Thứ Hai, 7 tháng 10, 2019

Ô nhiễm nặng do quan liêu hay kém chuyên môn?

VN đang trong giai đoạn bế tắc toàn diện. Vậy mà không hiểu sao báo cáo của chính phủ vẫn toàn một màu hồng, năm sau bao giờ cũng tốt đẹp hơn năm trước...
Thiếu giải pháp chống ô nhiễm không khí: quan liêu hay kém chuyên môn?
Minh Luật 2019-10-06 - Trong nhiều ngày qua, hai thành phố Hà Nội và TP. HCM liên tục nằm trong top báo động về mức độ ô nhiễm không khí. Nguyên nhân được Bộ Tài nguyên Môi trường nhận định là do “thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi”, và khuyến cáo người dân hạn chế ra đường. Từ nhận định bởi thời tiết, Bộ này đề ra phương án sẽ lắp đặt thêm các trạm đo quan trắc không khí để cảnh báo kịp thời cho người dân. [1] Với phương án này thì việc hít thở không khí ô nhiễm của người dân trong thời gian tới như trong tình trạng… “sống chung với lũ”.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội hôm 27/9/2019
Có vẻ như cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay trong việc đánh giá nguyên nhân thật sự, và bế tắc trong việc đề ra các giải pháp đồng bộ nhằm cải thiện chất lượng không khí.
Chuyên gia nói gì?

Tình trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt do bụi mịn gây ra đã được nêu ra tại phiên họp thứ 40 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào tháng 1/2019.

Theo đó, việc hít thở không khí được Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Nhân quyền và Môi trường đánh giá là một quyền con người, dưới tên gọi “Quyền được hít thở không khí trong lành” (Right to breathe clean air) .

Vị chuyên gia này cũng đệ trình bản báo cáo nhấn mạnh 7 bước mà các quốc gia phải thực hiện để đảm bảo quyền hít thở không khí trong lành. Bảy bước này bao gồm: (1) theo dõi chất lượng không khí; (2) đánh giá các nguồn gây ô nhiễm không khí; (3) công khai thông tin để công chúng giám sát; (4) thiết lập tiêu chuẩn chất lượng không khí; (5) phát triển kế hoạch hành động; (6) hành động và thực thi những tiêu chuẩn; và (7) đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn. [2]

Báo cáo viên của Liên Hợp Quốc nhấn mạnh, ở mỗi giai đoạn, các quốc gia phải đảm bảo rằng công chúng phải được tiếp cận đầy đủ thông tin và có cơ hội để tham gia vào quá trình ra quyết định.

Điều đáng ngạc nhiên là 7 bước được chuyên gia Liên Hợp Quốc nêu ra đã không được đảm bảo thực hiện tại Việt Nam.

Quan liêu và kém chuyên môn

Ngay từ bước đầu tiên, Bộ Tài Nguyên Môi trường là cơ quan mang chức năng theo dõi chất lượng không khí đã thất bại trong việc phát hiện ra tình trạng ô nhiễm. Người dân thông qua ứng dụng phần mềm đo quan trắc không khí IQAir AirVisual, đã phát hiện và báo động cho nhau trên mạng xã hội về tình trạng không khí độc hại trước cả khi Bộ Tài nguyên Môi trường thừa nhận sự nghiêm trọng của tình trạng ô nhiễm.

Việc Bộ này lên tiếng khuyến cáo sau đó và lên kế hoạch lắp đặt thêm các trạm đo quan trắc không khí chỉ là một liệu pháp tình thế nhằm trấn an dư luận, khi công chúng đã biết và đã phòng thủ bằng mặt nạ và khẩu trang trong nhiều ngày trước đó khi ra đường.

Khi ô nhiễm không khí xảy ra, đánh giá các nguồn gây ra ô nhiễm là bước quan trọng thứ hai mà cơ quan chức năng phải thực hiện để qua đó đề ra giải pháp nhằm loại bỏ hay hạn chế tình trạng này. Nhưng thay vì lên kế hoạch khảo sát và nghiên cứu để truy tìm ra nguồn gây ô nhiễm, thì Bộ Tài nguyên Môi trường lại đổi lỗi do thời tiết, tức do… ông trời gây ra.


Người Hà Nội đeo khẩu trang ra đường hôm 1/10/2019 AFP

Nghi phạm hàng đầu gây ra ô nhiễm không khí là các chất hóa học được thải ra từ các nhà máy sản xuất đã không được Bộ Tài nguyên Môi trường nêu ra trong nhận định của mình, bởi lẽ nó gắn liền với trách nhiệm quản lý trực tiếp của Bộ này thông qua thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Theo Luật Bảo vệ Môi trường, trong quá trình thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ dự án phải tiến hành tham vấn cộng đồng dân cư chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án. Nhưng thực tế cho thấy, quy định lấy ý kiến cộng đồng dân cư khi triển khai dự án là điều mà hầu hết người dân Việt Nam chưa từng nghe nói tới.

Tại bước ba này, Bộ Tài nguyên Môi trường còn có các hành vi che giấu các thông tin môi trường đến với công chúng. Chẳng hạn, gần đây vụ việc được dư luận đặc biệt chú ý, đó là chuyện phóng viên của báo Phụ Nữ đề nghị cung cấp báo cáo đánh giá tác động môi trường về dự án Tam Đảo của Tập đoàn Sun Group, thì lại nhận được… “bữa trưa tôm hùm và túi xách trị giá 75 triệu đồng”.

Che dấu các thông tin ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, ngăn chặn người dân tham gia giám sát và ra quyết định, dẫn đến mức độ không khí độc hại vượt quá ngưỡng cho phép như những ngày qua, là một hệ quả tất yếu bởi một bộ máy quan liêu và kém chuyên môn trong chức năng bảo vệ môi trường.

Tình trạng ô nhiễm sẽ còn tiếp tục nghiêm trọng và kéo dài trong thời gian tới khi Việt Nam vẫn chưa luật hóa được các tiêu chuẩn chất lượng không khí theo như bước 4 mà chuyên gia Liên Hợp Quốc đã khuyến nghị đối với các quốc gia.

Khi không có một bộ khung luật hóa tiêu chuẩn về chất lượng không khí, thì các bước còn lại khó lòng thực hiện được khi quốc gia thiếu cơ sở để tiên liệu, đánh giá định kỳ, và đề ra giải pháp kịp thời.

Ô nhiễm không khí không phải là thiên tai mà là hành vi của các nhóm lợi ích kinh tế tác động lên môi trường một cách thiếu kiểm soát và vô trách nhiệm, dưới sự tiếp sức của giới chức chính quyền – tước đoạt đi quyền được hít thở không khí trong lành của cả cộng đồng. Chấp nhận sống chung với ô nhiễm hay dứt khoát loại bỏ nó sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức về nhân quyền và cả thái độ "đòi lại quyền bị tước đoạt" của những nạn nhân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét