Thứ Hai, 11 tháng 6, 2018

Đành “mếch lòng quan” nhưng “mát lòng dân”!

Thôi thì đành “mếch lòng quan” nhưng “mát lòng dân”!
10/06/2018 (Dân trí) - Chỉ trong một thời gian ngắn vừa qua, trong khi các đại biểu Quốc hội liên tục làm việc tại nghị trường thì câu chuyện tên gọi “trạm thu phí” hay “trạm thu giá” BOT cùng thời hạn cho thuê đất dự kiến đến 99 năm tại các đặc khu đã làm “nóng” dư luận trên cả nước. Sáng 9/6, Văn phòng Quốc hội đã phát thông cáo báo chí lùi việc thông qua dự án luật này vào kỳ họp thứ 6, tức là, dự án luật sẽ có thêm khoảng 4 tháng để hoàn thiện trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua.
Tại phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Việc này không cần nghiên cứu, tôi thấy Bộ Giao thông cứ dùng lại tên gọi cũ là trạm thu phí, vì tên gọi này đã đúng bản chất”. Bà cho rằng, “trạm thu phí” là cái tên rất đúng và quen gọi, không có lý do gì để đổi. “Nếu Bộ Giao thông Vận tải cứ nghiên cứu rồi trình sẽ rất mất thời gian, không cần thiết”.

Phát biểu này của Chủ tịch Quốc hội lập tức nhận được đông đảo sự tán thành của người dân. Dù rằng, đó chưa phải là phát biểu cuối cùng để khép lại những tranh cãi về “giá”, “phí” nhưng rõ ràng, đây là tiếng nói đại diện cho quan điểm của đông đảo người dân về vấn đề này, từ đó tác động đến quyết định cuối cùng của cơ quan điều hành.

Là cơ quan lập pháp và đại diện cho nguyện vọng, ý chí của cử tri, Quốc hội đang ngày càng cho thấy vai trò của mình trong những quyết sách quan trọng của đất nước. Và việc hoãn thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc (gọi nôm na là Luật đặc khu) càng cho thấy rõ điều này.

Cụ thể, sáng 9/6, Văn phòng Quốc hội đã phát thông cáo báo chí lùi việc thông qua dự án luật này vào kỳ họp thứ 6, tức là, dự án luật sẽ có thêm khoảng 4 tháng để hoàn thiện trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua.

“Sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các tầng lớp nhân dân và cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thận trọng, cân nhắc nhiều mặt và thống nhất với Chính phủ chỉnh lý dự án luật theo hướng không quy định trường hợp đặc biệt thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu có thể được kéo dài không quá 99 năm”, thông báo của Văn phòng Quốc hội nêu rõ.

Với quyết định này, có thể thấy, Chính phủ và Quốc hội đã thực sự cầu thị và lắng nghe các ý kiến nhiều chiều trong nhân dân mà rất nhiều ý kiến trong đó là của các chuyên gia kinh tế đầu ngành, tâm huyết với sự phát triển bền vững của đất nước, dân tộc.

Đành rằng, một luật khi ra đời sẽ khó mà bao trùm hết vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống, nên dưới luật còn có hệ thống văn bản hướng dẫn là các nghị định, thông tư… Thế nhưng, việc các luật ra đời rồi lại phải bổ sung, sửa đổi, các quy định bên dưới lại chồng chéo, thậm chí có lúc còn… trái luật thì quả thực, chẳng những làm mất thời gian của cơ quan làm luật mà cái “lệ xấu” đó còn khiến môi trường pháp lý trở nên không ổn định. Đây cũng là “điểm trừ” của ta suốt nhiều năm qua trong thu hút đầu tư, còn người dân, doanh nghiệp thì “quay cuồng” với vòng luẩn quẩn của “sửa đổi” quy định luật.

Các năm gần đây, nhiều bộ ngành khi được giao soạn thảo văn bản luật và dưới luật đã có thêm bước công khai dự thảo (nhiều lần) để lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp. Bước này nhằm thể hiện sự dân chủ, công khai, minh bạch trong quá trình xây dựng luật pháp, để một khi văn bản pháp luật được ban hành thì sẽ đảm bảo được tính thực thi lâu dài của các quy định.

Thực tế đó dẫn đến, không ít lần cơ quan soạn thảo bị “trả lại bài”, bị “chỉ trích”, “phê phán”… nhưng âu cũng là điều khó tránh. Vì chất lượng cuối cùng của “sản phẩm luật”, thiết nghĩ là các vị trong các ban soạn thảo không thấy vậy mà… mếch lòng!

Bích Diệp

http://dantri.com.vn/blog/thoi-thi-danh-mech-long-quan-nhung-mat-long-dan-20180610030321474.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét