Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2013

CHÂN DUNG BẰNG THƠ CỦA PHẠM LƯU VŨ

CHÂN DUNG BẰNG THƠ CỦA PHẠM LƯU VŨ (Bạn bè viết)
Phạm Lưu Vũ là một nhà văn viết truyện ngắn xuất sắc. Sự đặc biệt ở nhà văn này là viết tùy thích không nệ vào việc in ấn hay giải thưởng hoặc danh xưng nhà văn (dù ông cũng đã có giải nhất truyện ngắn ở báo Người Hà Nội). Ông cũng không hề tham gia bất cứ hội đoàn văn chương nào. Phạm Lưu Vũ có vốn hiểu biết rộng về kiến văn nhất là lĩnh vực cổ Trung Hoa, Việt và Phật học. Ngoài truyện ngắn ông viết tiểu luận, phê bình. Đáng chú ý có tác phẩm Luận ngữ tân thư, nhiều bài luận được sử dụng trong các ấn phẩm. Mái Tây (Tây Sương Ký) của Vương Thục Phủ (Nhượng Tống dịch) nổi tiếng với lời bình của Thánh Thán, bản mới tái bản của NXB Lao Động và Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây năm 2011 có hẳn một bài của Phạm Lưu Vũ thay cho lời bạt bình trực tiếp về Thánh Thán (“Mái Tây” và nỗi lòng Thánh Thán). 
Mới nhất Phạm Lưu Vũ còn làm thơ chân dung. Tất nhiên đây mới là khởi đầu. Khekhe…Trân trọng giới thiệu một số bài thơ chân dung của Phạm Lưu Vũ. (PNT)
Phạm Lưu Vũ qua ký họa của nhà văn Trần Nhương

CHÂN DUNG BẰNG THƠ


(Trung Trung Đỉnh)

TRUNG TRUNG ĐỈNH
Làng văn có một anh giai
Văn chương bò mộng, hình hài thiếu nhi
Nửa đời là những chuyến đi
Có khi gặp bến, có khi lạc rừng
Có khi giữa cuộc tưng bừng
Đọc thơ như thể cắm sừng vào thơ
Có khi chợt hóa ngẩn ngơ
Hỏi anh lính trận bây giờ còn thiêng?

PHẠM NGỌC TIẾN
Chàng đầu trọc không hề sư sãi
Thích thì chơi chẳng hãi thằng lào
Mặt nom cũng đáng anh hào
Tàn đen đốm đỏ vận vào cuộc chơi

(Phạm Ngọc Tiến)

Giật mình nhớ một thời chinh chiến
Máu văn trường không thiến là may
Để mà có một hôm nay
Ngồi mơ cho thế giới này… muôn năm

Trên trang sách chó nằm la liệt
Giữa phim trường bò chết vì đâu?
Thà rằng một kiếp mõ trâu
Còn hơn cái hội lau nhau ma làng

Khi hăng máu mình chàng chấp bốn
Lúc tiểu đường chạy trốn chẳng xong
Đã thành một kiếp đàn ông
Thì xem giời đất cũng không là gì.

CHÂN DUNG KÉP: ĐỖ CHU VÀ TRẦN NINH HỒ

(Đỗ Chu)

Ngồi nghe chuyện bác Đỗ Chu
Mới hay thiên hạ vốn… ngu như bò
Giữa đường gặp bác Ninh Hồ
Mà không đến nỗi phát rồ là may
Làng “văn” từ bấy đến nay
Vẫn gờm hai bác là tay… nhất nhì
Kinh Bắc là xứ diệu kì
Sinh ra một lúc… tù tì hai tên.


(Trần Ninh Hồ)
TÁC GIẢ PHẠM LƯU VŨ
-----------------------------------------------------------

Dưới đây là phản hồi của Lai Tran Mai viết vào trang của nhà văn Phạm Ngọc Tiến: http://www.phamngoctien.com/2013/03/09/chan-dung-bang-tho-cua-pham-luu-vu-ban-be-viet/#comment-8976


Xem mấy bức chân dung bằng thơ của bác Phạm Lưu Vũ buồn cười quá; hình dáng, tính tình, cả bệnh tật nữa, đều giống y như ngoài đời. Nhất là với bác Tiến mà em biết.

Em vừa đọc vừa nhớ bác Xuân Sách với 100 bài thơ "chân dung nhà văn" quá hay và quá nổi tiếng, trong đó bác Xuân Sách ký họa tính cách, số phận của 100 nhà văn bằng tên các tác phẩm nổi tiếng nhất của chính nhà văn đó. Ví dụ về nhà văn Đỗ Chu, Xuân Sách đã ký họa rất hay thế này:
"Đỗ Chu:
Đám cháy ở sau lưng
Đám cháy ở trước mặt
Than ôi mày chạy đâu
Dưới vòm trời quen thuộc
Đốt bao nhiêu cỏ mật
Không bay mùi thơm tho
Càng hun càng đỏ mắt
Quay về thung lũng cò"

Đỗ Chu có một số tác phẩm nổi tiếng: Hương cỏ mật, Trung du, Thung lũng cò, Gió qua thung lũng, Vòm trời quen thuộc, Đám cháy trước mặt, Những chân trời của các anh, Mảnh vườn xưa hoang vắng, Một loài chim trên sóng...

Bác nào muốn xem 100 bài thơ này thì xem ở đây: http://toithichdoc.blogspot.ch/2012/04/xuan-sach-100-bai-tho-chan-dung-nha-van.html

Xem ký họa của Xuân Sách cực thích vì hồi nhỏ bọn em đều được đọc những tác phẩm của họ, đều có ấn tượng và thuộc tên các tác phẩm của họ; giờ vẫn nhớ nhiều. Sau này lớn lên tìm hiểu, biết thêm tính cách, số phận của họ lại càng phục bác Xuân Sách giỏi...

Em thấy thơ chân dung của Phạm Lưu Vũ cũng theo phong cách của Xuân Sách, có điều không gò bó ở việc muốn đưa nhiều tên tác phẩm của họ và chỉ tập trung ký họa tính cách và số phận của họ như bác Xuân Sách đã làm...

Điển hình là trường hợp bác Tiến: Ký họa khá dài, 12 câu nhưng chỉ thấy tên 2 tác phẩm lớn: Tàn đen đốm đỏ và Ma làng. Bù lại, đã mô tả được khối thứ khác: một thời chinh chiến, máu văn trường, ngồi mơ cho thế giới này… muôn năm (riêng mình thì mơ... muốn nằm), thích viết về tam nông (nông nghiệp, nông dân và nông thôn), uống rượu hơn người, kể cả khi dùng tai biến kế. Riêng chỗ chê đất cũng không là gì có lẽ không đúng lắm vì bác lúc nào cũng mơ đến thời khắc được về với đất (?).

Ký họa của bác Vũ về Trung Trung Đỉnh cũng quá hay, tiếc là còm dài dòng rồi nên em dừng đây. Chúc bác Tiến và bạn đọc có ngày nghỉ cuối tuần vui vẻ, thư giãn và thích đọc...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét