Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

CÁC CÂN ĐỐI VÀ QUAN HỆ VĨ MÔ CHỦ YẾU CỦA NỀN KINH TẾ QUỐC DÂN

Bài viết cũ của tôi:
BÀI  THỨ 3
CÁC CÂN ĐỐI VÀ QUAN HỆ VĨ MÔ
CHỦ YẾU CỦA NỀN KINH TẾ QUỐC DÂN

I. MỞ ĐẦU:
Để xây dựng các mô hình kinh tế vĩ mô dùng trong phân tích và dự báo ở cấp các Bộ, cơ quan tổng hợp, nhất thiết phải hiểu biết các cân đối kinh tế vĩ mô vì mục tiêu phân tích, dự báo của bất kỳ một cơ quan tổng hợp nào cũng là xem xét ảnh hưởng của chính sách ngành mình, lĩnh vực mình tới các chỉ tiêu cân đối vĩ mô chung. Các loại cân đối vĩ mô quan trọng nhất là:
- Cân đối trong hệ thống tài khoản quốc gia;
- Cân đối ngân sách
- Cân đối tiền tệ
- Cân đối cán cân thanh toán quốc tế
- Quan hệ qua lại giữa các cân đối trên.
Trong bài này, chúng tôi sẽ giới thiệu rất sơ lược về những cân đối này và các phương pháp chính để dự báo chúng.

II. CÁC CÂN ĐỐI VĨ MÔ VÀ QUAN HỆ GIỮA CHÚNG

A) Cân đối trong hệ thống tài khoản quốc gia

  Lý thuyết kinh tế vĩ mô có nhiệm vụ phân tích và giải thích tiến triển của các chỉ tiêu chính (các biến kinh tế gộp chủ yếu) của nền kinh tế quốc dân. Những chỉ tiêu kinh tế chính mà lý thuyết kinh tế vĩ mô tập trung phân tích là sản xuất, thu nhập, tiêu dùng, đầu tư, thu chi ngân sách, khối lượng tiền tệ, ngoại thương và cán cân thanh toán quốc tế; ngoài ra, để giải thích tiến triển của các chỉ tiêu này, lý thuyết kinh tế vĩ mô còn phân tích các chỉ tiêu liên quan như lạm phát, lãi suất, tỷ giá...
  Do tầm quan trọng của các chỉ tiêu trên đối với hoạch định các chính sách kinh tế, để bắt đầu thực hiện quá trình phân tích và dự báo, cần phải phân tích và giải thích được xu hướng tiến triển (ngắn, trung và dài hạn) của chúng trong mối quan hệ tương tác với nhau.
  Để đạt được mục tiêu này, điều đầu tiên là phải có hệ thống thống kê tốt, minh bạch và nhiều năm. Một trong những hệ thống thống kê tốt nhất hiện nay là Hệ thống hạch toán quốc gia (hoặc hệ thống tài khoản quốc gia) do Liên hợp quốc (UN), Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Liên minh Châu Âu (EU), Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hợp tác xây dựng năm 1993. Hệ thống này cho phép cân đối các chỉ tiêu vĩ mô chủ yếu của nền kinh tế quốc dân, đảm bảo sự khớp nhau giữa các số liệu lịch sử và sự khớp nhau giữa các số liệu dự báo. Sự khớp nhau này rất quan trọng vì vừa cho phép đảm bảo tính cân đối của hệ thống kinh tế, vừa cho phép kiểm tra được các giả thuyết kinh tế khác nhau. Nó cũng cho phép theo dõi xu hướng phát triển của các chỉ tiêu chính.
Các tài khoản quốc gia là bộ phận cấu thành của hệ thống hạch toán quốc gia; chúng cho phép thực hiện các so sánh quốc tế để các nước học tập kinh nghiệm của nhau trong quá trình phát triển. Điểm đặc biệt của phương pháp hạch toán theo các tài khoản quốc gia là nó không gắn liền với bất kỳ lý thuyết kinh tế cụ thể nào, không phản ánh cơ cấu đặc thù của nước nào, do đó áp dụng được cho mọi quốc gia tại mọi thời điểm.
1) Các chỉ tiêu gộp trong nền kinh tế quốc dân được phản ánh trong hệ thống tài khoản quốc gia:
- Giá trị sản xuất (GO)
- Chi phí trung gian (IC)
- Tổng sản phẩm trong nước (GDP): 3 cách tính
+ Từ sản xuất
+ Từ thu nhập
+ Từ chi tiêu
- Thu nhập quốc gia thô (RNB):
RNB = GDP - Thu nhập ban đầu trả cho người nước ngoài đầu tư vào nước ta + Thu nhập ban đầu của người việt đầu tư ra nước ngoài chuyển về.
(theo tài khoản vốn)
-           Thu nhập quốc gia thô sẵn có (RNDB)
RNDB = RNB – Chi thường xuyên trả người nước ngoài tạm ở nước ta + Nhận thường xuyên từ nước ngoài chuyển về của người việt thường trú trong nước.
(tài khoản vãng lai)
-           Tiết kiệm quốc gia thô (BNS)
BNS = RNDB – C
C là tiêu dùng cuối cùng, gồm tiêu dùng chính phủ và tiêu dùng tư nhân.
-           Tiết kiệm nội địa thô (BDS): khác với Tiết kiệm quốc gia thô ở chỗ nó không tính đến quan hệ thanh toán với nước ngoài.
BDS = GDP – C
-           Tiêu dùng cuối cùng (C): Sử dụng hàng hoá và dịch vụ để thoả mãn nhu cầu của các cá nhân hoặc tập thể.
-           Đầu tư hình thành tài sản cố định (I)
-           Cầu nội địa cuối cùng = tiêu cùng cuối cùng + đầu tư + thay đổi dự trữ.
-           Tổng cầu = Cầu nội địa cuối cùng + cầu xuất khẩu ròng
-           Cầu xuất khẩu ròng = Xuất – nhập hàng hoá và dịch vụ












Bảng quan hệ giữa các chỉ tiêu:
Sản xuất
Tổng sản phẩm
 trong nước
Tiêu dùng trung gian
Tổng sản phẩm trong nước
Thu nhập thô chuyển từ nước ngoài về
Thu nhập quốc gia thô
Thu nhập thô chuyển ra nước ngoài



Thu nhập quốc gia thô
Thu nhập vãng lai chuyển từ nước ngoài về
Thu nhập quốc gia sẵn có thô
Thu nhập vãng lai chuyển ra nước ngoài



Thu nhập quốc gia sẵn có thô
tiết kiệm quốc gia thô
Tiêu dùng cuối cùng

Ba phương pháp tính GDP:













GO

IC





Nhập
Xuất
Đầu tư

Tiêu dùng

GDP

GDP
Nông Ng

GDP
Công Ng
Dịch vụ


1)       Các phương pháp tính chỉ tiêu GDP theo giá cố định và giá GDP:
Ba cách dưới đây thường được dùng trong tính toán các mô hình khi chuyển từ cân đối hiện vật sang cân đối giá trị hoặc ngược lại.
a)       Phương pháp hai chỉ số giá:
Giả sử biết chỉ số giá sản xuất của các ngành khác nhau, khi đó làm theo 5 bước sau:
+ Chia sản xuất tính theo giá hiện hành của từng ngành cho chỉ số giá tương ứng của ngành đó để tìm ra giá trị sản xuất của các ngành theo giá cố định;
+ Chia tiêu dùng trung gian theo giá hiện hành của từng ngành cho chỉ số giá tương ứng của loại tiêu dùng trung gian đó.
+ Đối với mỗi ngành, giá trị gia tăng tính theo giá cố định sẽ bằng chênh lệch giữa giá trị sản xuất và giá trị tiêu dùng trung gian được tính trong hai bước trên.
+ Từ đây, tính GDP theo giá cố định bằng tổng các giá trị gia tăng theo giá cố định của các ngành.
+ Cuối cùng tính chỉ số giá GDP bằng cách lấy GDP theo giá hiện hành chia cho GDP theo giá cố định.
b)       Phương pháp từ khối lượng và giá cố định:
Nếu ta có thông tin về khối lượng, đồng thời biết hệ thống giá cố định của 1 năm nào đó thì có thể làm như sau:
+ Tính giá trị sản xuất và tiêu dùng trung gian của các ngành theo giá cố định
+ Trừ giá trị sản xuất bởi tiêu dùng trung gian để có giá trị gia tăng. Cộng các giá trị gia tăng có GDP
+ Chia GDP theo giá hiện hành cho GDP theo giá cố định để có chỉ số giá GDP.
c)        Phương pháp từ các thành phần sử dụng cuối cùng:
Chúng ta biết GDP là tổng các thành phần của cầu cuối cùng, do đó cũng có thể tính GDP theo giá cố định và chỉ số giá GDP bằng cách sau:
+ Chia mỗi thành phần của cầu tính theo giá hiện hành (cầu danh nghĩa), gồm tiêu dùng, đầu tư, xuất và nhập khẩu, bởi các chỉ số giá tương ứng của nó để thu được các chỉ tiêu thành phần theo giá cố định.
+ Cộng các chỉ tiêu thành phần theo giá cố định trên để tính ra GDP theo giá cố định;
+ Chia GDP theo giá hiện hành cho GDP theo giá cố định để có chỉ số  giá GDP.
2)       Phân biệt các chỉ tiêu khối lượng, giá trị và giá cả:
Việc phân biệt các chỉ tiêu khối lượng, giá trị và giá cả rất quan trọng trong mô hình hoá để đảm bảo nhận dạng đúng các phương trình trong mô hình. Thường có những nhầm lẫn rất nguy hiểm là một biến khối lượng (tính theo giá cố định) lại phụ thuộc vào một biến giá trị (tính theo giá hiện hành). Khi đó quan hệ là giả tạo vì chịu ảnh hưởng của yếu tố giá.
Thông thường các biến sản xuất, tiêu dùng, đầu tư, xuất nhập khẩu... được tính theo hai loại giá cố định và hiện hành (khối lượng và giá trị), nhưng các chỉ tiêu tài chính, tiền tệ, hoạt động của thị trường... chỉ được tính theo giá hiện hành hoặc so với GDP. Khi muốn đánh giá thành tựu kinh tế, xã hội thì phải dùng chỉ tiêu khối lượng, nhưng khi muốn xem xét vai trò và ảnh hưởng của các yếu tố tài chính tiền tệ tới biến đổi các luồng hàng hoá, dịch vụ thì phải sử dụng quan hệ giữa các biến giá trị với các biến khối lượng.
Cầu nối trung gian giữa các loại chỉ tiêu khối lượng và giá trị là giá cả. Do đó, nói chung biến giá cả có ảnh hưởng đến tất cả các khối trong mô hình, như là mạng lưới mạch máu trong cơ thể vậy.
Trong hệ thống tài khoản quốc gia, để đảm bảo tính khớp nhau của các chỉ tiêu, vấn đề giá cả - khối lượng được xử lý theo ba cách, trong đó cách thông dụng nhất như sau: Tính toán các chỉ tiêu theo giá cố định của một năm cơ sở. Thông thường, các biến trọng số nên được thay đổi 5 năm 1 lần, nhưng của ta rất chậm được thay đổi, ví dụ như tính chỉ số giá tiêu dùng, cơ cấu giỏ hàng hoá đến nay rất lạc hậu.
Ưu điểm của phương pháp này là đơn giản vì dùng giá cố định 1 năm cho nhiều năm; có sự khớp nhau hoàn toàn vì các chỉ tiêu tổng hợp là tổng cộng của các chỉ tiêu thành phần; và có thể so sánh các chỉ tiêu với nhau vì có cùng một năm gốc.
3)       Cân đối gộp trong hệ thống tài khoản quốc gia của Việt nam:
a)        Vài nét về phát triển của HTTKQG Việt nam
b)       Giới thiệu một số bảng gộp quan trọng nhất:
Các bảng gộp dưới đây được lấy từ Niên giám Thống kê hoặc được suy ra từ các bảng trong niên giám thống kê:
-           Cân đối nguồn –sử dụng theo giá hiện hành
-           Cân đối nguồn –sử dụng theo giá so sánh
-           Tỷ lệ tăng trưởng của các thành phần trong cân đối nguồn – sử dụng
-           Chỉ số giá của các yếu tố sử dụng (1990 = 100)
-           GDP theo ngành, giá hiện hành
-           GDP theo ngành, giá so sánh
-           Chỉ số giá các ngành của GDP
-           Tỷ lệ tăng trưởng GDP và các thành phần của GDP
-           GDP theo thành phần kinh tế, giá hiện hành
-           GDP theo thành phần kinh tế, giá so sánh
B) Cân đối Ngân sách Nhà nước:
    Trong các mô hình kinh tế lượng vĩ mô, bao giờ cũng phải có phần nghiên cứu riêng dành cho tài chính công vì vai trò ngày càng quan trọng của chính phủ trong hệ thống kinh tế, xã hội và do tính chất đặc thù của các hoạt động của Chính phủ.
    Hoạt động ngân sách của chính phủ rất phức tạp, chúng ta không bàn luận ở đây. Nhưng những yếu tố cần biết khi chuẩn bị các mô hình kinh tế lượng là các chỉ tiêu gộp tài chính công, gồm thu chi ngân sách và bù đắp thâm hụt ngân sách.
1)       Các chỉ tiêu gộp:
a) Thu ngân sách:
Có nhiều cách phân loại thu ngân sách, từ gộp đến chi tiết. Việc sử dụng cách phân loại nào phụ thuộc vào mục tiêu xây dựng mô hình và mức độ chi tiết của mô hình.
Ví dụ: Xem phân loại của Bộ Tài Chính, phân loại của Quỹ Tiền tệ Quốc tế...
b) Viện trợ không hoàn lại:
Gồm tiền, hiện vật cho không của các khu vực kinh tế khác tặng cho ngân sách chính phủ, và viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, các tổ chức quốc tế.
c) Chi ngân sách
Có nhiều cách phân loại. Việc sử dụng cách phân loại nào phụ thuộc vào mục tiêu xây dựng mô hình và mức độ chi tiết của mô hình.
Ví dụ: Xem phân loại của Bộ Tài Chính, phân loại của Quỹ Tiền tệ Quốc tế...
d) Tài chính cho thâm hụt ngân sách
    Đây là khoản thu, chi để đảm bảo cân bằng hoạt động ngân sách.
    Nếu ngân sách thâm hụt thì có mấy cách bù đắp như sau:
    + Vay trong nước: Vay dân, vay hệ thống ngân hàng thương mại và phát hành tiền tệ.
    + Vay ngoài nước: Vay từ viện trợ, vay từ phát hành trái phiếu ra nước ngoài.
e) Cán cân tài chính công (thặng dư hoặc thâm hụt)
    Nguyên tắc chung là tổng các hoạt động ngân sách phải bằng 0. Tuy nhiên, có thể tách riêng phần cán cân tài chính công (thặng dư hoặc thâm hụt) ra khỏi hoạt động bù đắp.
    Cán cân = Thu NS + Viện trợ – Chi NS – Cho vay ròng
2) Các bảng về ngân sách nhà nước:
-           Bảng thu, chi và cân đối ngân sách gộp
-           Bảng thu ngân sách chi tiết
-           Bảng chi ngân sách chi tiết
Tuỳ mục tiêu của mô hình mà chi tiết hơn các bảng trên. Nếu là mô hình tài chính thì cần có những thông tin chi tiết hơn, kể cả các thông tin định mức.
C) Cân đối tiền tệ:
1) Vai trò của cân đối tiền tệ:
    + Cân đối tiền tệ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong các mô hình kinh tế vĩ mô vì hai lý do:
- Trong một nền kinh tế thị trường hiện đại, gần như mọi hoạt động kinh tế, tài chính... đều được thanh toán bằng tiền. Mọi cân đối tiền tệ qua ngân hàng đều phản ảnh kết quả hoạt động của các khu vực kinh tế, xã hội.
-      Các số liệu thống kê tiền tệ nói chung được thu thập nhanh nhất và có độ tin cậy cao nhất, do đó giúp ích rất nhiều cho các nhà lãnh đạo để đề xuất, lựa chọn các giải pháp kinh tế.
Trong những chương trình điều chỉnh kinh tế của IMF giúp các nước, cân đối tiền tệ càng quan trọng vì IMF sử dụng một số chỉ tiêu gộp tiền tệ làm tiêu chuẩn đánh giá kết quả thực hiện chương trình.
+ Trong cân đối tiền tệ, thường thấy xuất hiện 3 loại bảng cân đối:
-           Cân đối của khu vực lãnh đạo tiền tệ (ngân hàng trung ương)
-           Cân đối của khu vực ngân hàng thương mại
-           Cân đối tiền tệ chung (tình hình tiền tệ)
2) Các nhà lãnh đạo tiền tệ:
    Khái niệm các nhà lãnh đạo tiền tệ được dùng để chỉ những tổ chức phát hành tiền tệ, giữ dự trữ ngoại tệ quốc gia, vay nước ngoài để thoả mãn nhu cầu cân bằng cán cân thanh toán quốc tế, đóng vai trò ngân hàng của Nhà nước (ví dụ Kho bạc Nhà nước), theo dõi hoạt động của hệ thống tiền tệ và đóng vai trò người cho vay cuối cùng của hệ thống ngân hàng.
    Trong phân lớn trường hợp, cơ quan đóng vai trò lãnh đạo tiền tệ là Ngân hàng trung ương. Trong một số nước khác, có thể Kho bạc đóng vai trò này vì tiền được in tại kho bạc. Hoặc kho bạc quản lý dự trữ ngoại tệ của đất nước...
    Chức năng cho vay cuối cùng là một chức năng rất quan trọng để đảm bảo cung cấp đủ tiền, tín dụng cho nền kinh tế trong bối cảnh bình thường và khi có nhu cầu đột biến. Đây cũng là công cụ của chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ngân hàng trung ương phải chịu trách nhiệm thanh toán thay cho các ngân hàng không còn khả năng thanh toán hay đền bù thiệt hại cho khách hàng của các ngân hàng...
    Phân tích cân đối tiền tệ của các nhà lãnh đạo tiền tệ (hay ngân hàng trung ương) có vị trí quan trọng nhất, vị trí trung tâm trong phân tích tiền tệ vì họ sử dụng cơ sở tiền tệ để đảm bảo cung cấp đủ lượng tiền cần thiết trong nền kinh tế. Cơ sở tiền tệ gồm tiền mặt cộng với tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng trung ương. Công cụ chính để các nhà lãnh đạo tiền tệ sử dụng để kiểm tra khối lượng tiền tệ là kiểm tra khối lượng cơ sở tiền tệ.
    Cân đối tiền tệ của các nhà lãnh đạo tiền tệ gồm:
a) Tài sản ngoại tệ ròng (AEN)
    AEN = giá trị bằng tiền quốc gia của dự trữ ngoại tệ ròng
    dự trữ ngoại tệ ròng = có ngoại tệ – nợ ngoại tệ
    Có ngoại tệ = vàng + ngoại tệ trong ngân hàng TW+ dự trữ tại IMF + ngoại tệ rút được tại IMF theo quyền rút đặc biệt, tương ứng với phần đóng góp vào tổng vốn của IMF.
    Nợ ngoại tệ = cam kết ngắn hạn của Ngân hàng TW đối với những cư dân không thường trú + nợ và lãi phải trả
b) Cho Nhà nước vay ròng (cho vay mới trừ phần mới trả - CNE):
  Người ta thường quan tâm đến hai vấn đề:
-           Khi cho Nhà nước vay thì ảnh hưởng tài chính toàn cục sẽ thế nào ? Nhà nước thường dùng địa vị đặc biệt của mình để vay tiền ngân hàng phục vụ bù đắp thâm hụt ngân sách. Khi đó thường kéo theo lạm phát.
-           Khu vực tư nhân là một số đông, gồm một bộ phận dư thừa tài chính và một bộ phận thiếu. Ngân hàng ưu tiên phục vụ Nhà nước hay khu vực tư nhân.
c) Cho các ngân hàng thương mai vay (ngân hàng tạo ra tiền - CBCM):
  Đây là toàn bộ tín dụng Ngân hàng TW cấp trực tiếp cho các ngân hàng thương mại; gồm tái cấp vốn, tái chiết khấu...
d)       Cho các khu vực kinh tế khác vay (CSP):
Trong nền kinh tế thị trường, đây thực chất là cho khu vực tư nhân vay, gồm cả những trung gian tài chính không phải là các ngân hàng thương mại; tức là những tác nhân kinh tế ngoài Nhà nước và khu vực ngân hàng. Tuy nhiên ở nước ta, có giai đoạn cấp thẳng cho các DNNN.
e) Cơ sở tiền tệ (BM):
  Đây là cam kết chính của các nhà lãnh đạo tiền tệ và là công cụ chính của chính sách tiền tệ. Những thành phần chính của cơ sở tiền tệ là:
  + Tiền mặt nằm trong hệ thống ngân hàng (EB)
  + Tiền mặt nằm ngoài hệ thống ngân hàng (MF)
  + Tiền gửi của các tổ chức ngân hàng và phi ngân hàng tại NHTW
e)        Các mục tiền tệ khác (APN)
APN gồm dự trữ ngoại tệ ngoài ngân hàng TW, trụ sở và các toà nhà khác của các ngân hàng, điều chỉnh giá trị tài sản bằng tiền nước ngoài khi tỷ giá thay đổi...
g) Cân đối tiền tệ của các nhà lãnh đạo tiền tệ:
BM = AEN + CNE + CBCM + CSP - APN
Trong cơ sở tiền tệ có 5 yếu tố. Ngân hàng trung ương tác động vào 5 yếu tố này để tạo ra thay đổi cơ sở tiền tệ, từ đó ảnh hưởng tới tổng cung tiền tệ.
Ví dụ khi cán cân thanh toán quốc tế thặng dư, dự trữ quốc tế của Ngân hàng TW tăng lên. Khi đó, nếu không tăng tín dụng nội địa hoặc các thành phần khác thì cơ sở tiền tệ sẽ tăng lên (passif của APN tăng), kéo theo tổng lượng tiền trong lưu thông tăng lên, có nguy cơ gây lạm phát.
Tương tự, nếu NHTW tăng tín dụng bằng cách mua các trái phiếu chính phủ hoặc cho các ngân hàng thương mại vay tiền mà không giảm AEN hoặc khonog tăng APN thì cơ sở tiền tệ cũng tăng lên.
Ngoài cân đối theo luỹ kế (cộng dồn), còn có loại cân  đối theo từng kỳ. Khi đó:
DBM = DAEN + DCNE + DCBCM + DCSP - DAPN
chia cả hai vế cho BM(t-1), ta có:



Thêm các thành phần tỷ trọng, ta có:
Theo công thức trên, tỷ lệ tăng trưởng cơ sơ tiền tệ bằng trung bình trọng số của tỷ lệ tăng trưởng các yếu tố thành phần.
2)       Các ngân hàng thương mại (ngân hàng tạo tiền):
-           Các cân đối cũng tương tự như đối với Ngân hàng Trung ương. Xem bảng cân đối tiền tệ của các ngân hàng này.
-           Xác định nhân tử tiền tệ: Đây là tỷ lệ giữa tổng khối lượng tiền tệ và cơ sở tiền tệ, phản ảnh mối quan hệ trực tiếp giữa chuyển động của chỉ tiêu tiền tệ quan trọng nhất của nền kinh tế và chuyển động của một chỉ tiêu kiểm soát được của Ngân hàng TW.
+ Nếu quan hệ trên ổn định, sẽ dự báo khá tốt ảnh hưởng của thay đổi cơ sở tiền tệ tới các hoạt động ngân hàng, giá cả.
+ Sự ổn định của cơ sở tiền tệ phụ thuộc vào một loạt nhân tố...
3) Tình hình tiền tệ:
  Tình hình tiền tệ là cân đối tiền tệ của cả hệ thống ngân hàng. Nội dung của phân tích tình hình tiền tệ là xem xét tiến triển của tín dụng, tiền tệ trong mối quan hệ tổng thể để cho phép các nhà lãnh đạo theo rõi chặt tình hình tiền tệ, từ đó kịp thời điều chỉnh lại chính sách tiền tệ khi cần.
  Những chỉ tiêu chính trong cân đối tiền tệ chung là:
a) Tổng lượng tiền danh nghĩa:
  M1 (theo nghĩa chặt) = Tiền mặt + Tiền gửi không kỳ hạn
  M2 (theo nghĩa rộng) = M1 + Tiền gần như tiền
  Tiền gần như tiền = tiền gửi có kỳ hạn và tiền tiết kiệm gửi tại hệ thống ngân hàng, kể cả ngoại tệ của dân thường trú.
  Đối trọng của M2 chính là tài sản ngoại tệ ròng (AEN) tính theo nội tệ, tín dụng nội địa (CIR), trừ đi mục khác (APN)., tức là:
  M2 = AEN + CIR – APN
trong đó AEN và APN thường là biến ngoại sinh. CIR là chính sách tín dụng.
Hay dạng biến động theo kỳ:
  DM2 = DAEN + DCIR – DAPN
  M2 = m * BM
với m là nhân tử tiền tệ.
  Trong phân loại tiền tệ ở Việt nam, Ngân hàng trung ương làm như sau:
  - Tổng phương tiện thanh toán M2, gồm tiền mặt lưu thông ngoài ngân hàng và nguồn vốn huy động.
  - Tiền mặt lưu thông ngoài ngân hàng
  - Nguồn vốn huy động, gồm Tiền gửi bằng đồng VN (chia ra tiền gửi của các tổ chức kinh tế và của dân cư), tiền gửi bằng ngoại tệ (cũng chia chi tiết như trên).
  Cách phân loại trên không phù hợp với cách làm của thế giới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã xây dựng lại các chỉ tiêu cho phù hợp thông lệ quốc tế như sau (xem ví dụ trong bảng).
b) Tài sản ngoại tệ ròng
  Tài sản ngoại tệ ròng của hệ thống ngân hàng gồm tài sản ngoại tệ ròng của các nhà lãnh đạo tiền tệ và tài sản ngoại tệ ròng của các ngân hàng tạo tiền. Các tài sản này chủ yếu là vàng, dự trữ ngoại tệ (không tính các ngoại tệ không có hoặc kém khả năng chuyển đổi), tiền gửi của hệ thống ngân hàng trong nước ở nước ngoài, tiền có khả năng thu hồi sớm do cho vay...
  Mỗi hoạt động thay đổi tài sản ngoại tệ ròng của hệ thống ngân hàng sẽ tạo ra những thay đổi tương ứng trong cán cân thanh toán quốc tế, hoặc trên cán cân vãng lai, hoặc trên cán cân vốn, hoặc trên bù đắp thâm hụt (thặng dư) cán cân thanh toán quốc tế. Do vậy, những thay đổi của dự trữ quốc tế trong biểu tình hình tiền tệ sẽ tương ứng với những thay đổi của dự trữ trong cán cân thanh toán quốc tế.
c) Tín dụng nội địa (CIR)
   Tín dụng nội địa trong cân bằng tiền tệ chung là tổng tín dụng nội địa của khu vực lãnh đạo ngân hàng và khu vực ngân hàng thương mại. Nó thường được chia làm tín dụng cho Nhà nước (kể cả DNNN) và tín dụng cho nền kinh tế (khu vực tư nhân). Cách phân loại  nàycho phép xem xét ảnh hưởng của việc cấp tín dụng cho Nhà nước có ảnh hưởng gì tới tổng cung tiền tệ của nền kinh tế, và tới các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác.
  Ở nước ta, Ngân hàng trung ương dùng chỉ tiêu tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế, trong đó gồm có 3 mục: cho vay bằng tiền Việt (ngắn hạn, dài hạn), cho vay bằng ngoại tệ (ngắn hạn, dài hạn), và nợ xấu. Riêng nợ xấu lại được chia ra làm nợ quá hạn, nợ chờ xử lý và nợ được phép khoanh lại.
d) Các tài sản ròng khác:
  Trong bảng tổng hợp tình hình tiền tệ, các tài khoản ròng khác được lập từ các tài khoản ròng khác của ngân hàng Trung ương và các ngân hàng thương mại, chủ yếu gồm những yếu tố chưa đưa được vào các chỉ tiêu trên; gồm bất động sản và vốn riêng. Người ta cũng đưa vào chỉ tiêu này những thay đổi sau:
  - Giá trị tăng giảm của thay đổi tỷ giá giữa cuối kỳ trước và cuối kỳ này.
  -  Chênh lệch giữa tỷ giá trung bình để chuyển đổi ngoại tệ sang nội tệ khi đưa vào tài khoản trong thời kỳ xem xét và tỷ giá cuối kỳ được sử dụng để xây dựng bảng cân đối.
4) Tăng trưởng khối lượng tiền tệ và các đối trọng:
  Theo cùng cách phân tích như đối với cân đối tiền tệ của các nhà lãnh đạo tiền tệ, có thể phân rã tăng trưởng tiền tệ M2 theo đóng góp tương ứng của các đối trọng của nó và diễn đạt nó theo trung bình trọng số của tỷ lệ tăng trưởng của các đối trọng. Cách làm như sau:
DM2 = DAEN + DCNE + DCSP - DAPN
chia cả hai vế cho M2(t-1), ta có:



Thêm các thành phần tỷ trọng, ta có:
Theo công thức trên, tỷ lệ tăng trưởng tiền tệ bằng trung bình trọng số của tỷ lệ tăng trưởng của các yếu tố thành phần. Do đó, để xác định quan hệ lâu dài giữa tăng trưởng tiền tệ với tăng trưởng của những thành phần chính của nó, có thể xây dựng các phương trình đại loại như:
  gM2 = a * gAEN + b * gCNE + c*CSP + e*APN + d
hay:     gM2 = a * gAEN + b * gCNE + c
  .......
trong đó g là ký hiệu chỉ tỷ lệ tăng trưởng.    

D) Cân đối cán cân thanh toán quốc tế:
  Cân đối cán cân thanh toán quốc tế có ý nghĩa rất quan trọng trong phân tích kinh tế vì nó phản ảnh quan hệ kinh tế trong nước với nước ngoài. Nền kinh tế càng mở cửa thì vai trò của phân tích cán cân thanh toán quốc tế càng cao. Những vấn đề lớn trong phân tích cán cân thanh toán quốc tế là:
1) Các tài khoản và yếu tố trong CCTTQT:
  a) Tài khoản giao dịch vãng lai:
  Cân đối cán cân thanh toán vãng lai là một trong những chỉ tiêu được sử dụng phổ biến nhất để đánh giá tình hình đối ngoại của một nền kinh tế. Nó phản ánh kết quả các giao dich tài chính ngắn hạn (dưới 1 năm) với bên ngoài. Khi can cân thanh toán vãng lai mất cân đối nghiêm trọng và kéo dài thì thường có nguy cơ khnủg hoảng kinh tế; điều này cũng giống như vay nợ ngắn hạn quá nhiều, dẫn tới không thể trả được nợ.
  Tài khoản vãng lai gồm hai luồng tiền: luồng vào và ra. Cân đối hai luồng sẽ cho thặng dư hoặc thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai. Mỗi luồng gồm các dòng xuất (nhập) hàng hoá và dịch vụ, chuyển giao thu nhập và các loại chuyển giao vãng lai khác (hoạt động du lịch chẳng hạn).
-  Cán cân thương mại:
Cán cân thương mại là chênh lệch giữa xuất và nhập khẩu hàng hoá. Cán cân này được sử dụng nhiều nhất trong phân tích kinh tế ngắn hạn vì có thể tính toán nó nhanh nhất thông qua bộ máy hải quan, còn việc thống kê số liệu về xuất nhập khẩu dịch vụ thì khó khăn và chậm hơn.
Biến động của cán cân thương mại phụ thuộc vào hai nhân tố: Khối lượng xuất nhập khẩu và thay đổi giá xuất nhập khẩu hàng hoá. Thông thường trong các mô hình kinh tế lượng, bao giờ người ta cũng tách riêng hai nhân tố này. Biến xuất nhập khẩu được tính theo giá cố định, sau đó nhân với chỉ số giá để có giá trị xuất nhập khẩu tính bằng USD. Tuy nhiên, ở nước ta, có một thói quen là: do trong quá khứ, tỷ lệ lạm phát của ta rất cao trong khi giá cả quốc tế thay đổi rất chậm, nên chúng ta thường đưa thẳng giá trị xuất nhập khẩu tính theo USD làm biến nội sinh chứ không chia cho chỉ số giá.
Việc thay đổi cánh kéo giá xuất - nhập khẩu rất quan trọng đối với các nền kinh tế mở cửa, tạo ra một hệ số gọi là hệ số giá trao đổi (exchange term). Đây là một trong những khái niệm cơ bản trong phân tích biến động của cán cân thương mại. Hệ số này được định nghĩa là tỷ lệ giữa giá xuất và giá nhập; về mặt toán học, được viết như sau:
hệ số giá trao đổi = Px / Pm
trong đó Px là chỉ số giá chung của toàn bộ hàng xuất (trong Niên giám Thống kê gọi là chỉ số giá xuất khẩu); Pm là chỉ số giá chung của toàn bộ hàng nhập (trong Niên giám Thống kê gọi là chỉ số giá nhập khẩu). Hai chỉ tiêu này cùng được tính theo một loại tiền, thông thường theo ngoại tệ.
Hệ số này phản ảnh sức mua của hàng xuất khẩu, xem khi xu hướng xuất ngày càng thiệt hay lợi so với nhập. Ví dụ nếu hệ số này ngày càng giảm, tức là giá xuất tăng chậm hơn giá nhập, thì đất nước phải tăng khối lượng xuất để bù vào và duy trì được cùng khối lượng nhập. Hoặc phải giảm nhập để cân đối ngoại tệ nếu như không thể tăng nhanh khối lượng xuất để thoả mãn nhu cầu nhập. Nếu tình hình này kéo dài, sản xuất và thu nhập nội địa sẽ giảm. Nói chung, khi đó phải có thay đổi trong chính sách kinh tế.
- Dịch vụ, thu nhập và chuyển giao vãng lai
Xem cấu thành trong bảng cán cân thanh toán quốc tế.
b) Tài khoản vốn và các hoạt động tài chính, dự trữ:
  Thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai có thể được bù đắp bằng tăng vay nước ngoài hoặc giảm dự trữ ngoại tệ, hoặc kết hợp cả hai biện pháp. Các lưồng tài chính này được tính trong tài khoản vốn của cán cân thanh toán quốc tế, bao gồm:
  - Tài chính không tiền tệ: đầu tư nước ngoài trực tiếp FDI và vay nước ngoài EEN; và
  - Tài chính tiền tệ: Thay đổi dự trữ DRES
  Tổng của hai khoản này bằng thâm hụt cán cân vãng lai (bù đắp).
            CA = FDI + EEN + DRES
  Nói ngắn gọn, cán cân vãng lai luôn luôn được bù đắp bằng cán cân vốn. Khi có thâm hụt cán cân vãng lai, nếu nguồn vốn vào không đủ để bù đắp, sẽ phải điều chỉnh chính sách để thu hút thêm vốn nước ngoài hoặc phải vay nước ngoài; nếu không sẽ phải sử dụng ngoại tệ dữ trữ. Một khi dự trữ ngoại tệ cạn kiệt, thì chắc chắn sẽ có khủng hoảng kinh tế để tạo ra cơ cấu mới có khả năng làm tăng xuất, giảm nhập, tiến tới cân bằng cán cân thanh toán quốc tế, mà một trong những khủng hoảng đầu tiền là khủng hoảng về tỷ giá.
Thông thường việc bù đắp bằng FDI thì tốt vì đây là dòng vốn dài hạn, có hiệu quả. Ngược lại, nếu bù đắp thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai bằng vay ngắn hạn thì rất nguy hiểm như kinh nghiệm các nước châu á trong khủng hoảng tài chính tiền tệ vừa qua, vì trong ngắn hạn kinh tế rất biến động, có khi không đủ lãi để trả, dễ đi đến chỗ không trả được nợ.
  - Nợ nước ngoài và dịch vụ nợ:
  D(t) = D(t-1) + B(t) - AMD(t) + REVD(t)
trong đó:
  D(t): là nợ đến cuối năm t
  D(t-1): là nợ đến cuối năm t-1
B(t): là giải ngân những khoản vay mới trong năm t
  AMD(t): là trả nợ nước ngoài trong năm t
  REVD(t): là đánh giá lại tổng nợ nước ngoài còn lại vào cuối kỳ do thay đổi tỷ giá, xoá nợ, nhập vào nợ các khoản lãi chưa trả được...
  - Dự trữ quốc tế:
  Dự trữ quốc tế do các nhà lãnh đạo tiền tệ (Ngân hàng trung ương) quản lý, nhằm mục tiêu bù đắp trực tiếp khi các phi cân bằng cán cân thanh toán quốc tế xuất hiện hoặc khi phải bảo vệ sức mua đối ngoại của đồng tiền (tỷ giá). Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đang hướng tới đồng tiền tự do chuyển đổi và thả nổi tỷ giá hiện nay, nhiều nước đã có thể dùng những biện pháp khác để lập lại cân bằng cán cân thanh toán quốc tế, ví dụ như vay nước ngoài.
  Vấn đề đặt ra trong phân tích chính sách, mô phỏng phát triển là dự trữ bao nhiêu là vừa ? Để trả lời câu hỏi này, cần phải làm rõ thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai là tạm thời hay dài hạn, tức là mang tính tình huống hay cơ cấu.
  Nếu thâm hụt chỉ có tính tạm thời, thì nên sử dụng dự trữ quốc tế hoặc vay nước ngoài để tài chính cho thâm hụt cán cân vãng lai. Thực tế, khi bị hạn hán hoặc mất mùa do nguyên nhân nào đó, thì chỉ cần dùng 2 biện pháp trên khắc phục trong một năm là được. Dự trữ cũng có nhiệm vụ khắc phục những mất cân đối mang tính mùa vụ của cán cân thanh toán vãng lai.
  Tuy nhiên, nếu thâm hụt cán cân vãng lai và cán cân thanh toán tổng thể có tính chất dài hạn thì dùng các biện pháp trên không thể giải quyết được vấn đề. Khi đó, phải dùng đến những biện pháp mạnh hơn để lập lại cân bằng cán cân thanh toán tổng thể.
  Chỉ tiêu thông dụng nhất được dùng để xác định mức dự trữ bao nhiều là vừa là quan hệ giữa dự trữ quốc tế và số tuần (tháng) nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ.
Dự trữ quốc tế tính
bằng số tháng nhập khẩu

=
Tổng dự trữ
 quốc tế

/
Giá trị nhập khẩu
trung bình
một tháng
  Theo kinh nghiệm thế giới, đối với những nước nghèo, không nên dự trữ ngoại tệ quá nhiều vì đây là lượng tiền ứ đọng không đưa được vào kinh doanh và sinh lợi không đáng kể trong khi những nước nghèo cần nhiều vốn đầu tư phát triển. Ở các nước có tự do lưu chuyển vốn quốc tế và chế độ tỷ giá tương đối thả nổi, mức dự trữ ngoại tệ hợp lý nhất là khoảng 3-6 tháng nhập khẩu. Hiện tại, mức dự trữ ngoại tệ trung bình của các nước giầu tương đương với khoảng 2 tháng nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ; của các nước đang phát triển vào khoảng 4 tháng. Ở nước ta hiện nay, trong điều kiện chưa có tự do lưu chuyển vốn quốc tế và đồng tiền chưa chuyển đổi, nhưng dự trữ ngoại tệ đã đạt 14 tuần, tương đương với 3,5 tháng nhập khẩu.
2) Nguồn số liệu và các bảng về cán cân thanh toán quốc tế:
  Có thể nói, khó khăn lớn nhất về số liệu thống kê nước ta hiện nay là các thông tin về cán cân thanh toán quốc tế. Ở nước ta, hiện đang tồn tại song song hai loại nguồn: Nguồn của Ngân hàng Nhà nước và nguồn từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Vì là số liệu bảo mật nên chỉ một số rất ít cán bộ, cơ quan biết thông tin về cán cân thanh toán quốc tế của Ngân hàng Nhà nước. Các cơ quan chính phủ khác và các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học đều phải sử dụng số của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Số liệu của hai nguồn này rất khác nhau. Chúng tôi sẽ nói vẫn đề này trong bài về số liệu.
Để nghiên cứu về cán cân thanh toán quốc tế, cần có những bảng số liệu sau:
- Bảng cán cân thương mại chi tiết cho xuất, nhập khẩu các nhóm hàng hoá;
- Bảng cán cân thương mại chi tiết về xuất nhập khẩu theo nhóm nước.
- Bảng cán cân thanh toán quốc tế.

E) Quan hệ giữa các cân đối vĩ mô trong nền kinh tế
  Trong các phần trên, chúng ta đã nghiên cứu các cân đối vĩ mô chính trong nền kinh tế. Mỗi cân đối tập trung cho một lĩnh vực cụ thể, đặc thù của nền kinh tế. Cân đối tài khoản quốc gia nhằm vào khía cạnh sản xuất và phân phối sản phẩm giữa các khu vực kinh tế khác nhau. Cân đối ngân sách - tài chính công - phân tích kinh tế các hoạt động của Nhà nước và ảnh hưởng của chúng tới toàn bộ nền kinh tế. Cân đối tiền tệ nêu ra các thành phần chính của hoạt động tiền tệ đối với các khu vực kinh tế chính và làm phát sinh các trung gian tài chính giữa các khu vực thừa và khu vực thiếu vốn. Cán cân thanh toán quốc tế cho phép phân tích các quan hệ giao dịch giữa nền kinh tế trong nước (gồm các đơn vị thường trú) và phần còn lại (gồm các đơn vị không thường trú - chủ yếu là nước ngoài).
  Trong khi mỗi cân đối tập trung vào một khía cạnh đặc thù của nền kinh tế thì tất cả các cân đối trên đều có những phần tử chung và ồn tại những mối quan hệ phụ thuộc giữa các cân đối. Mục tiêu của phần này là nghiên cứu những đặc tính chung giữa bốn hệ thống cân đối tài khoản vĩ mô này và nhận dạng những liên hệ phụ thuộc tồn tại giữa chúng. Đây là nền tảng để hình thành các phương trình cơ bản trong mô hình kinh tế lượng vĩ mô.
  Do mối liên hệ kinh tế vĩ mô rất phức tạp, dưới đây, chỉ xem xét những quan hệ vĩ mô lớn nhất thông qua ba tiếp cận liên quan đến cán cân thanh toán. Đó là tiếp cận hấp thụ, tiếp cận thuế (hay còn được gọi là cân bằng tiết kiệm - đầu tư) và tiếp cận tiền tệ.
1) Tiếp cận cán cân thanh toán quốc tế qua hấp thụ (absorption)
  Từ cân đối các tài khoản quốc gia trong phần đầu, có thể suy ra hai quan hệ kế toán đóng vai trò trung tâm trong phân tích kinh tế vĩ mô, và xuất hiện trong hầu hết các mô hình kinh tế lượng phương tây: Một là quan hệ giữa thâm hụt (thặng dư) cán cân thanh toán vãng lai với thu và chi của tài khoản quốc gia, và hai là quan hệ giữa cùng chỉ tiêu trên với tiết kiệm quốc gia và đầu tư.
  Theo tiếp cận hấp thụ, xuất phát từ cân bằng kế toán giữa nguồn và sử dụng hàng hoá, dịch vụ, chúng ta có đồng nhất thức:
  GDP + M = C + I + X
Nhưng theo cân đối tài khoản vĩ mô thì A = C + I
nên ta có:       GDP + M = A + X
hay:               GDP = A + (X - M)
hay:               GDP - A = X - M
Thêm vào hai vế của đồng nhất thức trên cân đối trong - ngoài nước về thu nhập các nhân tố và cân đối chuyển giao vãng lai trong cán cân thanh toán, chúng ta có:
            GDP + RNF + TRN - A = (X-M) + RNF + TRN
tức là:            RNDB - A = CA
trong đó:
GDP: Tổng sản phẩm trong nước;
C:        Tiêu dùng cuối cùng
I:          Đầu tư thô
X:        Xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ không nhân tố
M:        Nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ không nhân tố
A:        Hấp thụ toàn nền kinh tế
RNF:             Thu nhập ròng các nhân tố;
TRN:             Chuyển giao ròng;
RNDB:          Thu nhập quốc gia sẵn có thô;
CA:               Cân đối cán cân thanh toán vãng lai.
  Theo đồng nhất thức trên, tống sản phẩm trong nước (GDP) luôn luôn bằng tổng của cầu nội địa cuối cùng (hấp thụ) với chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ. Cũng vì vậy, chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ bằng chênh lệch giữa GDP và hấp thụ. Khi bổ xung các yếu tố còn lại trong cán cân thanh toán vãng lai, chúng ta thấy chênh lệch giữa thu nhập quốc gia sẵn có thô và hấp thụ chính là cán cân thanh toán vãng lai.
  Về mặt phân tích kinh tế và chính sách kinh tế, có thể giải thích các quan hệ trên như sau:
  Đối với một nền kinh tế, mọi thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai đều phản ảnh hiện tượng hấp thụ (cầu nội địa cuối cùng) vượt quá thu nhập sẵn có đã được xác định, hay thu nhập sẵn có không đủ để đáp ứng cầu nội địa cuối cùng đã cho trước. Như vậy, những phi cân bằng cán cân thanh toán vãng lai có quan hệ chặt chẽ với chính sách kinh tế của đất nước; tức là để xử lý những phi cân bằng này, phải có những thay đổi trong chính sách kinh tế. Những giải pháp có thể đưa ra để lựa chọn là:
  * Về ngắn hạn, tác động tới hấp thụ nội địa bằng cách điều chỉnh các chính sách quản lý cầu (được gọi là các chính sách kinh tế vĩ mô), nhất là các chính sách điều chỉnh kinh tế ngắn hạn rất công phát như tài chính, tiền tệ hoặc tỷ giá.
  * Về trung và dài hạn, phải tác động tới cung để làm sao tăng được cung. Những chính sách quản lý cung (chính sách cơ cấu) điển hình là tự do hoá kinh tế, trước hết là giá cả, thị trường lao động, cải cách khu vực tài chính, tự do hoá các giao dịch ngoại hối... Chúng có tác dụng cải thiện hoạt động của các thị trường quan trọng nhất như hàng hoá và dịch vụ, lao động, tài chính, ngoại hối. Ngoài ra, có thể áp dụng chính sách tỷ giá tích cực để điều chỉnh giá tương đối giữa trong nước và nước ngoài theo hướng động viên xuất khẩu. Chú ý là nhiều khi có thể làm nền kinh tế phát triển nhanh hơn, cải thiện được cán cân thanh toán vãng lai, mà không phải tăng vốn đầu tư.
2) Tiếp cận cán cân thanh toán quốc tế qua thuế hay tiết kiệm - đầu tư
  Quan hệ kế toán trung tâm thứ hai được xây dựng từ cân đối nguồn - sử dụng. Cũng xuất phát từ đồng nhất thức:
  GDP + M = C + I + X
nhưng chúng ta biến đổi phương trình như sau:
  GDP - C - I = X - M
hay      Si - I  = X - M
trong đó Si là tiêts kiệm nội địa thô (bằng tổng sản phẩm trong nước trừ tiêu dùng nội địa cuối cùng).
Thêm vào hai vế của đồng nhất thức trên cân đối trong - ngoài nước về thu nhập các nhân tố và cân đối chuyển giao vãng lai trong cán cân thanh toán, chúng ta có:
            GDP + RNF + TRN - C - I  = (X-M) + RNF + TRN
tức là:            RNDB - C - I  = CA
hay:               S - I  = CA                                                             (1)
trong đó S là tiết kiệm quốc gia thô (khác với Si là đã tính thêm các yếu tố khác vào GDP).
  Tách riêng các thành phần đầu tư, tiết kiệm của khu vực nhà nước (g) và khu vực tư nhân (p), chúng ta có:
  (Sg + Sp) + (Ig - Ip) = CA
hay nếu nhóm các yếu tố theo cùng một khu vực:
  (Sg - Ig) + (Sp - Ip) = CA                                               (2)
  Hai công thức (1) và (2) được gọi là cân đối theo tiếp cận thuế và theo tiếp cận tiết kiệm - đầu tư. Về mặt chính sách kinh tế, có thể minh hoạ những quan hệ này như sau:
  Đối với một nước trong một thời kỳ nghiên cứu, nếu quan sát thấy có hiện  tượng thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai, thì hiện tượng đó có thể là do tiết kiệm không đủ so với đầu tư đã xác định trước; hoặc có thể xem như đầu tư đã quá nhiều so với một mức tiết kiệm không thể thay đổi. Khi tách riêng khu vực nhà nước và khu vực tư nhân, có thể chỉ ra mất cân đối giữa tiết kiệm và đầu tư là do khu vực nào gây ra.
  Khi đã xác định được quan hệ giữa thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai với chênh lệch tiết kiệm - đầu tư, có thê đề ra các chính sách kinh tế thích hợp để giải quyết tình hình. Một trong những giải pháp được ưa thích nhất là tăng tiết kiệm hoặc giảm đầu tư. Khi xảy ra trường hợp mất cân đối trong khu vực nhà nước hay tư nhân thì nên đề ra những giải pháp cho từng khu vực, tránh làm tràn lan, gây hậu quả không tốt cho nền kinh tế.
  Trường hợp 1: Thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai do khu vực công cộng gây ra.
  (Sg - Ig) + (Sp - Ip)  =  CA
với (Sg - Ig) < 0 ; (Sp - Ip) > 0 và CA < 0
  Trong trường hợp này, thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai phản ảnh thâm hụt của khu vực công cộng. Khi cùng xẩy ra 2 hiện tượng thâm hụt tài chính của khu vực công cộng và thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai thì người ta gọi là "đôi thâm hụt". Đây là trường hợp phổ biến tại các nước đang phát triển. Chính sách cần thiết để giảm thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai là giảm thâm hụt tài chính công cộng.
  Tuy nhiên, thường diễn ra một quan hệ nhân quả giữa thâm hụt ngân sách và thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế. Một sự tăng lên của thâm hụt ngân sách thường kéo theo một sự giảm đầu tư tư nhân vì nhà nước huy động vốn của khu vực tư nhân để bù đắp thâm hụt ngân sách chính phủ tăng lên. Đây là hiệu quả loại trừ rất nổi tiếng trong phân tích tài chính.
  Mặt khác, nếu như khu vực kinh tế tư nhân dự báo thâm hụt ngân sách sẽ kéo dài, trách nhiệm trả nợ ngày càng cao, thì tỷ lệ thuế sẽ tăng; khi đó họ sẽ phải tăng tiết kiệm, giảm đầu tư. Đây là hiệu ứng cân bằng Ricardo, trong đó khảng định sự cân bằng giữa chi tiêu của nhà nước với thuế và vay vì mọi khoản nhà nước vay, suy cho cùng, sẽ đều phải được bù đắp bằng thuế trong thời kỳ sau. Do đó nếu hiện tại Nhà nước chi tiêu nhiều thì tương lai, gánh nặng thuế sẽ tăng.
  Trong cả hai trường hợp trên, việc bù lỗ thâm hụt ngân sách được thực hiện bằng một trong hai, hoặc cả hai cách: tăng tiết kiệm của khu vực tư nhân và chấp nhận thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai.
  Trường hợp 2: Thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai do khu vực tư nhân gây ra.
  (Sg - Ig) + (Sp - Ip)  =  CA
với (Sg - Ig) > 0 ; (Sp - Ip) < 0 và CA < 0
  Trong trường hợp này, thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai phản ảnh thâm hụt của khu vực tư nhân. Tình hình này hiếm khi xảy ra trong một thời gian dài vì trên thị trường tài chính, không ai cho các cá nhân, doanh nghiệp  liên tục thâm hụt vay thêm. Đây là trường hợp xảy ra tại các nước Đông á trong khủng hoảng tài chính vừa qua: Khu vực tư nhân vay nợ các ngân hàng Nhật quá nhiều, đến chỗ không thể trả được nợ, bị ngừng cho vay mới, và cuối cùng rơi vào khủng hoảng.
  Tuy nhiên, chính IMF đã sai lầm khi đưa ra liều thuốc chữa cho khủng hoảng Đông á. Vì khủng hoảng là do khu vực tư nhân gây ra, nên không nên kìm hãm hoạt động bình thường của khu vực công cộng, chỉ cần giảm các hoạt động của khu vực tư nhân. Nhưng IMF đã thực hiện cắt giảm hoạt động của cả hai khu vực, đẩy các nền kinh tế khu vực vào khó khăn hơn. Bình thường, khu vực tư nhân giúp khu vực công cộng bù đắp thâm hụt ngân sách; những khi khu vực tư nhân gặp khó khăn thì chính khu vực công cộng phải dùng dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho khu vực tư nhân.
3) Quan hệ giữa tình hình tiền tệ và các tài khoản kinh tế vĩ mô
  Đây là tiếp cận tiền tệ của cán cân thanh toán quốc tế; cách làm tương đối đơn giản, số liệu tương đối dễ kiếm và thu thập nhanh, do đó các mô hình kinh tế lượng dựa trên tiếp cận này rất phát triển trong những năm 50-70; điển hình là mô hình Polak, Rim Sim. Tiếp cận này cho phép thiết lập mối quan hệ trực tiếp giữa biến động của tài sản ngoại tệ ròng (DAEN) và chênh lệch giữa thay đổi của cầu tiền tệ (DM2d) và thay đổi của tín dụng nội địa (DCIR). Giả thiết đặt ra cho mô hình này là một nền kinh tế nhỏ, mở với chế độ tỷ giá cố định.
  Chúng ta thiết lập 3 quan hệ:
  * Từ quan hệ trong bảng tình hình tiền tệ, có thể viết:
            M2 = AEN + CIR
hay                DM2 = DAEN + DCIR



  * Giả thiết rằng cầu tiền tệ (theo nghĩa cầu thực, tức là khối lượng tiền danh nghĩa được chia cho tỷ giá, gọi là M2d) là hàm của một số hạn chế biến các giải thích, gồm ít nhất là thu nhập thực (biến quy mô, quan hệ dương) và lãi suất danh nghĩa (biến chi phí cơ hội, quan hệ âm). Đây là quan hệ do M. Friedman đề xướng, S. Fischer phát triển. Khi đó có thể đơn giản hoá quan hệ này bằng cách ước lượng một phương trình sau:



trong đó k là hệ số lưu thông tiền (ngược với tốc độ quay vòng của tiền tệ). Chuyển sang biến gia tăng, chúng ta có:

  * Cân bằng trên thị trường tiền tệ là cân bằng giữa cung tiền tệ (M2) và cầu tiền tệ (M2d):
            M2 = M2d
hay:               DM2  = DM2d
thay quan hệ 1 xác định ở trên vào phương trình thì thu được:
            DAEN  =  DM2d  -   DCIR
trong đó DAEN là mục tiêu của chính sách tiền tệ khi thường xuyên thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế; DM2d là nhân tố đã cho, xác định trước hoặc cố định; và DCIR là công cụ của chính sách tiền tệ nhằm đạt mục tiêu.
  Quan hệ trên cho biết mọi sự tăng lên của tài sản ngoại tệ ròng (tức là có thặng dư cán cân thanh toán vãng lai), đều gắn liền với biện động của tín dụng nội địa thấp hơn biến động của tổng khối lượng tiền tệ. Đây là tiếp cận tiền tệ của cán cân thanh toán. Theo tiếp cận này, việc lập lại cán cân thanh toán quốc tế đòi hỏi phải thiết lập trần tín dụng.
4) Ba lược đồ quan hệ giữa các tài khoản vĩ mô và bảng các luồng kinh tế và tài chính.
  Bảng quan hệ giữa các tài khoản kinh tế vĩ mô được xây dựng từ các khu vực chính của nền kinh tế bằng cách phân chia các hoạt động của chính thành các hoạt động tài chính và các hoạt động phi tài chính. Trong mỗi bảng, tổng tất cả các dòng, các cột đều bằng không. Các bảng này cho phép:
  - Tách các phi cân bằng do những hoạt động phi tài chính của mỗi khu vực, cũng như những phi cân bằng toàn cục của các hoạt động này.
  - Lập ra phương thức xử lý những mất cân bằng do khu vực phi tài chính bằng các hoạt động tài chính, và giải thích tại sao (tức là bằng các công cụ gì) các khu vực thừa vốn có thể đem tiết kiệm của mình cho các khu vực thiếu vay.
  - Làm rõ những cơ chế truyền tác động của các chính sách tài chính (các biến chính sách tài chính nằm trong nửa dưới các bảng: Các hoạt động tài chính) tới các biến thực của nền kinh tế như GDP, tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, nhập khẩu (các biến này nằm trên nửa trên của bảng: khu vực các hoạt động phi tài chính) trong bối cảnh của kinh tế thị trường.
  Các phiên bản khác nhau của cùng một bảng nguyên tắc trên được dùng để minh hoạ ba cách tiếp cận cán cân thanh toán quốc tế như đã trình bày ở trên. Trong thực tệ, không phải các số liệu lúc nào cũng hoàn toàn khớp nhau do cách định nghĩa khác nhau và sai số thống kê. Do vậy, nên chọn những số liệu được dánh giá là tốt nhất và thực hiện các giải pháp hài hoà số liệu khi chúng không khớp nhau, nhưng luôn luôn chú ý rằng sai số sẽ ảnh hưởng tới các dòng khác trong bảng. Việc xây dựng và hoàn thiện dần những bảng này qua nhiều năm liên tiếp sẽ cho phép có được cái nhìn toàn cục về tiến triển của những phi cân bằng kinh tế vĩ mô của một nền kinh tế cụ thể.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét