Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2011

THỀM BIỂN ĐÔNG – CHIẾC NÔI CỦA NGƯỜI VIỆT

THỀM BIỂN ĐÔNG – CHIẾC NÔI CỦA NGƯỜI VIỆT

Hà Văn Thùy

 Cho đến nay, có lẽ ít người để ý rằng, tiến trình hình thành dân cư Việt Nam có khoảng trống lớn. Từ giữa thế kỷ XX, khảo cổ học xác nhận, 32.000 năm trước, người khôn ngoan (Homo sapiens) có mặt đầu tiên trên đất nước ta tại di chỉ Sơn Vi. Nhưng những nghiên cứu di truyền học gần đây cho thấy, người tiền sử đã từ châu Phi theo bờ biển Ấn Độ tới Việt Nam khoảng 70.000 năm trước.
Khám phá của các nhà di truyền học là đáng tin vì khảo cổ học cũng đã phát hiện bộ xương người Mongoloid tại Lưu Giang, Quảng Tây 68.000 năm tuổi, một sọ người Australoid 60.000 năm trước tại sa mạc Mungo nước Úc. Như vậy, di truyền học đã đẩy thời gian người tiền sử xuất hiện trên đất nước ta xa thêm 40.000 năm. 40.000 năm ấy là khoảng trống vô tận của khảo cổ học, chắc chắn đã vô tăm tích nếu không được ghi dấu trong bộ gen của chúng ta!
Vấn đề đặt ra là, trong thời gian thăm thẳm ấy, tổ tiên chúng ta sống ở đâu và hoạt động như thế nào?

Theo nhiều nghiên cứu thì vào thời Băng Hà, mực nước biển thấp hơn hiện nay 130 mét, Thái Bình Dương bị thu hẹp thành những biển nhỏ. Giữa chúng nổi lên lục địa Sundaland nối từ Đài Loan xuống Indonesia và Hainanland ở phía nam đảo Hải Nam, là thềm lục địa Biển Đông của Việt Nam. Về cấu tạo địa chất, thềm Biển Đông là nối dài của kiến tạo địa chất Trường Sơn vươn ra biển.

Chưa có nghiên cứu nào về khí hậu Đông Nam Á thời Băng Hà, nhưng dựa trên khí hậu chung của trái đất thời đó, có phần chắc rằng, Đông Nam Á không nóng và ẩm như bây giờ mà có lẽ khô và mát. Trong điều kiện lúc đó thì khí hậu như vậy là thuận lợi nhất cho động, thực vật và con người sinh sống.
Từ châu Phi, vượt qua cửa Hồng Hải, đoàn người di cư tới đất Yemen. Một bộ phận dừng lại ở đây vì bị bức thành băng phía bắc chặn đứng. Một bộ phận đi về hướng mặt trời mọc. Từ bờ Ấn Độ dương, họ băng qua eo biển rộng 120 hải lý, tới đảo Mã Lai, sau đó tới quần đảo Indonesia. Một số đi tiếp tới các đảo khác ở Thái Bình dương và châu Úc. Một bộ phận từ mạn tây Borneo đi lên phía bắc, tiến vào đồng bằng Hainanland và Sundaland (1). Gặp môi trường thuận lợi, họ hòa huyết, sinh sôi cho bốn chủng người mà sau này khoa học đặt tên là Indonesian, Melanesin, Vedoid và Negritoid, cùng thuộc loại hình Australoid. Trong đó, chủng Indonesian chiếm đa số (2).
Cách nay khoảng 50.000 năm, người từ Hainanland và Sundaland đã đông đúc. Một bộ phận di cư về phía đông nam, tới các hải đảo Thái Bình Dương và châu Úc. Một bộ phận băng qua đất liền Việt Nam, Myanmar vào chiếm lĩnh Ấn Độ. Có thể một nhóm người khi tiến về phía tây, đã dừng lại tại khu vực Phú Thọ, trở thành chủ nhân văn hóa Sơn Vi 32.000 năm trước và để lại di cốt sớm nhất của người tiền sử trên đất liền Việt Nam. Không hiểu vì sao, chúng ta không phát hiện được đi cốt người tiền sử ở Việt Nam sớm hơn niên đại cách nay 32.000 năm, mặc dù di truyền học cho thấy 50.000 năm trước, người xưa đã băng qua Việt Nam tới Ấn Độ.
Khoảng 40.000 năm trước, khi khí hậu phía bắc được cải thiện, người từ Hainanland và Sundaland đi lên khai phá đất Trung Quốc.
Khoảng 20.000 năm trước, tại Hainanland, người cổ thuần hóa được cây kê và cây lúa khô (lúa nương, lúa lốc). Nhờ tự túc được một phần lương thực, đời sống được cải thiện, nhân số tăng nhanh, phân công lao động xuất hiện. Tại đây con người nảy sáng kiến mài đá cuội thành búa, rìu, giúp vỡ đất đề cấy trồng.
Từ 18.000 năm trước, khí hậu trở nên ấm nóng, băng hà bắt đầu tan, mưa nhiều hơn, nước biển dâng lên mỗi năm một centimet. Một số nương trồng kê ngập nước, diện tích kê bị thu hẹp. Tuy nhiên, cũng lúc này, một số chủng lúa khô lại phát triển tốt hơn trong môi trường nước. Con người chuyển sang chăm sóc những ruộng lúa nước. Nông nghiệp lúa nước ra đời cùng với thuần dưỡng gà và chó.
Khoảng 15.000 năm trước, nước biển dâng cao, ngang với mức hiện nay. Đồng bằng Hainanland, Sundaland bị chìm trong nước. Do nước lên từ từ nên người cổ đã di chuyển lên vùng đất cao xung quanh: các đảo của Mã Lai, Indonesia, miền nam sông Dương Tử, đất Việt Nam… Khoảng 18.000 năm trước, tổ tiên ta định cư ở Hòa Bình và sáng tạo nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng (3).
Một điều khiến giới khảo cổ đau đầu là trong khi nhiều đoán định cho rằng, khoảng 15.000 năm trước, lúa nước đã được trồng ở nơi nào đó tại Đông Nam Á nhưng trên thực tế, những di chỉ khảo cổ có dấu vết lúa nước trong vùng tuổi lại khá muộn!
Nay có thể giải thích là, cái nôi của lúa nước là tại đồng bằng Hainanland. Cả bào tử phấn hoa từ cây lúa trồng đầu tiên cũng như di cốt chủ nhân của chúng đã bị chìm trong lòng nước.
Ngày nay, nhiều khảo sát ADN cho thấy, trong dân cư Đông Á, người Việt Nam có chỉ số đa dạng di truyền cao nhất, có nghĩa là người Việt Nam là dân cư cổ nhất ở khu vực. Điều này có thể được giải thích, đồng bằng Hainanland, hay thềm Biển Đông chính là cái nôi của dân cư Đông Á mà phần lõi của khối dân cư ấy, khi nước dâng đã di cư lên đất Việt Nam. Do khoảng di chuyển quá ngắn, kiểu như từ chân lên lưng chừng đồi nên các nghiên cứu ADN kết luận: “Người tiền sử từ châu Phi theo đường Nam Á đến Việt Nam 60.000-70.000 năm trước.” Đến Việt Nam nhưng không phải là đất liền Việt Nam hiện tại mà là thềm biển Đông của Việt Nam.
Kết luận được rút ra ở đây là: thềm Biển Đông là cái nôi của người Việt. Tại đây, tổ tiên chúng ta đã gặp gỡ, yêu đương, lao động và sáng tạo ra nền văn minh nông nghiệp đầu tiên của nhân loại. Cũng từ đây, nhiều thế hệ người Việt lên đường mở đất, gieo văn minh trên khắp châu Á, châu Âu và cả châu Mỹ.
Hy vọng rằng, sau này, nhờ tiến bộ khoa học, cùng với khai thác tài nguyên thềm lục địa, chúng ta sẽ xây dựng khoa khảo cổ hải dương học, tìm lại vết tích của tổ tiên xưa.
Bảo vệ Biển Đông cùng Hoàng Sa, Trường Sa không chỉ giữ gìn lãnh hãi mà còn bảo vệ cái nôi thiêng liêng, nơi tổ tiên chúng ta lần đầu đặt chân lên đất châu Á, 70.000 năm trước.
Sài Gòn, tháng Bảy 2011
Tham khảo:
  1. Stephen Oppenheimer. Địa đàng ở phương Đông. NXB Lao Động, H, 2004
  2. Nguyễn Đình Khoa. Nhân chủng học Đông Nam Á. NXB ĐH&THCN. H, 1983
  3. Hà Văn Thùy. Hành trình tìm lại cội nguồn. NXB Văn học, 2008.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét