Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

'Nên để thị trường bất động sản rơi tự do'

'Nên để thị trường bất động sản rơi tự do'
Lo ngại rót 30.000 tỷ đồng chỉ cứu được một số đối tượng, địa ốc có thể cầm máu nhưng vết thương khó lành, tiến sĩ Alan Phan cho rằng nên để thị trường tự điều chỉnh để sau 4-5 năm có thể quay về thời hoàng kim.

Theo tiến sĩ Alan Phan, giá nhà có thể giảm thêm 30-50% nữa. Ảnh: Hoàng Lan
Vấn đề giải cứu bất động sản đang gây tranh cãi, một bên nói cần tháo gỡ vì địa ốc liên quan đến hơn 80 ngành nghề, số khác cho rằng không nên bi kịch hóa. Ông nghiêng về ý kiến nào?
- Bất cứ phương án giải cứu nào cũng đòi hỏi một cái giá phải trả. Thứ nhất là tiền bạc, thứ hai là ảnh hưởng của nó tới các hoạt động khác. Nếu Chính phủ in tiền để giải cứu bất động sản thì hệ quả đầu tiên là lạm phát và toàn dân phải chịu. Các giải pháp khác như đánh thuế vào tài khoản tiết kiệm giống Síp làm thì chúng ta đã thấy hậu quả thế nào. Tôi cho rằng, với giải pháp nào, Chính phủ cũng như nền kinh tế Việt Nam sẽ phải trả cái giá đắt.
Quan điểm của tôi là hãy để cho bất động sản rơi tự do. Điều này sẽ làm giá nhà giảm thêm 30-50% để "bắt kịp" thu nhập của người dân và sẽ tạo ra một tầng lớp trung lưu có đủ điều kiện mua nhà. Người dân sẽ có thêm niềm tin và đây chính là một cú hích tạo ra sự kích cầu lớn. Giống như nền kinh tế Mỹ nợ ngập đầu nhưng vẫn rất năng động, bởi họ phải "kéo cày" làm việc tới 15-16 tiếng mỗi ngày để trả nợ.

Tất nhiên, khi để bất động sản rơi thì nợ xấu ngân hàng sẽ tăng, nhà băng có thể "chết" nhưng không sao cả vì số lượng ngân hàng hiện dư chứ không thiếu. Nếu một nửa nhà băng chết, một nửa sống thì cũng không sao, miễn là Chính phủ bảo đảm người dân sẽ không mất tiền. Ngân hàng chết, chứng khoán sẽ tụt nhưng sau đó niềm tin sẽ lấy lại và đi tới một chu kỳ kinh tế mới.
Ông đánh giá thế nào về giải pháp rót 30.000 tỷ đồng qua ngân hàng thương mại để tháo gỡ khó khăn cho địa ốc, trong đó tập trung cho phân khúc nhà thu nhập thấp và nhà thương mại giá rẻ?
- Theo tôi giải pháp này không khả thi. Hiện nợ xấu ngân hàng chồng chất rồi, giờ phải cho vay thêm thì sẽ rất "ngượng ngùng". Chính phủ rót 30.000 tỷ đồng chỉ cứu được một vài đối tượng. Thị trường bất động sản Việt Nam chỉ cầm máu một chút và vết thương sẽ không khỏi. Phương thức can thiệp này không hữu hiệu mà chỉ lợi cho một nhóm người. Ngoài ra, khi bơm tiền ra sẽ có ít nhất 50% lượng tiền biến mất vì sự không minh bạch, thiếu kiểm soát nghiêm túc. Phải nhớ rằng, ở đâu cũng thế, tiền của người khác thì ta luôn có sự cẩu thả trong tiêu xài. Không có sự kiểm soát chặt chẽ thì luôn có những đối tượng lợi dụng, đó là tình trạng chung của mọi xã hội, "thừa nước đục thả câu".
Ở Mỹ, Chính phủ không cứu bất động sản mà để giá địa ốc xuống ồ ạt. Khi ngân hàng lớn lâm nguy, Chính phủ phải rót tiền vào để có thăng bằng nhưng sau đó chính ngân hàng phải tự tìm vốn để bù vào. Sau khi có thêm một nguồn vốn mới, ngân hàng phải trả lại Chính phủ.
Kết quả thăm dò ý kiến độc giả trên VnExpress, tính tới chiều 21/3.
Ông cho rằng, giải pháp đưa ra khó khả thi, vậy Chính phủ nên làm gì lúc này?
- Chính phủ phải làm sao để giá xuống và thu nhập người dân lên. Tới điểm nào hai bên gặp nhau thì cung cầu mới cân bằng. Những theo tôi, để hai điểm này gặp nhau thì phải mất đến 10 năm.
Các chuyên gia cho rằng, hiện có sự chờ đợi của doanh nghiệp cũng như người dân vào các biện pháp giải cứu. Theo ông, tâm lý chờ đợi bao trùm này sẽ ảnh hưởng thế nào đối với thị trường bất động sản?
- Nếu bất động sản nằm yên không bán được thì càng đợi, người ta càng tuyệt vọng sẽ có nhiều người bỏ cuộc và giá sẽ xuống. Đó là áp lực chính. Tôi cho rằng, người mua nhà tỏ ra khôn ngoan, họ chờ đợi sự nao núng từ phía người bán. Giá nhà xuống họ mua được và nền kinh tế sẽ tốt hơn. Họ chờ đợi vì không có niềm tin. Thực tình tiền trong dân rất nhiều nhưng họ không muốn kinh doanh gì cả vì lúc này mà đầu tư thì bấp bênh quá. Nhiều người tôi biết có khả năng kinh doanh nhưng họ không muốn động tới tiền của mình, họ muốn đợi. Đôi khi tôi thấy những nhà đầu tư nước ngoài tin nhiều hơn là những người đã ở đây lâu.
- Lời khuyên của ông cho các nhà đầu tư cũng như người dân trong bối cảnh địa ốc như hiện nay là gì?
- Nếu doanh nghiệp trường vốn thì có thể đợi chờ và tìm cách để làm dự án hấp dẫn hơn. Trường hợp kẹt vốn, doanh nghiệp nên "phủi tay" làm lại, chấp nhận bỏ cuộc chơi thay vì tham gia một cách vô vọng. Người dân nếu thấy dự án tốt, sức mua ổn đáp ứng nhu cầu thì nên mua để đầu tư dài hạn.
Theo ông, mất bao lâu để thị trường địa ốc phục hồi?
- Tình hình đang xấu, sẽ mất rất nhiều năm để bất động sản lại thời vàng son 10-15 năm nếu không có gì thay đổi. Không giải cứu, địa ốc sẽ đi lên sau 4-5 năm. Doanh nghiệp mà không còn khả năng hoạt động thì nên để phá sản. Giống như một hình ảnh vui là có 1 con cóc mà mình phải nuốt thì nuốt ngay để đi làm việc khác thay vì ngồi nhìn nó hoài mà đến cuối ngày nó vẫn xấu chứ không đẹp hơn.
- Có nhiều kinh nghiệm đầu tư quốc tế, ông đánh giá thế nào về sức hút của thị trường bất động sản trong nước đối với các nhà đầu tư ngoại?
- Thị trường bất động sản Việt Nam chứa nhiều nghịch lý và nhạy cảm nên thật tình mà nói chưa hút nhiều nhà đầu tư ngoại. Thủ tục pháp lý và quan niệm toàn dân sở hữu đất đai vẫn chưa quen lắm với người nước ngoài. Thị trường hiện không sáng sủa nên việc kiếm tiền trong 3-5 năm rất khó, bởi vậy cơ hội ngắn hạn không dễ dàng. Còn cơ hội dài hạn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việt Nam đang yếu thế trong việc thu hút dòng tiền bên ngoài vào so với Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines. Kinh tế vĩ mô của Việt Nam cũng chưa bền vững.
Các trường hợp mua lại dự án phải có một mức giá hợp lý, chủ đầu tư chịu lỗ còn đơn vị mua lại thấy có cơ hội rút lui trong chiến thắng 3-4 năm thì họ vẫn làm. M&A chủ yếu là dự án đang xây dở dang, chỉ cần nhà đầu tư ngoại rót thêm một khoản tiền nữa để hoàn thiện nên họ sẵn sàng mua lại. Còn bảo họ đầu tư dài hạn, mua đất giải phóng mặt bằng sau đó triển khai dự án thì câu trả lời là không.
Alan Phan là doanh nhân với 43 năm kinh nghiệm tại thị trường Mỹ và Trung Quốc. Ông là Việt kiều đầu tiên đưa công ty tư nhân của mình lên niêm yết sàn chứng khoán Mỹ (1987) - Công ty Hartcourt đạt thị giá 670 triệu đôla vào năm 1999.
Ông cũng là doanh nhân đầu tiên đưa giao dịch chứng khoán và giáo dục từ xa qua mạng Internet tại Trung Quốc (1997). Ông từng là Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa Fund tại HongKong và Thượng Hải.
Hoàng Lan - Hàn Phi
http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/quan-diem/2013/03/nen-de-thi-truong-bat-dong-san-roi-tu-do/

Không một nhận định nào tuyệt vời hơn của Tiến sỹ.
Nên để giá giảm thêm, cho mọi người đều có nhà ở.Đây là mơ ước chính đáng của người dân nghèo.
Ý kiến của tiến sĩ Alan Phan rất khoa học và rất kinh tế thị trường.
N Thường
Bài viết thật hay, hợp tình, hợp lý đáng để cho các nhà hoạch định chính sách quan tâm nghiên cứu thực hiện.
Quá chuẩn. nhà đất Việt nam chưa thực tế với thu nhập của người dân. muốn có nền tảng chắc chắn đương nhiên là phải phù hợp với thực tế.cứ để lái đất thâu tóm thì không bao giờ có sự ổn định
Tôi nhận thấy Ts Alan Phan nói rất đúng. Hãy để thị trường địa ốc tự cứu mình. Đó là tính độc lập và công bằng trong kinh doanh.
Chúng ta đã rối về chính sách, giải pháp để kích cầu BĐS rồi, nếu càng làm sẽ càng rối. Làm theo kiểu Ông Phan có khi hay mà có lợi cho dân.
Mình nể nhất bác Alan Phan, các ý kiến đều xuất phát từ cốt lõi vấn đề
Tiến Sĩ nói rất đúng, hãy để BĐS tự vận động,thực ra có tình trạng ngày hôm nay là do họ quá tham lam, vay vốn NH mua lúc giá rẻ, rồi ôm giá đẩy lên cao, mà ko biết là mức thu nhập của Ng dân là bao nhiêu, nếu ko có ng mua, thì họ xây nhà bán cho ai, sở dĩ giá cao quá nên người có thu nhập thấp ko thể mua đc,giá nhà có thể giảm thêm 30-50% là rất hợp lí,    
tiến sĩ Alan Phan nói rất đúng
thanhcongkd
Đúng là chuyên gia nhận định tuyệt vời !
Bài viết rất hay, BĐS mà dây dưa mãi thì càng lỗ lã thôi, ngay lúc này nhiều người đang nghĩ giá mà 3 năm trước chịu bán lỗ tính ra còn hiệu quả hơn rất nhiều, thu hồi vốn sớm sẽ có cơ hội làm lại. Thật sự nếu cứ trì trệ thì bản thân NH càng mệt mỏi, chức năng chính của họ vẫn là làm dv liên quan đến BĐS chứ không phải kinh doanh trực tiếp.    
Ý kiến của chú Alan khác với nhiều chuyên gia nhưng luôn đúng
Để thị trường rơi tự do và tự điều tiết là tốt nhất
Chúng ta đã theo cơ chế thị trường thì để thị trường tự điều chỉnh. Cung với giá cả phù hợp thì sẽ có cầu. Cho dù hiện nay giá bất động sản đã giảm mạnh, nhưng so với thu nhập của người dân thì còn quá cao. Không thể lấy tiền thuế đi cứu một số đại gia làm ăn thua lỗ được. Khi những đại gia này làm ăn có lời thì có hỗ trợ người dân đâu? Đã yếu kém thì sẽ bị loại khỏi thị trường, cho dù đó là ai.    
Theo tôi, các Bộ, Ngành liên quan nên quan tâm đến những nhận xét này của TS Alan Phan.
Tôi hoàn toàn ủng hộ. Hãy để BĐS rơi tự do để có thể lập lại một thị trường BĐS có cung cầu phù hợp và sẽ dần tự khôi phục mạnh mẽ bền vững hơn.
tiến sĩ nói đúng quá, cho bất động sản rơi tự do là thượng sách, không thể vì lợi ích một vài cá nhân mà ảnh hưởng đến KT VN, mà dân nghèo cũng bớt khổ (trong đó có mình, híhí)
Nên để thị trường tiếp tục giảm thêm 30%, nếu hơn nữa càng tốt, bởi vậy những người làm công ăn lương như chúng tôi mới có thể mơ đến 1 tổ ấm cho mình. Thật tuyệt vời Tiến Sĩ Alan Phan "giá nhà có thể giảm thêm 30-50% nữa"
đồng ý với quan điểm của Alan Phan
Đồng ý với ý kiến của Tiến Sĩ Phan
Tôi cũng đang chờ giá nhà xuống thấp để mua, mong lắm thay
Rất đúng. Ủng hộ TS Alan Phan
ý kiến rất hay

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét