Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2011

Nên hay không nên có Ngày Trí thức Việt Nam?


Điên, có mỗi việc gọi người có học và đang làm việc, lao động bằng trí óc là Trí thức mà cũng áp đặt thêm mọi thứ: nào là phải có thái độ và chính kiến với đất nước, với những vấn đề chính trị - xã hội nóng bỏng của thời cuộc (khối đại biểu QH cả nhiệm kỳ chỉ bỏ phiếu trắng), nào là phải biết chống tham nhũng và bất công... Đúng là chỉ có ở VN
 

Nên hay không nên có Ngày Trí thức Việt Nam?



(DVT.vn) - Ngày 9/3, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam đề xuất nên có “Ngày Trí thức Việt Nam”. Đến nay, đề nghị này vẫn gây nhiều tranh cãi.

Một số ý kiến cho rằng, đây là việc không cần thiết bởi bản chất của giới trí thức là không đòi hỏi, không cần được “vuốt ve”. Song, một số ý kiến khác lại cho rằng, lâu nay, giới trí thức chưa được quan tâm và đãi ngộ một cách xứng đáng. Đó cũng là lí do khiến Liên hiệp các Hội Khoa học và Kĩ thuật (KH & KT) Việt Nam đã đề xuất nên có "Ngày Trí thức Việt Nam", tại buổi làm việc hôm 9/3 vừa qua với ông Trương Tấn Sang, bấy giờ là Thường trực Ban Bí thư.
Sợ tôn vinh nhầm trí thức “rởm”
Nhà sử học Dương Trung Quốc và TS Phạm Sĩ Liêm, Tổng hội Xây dựng Việt Nam đều cho rằng Ngày Trí thức là không cần thiết.
Ông Dương Trung Quốc cho rằng: “Chúng ta đang làm theo kiểu phong trào, thấy phụ nữ, doanh nhân, nhà giáo, bác sĩ, nhà báo... có một ngày đặc biệt trong năm thì cũng nhất quyết phải có ngày cho trí thức”.
Theo ông, những ai tự nhận mình là trí thức cần hiểu, trí thức không nên đòi hỏi và không cần phải có một ngày nào đó để thấy mình được “vuốt ve”.


TS Phạm Sĩ Liêm băn khoăn: “Tôi có cảm giác giới trí thức đang thiếu cái gì đó, muốn cái gì đó nên mới cần một ngày để được tung hô và nhớ tới. Hơn nữa, khái niệm “trí thức” hiện nay vẫn còn khá mơ hồ”.

Nói đến trí thức, người ta thường nghĩ ngay tới những người có bằng cấp. Trong một chừng mực nào đó, bằng cấp cao là dấu hiệu dễ nhận thấy. Nhưng thực tế, có những người nhiều bằng cấp song chỉ là trí thức “rởm”, trí thức “nửa mùa”.

“Trí thức không chỉ là người có trình độ, có chuyên môn còn phải có thái độ và chính kiến với đất nước, với những vấn đề chính trị - xã hội nóng bỏng của thời cuộc. Trong khi khái niệm còn chưa rõ rằng thì tốt nhất đừng có làm bởi không cẩn thận lại tôn vinh nhầm trí thức “rởm", TS Liêm cảnh báo.

 

Nên hay không có một ngày đặc biệt cho đội ngũ trí thức Việt Nam? (Ảnh: Internet)

Ngày để các trí thức đánh giá lại mình

TS Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH & KT Việt Nam thừa nhận, còn nhiều tranh cãi trong việc đưa ra khái niệm thế nào là trí thức. Khái niệm đơn giản nhất, trí thức là người có trình độ đại học trở lên. Nhưng cũng có người cho rằng, trí thức phải là người có chuyên môn cao, có tài và hơn hết là phải có đức, có trách nhiệm với xã hội và thời cuộc.

GS, VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam nêu ý kiến: “Hãy đặt câu hỏi: Thành lập một ngày đặc biệt cho giới trí thức có hại không? Chắc chắn là không hại. Vậy có lợi không? Chắc chắn có lợi, không ở mặt này thì ở mặt khác. Vậy thì có gì mà không làm?!”

Theo ông: “Có gốc rồi sẽ có ngọn, có cành. Sẽ vừa làm vừa sửa. Đầu tiên, hãy coi đó là một ngày truyền thống, một ngày để anh em trí thức gặp gỡ, trao đổi và quan trọng hơn là cùng nhau “đánh giá lại mình”, động viên và khích lệ nhau cùng cố gắng hơn”.

Cùng chung quan điểm này, PGS, TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng cho rằng: “Lẽ ra phải làm việc này từ lâu rồi. Nhưng nếu các cơ chế, chính sách chưa thực sự đãi ngộ thì việc thành lập một ngày cho giới trí thức chỉ mang tính hình thức”.

“Cần phải hiện thực hóa các chính sách đối với trí thức, nhất là trí thức trẻ về lương, cơ chế, điều kiện làm việc... Có vậy mới thu hút và khơi dậy nhiệt huyết của trí thức vốn được cho là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức”, ông Hùng nói.

Bằng cấp chỉ là một tiêu chí

GS, VS, TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, người từng tham gia phản biện nhiều những dự án, đề tài, chủ trương, chính sách của Nhà nước cho biết, ở nước ta có một số khá đông người được xã hội coi là trí thức. Nhưng, thế nào là một trí thức thì dường như chưa được cắt nghĩa rõ ràng.

Ai là trí thức? Đã từ lâu, trí thức được mặc định hiểu là những người lao động trí óc. Một quan niệm cụ thể hơn nữa là những ai có trình độ học vấn từ đại học trở lên được gọi là trí thức. Tuy nhiên, bằng cấp chỉ là một trong số các tiêu chí giúp định danh trí thức.

Đồng quan điểm này, PGS, TS Nguyễn Văn Huy, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho rằng, không nên đánh đồng giữa bằng cấp với trí thức. Đối với trí thức, học vấn là một điều kiện. Song trên hết, trí thức phải là người có trách nhiệm cao với xã hội, với đất nước.

“Không chỉ là bằng đại học mà ngay cả khi đạt được tiến sĩ, giáo sư nhưng không có tác phong, không có tinh thần và thái độ đối với đất nước thì không thể coi đó là trí thức được”, ông Huy thẳng thắn.


Sinh viên, những trí thức tương lai của nước nhà (Ảnh: Internet)

Trí thức là phải biết chống tham nhũng, bất công

PGS, TS Tô Bá Trọng, Nguyên Uỷ viên Đoàn chủ tịch Hội đồng TƯ Liên hiệp các Hội KH & KT Việt Nam định danh rõ hơn: “Những ai lao động trí óc là trí thức, dù làm khoa học hay nghệ thuật. Họ phải là người đạt được trình độ nhất định. Ở đây có thể tính đến bằng tốt nghiệp đại học, song, trong nhiều trường hợp trình độ không nhất thiết phải được thừa nhận bằng các văn bằng”.

Thực tế cho thấy, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả trên thế giới, nhiều người không học hết đại học, bị đuổi khỏi trường đại học... nhưng họ đã tự học, tự nghiên cứu và trở thành người có học vấn sâu rộng, có những phát minh, sáng chế đóng góp cho cộng đồng.

GS, VS Trần Đình Long đề xuất, Liên hiệp các Hội KH & KT Việt Nam nên đứng ra, lấy ý kiến của giới trí thức để đưa ra được bộ tiêu chí chuẩn. Ví dụ, trong bộ tiêu chí đó có 5 tiêu chí; bằng cấp là một tiêu chí, tiêu chí thứ hai là không có bằng cấp nhưng có nhiều đóng góp cho xã hội...

Đặc biệt, trí thức phải là người đại diện cho trí tuệ, tri thức tiến bộ, dám nói ra và dám bảo vệ chân lý. “Với tôi, người trí thức phải là người chống tham nhũng. Ở đây không chỉ là chống tham nhũng tiền bạc mà còn là chống bất công, chống tham nhũng về quyền lực”, ông Trọng nói.

PGS, TS Tô Bá Trọng cho rằng, để biết được ai là trí thức, cách tốt nhất là để trí thức lựa chọn lẫn nhau. “Các quan chức cũng là trí thức. Nếu họ tham nhũng thì là trí thức “rởm”. Những người có bằng cấp cao nhưng không đóng góp gì cho đất nước cũng là trí thức “rởm”. Còn chưa kể đến một bộ phận không nhỏ, những người mua bằng cấp, mua chức tước. Việc để trí thức lựa chọn lẫn nhau sẽ giúp loại bỏ bớt những con sâu trong xã hội”, ông Trọng thẳng thắn.


Thời Xuân Thu - Chiến Quốc, ở Trung Quốc đã xuất hiện thuật ngữ “kẻ sĩ”, “sĩ phu” để chỉ những người có học thức. Ở Việt Nam, thời phong kiến cũng có khái niệm về tầng lớp sĩ phu. Đến thời Pháp thuộc bắt đầu xuất hiện thuật ngữ “trí thức” để chỉ những người lao động trí óc làm nghề tự do như nhà văn, nhà báo, hoạ sĩ, giáo sư, bác sĩ, kĩ sư, luật sư...

(Còn nữa)

Phạm Quốc Hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét