Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2018

“Đau đầu” với doanh nghiệp FDI bỏ trốn

“Đau đầu” với doanh nghiệp FDI bỏ trốn
Thùy Dung 22/3/2018, (TBKTSG) - Tình trạng các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) “trốn nợ”, bỏ về nước đã từng diễn ra trước đây, nhưng đến nay, để giải quyết được dứt điểm vấn đề này vẫn là bài toán khó với cơ quan quản lý.

Doanh nghiệp đi, hệ lụy ở lại
Mới nhất là chuyện dàn lãnh đạo Công ty TNHH KL Texwell Vina, tại khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, Đồng Nai đã bỏ trốn từ trước Tết, để lại khoản nợ bảo hiểm xã hội khoảng 17 tỉ đồng và 13,7 tỉ đồng tiền lương. Sự việc khiến UBND tỉnh Đồng Nai phải tạm ứng khoảng 7 tỉ đồng từ ngân sách của tỉnh để hỗ trợ 50% lương cho gần 2.000 công nhân của công ty này. Đồng thời, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cũng đang chuẩn bị thủ tục cần thiết để khởi kiện công ty.

Phân tích về trường hợp bỏ trốn nói trên cũng như các trường hợp doanh nghiệp FDI bỏ trốn trước đó, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng có thể doanh nghiệp này thuê nhà xưởng, thậm chí là thuê cả máy móc để sản xuất nên việc họ bỏ trốn khá dễ dàng. Nếu họ phải đầu tư cơ sở vật chất thì sẽ không dễ để bỏ đi như vậy.

Vấn đề ở chỗ khi để xảy ra việc lãnh đạo doanh nghiệp bỏ trốn, cơ quan chức năng sẽ phải “đau đầu” giải quyết nhiều hệ lụy mà kẻ bỏ đi để lại. Chẳng hạn, kiện doanh nghiệp bỏ trốn thế nào? thanh lý tài sản ra sao? giải quyết chế độ và việc làm cho người lao động cách nào?... Và quan trọng hơn là làm sao để doanh nghiệp FDI không thể dễ dàng bỏ trốn.

Texwell Vina không phải là trường hợp đầu tiên. Theo ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), chuyện doanh nghiệp FDI bỏ trốn đã diễn ra lâu nay. Từ năm 2009, ông đã rất lúng túng để giải quyết hậu quả của tình huống này. Mỗi lần có vụ việc như vậy xảy ra là các cơ quan, ban ngành lại họp nhưng chưa tìm ra được biện pháp giải quyết tận gốc vấn đề.

Vì không có quy định cụ thể nên khi xảy ra việc doanh nghiệp FDI “bỗng dưng mất tích”, cơ chế giải quyết đều tự phát, như trích ngân sách ra để trả lương cho người lao động, vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tuyển lao động tại công ty bỏ trốn, khoanh tài sản doanh nghiệp xử lý theo luật phá sản...

“Nhưng nếu doanh nghiệp đi thuê tài sản thì coi như thua!”, ông Huân nói.

Theo ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, các quy định pháp luật liên quan tới lao động hiện nay đã đầy đủ. Bộ luật Lao động có quy định doanh nghiệp phải trả lương cho người lao động đầy đủ, đúng ngày. Nếu thấy bị nợ lương thì phải phản ánh tới công đoàn cơ sở. Về chính sách bảo hiểm, Luật Bảo hiểm xã hội cũng quy định cấp sổ bảo hiểm xã hội và người lao động sẽ giữ sổ của mình, khi phát hiện doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội phải thông báo.

Còn theo ông Huân, việc để doanh nghiệp FDI bỏ trốn là do công tác quản lý vẫn còn lỏng lẻo. Vì vậy, cần phải có một quy định định nghĩa thế nào là doanh nghiệp FDI bỏ trốn, tức lãnh đạo rời công ty bao nhiêu ngày, tình trạng hoạt động kinh doanh thế nào... Tiếp đến là khi xảy ra tình trạng doanh nghiệp bỏ trốn rồi thì phải có quy trình xử lý rõ ràng: làm thế nào, ai làm việc gì, địa phương làm gì, trung ương làm gì, cách thức phối hợp ra sao, cơ chế ứng tiền ngân sách sẽ thực hiện như thế nào...

Vẫn còn lỗ hổng?

Ở góc độ pháp lý, ông Nguyễn Kiều Hưng, luật sư điều hành hãng luật Giải Phóng, cho rằng việc công đoàn đại diện cho người lao động đứng ra kiện doanh nghiệp FDI bỏ trốn là khả thi theo quy định của pháp luật. Nhưng vấn đề ở chỗ để đòi lại được quyền lợi chính đáng sau phán quyết của tòa án thì còn là một quá trình rất dài và không dễ dàng.

“Mác” doanh nghiệp FDI được nhiều ưu đãi đã khiến cho không ít doanh nghiệp kiểu này ung dung trước nhiều đợt kiểm tra liên ngành.

Việt Nam đang hướng đến thị trường mở và hội nhập sâu hơn với nền kinh tế quốc tế. Việc tạo ra các ưu đãi nhất định cho các nhà đầu tư theo hình thức FDI là cần thiết và thực tế chứng minh bộ phận doanh nghiệp FDI đã đóng góp không nhỏ đối với sự tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua. Nhưng không vì thế mà làm lỏng lẻo các quy định để “nới rào” thương mại một cách không kiểm soát.

“Cá nhân tôi nhận định quy trình thành lập doanh nghiệp không hề dễ dàng cho khối FDI, pháp luật Việt Nam từ trước đến nay vẫn là một thử thách với nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Lỗ hổng hiện nay chính là nằm ở cách thức chúng ta quản lý và kiểm soát các doanh nghiệp này, cả về vấn đề thuế quan, khai báo tài chính lẫn sử dụng lao động chưa chặt chẽ”, ông Hưng nói.

Theo luật sư Hưng, chính “mác” doanh nghiệp FDI được nhiều ưu đãi đã khiến cho không ít doanh nghiệp kiểu này ung dung trước nhiều đợt kiểm tra liên ngành. Ông Hưng đơn cử, điều 9 Luật Đầu tư 2014 quy định đảm bảo tài sản hợp pháp của nhà đầu tư không bị quốc hữu hóa hoặc bị tịch thu bằng biện pháp hành chính. Điều khoản này không đặt ra bất cứ ngoại lệ nào, kể cả việc nhà đầu tư đó vi phạm pháp luật gây ra thiệt hại hoặc bỏ trốn khi đang nợ lương công nhân như sự việc vừa qua.

“Như vậy, khi nhà đầu tư “trốn nợ”, tài sản của họ để lại vẫn nguyên vẹn mà Nhà nước không thể động vào. Về mặt tích cực, điều này sẽ tạo tâm lý yên tâm cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng lại là rào cản cho chính chúng ta khi xử lý các hậu quả phát sinh về sau, như sự việc ở Đồng Nai vừa rồi”, ông Hưng nói.

Theo ông Hưng, cần phải có các quy trình nghiêm ngặt hơn trong việc quản lý, sử dụng và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Và điều này cần phải được xem xét trong các quy định của Bộ luật Lao động có liên quan. Đặc biệt, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra “sức khỏe” của các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp FDI hàng quí hoặc theo định kỳ nhằm phát hiện các sai phạm để xử lý kịp thời.

Ngoài ra, việc kết nối các cơ quan hải quan với cơ quan quản lý về tài chính, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất là rất quan trọng, vì đối với các doanh nghiệp FDI thì việc “xuất cảnh, nhập cảnh” về người, hàng hóa và tiền tệ là rất thường xuyên. Hiện nay, Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công an chưa có thông tư liên tịch phối hợp để đặt ra các quy định đặc thù cho vấn đề này.

http://www.thesaigontimes.vn/270034/Dau-dau-voi-doanh-nghiep-FDI-bo-tron.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét