Thứ Năm, 21 tháng 6, 2018

Bắt nạt trên đường

Bắt nạt trên đường
Thứ ba, 19/6/2018, Văn hóa của tôi là khi thấy ai làm điều gì xấu thì mình nói liền. Nhiều năm ở Canada tôi vẫn làm và nghĩ thế. Thấy cái gì không đúng thì mình nói thôi. Và nó luôn có ảnh hưởng tốt. Bởi nếu mình không nói gì họ sẽ cứ làm điều xấu, cứ kệ mọi người. Nếu tiếp tục không ai nói gì, sẽ không có gì thay đổi. Phát triển là phép cộng của phản hồi và thay đổi. Như Albert Einstein đã nói: Thế giới này nguy hiểm không phải vì người ta làm những điều ác, mà vì những người thấy nó đã không làm gì. 
Jesse Peterson, Giáo viên
Tôi mới thấy một chiếc xe tải của Petrolimex đi rất nguy hiểm trong thành phố, tài xế bấm còi inh ỏi bắt mọi người tránh đường. Tôi viết email này cho họ: “Hôm 13/6/2018, tôi đi xe đạp từ tòa soạn về nhà thì gặp một chiếc xe tải của công ty Petrolimex ở đường Nguyễn Lương Bằng, biển số ở đuôi xe tải là 51C 41xxx.

Xe này dùng còi gần như là liên tục và rất to tiếng để bắt những xe nhỏ và xe đạp của tôi tránh đường. Nó đi rất nguy hiểm và rất nhanh, gần như tông vào xe đạp của tôi. Còi xe chỉ để dùng để báo cho người ta biết có điều gì nguy hiểm, phải tránh nhanh, không phải dùng để bắt nạt người khác. Nếu tài xế lạm dụng còi xe hoài sẽ không còn ý nghĩa đến khi mình cần dùng còi thực sự trong tình thế cấp bách, mọi người sẽ kệ vì vẫn nghĩ anh ta bắt nạt. Rồi một người qua đời.

Trong cùng ngày, tôi chứng kiến hai chiếc xe tải của Petrolimex đều đi nguy hiểm như nhau. Tôi nghĩ công ty của các bạn có vấn đề về an toàn và kỷ luật.

Xin thông cảm tiếng Việt của tôi!”

Văn hóa của tôi là khi thấy ai làm điều gì xấu thì mình nói liền. Nhiều năm ở Canada tôi vẫn làm và nghĩ thế. Thấy cái gì không đúng thì mình nói thôi. Và nó luôn có ảnh hưởng tốt. Bởi nếu mình không nói gì họ sẽ cứ làm điều xấu, cứ kệ mọi người. Không ai phản ứng, rồi một ngày, một chiếc xe chen ngang sẽ gây nên bao nhiêu tai nạn.

Vậy mà sau chín năm ở Việt Nam tôi đã thay đổi giống người Việt hơn. Thấy người ta làm điều gì xấu: vượt đèn đỏ, không xếp hàng, chen ngang, tham nhũng… tôi hay im lặng. Tôi đi xe ôm, người lái xe vượt đèn đỏ, tôi không nói gì. Nhưng tôi biết gần như chắc chắn một người phương tây mới đến Việt Nam sẽ mắng ngay ông lái xe đó.

VTV mới mời tôi đi Hà Nội tham gia một chương trình và nói chuyện về những bài tôi viết trên Góc nhìn. Nhưng tôi rất ngại đi, không phải vì ngại diễn thuyết trên tivi, mà ngại ra sân bay. Vì mỗi lần đến sân bay, tôi hay bị bắt nạt.

Lúc tôi xếp hàng ở chỗ an ninh sân bay từ Hà Nội về TP HCM, mọi người cứ cố chen ngang qua mặt tôi và bạn tôi, đến khi tôi phải nói: “Bạn xếp hàng đi, tôi ở đây trước mà”. Rồi người đó lùi lại nhưng mặt rất nhăn nhó, mọi người xung quanh bị khó chịu theo.

Tiếp viên thường gọi mọi người chuẩn bị lên máy bay trước 10-15 phút. Ngay lập tức mọi người đứng lên rất là nhanh để xếp hàng, rồi chen ngang nhau và đứng đợi cả chục phút. Tôi không hiểu vì sao họ phải vội vã thế, máy bay vẫn ở đó đợi họ mà.

Không xếp hàng là điều người nước ngoài khó chịu nhất khi ở Việt Nam. Sự thiếu văn hóa xếp hàng một cách văn minh gây ảnh hưởng lớn đến xã hội, từ việc đi ngoài đường, lái xe, đi thang cuốn và thang máy, làm việc, giao lưu và chơi đẹp trong thể thao hay cuộc sống bình thường, cho đến cam kết không phá hợp đồng trong làm ăn… Tất cả đều cần trật tự.

Chúng tôi được học xếp hàng từ rất nhỏ. Học sinh lớp một, hai, ba được học một bài hát ở trường: “Butter butter peanut butter!”. Từ “butter” có hai ý nghĩa, một là bơ, thứ hai là người chen ngang. Ai vi phạm sẽ bị mọi người kêu “butter butter peanut butter!” và sẽ cảm thấy xấu hổ lắm lắm. Nó là một trong những bài hát giúp “lập trình” một xã hội có ý thức.

Nhật Bản cũng dùng việc “làm xấu hổ” để lập trình một xã hội tốt. Khi tôi mới tới Nhật, tôi đã bỏ tất cả các loại rác đồ ăn, đồ nhựa lẫn với nhau. Ngày hôm sau, hàng xóm đã phân loại nó ra và báo cáo cho công ty tôi. Tôi bị “làm xấu hổ” nhưng sau đó luôn chú ý phân loại rác đúng cách và bỏ nó gọn gàng, tham gia xã hội của họ trơn tru hơn, “mượt mà” hơn. Một lần khác, bạn tôi dùng điện thoại trong xe buýt. Người tài xế dừng xe lại và mắng bạn tôi rằng “không được nói trên điện thoại trong xe vì nó phiền mọi người”.

Tôi nghĩ mọi người đều nên bỏ lối suy nghĩ là phớt lờ, mặc kệ những điều xấu và giả vờ mình không thấy nó. Nó không giúp ai thay đổi. Nó tạo ra một cái ao tù, không được lưu thông, trì trệ và nâu bẩn.

Hơn nữa, sau một thời gian quên đi thói quen nhắc nhở những điều sai, mọi người trở nên lười thay đổi. Tôi mới đến một quán cafe ở sân bay cùng với bạn. Phục vụ ở đây không lịch sự lắm, dùng đại từ “nó” với bạn tôi, tôi thấy bực mình. Nhưng tôi không chửi, không nói gì, chỉ viết email. Tôi thấy họ đọc mà không trả lời. Ở Canada, nếu tôi viết email hay thư tay cho một công ty phản ánh rằng cách làm việc của họ chưa tốt, nguy hiểm, hay bất lịch sự thì họ sẽ cố gắng xử lý vấn đề đó và gửi thư xin lỗi tôi. Điều đó giúp công ty phát triển và giúp cả bản thân tôi nữa.

Còn cách của người Việt Nam là “để trong bụng” khi thấy mọi người đang bước lên đầu nhau để tiến lên phía trước. Không nói gì cả khi thấy ai đó sai không phải là một phẩm chất tốt.

Tâm lý học có khái niệm “ảnh hưởng xã hội”, chỉ việc cá nhân bị bắt chước theo hành vi của nhóm mà quên mất việc đó có đúng và có logic hay không. Họ làm ví dụ, vài người giả đứng lên trong một văn phòng có ghế sofa. Những người khác đi vào cũng không dám ngồi xuống ghế, cứ đứng theo số đông.

Tôi không có ý khuyến khích bạn nên chửi hay đánh ai nếu họ vi phạm thói quen văn minh, trật tự của xã hội, vì hành động đó cũng xấu. Chỉ cần bạn nói đơn giản “Bạn có thể xếp hàng được không?”. Tôi đã dùng câu đó chín năm ở Việt Nam mà chưa bị ai đánh hay chửi.

Sau khi đã viết xong bài này và gửi cho VnExpress, hôm qua tôi nhận được email phản hồi của công ty Petrolimex. Họ hứa “sẽ nhắc nhở tài xế”. Tôi ngạc nhiên sửng sốt, nhưng vui lắm vì cuối cùng cách này đã có hiệu quả. Đó là lý do để người Việt Nam nên tăng cường lên tiếng khi nhìn thấy điều sai trái.

Nếu tiếp tục không ai nói gì, sẽ không có gì thay đổi. Phát triển là phép cộng của phản hồi và thay đổi. Như Albert Einstein đã nói: Thế giới này nguy hiểm không phải vì người ta làm những điều ác, mà vì những người thấy nó đã không làm gì.

Jesse Peterson
(Nguyên tác tiếng Việt)
https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/bat-nat-tren-duong-3765537.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét