Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

Thống đốc lỡ mồm (50 ngày của các Bộ trưởng)

Thống đốc lỡ mồm
(50 ngày của các Bộ trưởng)
 

 
Chỉ ít ngày sau khi đắc cử chức danh Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Văn Bình xuất hiện trong cuộc giao ban của Bộ 4T với TBT các cơ quan truyền thông. "Ngân hàng Nhà nước có thể giữ vàng hộ dân"- tờ VNE sau đó đã giật tít tuyên bố của Thống đốc.
“Người có vàng mà chỉ cất giữ ở nhà sẽ gây rủi ro cho bản thân họ và và xã hội, đồng thời số vốn nằm chết trong vàng không được phát huy. Giờ nếu cho ngân hàng huy động mà không cho vay ra, thì cũng lãng phí hoặc họ sẽ phải tìm cách này hay cách khác để kinh doanh. Nếu kinh doanh có hiệu quả như chúng ta mong muốn thì tốt, nhưng cũng rất rủi ro. Vậy tại sao không để Ngân hàng Nhà nước thay mặt nhà nước huy động số vàng đó?”- ông nói như dỗ dành.
Thật cảm động vì thống đốc đã lo cho tài sản của dân sau vụ án Lê Văn Luyện.
Ông còn nói hoạt động mua bán vàng phần lớn là đầu cơ.
Khó gọi là phản ứng- có lẽ là tình cờ, sau khi Thống đốc nói giữ vàng hộ dân, thiên hạ đổ xô đi mua vàng, bất chấp những khuyến cáo rủi ro, bất chấp chênh lệch giá đến phi lý. Rất đơn gián, đó là tâm lý trú ẩn bất chấp một lệnh cấm mua bán có thể được ban ra bất cứ lúc nào. Vào ngày 6-11-2009, giá vàng đạt mốc 25 triệu đồng/lượng. Và 26 tháng sau, nó đã tăng gấp đôi khi cán mốc 50 triệu đồng/lượng. Hơn 2 năm, giá vàng tăng gấp đôi, hay giá trị tiền vnd so với vàng giảm đi một nửa- thì liệu việc mua vàng là đầu cơ hay đơn giản chỉ vì bảo vệ mồ hôi nước mắt? Thưa Thống đốc?
Chả phải đến thời ông Bình mới phát lộ câu chuyện có tới 500 tấn vàng trong dân. Chả phải người dân không biết vàng trong ống bơ- không sinh lời- là vàng chết. Nhưng rõ ràng, cấm kinh doanh buôn bán vàng- như một mệnh lệnh hành chính ấu trĩ hồi năm ngoái, cũng không buộc được người dân mua bán, và cất ống bơ. Đơn giản bởi đó là vấn đề niềm tin. Đơn giản bởi Nhà nước muốn lợi, muốn có miếng cơm thì cũng phải cho dân hớp cháo.
Nhưng thôi, khoan hãy nói đến chuyện giữ hộ vàng, bởi ngay chuyện giữ hộ tiền thôi, 50 ngày đầu nhiệm kỳ cũng đã cho thấy Thống đốc giữ hộ tiền cho ai thì được chứ giữ hộ dân thì cũng khó thuyết phục dân lắm.
Trả lời phỏng vấn Thời báo kinh tế Sài Gòn, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng “định hướng lâu dài lãi suất tiền gửi không thể thực dương”. Thậm chí, ông còn nhấn mạnh: “Trong điều kiện bình thường, không nhất thiết lãi suất tiền gửi phải cao hơn lạm phát”.

Nhìn kỹ lại lý lịch thì thấy ông có bằng tiến sĩ kinh tế ở đất nước có Hồng Trường, có mấy chục năm "chuyên nghiệp nhà băng", ấy thế mà phát biểu của ông làm cho các tiến sĩ khác, và đặc biệt là dân chúng- bị sốc nặng. Có ai lại gửi tiền vào ngân hàng để nhận "nhờ Ngân hàng gữ hộ", để được đồng lãi bèo đến mức không đủ bù trượt giá, hở giời?
Dù sau đó, Thống đốc đã "cải chính miệng", rằng "các nhà báo đã hiểu sai" ý ông- nhưng với chính sách hạ lãi suất huy động "14 và chỉ 14%", thì trong thực tế, ông đang thực hiện đúng những gì đã phát biểu. Tức là sao cho lãi suất "không thể thực dương".
Trả lời ngay sau khi nhậm chức, Tân Thống đốc cho biết sẽ tung ra hàng loạt các biện pháp kinh tế thay vì các biện pháp hành chính đơn thuần (như trước đây) nhưng với việc hạ lãi suất tiền gửi thấp hơn mức độ lạm phát, cho thấy những hứa là một chuyện, làm lại là chuyện khác.
Giải quyết đồng thời áp lực lạm phát và áp lực lãi suất đang xiết họng nguồn vốn quả thực là những bài toán khó và 50 ngày là quá ngắn để có thể giải quyết rốt ráo hai hiện tượng kinh tế ngược nhau đang đồng thời xảy ra. Nhưng rõ ràng kết quả những "biện pháp kinh tế" của thống đốc đang gây thiệt hại cho những người gửi tiền ngân hàng. Một bằng chứng là người dân đang rút tiền ra khỏi ngân hàng để đầu tư sang một kênh khác, để mua vàng, ngay cả khi vụ cướp tiệm vàng Lê Văn Luyện xảy ra. Thời buổi này dù là bà nhà quê răng đen cũng không ai dại chỉ nghe hứa và nhắm mắt tin bừa. Chỉ khổ các vị giám đốc ngân hàng thành viên bị kỷ luật. Ai cũng biết rất khó để lừa người dân gửi tiền với "lãi suất âm nghiêm trọng", ấy thế mà chỉ hợp lý hơn một tí là bị kỷ luật ngay lập tức. Bóng ma lạm phát ám ảnh những giấc mơ thống đốc khiến ông quên béng các nguyên tắc ngân hàng tối thiểu. Chưa kể đến việc nếu lãi suất cứ giữ ở mức huy động 14%, trong khi lạm phát không hạ nhiệt, chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng từ chỗ các ngân hàng thừa tiền nhưng không thể cho vay vì lãi suất cao sẽ chẳng còn xu cắc nào cho vay vì không huy động được tiền gửi.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét