Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

Người Việt nghiện blog do đâu?

Người Việt nghiện blog do đâu?

15/09/2011 - 13:38 Võ Chung    
Nhiều blog tại Việt Nam có số truy cập mỗi ngày từ vài nghìn, chục nghìn, đến cả trăm nghìn, lớn hơn nhiều tờ báo chính thống. Độc giả chỉ lướt qua các tờ báo mạng nhưng lại sẵn sàng ngồi đọc nghiêm túc các blog và gởi bình luận.

[title]
Blog ngày càng thu hút nhiều người trẻ. (Võ Chung)

Công ty nghiên cứu Internet ComScore vừa công bố bản khảo sát trong sáu tháng đầu năm 2011 cho thấy: người dùng blog ở Việt Nam trung bình mỗi ngày dành hơn 30 phút để đọc, viết, gởi ý kiến… và đứng thứ sáu thế giới về ‘nghiện’ món blog.

“Blog hay hơn báo”

Một số tờ báo chính thống trong nước đã gọi các trang blog có lượng truy cập đông ở Việt Nam là “luồng gió độc”, khổ nổi càng cấm, càng đánh sập thì thiên hạ lại càng truy cập đông.
Đình Thư, phóng viên viết mảng chính trị xã hội tại một tờ nhật báo ở Sài Gòn, nói: “Mỗi buổi sáng, khi mở máy tính, tôi luôn vào điểm blog anhbasam trước tiên. Sau đó, còn thời gian tôi mới vào những tờ báo mạng khác”. Theo Thư, trang blog này có nhiều bài viết sâu sắc khó tìm được trên các báo, bên cạnh đó phần điểm báo của anhbasam thì không trang nào bì kịp ở sự chọn lọc, thông tin đa dạng và bình luận sắc sảo.
Xét về độ phủ, đa dạng về thông tin thì các blog không thể bằng các báo nhưng để đọc được những bài phân tích chuyên sâu thì phải nhờ đến các blog. “Với tôi các blog đang hay hơn các báo”, Gia Vinh - một hướng dẫn viên du lịch ở TP.HCM nhận xét. Vinh cho biết anh không có thời gian để đọc tất cả mà chỉ đọc những blog viết về các vấn đề xã hội, gai góc mà mình thích, như blog của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện; các nhà văn Phạm Viết Đào, Nguyễn Quang Lập; nhà báo như Đào Tuấn, Mai Thanh Hải; đến các blog của Người buôn gió, mẹ Nấm…
Đề tài trong các blog đôi khi không mới, có thể đã được các báo phản ánh, tuy nhiên các blogger luôn có một góc nhìn phản biện, dí dỏm. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, cũng là một blogger có tiếng, cho rằng: “Đọc blog sinh động hơn đọc báo, người viết thể hiện được cá tính qua bài viết”. Chính điều này đã làm cho các blog luôn có một lượng độc giả trung thành.
“Tất nhiên có nhiều bài viết, điều tra, phóng sự trên các tờ báo lớn như Tuổi trẻ, Thanh niên rất có chất lượng. Để viết được những bài như vậy, ngoài nhạy bén đề tài, không thể thiếu tư cách pháp nhân, sự đầu tư công sức, điều mà các blogger khó có thể làm được”, anh Thông - một nhân viên kinh doanh ‘nghiện’ blog nhìn nhận.

Cần thông tin hay tâm lý tụ tập?

Xã hội Việt Nam hiện nay không phải như những năm thế kỷ 20 trở về trước, quan nói gì dân chỉ biết nghe, tin và làm. Với sự phát triển của Internet, xã hội Việt Nam đã trở thành một xã hội đa kiểm chứng. Người dân cần kiểm chứng thông tin và muốn được chia sẻ với mọi người. Trong bối cảnh đó, các blog xuất hiện ngày càng đông và có chất lượng. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, cũng là một blogger rất nổi tiếng ở Việt Nam, cho rằng: “Báo chí trong nước còn nhiều bất cập so với lượng thông tin người dân cần, do vậy họ phải tìm đến blog”.
Nhiều nhà văn, nhà báo, người am hiểu đã sử dụng blog như sân sau khi không thể truyền tải những điều mình biết lên các công cụ xuất bản chính thống. Nhà văn đồng thời cũng là một blogger nổi tiếng Nguyễn Quang Lập tâm sự: “Blog có tính riêng tư, không bị biên tập, kiểm duyệt, nên ở đó người ta dễ nói thật hơn, dễ viết hơn”.
Blogger culangcat ngoài đời là một nhà báo lại chia sẻ: viết blog là cách hoàn thiện, chia sẻ giá trị cuộc sống, gây cảm hứng cho những đề tài nghiêm túc. Anh bắt đầu viết blog khi hai trận lũ lịch sử năm 2010 tràn qua quê hương mình (Quảng Bình) làm 74 người chết.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhìn nhận: “Chính cách viết sắc sảo, nhờ kinh nghiệm và vốn sống phong phú, ít né tránh các vấn đề, cập nhận thông tin nhanh, có tránh nhiệm đã khiến nhiều blog thu hút đông đảo người đọc”.
Tiến sĩ Huỳnh Văn Thông, Trưởng khoa Báo chí và Truyền thông, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, còn cho rằng người Việt Nam có tính tụ tập và thích tung hô, thể hiện, điều này cũng được mang vào trong văn hóa sử dụng blog. Tiến sĩ Thông dẫn chứng Yahoo 360 độ trước đây trên thế giới rất bình thường nhưng ở Việt Nam lại rất ‘hot’.

Kênh xuất bản

Tiến sĩ Thông nhận định thế giới Internet đang có sự phân công như các diễn đàn phục vụ nhu cầu chia sẻ, trao đổi về chuyên môn, còn mạng xã hội giải quyết nhu cầu giao tiếp, kết nối. So với các nước, điều kiện xuất bản của Việt Nam còn nhiều hạn chế nên nhiều người đã dùng chính blog của mình để làm kênh xuất bản.
Nhà văn Quyễn Quang Lập cho biết có đến 60% bài viết của ông không đăng ở đâu ngoại trừ blog của mình. Do vậy blog như kho tài liệu, công cụ xuất bản của tác giả.
Theo Tiến sĩ Thông, blog không cần chạy theo số lượng người truy cập, mà cần định hướng đối tượng quan tâm. Những ý kiến hay bình luận nghiêm túc sẽ tạo nên tính đồng sáng tạo và làm tăng giá trị của blog.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét