Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

Ngẫm từ những chia sẻ của GS Ngô Bảo Châu

Ngẫm từ những chia sẻ của GS Ngô Bảo Châu
Những sản phẩm đỉnh cao của trí tuệ Việt như các GS Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn… đều chỉ có thể thăng hoa khi được đào tạo và làm việc trong những môi trường giáo dục và khoa học tiên tiến, nơi mà tính trung thực được đề cao đến tuyệt đối...
Các buổi gặp gỡ, đối thoại của GS Ngô Bảo Châu với giới trẻ Việt Nam tại ĐH Bách khoa Hà Nội (ngày 13/3) và ĐH Mở TP.HCM (ngày 15/3) đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong dư luận, báo chí. Đang là thần tượng của giới trẻ Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ học đường, những chia sẻ của GS Châu tại các sự kiện nêu trên đã gợi lên nhiều vấn đề sâu sắc và nóng bỏng tính thời sự trong giáo dục, và không chỉ giáo dục hiện nay. 
GS Ngô Bảo Châu gặp gỡ, đối thoại với các bạn trẻ 
Việt Nam tại ĐH Bách khoa Hà Nội ngày 13/3. 
Đối thoại với GS Ngô Bảo Châu, điều mà các bạn sinh viên quan tâm nhất chính là được GS truyền lại cho những bí quyết, kinh nghiệm, bài học dẫn đến thành công trên con đường học vấn. Và những bí quyết, bài học mà GS Châu tâm đắc, nhấn mạnh có thể tóm gọn lại là: sự trung thực, lòng đam mê, tính kỷ luật và trách nhiệm.
Có thể nói rằng, đó là những điều không có gì mới mẻ, chúng vẫn được nhắc đi, nhắc lại trong nhiều bài học, các diễn đàn khác nhau. Nhưng ở đây, khi được nói ra bởi GS Ngô Bảo Châu, chúng trở nên cực kỳ thuyết phục bởi chúng được bảo chứng bởi chính những thành công mà GS đã đạt được trên con đường vươn tới đỉnh cao khoa học, để trở thành một nhà toán học tầm cỡ thế giới với giải thưởng Field danh giá. 
Như vậy, qua những bộc bạch của GS Ngô Bảo Châu, những ai muốn được nghe về những “bí quyết đặc biệt”, thậm chí là những “phép lạ” giúp GS thành công thì sẽ thất vọng vì đơn giản là không có “phép lạ” nào cả. Thành công chỉ đến sau một quá trình lao động bền bỉ, miệt mài, luôn giữ cho mình ngọn lửa đam mê khoa học, dù có lúc chỉ là “một đốm lửa le lói”, với ý chí sắt đá và tinh thần trách nhiệm cao nhất. Hơn hết là phải luôn luôn trung thực, trung thực với chân lý khoa học, trung thực với bản thân mình và với bạn bè, thầy giáo. Vì vậy, dù đang là thần tượng của không ít bạn trẻ nhưng GS Châu lại thẳng thắn khuyên sinh viên không nên thần tượng hóa một ai. Điều quan trọng nhất là phải tin ở bản thân mình, tin ở thành công phía trước.

Những điều GS Ngô Bảo Châu chia sẻ với sinh viên tại các sự kiện vừa nêu không chỉ đúng với cá nhân từng sinh viên mà còn đúng với cả nền khoa học và giáo dục nước nhà. Hay nói đúng hơn, nó chỉ đúng vào căn bệnh trầm trọng nhất của giáo dục, khoa học hiện nay, đó là căn bệnh thiếu trung thực, hay ngược lại là căn bệnh gian dối, dối trá đã trở nên phổ biến đến mức người ta không coi là bệnh nữa mà đã mặc nhiên chấp nhận như là chấp nhận “sống chung với lũ”.

Khi nói đến tính trung thực trong giáo dục, GS Châu có nhắc đến vụ tiêu cực thi cử Đồi Ngô (Bắc Giang), vụ việc mà theo GS là “chưa từng xảy ra trong lịch sử” như là minh chứng cho điều mà GS gọi là lỗi hệ thống trong giáo dục hiện nay. Ai cũng biết, vụ Đồi Ngô chỉ là trường hợp “bị lộ” một cách ngẫu nhiên, là phần nổi của tảng băng chìm. Còn trên thực tế, những trường hợp như thế vẫn xảy ra ở khắp nơi, ở mọi cấp học vơi những biến tướng khác nhau, dù ngành GD có mở bao nhiêu cuộc vận động “nói không với tiêu cực” đi nữa. Trong một nền giáo dục mà sự gian dối đã trở nên phổ biến từ cấp học thấp nhất đến cao nhất, từ các kỳ thi, kiểm tra ở phổ thông cho đến những buổi bảo vệ luận án thạc sỹ, tiến sỹ hoành tráng với những hội đồng gồm những GS tên tuổi, nơi mà những luận án được sao chép trên mạng vẫn được đánh giá bằng những “lời có cánh” và cho điểm tốt thì ai cũng biết, sản phẩm của chúng sẽ có chất lượng như thế nào.

Thật khó mà nói đến tính trung thực, đến ngọn lửa đam mê vươn tới đỉnh cao khoa học như GS Ngô Bảo Châu mong mỏi trong nền giáo dục Viêt Nam hiện nay khi hằng ngày học sinh vẫn vừa phải ra rả những bài học đạo đức về tính trung thực, về trách nhiệm lại vừa phải đối mặt với đủ thứ gian dối, kể cả những gian dối đến từ thầy cô giáo và nhà trường. Và đó cũng là một trong những căn nguyên sâu xa của làn sóng “tỵ nạn giáo dục”, một cách gọi hình tượng của tình trạng các gia đình khá giả tìm mọi cách cho con cái đi du học nước ngoài, kể cả đến những nước trong khu vực có trình độ không quá chênh lệch với ta.

Một khi lòng tin đối với nền giáo dục nước nhà đã bị rớt xuống mức thấp nhất bởi những gian dối, tiêu cực tràn lan thì việc phải gửi con cái đi du học đã được nhiều gia đình lựa chọn như một lối thoát. Tất nhiên, cũng phải kể đến những mặt yếu kém, lạc hậu khác của giáo dục trong nước như cơ sở vật chất, trình độ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy… nhưng phải khẳng định rằng, điều làm phụ huynh học sinh mất lòng tin nhất đối với giáo dục hiện nay là chính là căn bệnh gian dối, tiêu cực, vụ lợi.

Chúng ta đã nói nhiều đến căn bệnh phong bì trong các bệnh viện mà chưa nói đến nạn phong bì ở trường học, nhất là các trường đại học. Ở đây, cứ đến các kỳ thi, việc của sinh viên không phải là miệt mài ôn luyện mà là lo phong bì để đến nhà thầy lo lót nhằm bảo đảm một kết quả thi như ý muốn. Căn bệnh này càng nặng ở các lớp đào tạo tại chức, nhất là những lớp được các trường mở tại địa phương, các khóa đào tạo sau đại học, kể cả bảo vệ luận án tiến sỹ.

Một nền đào tạo như vậy liệu có thể cho ra được những sản phẩm vươn tới đỉnh cao trí tuệ. Và một thực tế hiển nhiên là những sản phẩm đỉnh cao của trí tuệ Việt như các GS Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, Vũ Hà Văn …đều chỉ có thể thăng hoa khi được đào tạo và làm việc trong những môi trường giáo dục và khoa học tiên tiến, nơi mà tính trung thực được đề cao đến tuyệt đối như là một điều kiện sống còn.

Vì vậy, những người cần suy ngẫm về những chia sẻ của GS Ngô Bảo Châu không chỉ có các bạn sinh viên mà còn cả các nhà lãnh đạo, quản lý, những người đã nắm vận mệnh nền giáo dục nước nhà.

Đăng Vũ
http://infonet.vn/Thoi-su/Ngam-tu-nhung-chia-se-cua-GS-Ngo-Bao-Chau/68121.info

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét