Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2017

Thủ tướng Phúc có thể vực dậy nền kinh tế VN không?

Thủ tướng Phúc có thể vực dậy nền kinh tế VN không?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang phải tiếp quản hậu quả nặng nề của nền "kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đầu năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải bất ngờ cảnh báo về khả năng „Sụp đổ tài khóa quốc gia“, một khái niệm mà chưa một quan chức trung cao cấp nào dám nói, vì được coi là cực kỳ nhạy cảm.

Lời ca thán của ông Phúc không phải là không có cơ sở, vì nhiều năm ông từng là người nắm giữ „tay hòm chìa khóa“ của Chính phủ.


Mặc dù mới lên làm Thủ tướng được khoảng một năm, ông Nguyễn Xuân Phúc đã để lại những dấu ấn nhất định với khái niệm „Chính phủ kiến tạo“, đặc biệt là quyết tâm tìm cách cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, rào cản cho danh nghiệp.

Tại hội nghị Thủ tướng và doanh nghiệp lần thứ hai mới đây, Thủ tướng đã giải quyết được ngay vấn đề doanh nghiệp bức xúc nhất liên quan tới thanh tra, kiểm tra. Đó là chỉ thị 20, quy định thanh tra một năm không quá một lần. Trong năm qua, Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn đồng hành với doanh nghiệp, tiến hành 600 cuộc họp và làm việc, thực hiện 72 chuyến công tác liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, qua đó chỉ số cạnh tranh của Việt Nam được nâng 9 bậc.

Thủ tướng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp; Thực thi công vụ nghiêm túc, không gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp…

Thế nhưng với thiện chí đó, quyết tâm đó, liệu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thể giải quyết được những khó khăn chồng chất hiện này đối với nền kinh tế của Việt Nam hay không?

Di sản mà ông Nguyễn Xuân Phúc phải tiếp quản quá nặng nề, trong đó có 12 dự án, nhà máy yếu kém, thua lỗ của ngành công thương.

Sau câu chuyện thua lỗ đau lòng của Vinalines, Vinashin, Chính phủ có hẳn nghị định về giám sát doanh nghiệp nhà nước… vậy mà 12 dự án nghìn tỉ đồng thua lỗ vẫn cứ xảy ra. Tổng mức đầu tư của 12 dự án trên 60.000 tỉ đồng. Số lỗ lũy kế dự án trên 15.000 tỉ đồng và nợ phải trả là trên 50.000 tỉ đồng.

Trong khi đó, bội chi ngân sách „vẫn ổn định ở mức cao“. Sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đó phải xin Quốc hội cho phép nâng trần bội chi ngân sách từ 4,7% lên 5,3% GDP tại kỳ họp đầu năm 2014, tức là vượt trên mức nguy hiểm 5% theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, đó mới là lý thuyết, vì trên thực tế, con số bội chi ngân sách nhà nước riêng năm 2013 đã là 6,6%.

Những năm sau đó, bội chi ngân sách cũng không hề giảm và „ổn định“ ở mức quanh 6% GDP. Riêng năm 2016, con số bội chi ít nhất là 250 nghìn tỉ đồng.

Dự kiến, Tổng công ty kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) từ nay tới năm 2020 sẽ bán hết 137 doanh nghiệp nhà nước để bù đắp ngân sách, khi các chủ nợ lớn nhất như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Phát triển Á châu đều ngưng hoặc hạn chế cho Việt Nam vay với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hạng C trong số này khó mà bán được.

Với tình trạng bội chi và nhiều doanh nghiệp „đắp chiếu“ như vậy, một số chuyên gia dự báo ngân sách trung ương sẽ rất u ám trong những năm tới, phù hợp với cảnh báo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về khả năng „sụp đổ tài khóa quốc gia“, có nghĩa là Việt Nam có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ như Argentina năm 2001 và 2014.

Vậy liệu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có phép màu nào để vực dậy nền kinh tế của Việt Nam hay không?

Trung Khoa
http://www.vietnamplus.vn/thu-tuong-de-nghi-kiem-soat-no-cong-va-dam-bao-kha-nang-tra-no/424319.vnp

http://www.thesaigontimes.vn/160172/a.html
ttp://cafef.vn/tai-chinh-quoc-te/argentina-vo-no-vi-dau-nen-noi-2014082409195732018.chn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét