Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2021

Cầm lòng không đành

Buồn, chán khi đọc đoạn này:"nhiều ý kiến của các nhà chuyên môn, dễ dàng bị quy chụp là phá hoại, là thế lực nọ thế lực kia, làm nản chí không biết bao nhiêu người tâm huyết.". Lãnh đạo không coi trọng ý kiến của các nhà khoa học có chuyên môn trong việc ngăn chặn dịch thì kinh tế sụp đổ, dịch bệnh tràn lan là hậu quả tất yếu.
Cầm lòng không đành
FB Tạ Duy Anh - 5-9-2021 
Từ chỗ tự tin một cách thái quá, giờ thì chính quyền không thực sự tin vào bất cứ biện pháp nào mà mình đưa ra. Thế nên mới có chuyện trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Đơn giản vì không ai dám quyết đoán theo hướng nào. Cán bộ, kể cả người có quyền lực rất lớn, nhưng danh nghĩa vẫn là lãnh đạo địa phương, đều có tâm lý chờ chỉ thị từ trung ương, hơn là chủ động chiến đấu với dịch. 
"Sống lâu với dịch" vậy còn cuộc chiến "không thắng không về" giờ ra sao?
Tôi rất dè dặt khi nói về công việc ngăn dịch covid Tầu đang diễn ra. Bởi nó khó, không chỉ với riêng Việt Nam. Nhưng cầm lòng mãi không được, xin nêu một vài nguyên nhân, theo quan điểm của tôi, dẫn tới tình trạng có thể gọi thẳng ra là “hỗn loạn” trong điều hành chống dịch hiện nay.

Rõ ràng chính quyền bị áp lực khá lớn và không thể hiểu nổi, về thành tích chính trị trong việc ngăn chặn dịch covid Tầu. Chúng ta để tâm lo lắng quá nhiều vào việc giữ vị trí “ngôi đầu” trong bảng xếp hạng của thế giới. Điều đó đã khiến hàng loạt biện pháp đưa ra mang tính chính trị nhiều hơn là khoa học. Tôi không muốn nhắc lại những phát ngôn đầy tính tuyên truyền của hàng loạt quan chức cho đến tận mới đây. Nhưng nếu người phát ngôn, đôi khi chỉ là do lạc quan tếu, thì bộ máy chính quyền các cấp, bộ máy tuyên truyền lại căn cứ vào đó để định hướng dư luận. Thế là nhiều ý kiến của các nhà chuyên môn, dễ dàng bị quy chụp là phá hoại, là thế lực nọ thế lực kia, làm nản chí không biết bao nhiêu người tâm huyết.

Kinh nghiệm ngăn dịch “quý báu” của ba đợt trước, vẫn còn tác dụng với lần dịch này (chẳng hạn công thức 5K), nhưng vì áp dụng máy móc, bảo thủ, tự phụ… nên vô tình góp phần tạo ra sự phá sản. Khi đợt dịch thứ tư vừa bùng phát, một tờ báo lớn đặt tôi viết bài ngắn, nêu quan điểm về cách chống dịch, tôi đã thẳng thừng đề xuất phải nhanh chóng phủ vaccine, sống chung với covid, bởi vaccine chính là cách tạo ra lá “khiên” bảo vệ với mỗi cá nhân. Rằng cách chống của chúng ta là cách chạy trốn covid, co cụm mong tạo ra tấm “khiên” che chắn cho cả cộng đồng.

Cách đó mang tính thủ công, chỉ phù hợp với chủng covid lây lan chậm, sẽ vô tác dụng với chủng Delta, nghe nói có khả năng lây qua không khí (trong bài tôi dùng từ “bay được”). Chỉ vì trong bài có câu: “Nếu cứ tiếp tục chạy trốn, nếu cứ tiếp tục cưỡng bức quy luật, chờ vào vận may, cuối cùng chúng ta sẽ bị nó dồn vào chân tường.” mà bản báo đành “xin lỗi” không đăng. Đơn giản vì người phát ngôn Bộ ngoại giao vừa “cãi” một tờ báo Mỹ, khi tờ bào này có ý nói rằng ba đợt dịch trước Việt Nam gặp may! Trời ạ, gặp may thì đã sao! Nếu nhờ gặp may mà hơn chục ngàn người không mất mạng, thì hôm nay chúng ta vẫn cứ “nhất’ chứ sao!

Từ chỗ tự tin một cách thái quá, giờ thì chính quyền không thực sự tin vào bất cứ biện pháp nào mà mình đưa ra. Thế nên mới có chuyện trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Đơn giản vì không ai dám quyết đoán theo hướng nào. Cán bộ, kể cả người có quyền lực rất lớn, nhưng danh nghĩa vẫn là lãnh đạo địa phương, đều có tâm lý chờ chỉ thị từ trung ương, hơn là chủ động chiến đấu với dịch. 

Chuyện này có nguyên nhân sâu xa từ chất lượng cán bộ (Đa số được chọn theo tiêu chí vâng phục, ngoan ngoãn nghe cấp trên, miệng thường xuyên hô trung thành… Đến khi phải đưa ra ý kiến độc lập thì tắc tị) Nhưng nguyên nhân trực tiếp là khi mọi thứ đều có thể sai, thì chả ai dại gì ngửa mặt hứng lấy!

Giãn cách tiếp, tốt thôi, nhưng quý vị đã lường tới kịch bản là sau 15 ngày nữa, thậm chí sau 30 ngày nữa, người nhiễm vẫn không giảm? Việc kiểm soát sự di chuyển của dân cư bằng “giấy đi đường” đang gây bế tắc nghiêm trọng, nhưng không có ai chịu lắng nghe phản hồi từ cuộc sống thực tế, từ các chuyên gia.

Lúc này, tôi muốn thủ tướng đưa ra quyết định, mạnh mẽ và dứt khoát. Ví dụ tập trung vacxin cho Hà Nội, Sài Gòn và những thành phố lớn, không bàn nhiều. Ví dụ giản lược tối đa yêu cầu về thủ tục khi người dân đi tiêm vaccine để tăng tốc tiến độ tiêm. Nhiều bạn bè tôi ở Hoa Kỳ và châu Âu khá ngạc nhiên về việc người tiêm ở Việt Nam phải đo huyết áp rất nhiêu khê, trong khi chỉ cần để họ tự khai và cam đoan là đủ. Khi vaccine về nhiều, lúc đó hãy triển khai tiêm các tỉnh.

Chính quyền rất khắc nghiệt với những lời nói thẳng, những ý kiến khác mình, nhưng lại nhu nhược với các hành vi vô trách nhiệm của đám cán bộ, hay hành động phá đám của những kẻ coi luật như giấy lộn. Thủ tướng cần có quyền cách chức tại chỗ bất kể cán bộ nào vi phạm kỉ luật trong thời gian chống dịch. Những kẻ hành hung bác sỹ, công an, nhân viên bảo vệ như vừa xảy ra hàng loạt vụ, cần phải bị nghiêm trị thích đáng. Lão thành cách mạng, quan chức, con ông cả bà lớn, đều phải bị xử lý cho trắng mắt ra. Chả ai phản đối quý vị. Chả ai bảo làm thế là quý vị coi thường nhân quyền.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét