Thứ Năm, 4 tháng 8, 2022

Người lao động và bài toán khó về lương hưu

Thời phong kiến, Nho giáo dạy chúng ta: "Làm tôi phải hết lòng trung, làm quan phải thanh liêm, làm con phải tròn đạo hiếu; nếu không thì trời chu đất diệt". Con luôn luôn phải vâng lời bố mẹ và có trách nhiệm với bố mẹ. Con không tròn đạo hiếu thì theo luật nhân quả sẽ bị đày xuống địa ngục... Do đó, bố mẹ dồn hết công sức, tình cảm và tiền bạc đầu tư cho con và coi con là của để dành cho mình lúc tuổi già. Thời nay thì khác. Bình đẳng tự do lên ngôi, con từ sau 18 tuổi độc lập với bố mẹ. Con ngoan thì bố mẹ được nhờ khi về già mà con hư thì bố mẹ khổ. Bố mẹ bây giờ chỉ còn ít người có tâm lý sống phụ thuộc vào con lúc tuổi già. Đa số bố mẹ dựa vào tiền tiết kiệm ít ỏi để sống. Một bộ phận dựa vào lương hưu, nhưng than ôi phần lớn người nghỉ hưu có lương hưu rất thấp nên cuộc sống rất khốn khổ, nên cực chẳng đã vẫn phải dựa vào con. VN sai lầm là không tập trung phát triển kinh tế tư nhân mà ưu tiên phát triển kinh tế dựa vào thu hút đầu tư nước ngoài, chiều chuộng và dành cho các nhà đầu tư nước ngoài rất nhiều ưu đãi, trong khi khu vực kinh tế tư nhân trong nước bị phân biệt đối xử rất khổ. Các nhà đầu tư nước ngoài chỉ quan tâm tới kiếm lợi nhuận rồi mang về nước, mặc kệ người lao động VN lúc già sống thế nào (khi đầu tư trong nước họ, họ phải quan tâm đến người lao động để duy trì được lực lượng sản xuất lâu dài cho họ, còn khi đầu tư ra nước ngoài họ có thể nay đầu tư ở nước này, mai chuyển sang đầu tư ở nước khác nên không cần quan tâm). Bất công ở VN vô cùng lớn, lương hưu của người lao động bình thường chỉ 3-5 triệu đồng, nhưng của một số loại quan chức, ngành nghề quan trọng đối với Đảng thì cả chục triệu đồng. Đặc biệt, tiền lương và lương hưu thì thấp, giá cả thị trường tăng nhanh, nhất là giá đất đai. Bạn tôi bảo nhà trong ngõ đường Trần Duy Hưng (Hà Nội) vừa bán giá 220 triệu đồng/m2, nhà trong ngõ đường Huỳnh Thúc Kháng giá 300 triệu đồng/m2. Trong khi đó mấy người bạn chức vụ cao của tôi khoe được nhà nước cấp miễn phí 150-200 m2 đất xây biệt thự, bán đi cứ 200 triệu/m2 cũng được 30-40 tỷ. Không biết đến bao giờ những bất công này mới được xóa bỏ ?
Người lao động và bài toán khó về lương hưu
03/08/2022 Thời gian qua, những thực hành về chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) với nỗ lực thay đổi tập quán, quan niệm về an sinh xã hội đối với người lao động dường như không đạt được như kỳ vọng. Đặc biệt, từ sau đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư (5 - 10.2021) hiện tượng người lao động rút tiền BHXH một lần diễn ra hàng loạt không những khiến mô hình phúc lợi công lâm vào khủng hoảng mà còn khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngưng trệ.

Nhiều người xếp hàng từ rạng sáng chờ nộp hồ sơ rút BHXH một lần tại cơ quan BHXH TP Thủ Đức, TP.HCM, tháng 4.2022. Ảnh: Vnexpress

Các cơ quan quản lý nhà nước không ngừng thảo luận, tìm kiếm giải pháp nhưng dường như chưa có lời giải hữu hiệu nào cho vấn đề này. Có lẽ chúng ta cần hiểu được căn nguyên của vấn đề để từ đó có lời giải cho bài toán khó về BHXH của người lao động (NLĐ) hiện nay.

Thiết chế gia đình, một dạng thức BHXH dân gian

Trước tiên, việc tham gia BHXH là bài toán lợi ích theo nguyên tắc “đóng - hưởng”, một kế hoạch đảm bảo an sinh khi đến tuổi hưu trí. Đây cũng là các khía cạnh nhận thức của NLĐ về lợi ích của việc tham gia BHXH trong quá trình làm việc. Tuy nhiên, phần đông NLĐ hiện nay tham gia BHXH là những người di cư từ nông thôn ra thành thị, ít nhiều ảnh hưởng bởi tập quán của mô hình sinh kế hộ gia đình nông nghiệp vốn xem việc đầu tư cho con cái học hành là chiến lược đầu tư dài hạn nhằm đảm bảo an sinh khi về già.


Quả thật mô hình an sinh hộ gia đình nông dân bao đời nay giữ vai trò khá quan trọng trong đời sống người dân khi được củng cố bởi những giá trị văn hóa Nho giáo thông qua các thực hành giá trị hiếu nghĩa với ông bà, cha mẹ. Những giá trị này không chỉ thấm đẫm trong các nền văn hóa Á Đông mà còn được biết đến trong nền văn minh Hy Lạp, nơi mà từ Oikonomia (gia đình) có gốc từ Oikos đơn giản chỉ ngôi nhà hay tất cả những gì được chứa đựng trong không gian sống ấy, để nó được vận hành theo đúng mục đích.

Theo đó, từ economy/kinh tế trong ngôn ngữ hiện đại ít nhiều hàm chứa đặc đính của mô hình quản trị kinh tế gia đình. Đó cũng nguồn gốc của các mô hình trách nhiệm xã hội được định danh là mô hình gia trưởng, khi giới chủ ở những thế kỷ trước xác lập nguyên tắc của nền đạo đức kinh doanh gắn liền với trách nhiệm người bảo trợ. Thế cho nên trong tiếng La tinh từ familia, vốn có gốc từ famulus tức kẻ ăn, người ở trong nhà, tức ngôi nhà có người cai quản nhưng đồng thời mang hàm nghĩa “sự chăm sóc cho nhau”.

Trong hơn 30 năm qua, khi Việt Nam trải thảm đỏ đón các doanh nghiệp ngoại quốc tới đầu tư thì cũng mặc nhiên trách nhiệm phúc lợi thuộc về quốc gia sở tại.

Tuy nhiên, bước vào thế kỷ XX, mô hình các đại nhà máy, công xưởng công nghiệp quy mô lớn ra đời, đặc biệt là quá trình lưu động dòng vốn được vận hành xuyên quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa. Các mô hình quản trị kinh tế nhà nước hiện đại ra đời với chính sách phúc lợi có đi có lại khi NLĐ đóng góp, tích lũy để đến khi gặp rủi ro hay khi về già thì hệ thống bảo hiểm sẽ chi trả cho những người đã đóng BHXH theo nguyên tắc đóng - hưởng hay còn gọi là mô hình tân gia trưởng.

Cho đến nay, các thực hành trách nhiệm xã hội, hay mô hình phúc lợi xã hội cũng đã thay đổi, các nguyên tắc lý tính dần thay thế cho các mô hình truyền thống vốn theo nguyên tắc “chăm sóc lẫn nhau”. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngày nay cũng chỉ thực hành trách nhiệm của mình theo nghĩa “trách nhiệm hữu hạn” tại các quốc gia mà họ tới đầu tư, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển luôn dành rất nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư ngoại quốc.

Trong hơn 30 năm qua, khi Việt Nam trải thảm đỏ đón các doanh nghiệp ngoại quốc tới đầu tư thì cũng mặc nhiên trách nhiệm phúc lợi thuộc về quốc gia sở tại. Chính vì lẽ đó, chúng ta có thể nhận thấy một khoảng cách trong nhận thức về quyền và trách nhiệm của các bên liên quan trong việc đảm bảo trách nhiệm xã hội và lưới an sinh cho NLĐ trong thực tiễn phát triển ở Việt Nam. Điều này đã ít nhiều là rào cản cho việc chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình nhà nước phúc lợi xã hội, trong đó BHXH như là công cụ đảm bảo an sinh xã hội.

Khi người lao động phản ứng lại Luật BHXH

Tại TP.HCM, năm 2015, hàng chục ngàn lao động Công ty Pouyuen (quận Bình Tân, TP.HCM) đình công nhằm bày tỏ những lo lắng về quyền lợi BHXH khi Luật BHXH năm 2014 (có hiệu lực thi hành từ 1.1.2016) được tuyên truyền sâu rộng, trong đó điều 60 không cho phép NLĐ được nhận BHXH một lần cho thời gian đã tham gia BHXH trước khi nghỉ việc.

Sự kiện năm 2015 tại Công ty Pouyuen và rất nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM đánh dấu một cuộc thương thảo tập thể giữa NLĐ (mà đại diện là tổ chức công đoàn) với các bên liên quan như doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về lao động, cơ quan BHXH... Sau đó, Quốc hội đã ra nghị quyết vẫn cho phép NLĐ được nhận BHXH một lần khi có nhu cầu.

Trong 5 năm từ thời điểm Luật BHXH có hiệu lực, hơn 3,7 triệu người chọn nhận BHXH một lần. Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2016 - 2020, “cứ hai người tham gia hệ thống BHXH thì một người rời đi; xu hướng này tiếp tục gia tăng”.

Bởi từ lâu, các kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội cho thấy không ít NLĐ di cư xem khoản tiền đóng BHXH như một khoản tiết kiệm, đóng vài năm rồi rút ra làm ăn hoặc giải quyết những việc quan trọng của gia đình. Nhiều NLĐ xem việc đóng BHXH như một dạng thức chơi hụi, đóng một thời gian rồi rút ra, rồi lại tham gia từ đầu mà chẳng quan tâm đến lương hưu sau này. Thế nên khi các cơ quan chức năng thảo luận với nhau tìm giải pháp giữ chân NLĐ ở lại với hệ thống BHXH thì họ hoang mang và vội vàng xin nghỉ việc để kịp rút BHXH vì sợ mất khoản tiết kiệm từ nguồn này.

Cần thẳng thắn nhìn nhận một thực tế là cách thức vận hành của cơ quan BHXH hiện nay chưa thực sự tạo được niềm tin cho người lao động.

Rõ ràng điều này cho thấy cách hiểu của các bên quá khác nhau và dường như mọi nỗ lực của các cơ quan chức năng đều không hiệu quả. Những người làm chính sách cần hiểu thật kỹ tập quán của NLĐ để có cách thức truyền thông phù hợp nhằm nâng cao nhận thức về an sinh cho NLĐ khi đến tuổi hưu hay khi gặp rủi ro mất sức lao động.

Bên cạnh đó cần thẳng thắn nhìn nhận một thực tế là cách thức vận hành của cơ quan BHXH hiện nay chưa thực sự tạo được niềm tin cho NLĐ. Ở khía cạnh nào đó, người tham gia BHXH có thể xem là cổ đông của nguồn quỹ BHXH và họ cần biết nguồn ngân sách tăng giảm hàng năm. Chỉ khi NLĐ tin rằng nguồn tiền họ đóng được vận hành, quản lý một cách minh bạch, có những thực hành tốt trong việc bảo trợ an sinh thì lúc đó mới có thể giữ chân họ ở lại với hệ thống phúc lợi công. Khi ấy trong nhận thức của NLĐ, cơ quan quản lý quỹ BHXH mới trở thành trụ cột tin cậy khi họ gặp khó khăn hay khi hết tuổi lao động.

Không chỉ sửa luật mà cần thay đổi cách vận hành

Gần đây, những thảo luận trên nghị trường Quốc hội cho thấy dự thảo sửa đổi Luật BHXH đã đưa ra những quy định về cách tính lương hưu, thiết kế lại mức hưởng và tỷ lệ hưởng để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHXH. Tuy nhiên, đối với NLĐ, hệ thống BHXH hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu cũng như mong đợi của họ nên việc sửa đổi Luật BHXH cần có lộ trình, thận trọng, kỹ lưỡng để khi luật vận hành có độ phủ rộng khắp cho mọi đối tượng thụ hưởng, tránh trường hợp luật chỉ giải quyết vấn đề cấp bách cho một nhóm đối tượng trong khi để lại thiệt thòi cho các nhóm khác.

Hiện nay chúng ta có thể thấy một khoảng cách khá lớn giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu của NLĐ, đặc biệt với những lĩnh vực công nghiệp, thâm dụng lao động. Họ có tuổi nghề ngắn, nữ công nhân bước sang tuổi 40 thì cơ hội lao động bị thu hẹp hoặc phải chuyển nghề. Tuổi nghề đã hết nhưng tuổi về hưu vẫn chưa tới sẽ dẫn đến thực tế NLĐ thà rút BHXH một lần rồi tính tiếp chứ không chờ để nhận lương hưu. Điều này gây khó khăn cho các cơ quan thực thi chính sách và doanh nghiệp sử dụng lao động. Đây thực sự là bài toán khó khi nguyên tắc vận hành của quỹ BHXH phải tuân thủ nguyên tắc đóng - hưởng, tức đóng ít thì số tiền nhận được không đáng kể.

Chỉ khi người lao động tin rằng nguồn tiền họ đóng được vận hành, quản lý một cách minh bạch, có những thực hành tốt trong việc bảo trợ an sinh thì lúc đó mới có thể giữ chân họ ở lại với hệ thống phúc lợi công.

Trong khi đó, không ít NLĐ có thể tính toán và so sánh việc trích lương đóng vào quỹ BHXH với đầu tư các mô hình tài chính khác. Họ thấy trước mắt rằng rút một lần rồi gửi ngân hàng, đầu tư bất động sản... có lợi hơn. Từ nhận thức này của NLĐ, cơ quan quản lý quỹ BHXH cũng cần thay đổi cách quản trị tài chính để sinh lời. Lợi nhuận đó phải được báo cáo thường niên, công khai cho NLĐ biết vì suy cho cùng họ cũng là cổ đông của quỹ BHXH.

Theo báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện chính sách BHXH do Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đưa ra cuối tháng 10.2021, hết năm 2020, kết dư của Quỹ BHXH và Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp gần 953.000 tỷ đồng. Với số kết dư lớn, nếu quỹ đầu tư hiệu quả, lợi nhuận đủ bù đắp những rủi ro cho NLĐ, đầu tư vào hệ thống an sinh, thiết kế mức hưởng thấp nhất tương ứng mức sống tối thiểu. Sau đó tỷ lệ hưởng tăng dần theo số năm đóng và khuyến khích đóng càng lâu số tiền nhận được càng nhiều thì bài toán BHXH có cơ may giải được trong bối cảnh lòng tin của NLĐ vào hệ thống BHXH suy giảm. Bởi theo lẽ thường, với NLĐ, lợi ích rõ ràng, thiết thực sẽ khiến họ an tâm ở lại với lưới an sinh. Khi đó mức đóng tối thiểu bao nhiêu năm không còn quan trọng nữa.

Ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

Phổ biến pháp luật lao động và Luật Công đoàn là hết sức cần thiết

Trước đại dịch Covid-19, các chính sách thu hút đầu tư tận dụng lợi thế lao động giá rẻ, tay nghề thấp, đồng thời lực lượng lao động này tương đối dồi dào, đã khiến một số doanh nghiệp tính toán giảm thiểu các chi phí bảo hiểm. Hậu quả là nhiều công nhân ở một số khu vực bị sa thải khi chỉ mới ở độ tuổi 45 - 50. Nhưng nay thì tình trạng đấy không còn vì hiện rất nhiều doanh nghiệp đang thiếu hụt lao động trầm trọng.

Mặc dù vậy, để phòng ngừa tình trạng này tái diễn, theo tôi quan trọng nhất vẫn là vai trò của chính quyền địa phương trong phối hợp với tổ chức Công đoàn để kiểm tra giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, kịp thời bảo vệ quyền lợi NLĐ. Trong đó, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và Luật Công đoàn là hết sức cần thiết. Các đơn vị, địa phương cần bảo đảm quyền lợi NLĐ khi tham gia BHXH.

Tác giả: Nguyễn Đức Lộc
https://nguoidothi.net.vn/nguoi-lao-dong-va-bai-toan-kho-ve-luong-huu-35935.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét