? Chứng khoán Nhật tăng như điên 2 tháng qua. Thậm chí thấy tiếc vì không quăng hết tiền vào chứng. Haizzz! Cơ hội ngàn năm có một mà lại…”
-Sao lại tăng kinh thế nhỉ?
-“Abenomic đấy! Abe muôn năm! Gần 20 năm kinh tế đì đẹt, giờ đột nhiên thấy không khí tăng trưởng bao trùm mọi ngõ ngách, thấy sướng thiệt. Chỉ trong vòng khoảng 2 tháng mà thị trường tăng 20%, cá biệt có những cổ phiếu tăng gấp đôi luôn rồi…”
-Trời ơi?!!!
-“Thiệt đó! Lý do thì có nhiều lắm! Nhưng cơ bản là thế này: Thủ tướng Abe quyết định chuyển hướng nền kinh tế, lấy cầu nội địa làm bàn đạp kết hợp với phá giá đồng Yên để cạnh tranh xuất khẩu, đồng thời quyết định đàm phán TTP (Hiệp định hợp tác kinh tế các nước Thái Bình Dương) đưa Nhật Bản thông thương ở mức độ cao hơn trước…
-“Tất nhiên là vì cái TTP này nên hiện nay đây đó nông dân Nhật đang biểu tình phản đối Abe cũng như đảng Dân Chủ Tự Do LDP của ông. Họ sợ rằng khi xóa bỏ sự bảo hộ bao năm nay thì nông sản Nhật sẽ không chịu nổi sức cạnh tranh của hàng giá rẻ từ nước ngoài, đặc biệt là gạo”
-“Nhưng hầu hết các tầng lớp người dân Nhật Bản thì đang cảm thấy một sự chuyển mình tích cực, một làn sóng tươi mới đang xuất hiện cùng với các chính sách quyết liệt của Thủ tướng Abe. Ngoài lý do cho rằng một khi bơm thêm tiền thì kinh tế sẽ được kích thích, người dân ủng hộ Abe phần khác vì cũng đã chán mấy năm cầm quyền của Đảng Dân Chủ vừa rồi. Thích hay không thích, họ đều thấy rõ là sức cạnh tranh trên mọi mặt trận của Nhật Bản đã giảm sút quá nhiều trong suốt thập kỷ qua. Và rằng muốn thay đổi nó, thì cần phải có những cải cách cực kỳ quyết liệt tương tự như thời Minh Trị Thiên Hoàng ấy! Đúng sai còn cần thời gian trả lời, nhưng ít nhất thì họ đã thấy nhiệt huyết đó, sự quyết liệt đó lấp ló với hình ảnh của Thủ tướng Shinzo Abe…”
-“Thậm chí mình thấy ngạc nhiên tại sao việc nới lỏng tiền tệ lại được thực hiện muộn thế! Tới gần 20 năm coi như giảm phát cơ mà?"
-Ngoài lề một tí, còn đối ngoại thì sao? Có gì khác biệt với cách mà Nhật Bản vẫn hành xử bao năm nay không?
-“Khác biệt á? Có đấy! Đảng Dân Chủ có vẻ hướng đến trục Nga-Trung, hay có thể nói là thân Nga-Trung, trong khi LDP lại hướng đến Mỹ, đặc biệt là Thủ tướng Abe. Thật ra, ngay cả việc đàm phán TTP cũng là một con bài đánh đổi với Mỹ để lấy sự đồng thuận cho việc phá giá đồng Yên. Vì rõ ràng, phá giá Yên vốn là việc Mỹ không thích, thế thì sẽ phải hy sinh cho nông sản Mỹ tràn vào Nhật nhiều hơn mới được chứ. Và có vẻ màn kịch đổi chác này đang được diễn tốt! Không thấy Chú Sam phản đối gì về đồng Yên giảm giá cả…”
-Hỏi hơi to tát một chút, thế còn khả năng chiến tranh Hoa Đông?
-“Về chuyện này, theo dòng bình luận chủ đạo ở Nhật thì vốn đương kim Chủ Tịch Tập Cận Bình là người thuộc phái Thượng Hải của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân. Mà phe này được coi là rất chú trọng liên kết nội khối và khu vực. Do đó, đa số cho rằng ông Tập Cận Bình lúc mới nhậm chức có phát biểu hung hăng một chút, chẳng qua cũng là vì lý do thế này: trong lúc chuyển giao quyền lực, ông ấy chưa làm được gì nhiều để tạo thành tích (nhất là về kinh tế) thì ông giương cờ giong trống để thu hút sự chú ý (đồng nghĩa với những ánh mắt soi mói) về phía những thứ gọi là yêu nước, là chủ quyền! Thế thôi! Mình nghĩ xác suất xảy ra chiến tranh Trung Nhật là cực kỳ nhỏ!”
-Theo anh, Nhật có vẻ đã thành công bước đầu với phá giá đồng Yên, liệu Việt Nam có nên làm giống vậy?
-“Ấy Việt Nam khác nhiều chứ! Việt Nam đâu có trải qua gần 20 năm giảm phát như Nhật. Theo mình thì kiềm chế lạm phát là thứ Việt Nam cần ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn này!”
…chuyện còn rôm rả đến khuya, nhưng đoạn sau toàn nói chuyện “vật chất tầm thường” nên thôi không kể ở đây…

Read more: http://vfpress.vn/threads/nguoi-nhat-nghi-gi-ve-thoi-cuoc.20133/#ixzz2OTDKyYUv

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét