Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2018

Đảng có kiểm soát nổi kinh tế thị trường?

Đảng có kiểm soát nổi kinh tế thị trường?
PGS. TS. Phạm Quý Thọ, Học Viện Chính sách & Phát triển
Tự do kinh tế liên quan mật thiết tới tự do chính trị và "Tự do chính trị nghĩa là không có sự cưỡng ép của một người đối với những người xung quanh… "Bằng cách loại bỏ sự kiểm soát của thế lực chính trị lên các tổ chức hoạt động kinh tế, thị trường sẽ được giải phóng khỏi quyền lực cưỡng chế đó. Điều này cho phép sức mạnh kinh tế trở thành thứ kiểm soát quyền lực chính trị hơn là sự củng cố cho chính nó," như nhà kinh tế học nổi tiếng người Mỹ, khôi nguyên giải Nobel năm 1976, Milton Friedman, đã khẳng định rõ ràng.
Hàng loạt câu hỏi đang được đặt ra như những thách thức với đảng cộng sản Việt Nam trong quá trình chuyển đổi thể chế, cải tổ nền kinh tế trước mong muốn ổn định chính trị của ban lãnh đạo, theo giới chuyên gia.

Trong điều kiện chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang thị trường, ổn định thể chế chính trị Đảng cộng sản lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện, thì câu hỏi lớn xuyên suốt là liệu Đảng kiểm soát thị trường được không và như thế nào?

Thực tế hơn 30 năm đổi mới Việt Nam vẫn 'dò đá qua sông' trong từng giai đoạn do thiếu nền tảng lý luận. Sự vận hành một thể chế 'pha trộn' chế độ độc đảng cai trị và kinh tế thị trường luôn tiềm ẩn những bất cập, thậm chí bất ổn đe dọa sự tồn vong chế độ. Từ Đại hội 12 đầu năm 2016 Đảng nỗ lực củng cố tổ chức, chống tham nhũng để tập trung quyền lực., nhưng liệu lần này Đảng có thể kiểm soát thị trường?
'Bất cập bộc lộ'
Quá trình chuyển đổi càng sâu thì bất cập thể chế càng bộc lộ rõ.
Thập kỷ đầu tiên sau đổi mới (1986-1996) được coi là giai đoạn 'cởi trói', xóa bỏ bao cấp, giải phóng nguồn lực, đặc biệt là lao động và đất đai trong nông nghiệp… đã tạo 'đột phá' cứu nguy cho nền kinh tế sắp sụp đổ.
Mười năm tiếp theo (1997-2006) Đảng bắt đầu thận trọng vận dụng các nguyên tắc thị trường. Đây là thời kỳ được đánh giá là thành công khi nền kinh tế mở cửa tích cực hội nhập, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt trên 7% trong bối cảnh khủng khoảng kinh tế khu vực, bắt nguồn từ sụp đổ thị trường bất động sản và tài chính tại Thái Lan năm 1997. Báo chí khi đó có bình luận về 'con hổ mới' ở Đông Nam Á.
Đứng đầu chính phủ gần hai nhiệm kỳ này là Thủ tướng Phan Văn Khải điều hành. Gần đây, ông được ca ngợi là 'Thủ tướng kỹ trị, Thủ tướng chuyên nghiệp', cởi mở, luôn lắng nghe chuyên gia, để lại dấu ấn với Luật doanh nghiệp 2005, nguyên thủ Việt Nam đầu tiên đến Mỹ thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ… Ông đã đóng góp vào những thành công kinh tế và đối ngoại cho đất nước.
Một chi tiết đáng quan tâm khi báo điện tử nhà nước Vietnamnet.vn hôm 21/02/2018, đưa tin nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải lâm bệnh nặng, trong bài có trích lời ông vì sao từ nhiệm trước khi kết thúc nhiệm kỳ 1 năm (2006): "Tôi hết sức day dứt trước tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, đục khoét của công. Về những vụ đục khoét của công đã phát hiện thời gian gần đây, cùng với trách nhiệm trực tiếp của chủ đầu tư, còn có khuyết điểm và trách nhiệm của Chính phủ và của cá nhân tôi là người đứng đầu".
Việt NamBản quyền hình ảnhHOANG DINH NAM
Image captionBất ổn thể chế trong lúc đang tiến hành các cải tổ kinh tế, xã hội được xác định là một thách thức lớn với ban lãnh đạo đảng và nhà nước VN
Văn hóa chính trị ở nhiều nước đảng toàn trị khó minh bạch. Bỏ qua những đồn đoán rằng ông bị nhiều sức ép của bộ máy quan liêu. Song rõ ràng, ông đã nhận ra những bất cập của thể chế và hiểu rằng ông không có nhiều quyền đối với tất cả các vấn đề của Chính phủ.

Bất ổn thể chế

Hai nhiệm kỳ tiếp theo 2006-2016 là thời kỳ 'sóng gió', từ 'bất ổn kinh tế vĩ mô' đến 'bất ổn thể chế'. Chính sách tăng trưởng nóng, bất tuân các nguyên tắc thị trường và yếu kém quản lý không chỉ làm cho kinh tế tổn thất nặng nề, mà các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội xuống cấp nghiêm trọng, mất phương hướng.
Biểu hiện bất ổn đỉnh điểm, được coi là mối 'đe dọa chính trị' đối với Đảng tại Hội nghị 6 khóa 11 năm 2012 khi Bộ chính trị (với 16 lãnh đạo cao nhất) và Ban chấp hành TƯ (175 ủy viên chính thức) không đồng thuận quy trách nhiệm cho người đứng đầu chính phủ, được gọi né là 'đồng chí X'.
'Lỗi hệ thống' có thể là lý do ngụy biện. Phương thức 'Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý', 'Tập thể lãnh đạo, cá nhân chịu trách nhiệm', 'phân công phân quyền' vốn là những nguyên tắc vận hành của thể chế chính trị độc đảng, tỏ ra không còn phù hợp, nhất là khi kinh tế thị trường có độ mở cao.
Trong bối cảnh đó, câu hỏi khác đặt ra là liệu tập trung quyền lực giúp Đảng kiểm soát thị trường?
Đại hội 12 bắt đầu cho nhiệm kỳ 2016-2021. Sau 'bất ổn', củng cố tổ chức và chống tham nhũng đang mạng lại quyền lực lớn hơn cho Đảng. Quyền lực được tập trung cao hơn cho Tổng bí thư, Bộ chính trị và Ban bí thư.
Điều đó liệu có giúp Đảng kiểm soát được thị trường?
Trước hết, Đảng gửi 'thông điệp' mạnh mẽ khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dự họp phiên cuối năm của Chính phủ ngày 28/12/2017. Sự kiện được đánh giá là chưa có tiền lệ.
Việt NamBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionThách thức với cải cách của Việt Nam và ban lãnh đạo là còn lớn, theo tác giả
Đảng bổ nhiệm các ủy viên trung ương là những lãnh đạo địa phương để nắm giữ vị trí đứng đầu các tổ chức kinh tế lớn. Tháng 12/2017 bí thư Tỉnh uỷ Lạng Sơn được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), tháng 2/2018 bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng được quyết định làm Chủ tịch Uỷ Ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Trong một động thái khác, các dự án lớn đang 'đắp chiếu' và thua lỗ kéo dài đang được nghiên cứu trình lên Bộ chính trị để quyết định phương án cuối cùng.
Giới phân tích quan ngại về sự kiểm soát này liệu có tuân theo nguyên tắc thị trường, khi bộ máy quản lý thêm cồng kềnh, chồng chéo, sự thiếu kinh nghiệm quản lý kinh tế của cán bộ đảng, sự thiếu thuyết phục về phương thức hoạt động của các tổ chức này...
Đảng kiểm soát thị trường bằng cách trên liệu có mang lại hiệu quả và thúc đẩy cải cách?

'Thách thức cải cách còn lớn'

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khởi động chính phủ 'kiến tạo' bằng bộ máy, nhân sự hiện có với chính sách thực dụng là phục vụ doanh nghiệp và người dân nhằm loại bỏ các rào cản thủ tục hành chính, 'giấy phép' lớn nhỏ đang tồn tại trong cơ chế.
PGS. TS. Pham Quy ThoBản quyền hình ảnhFB PHAM QUY THO
Image captionTự do kinh tế liên quan mật thiết với tự do chính trị, theo tác giả bài viết
Ông truyền cảm hứng cho các địa phương, lắng nghe các doanh nghiệp và khuyến khích khởi nghiệp với các hành động kịp thời, kiên quyết. Điều đó đã huy động các nguồn lực xã hội tạo nên những kết quả ban đầu về tăng trưởng kinh tế và hoàn thành các chỉ tiêu pháp lệnh.
Ngoài rào cản thể chế, sức ỳ bộ máy và cán bộ, từ việc thúc đẩy tự do kinh doanh đến tự do kinh tế là chặng đường dài đầy thách thức để cải cách.
Theo Báo cáo 'Chỉ số tự do kinh tế 2018' xếp hạng 180 nền kinh tế, Việt Nam xếp hạng 141/180 với 53,1/100 điểm. Trong 43 nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đứng hạng 35, sau cả Lào, Myanmar và Campuchia.
So với năm trước, Việt Nam đã tăng 0,7 điểm nhờ nỗ lực cải cách chính sách thuế, tăng cường chính phủ liêm chính và hiệu quả của bộ máy pháp luật. Tuy nhiên, các chỉ số tự do thương mại, quyền tư hữu và tự do lao động đạt điểm thấp.
Chỉ số tự do kinh tế được Quỹ Heritage công bố hàng năm từ 1995. Nó đánh giá bốn nhóm lĩnh vực gồm luật pháp, quy mô chính phủ, hiệu quả điều tiết và thị trường tự do với 12 tiêu chí kinh tế: quyền tư hữu, hiệu quả tư pháp, chính phủ liêm chính, gánh nặng thuế, chi tiêu công, tình hình tài chính, tự do kinh doanh, tự do lao động, tự do tiền tệ, tự do thương mại, tự do đầu tư và tự do tài chính.
Và để khép lại bài viết này, có thể nói rằng tự do kinh tế liên quan mật thiết tới tự do chính trị và "Tự do chính trị nghĩa là không có sự cưỡng ép của một người đối với những người xung quanh…
"Bằng cách loại bỏ sự kiểm soát của thế lực chính trị lên các tổ chức hoạt động kinh tế, thị trường sẽ được giải phóng khỏi quyền lực cưỡng chế đó. Điều này cho phép sức mạnh kinh tế trở thành thứ kiểm soát quyền lực chính trị hơn là sự củng cố cho chính nó," như nhà kinh tế học nổi tiếng người Mỹ, khôi nguyên giải Nobel năm 1976, Milton Friedman, đã khẳng định rõ ràng.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một nhà phân tích chính sách công từ Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam.
http://www.bbc.com/vietnamese/forum-43271658

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét