Thứ sáu, ngày 16 tháng chín năm 2011
Nhà văn Lê Lựu làm em sợ quá
Lại nhớ cái thời tờ này có lúc đỉnh phát hành lên tới hơn nửa triệu (có người còn chắc như đinh đóng cột rằng tới 700 ngàn) bản/kỳ, thiên hạ phát rồ với An ninh thế giới, ngồi quán cà phê nào cũng thấy những anh chị vừa nhâm nhi cà phê vừa mải miết gò mắt vào từng trang báo khổ A4. Làng báo phục thượng tá Hữu Ước quá trời, nghĩ tay này có bùa ngải gì mà mê hoặc người ta đến thế.
Dạo ấy văn phòng đại diện phía nam của An ninh thế giới đặt trong khuôn viên doanh trại lực lượng công an vũ trang trên đường Phạm Viết Chánh, Q.1, Sài Gòn, gần cơ quan mình, cách nhau chỉ vài trăm bước chân. Người phụ trách là Trương Nam Hương, nhà thơ. Nói chả phải khoe, Hương với mình là chỗ thân tình, vốn học trò mình, có tập thơ nào ra đều nhớ tặng thầy với những lời hết sức tình cảm. Hương sống có trước có sau, đàng hoàng, mình rất quý. Hồi đó cùng lớp Hương còn có Nguyễn Quốc Chánh cũng tay thơ cự phách, giọng điệu rất ngang tàng độc đáo, phá cách. Hương và Chánh chọn 2 lối đi khác nhau, chả thể bảo ai thành công hơn ai.
Lại kể, làm báo như Hương quả thật đắc ý. Đận World Cup 1998, nghe anh Nguyễn Viện bảo thằng Hương nó dám bỏ ra một phần ba tháng lương mua hẳn 1 cái tivi màu mới để coi riêng với anh em bạn bè, khỏi làm phiền vợ con, mình cứ lắc đầu lè lưỡi. Khiếp quá đi mất, tivi những mấy triệu một cái, thu nhập cả tháng của mình chưa được nửa chiếc mà hắn chỉ cần xuất chi 1/3 đã giải quyết xong nhu cầu nhất thời, sao chả lè lưỡi. Lại thêm lần anh Xuân Hòa viết bài về cụ Đống Ngạc, trợ lý của Tổng bí thư Lê Duẩn, kể chuyện chính cụ Ngạc là người thảo bản điếu văn nổi tiếng đọc trong tang lễ cụ Hồ ngày 9.9.1969, bài dài mấy ngàn chữ, anh Hòa gửi báo nhà nhưng chả biết sao báo nhà không chịu đăng, mình biết chuyện bảo anh Hòa, ông cứ chuyển cho tôi. Mình sang đưa Trương Nam Hương, Hương bảo thầy cứ để em. Tuần sau y gọi điện báo tin đã đăng, nguyên xi không cắt chữ nào. Tuần sau nữa Hương gọi sang lĩnh nhuận bút, trả hẳn 1 triệu, mình gửi cho anh Hòa, anh còn không tin.
Lê thê tí ti để thấy lịch sử của tờ báo ấy có những vết son, không đến nỗi tệ như bây giờ. Dạo này thì mình chán hẳn, ít khi nhòm đến nó. Vậy chả biết trời xui đất khiến gì mà hôm qua lại đọc số 1093 ra ngày 10.9.2011. Trang 14-15 đăng trọn bài "Điều gì ám ảnh nghệ sĩ", phỏng vấn một số nghệ sĩ, nhà văn nhà thơ. Chị Nết- Như Quỳnh nổi tiếng một thời của "Đến hẹn lại lên" than phiền chuyện đi đâu cũng thấy người ta ăn uống xì xụp nhếch nhác, anh nhạc sĩ Lê Minh Sơn thở dài trước thói chụp giật cả tiền bạc lẫn tình yêu, cô diễn viên "Tôi và chúng ta" Hoàng Cúc thì hô lên tại sao giờ mạng người rẻ rúng đến thế... Đại loại nhiều chuyện bức xúc lắm, không thể chịu nổi, không nói ra được thì hóa điên mất, chết mất. Nhưng mình để ý nhất đoạn bộc lộ của nhà văn Lê Lựu. Bác này mình ngưỡng mộ lâu rồi, cũng có lúc nhạt phần nào, nhưng nói chung đàng hoàng đứng đắn tư cách hơn nhiều bác khác, bác Chu Lai chả hạn, nổ hơi to. Đọc mấy nhời của bác Lựu, giật mình, nghĩ sao mà tướng Hữu Ước dám cho đăng nhỉ, hay là bữa ấy đi công tác vắng, cấp dưới nó không báo cáo, xin phép. Mà cũng có lý, bởi giờ đây mình sợt tìm trên bản điện tử báo An ninh thế giới thì không có chữ nào, kết quả báo rằng không tìm thấy.
Sau đây là lời của bác Lựu:
"Trong lúc trà dư tửu hậu với bạn bè, tôi và những người bạn tâm giao nói về những vấn đề của xã hội, nghĩ về nhân tình thế thái. Tôi không hiểu sao bây giờ con người không tốt với nhau. Trong chiến tranh hy sinh nhiều, cuộc sống khổ cực, nhưng lòng mình thanh thản, lòng dân vô tư lắm. Đi chiến trường hy sinh mà lòng thanh thản, nhẹ nhàng. Bây giờ thời bình không còn tiếng bom đạn nhưng tâm con người cứ lộn nhào hết cả. Không biết thế nào là phải, thế nào là trái. Không biết thế nào là đúng, thế nào là sai. Không biết thế nào là lim (giới hạn-NV). Mỗi con người phải có một cái lim nhất định thì mới thành xã hội. Con người có nhiều tính cách thì cuộc sống mới phong phú và đa dạng. Nhưng mà phải có lim và có luật lệ.
Trong chiến tranh, tâm tính con người ta hiền lành, không mưu mô xảo quyệt. Chứ thời nay, trong cơ chế thị trường này, luật lệ cũng lung tung. Xử lý công việc cũng lung tung. Sống nặng về vật chất, thực dụng, chụp giật. Bây giờ sáng ra đọc báo toàn những chuyện giật mình. Con kiện cha chỉ vì mười mét vuông chỗ ở. Một đứa trẻ chưa đến tuổi thành niên giết mấy mạng người không ghê tay. Một đứa trẻ khác chỉ vì thiếu tiến chơi game ra tay sát hại cả em mình, bà mình. Người ta thiếu tiền nên giết người chỉ vì vài trăm nghìn đồng. Trong làm ăn thì lừa đảo nhau nhiều lắm. Cứ lợi dụng nhau sơ hở vài chữ trong văn bản, thậm chí từ một cái dấu phẩy trong bản hợp đồng để lừa nhau hàng tỉ. Trong doanh nhân cũng nhiều người tốt, nhưng rồi cũng có rất nhiều người nhăm nhăm để lừa nhau.
Chính thời nay là thời loạn, chứ không phải chiến tranh là thời loạn".
Đọc xong bác Lựu toát hết mồ hôi. Nếu anh Giang Minh Sài này mà "chỉ được cái nói đúng" thì sợ quá, nhất là bác lại kết cho câu "chính thời nay là thời loạn", phủ toẹt cả an sinh xã hội, dân chủ công bằng văn minh.
Bác Lựu ơi, có chỗ nào sống tốt, bác cho em theo với.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét