Thứ Tư, 4 tháng 7, 2018

Nhà văn Tạ Duy Anh tâm sự về "MỐI CHÚA"

MẤY LỜI CÙNG BẠN ĐỌC YÊU QUÝ
Và cứ thế, tất cả,
Bám theo từng nhịp thở của người.
Đến triệu triệu vì sao.
Cho tôi được quỳ xuống để được ngước lên:
Gương mặt người và ánh mắt tôi.
Tạ Duy Anh - Khi tiểu thuyết Mối Chúa in lần đầu trong nước, vì sự an toàn của một vài người mà tác giả mang ơn, nên tác giả đồng ý cắt đi một số đoạn. Nhưng kể cả như vậy thì Mối Chúa vẫn gặp vấn đề, không thể tiếp tục đến tay bạn đọc qua hệ thống xuất bản hiện hành. Với tư duy 0.0, nền xuất bản của chúng ta tiếp tục vui vẻ với thành tựu kẽo kẹt lê lết về quá khứ.


Chưa khi nào tôi nản lòng với sự cấm đoán, vì tôi quá hiểu nền chính trị này, hiểu đến mức không một lời oán thán những người đã, đang và sẽ còn làm khó dễ cho việc in sách của mình. Họ cũng khổ như phần lớn chúng ta vậy: Vì miếng cơm manh áo, đành nghĩ và muốn một đằng nhưng cứ phải làm một nẻo. Nhiều người trong số họ thậm chí còn quý mến tôi và chưa khi nào tôi nghĩ xấu về họ.

Tuy nhiên, nghĩa vụ của tôi, với tư cách người cầm bút, ăn lộc của tổ tiên và nhân dân, là phải bất chấp tất cả để tiếp tục đứng về phía những người thấp cổ bé họng, những người bị thời cuộc hất ra lề, những người không có cơ hội nói lên sự thật, tố cáo bất công, cổ vũ lòng can đảm dấn thân cho công lý, đạo đức và cái đẹp, hoặc ít nhất cũng ghi lại một phần lịch sử qua những mô tả hiện thực cuộc sống mà tôi là một phần.

Thứ mà tôi đang có là lương tâm và tự do.

Thứ mà tôi luôn thiếu là tài năng và đôi khi cả sức lực nữa.

Thứ mà tôi không cần, thậm chí khinh ghét thậm tệ là sự ban ơn, của bất cứ ai, dưới bất cứ hình thức nào.

Là nhà văn đã ở tuổi trưởng thành, không ai được phép (và có khả năng) định hướng tôi làm theo ý họ và họ có muốn làm thế cũng vô ích. Tôi công khai phỉ báng thứ văn học sáng tác theo định hướng chính trị, cho dù nó được bảo kê bởi hệ thống giải thưởng đầy danh giá về hình thức. Tôi chúc mừng những người được ban tặng những giải thưởng ấy nhưng với tôi thì chúng tuyệt đối vô nghĩa.

Đây là lần đầu tiên tôi thổ lộ tâm can với bạn đọc sau nhiều trách móc của những người yêu quý, từ việc tôi im lặng trước mọi sóng gió dư luận, đến việc tôi chủ động tránh xa, từ chối lời mời tham dự mọi cuộc tụ tập, nói chuyện, giới thiệu sách, mọi cuộc cao đàm khoát luận, mọi tranh luận văn chương dù có lẽ chúng cũng khá bổ ích. Mỗi người có một lựa chọn sống theo ý thích. Niềm thích thú lớn nhất, bền bỉ nhất của tôi là được suy nghĩ trong im lặng, hoàn toàn tự do. Và làm việc, làm việc không kể ngày đêm, nếu còn có thể.

Cũng còn có lý do khác cho mấy tâm sự của tôi, đó là nhân dịp Nhà xuất bản Người Việt tại Hoa Kỳ tái bản tiểu thuyết Mối Chúa và phát hành (không bị cấm đoán) trên mạng Amazon http://a.co/fdw1ypQ , một hành động được tôi cổ vũ vì nó cho thấy mọi nỗ lực nhằm cấm đoán sáng tạo tự do trong thời đại ngày nay là bất khả thi và rất đáng thương hại.

Như đã nói ở đầu bài viết này, một số đoạn trong Mối Chúa không thể giữ như nguyên bản khi in trong nước. Tầm vóc quyền lực của nhân vật Mối Chúa cũng phải ẩn đi phần nào để nó không quá lồ lộ là một KẺ ĐIỀU HÀNH chính. Nhưng giờ đây bạn đọc có thể thấy nó được đưa trở lại trong lần in này ở Hoa Kỳ.

Bài thơ sau đây, chính là một trong những phần phải tạm cắt bỏ ấy. Trong nguyên bản, nó là của một nhà thơ cung đình, giải thưởng quốc gia danh giá, viết để ca ngợi một ĐỒ ĐỆ của Mối Chúa.

Giờ khắc này, pháo tay, lời hô muôn năm vang như sấm rền
Át cả tiếng sóng biển ngoài kia
Biến mặt trời thành nhỏ nhoi


Hôm nay rồi cũng được gặp mặt rồng, được nghe lời người như thánh truyền từ trên cao.
Mà gần gũi như nghe giọng người cha nựng con nhỏ mỗi sớm
Người giản dị trong bộ quần áo lụa bạch, luôn mỉm cười
Những tia nắng ấm cuối mùa xuân bỗng trở nên lạc lõng
Trước sức nóng tỏa ra từ người, khi người cất tiếng:
“Chúc mọi người quanh năm no cơm ấm cật và một đời an lành.”
Bậc đại nhân, gương mặt người và tình yêu nồng nàn của tôi
Trái tim tôi viết nên bài thơ này
Hàng triệu mạch máu li ti trong tôi đang nóng ran
Như muốn nổ tung thành ngôn từ
Làm nên bài thơ tôi ấp ủ từ lâu
Đến từ ngực và từ sâu thẳm trong tâm hồn
Dâng tràn như sóng thần Nhật Bản
Lên, xuống cùng dòng sông Hồng và Cửu Long giang
Lan theo chiều dài đất nước
Đến với muôn loài cây và hoa

Và cứ thế, tất cả,
Bám theo từng nhịp thở của người.
Đến triệu triệu vì sao.
Cho tôi được quỳ xuống để được ngước lên:
Gương mặt người và ánh mắt tôi.

__________________

Chi chú (trong nguyên bản): Bài thơ này nhại theo bài thơ TỔNG BÍ THƯ, TẤM LƯNG NGƯỜI VÀ ÁNH MẮT TÔI, của Bồ Lập Nghiệp, Phó Biên tập Ban Thời sự, Tân Hoa xã, Trung Quốc, ca ngợi ông Tập Cận Bình.


--------------


Ngã tư Vọng - Tạ Duy Anh, tên cúng cơm Tạ Việt Dũng, sinh ngày 9 tháng 9 năm 59 tại làng Cổ Hiền, Chương Mỹ, Hà Tây, nhưng nay biến thành Hà Nội.

Ông từng đi bộ đội, leo lên đến chức trung sĩ bộ binh quèn, rồi về làm việc ở Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Sau đó, ông theo học Trường viết văn Nguyễn Du. Tại đây, ông đỗ thủ khoa nên được giữ lại làm giảng viên. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 1993 kiêm chức biên tập viên tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn.

Ông được mệnh danh là nhà văn của nông dân, thường viết về nông thôn. Những tác phẩm của ông: “Bước qua lời nguyền”, “Thiên thần sám hối”, “Lão Khổ”, “Đi tìm nhân vật”, “Làng quê đang biến mất”v.v đã tạo ra những dấu ấn đặc biệt trên văn đàn Việt Nam đương đại. 

Lần này, tiểu thuyết “Mối chúa”, với bút danh Đãng Khấu do Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành thì bị Cục Xuất bản thuộc Bộ Văn hóa đình chỉ gấp. 

Công văn của Cục Xuất bản viết: "Nội dung cuốn sách phản ánh những vấn đề nổi cộm trong xã hội hiện nay. Tác giả đã vạch trần những tiêu cực và bất công trong xã hội. Tuy nhiên, phần lớn các nhân vật trong tác phẩm từ thấp đến cao đều đen tối, vô vọng, đau đớn. 

Qua lời kể của các nhân vật, hiện lên những thế lực hắc ám, một xã hội hầu như chỉ được chỉ huy bởi những kẻ ngu dốt, tham lam, thủ đoạn. Toàn bộ hệ thống bộ máy chính quyền bộc lộ sự tàn nhẫn, vô đạo, đàn áp nông dân, giết hại lẫn nhau, giết người chỉ vì tiền. Một số chi tiết được viết với giọng điệu giễu nhại sâu cay, miêu tả tiêu cực có phần tô đậm và có tính khái quát khiến cho hiện thực trở nên đen tối, u ám (trang 38, 43, 74, 129...). 

Các trang viết về chính quyền cưỡng chế nông dân trong việc thực hiện các dự án được miêu tả một cách cường điệu, coi đó như hai lực lượng thù địch, chính quyền đàn áp như một trận đánh được chuẩn bị kỹ lưỡng từ vũ khí đến lực lượng bí mật (trang 113, 115, 124...). 

Với những đánh giá như trên, Cục Xuất bản, In và Phát hành yêu cầu Hôi Nhà Văn "đình chỉ phát hành cuốn sách Mối chúa để thẩm định nội dung, có ý kiến của cơ quan chủ quản". Văn bản báo cáo kết quả thẩm định gửi Cục trước 29/9”. 

Tiểu thuyết Mối chúa chưa đến tay bạn đọc, nhưng những thân hữu có dịp đọc trước cho biết: Nhân vật là những bố già đầy quyền lực đứng sau tất cả các dự án động trời, các hợp đồng béo bở. Họ ngồi xổm lên pháp lý, đái vào pháp luật, ỉa vào đạo đức, lòng tham khôn cùng, bất chấp sự đớn đau, vô vọng, vùng vẫy của những người nông dân, thấp cổ bé họng. 

Các trang viết về chính quyền đàn áp dân được miêu tả như những trận đánh lớn, chuẩn bị kỹ từ vũ khí, khí tài, vật dụng, với nhiều mánh khóe, mưu mẹo, và xảo quyệt. Chính quyền sử dụng cả lực lượng truyền thông khổng lồ vào việc bôi đen những người nông dân bám đất. Họ huy động đặc công, đặc tình, lực lượng đặc biệt tinh nhuệ để đàn áp nông dân - tầng lớp tay không, bần cùng nhất của xã hội.

Nông thôn Việt Nam đang quằn quại trong cay đắng, chua chát, đớn đau, u ám, đen tối, và băng hoại. Nông dân Việt Nam tuyệt vọng về sự phản bội, tráo trở của những kẻ nắm quyền hành.

Chúng ta có thể làm được gì, giúp Mối chúa tới tay bạn đọc, cho nông dân bất hạnh được cất tiếng nói, cứu vớt lấy nông thôn Việt Nam - cái nôi của nền văn minh lúa nước đã nuôi dưỡng chúng ta. 

Tháng Chín năm 2017
Hà Nội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét