Thứ Hai, 18 tháng 7, 2016

Trung Cộng và Asean sau phán quyết

Trung Cộng và Asean sau phán quyết
Phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực về Công Ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc về vụ kiện của Philippines chống lại Trung Cộng ở Biển Đông đã mang lại những làn chấn động mà dư âm sẽ còn tiếp tục rất lâu dài.

Lời tuyên bố từ phòng xử huy hoàng của Tòa Trọng Tài đã làm thay đổi cục diện trong vùng, truất đi của Trung Cộng chút chính nghĩa cuối cùng và làm lộ rõ bộ mặt của một cường quốc ỷ mạnh bắt nạt yếu mà thế giới đã tưởng không còn thấy nữa cho đến khi ông Vladimir Putin của Nga lộ diện ở Ukraine.

Nhưng phán quyết chỉ làm nổi bật những vấn đề mà Trung Cộng đang gặp ở Đông Nam Á. Hôm tháng rồi, khi các ngoại trưởng của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á ASEAN nhóm họp cùng với những vị đối tác phía Trung Cộng ở Côn Minh trong hội nghị Trung-Asean thường niên, họ đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy là mọi sự đã được an bài trước.

Không có một chút cố gắng nào để thăm dò hay tham khảo ý kiến, các nhà ngoại giao Trung Cộng đã trao cho họ một “đồng thuận” gồm 10 điểm để giải quyết những vấn đề đầy tranh cãi liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và yêu cầu họ ký tên vào văn bản đó. Theo hai nhà ngoại giao có mặt tại cuộc họp ở Côn Minh cho tờ Financial Times biết thì cái trò hề đó của Trung Cộng đã tạo nên những phản ứng giận dữ, nhất là từ phái đoàn Philippines, Malaysia và Việt Nam.



Vụ này cho thấy rõ là cố gắng của Bắc Kinh để dành bạn và ảnh hưởng đến các đồng minh tiềm tàng trong khi chờ đợi phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng Tài quốc tế đáng kính nể của Liên Hiệp Quốc ở La Haye hôm Thứ Ba tuần rồi. Nay thì phán quyết đã cho thấy rõ là cái gọi là “đường chín đoạn” của Trung Cộng không có một căn bản pháp lý nào và họ không có một tí gì chủ quyền trên Biển Đông nếu họ tôn trọng Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà họ đã ký kết.
Như chúng ta đã rõ, phán quyết đã đồng ý với một loạt những điều khiếu kiện mà Philippines đưa ra cách đây bốn năm. Tuy tòa không đưa ra phán quyết về vấn đề quốc gia nào sở hữu số vài chục bãi cạn hay rạn san hô hiện đang bị tranh chấp, mà nhiều cái nay đã bị chính Trung Cộng biến thành những “hòn đảo” nhân tạo, tòa tuyên bố là không có bãi hay đá nào có đủ tư cách pháp lý để có thể dành được khu đặc quyền khai thác kinh tế 200 hải lý mà Luật Biển cho phép nếu những bãi cạn hay đá đó có thể được coi là một hòn đảo.

Và do đó, tòa thêm, Trung Cộng đã bất hợp pháp vi phạm lên chủ quyền của Philippines về việc khai thác ngư sản và phát triển các nguồn tài nguyên của các khu đặc quyền khai thác kinh tế thực sự của Philippines tính từ bờ biển của nước họ.

Phán quyết của Tòa Trọng Tài sẽ khiến cho chính quyền Bắc kinh gặp thêm khó khăn để dành sự ủng hộ của quốc tế. Nhưng đến cuối ngày thứ ba 12 tháng 6, Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn chính thức của nhà nước Trung Cộng, vẫn còn cho phổ biến một bài với tựa đề chính cho thấy Bắc Kinh vẫn cố gắng để tìm cách biện minh, với tựa đề “Phán quyết về Biển Hoa Nam ‘thiên vị và sai phạm về luật pháp’ theo các chuyên gia Sudan.” Cái nực cười của sự việc là Tân Hoa chỉ kiếm được có các “chuyên gia Sudan” đưa ra ý kiến đó hẳn có lẽ không được Bắc Kinh hiểu cho. Ngay đến những quốc gia “đàn em” như Cambodia, Lào và Bắc Hàn cũng không có ai lên tiếng bênh vực cho lập trường của họ mà phải chạy tuốt sang Phi Châu thì thật là quá mỉa mai.

Ở trong nước, đảng Cộng Sản Trung Quốc đã lâu nay sử dụng chiến thuật “đoàn kết” của ông Mao để cô lập và rồi đánh bại bất cứ một nhóm nào có tiềm năng trở thành đối lập. Tuy chiến thuật này là chuyện thường tình trong chính trị nội bộ của Trung Cộng, Bắc Kinh nay khám phá ra là nó không có hiệu quả ở ngoại quốc.

Hôm tháng rồi ở Côn Minh chẳng hạn, các vị khác tức giận của Bắc Kinh đã bác bỏ cái gọi là “đồng thuận” mà họ được trao cho và thảo một bản tuyên bố của riêng họ bày tỏ quan ngại về những phát triển trong vùng vốn đang “làm xói mòn niềm tin và sự tín nhiệm,” một lối bóng gió để chỉ đến các hoạt động lấn biển trong các vùng bãi hay rạn san hô của quần đảo Trường Sa.

Các nhà ngoại giao Trung Cộng đã phải cuống cuồng tìm cách đánh bại bản tuyên ngôn đối đầu này, sử dụng đến các đàn em trong khối Asean như Cambodia và Lào. Chưa hết và còn đáng tức giận hơn nữa, các nhà ngoại giao Asean còn kể lại là họ bị Viên Thứ Trưởng Ngoại Giao Lưu Chấn Minh lên mặt dạy dỗ. Họ Lưu, cũng xin thêm, là thứ trưởng ngoại giao phụ trách vấn đề biên giới và lãnh hải.

Một nhà ngoại giao đã có mặt trong phiên họp này bảo với tờ Financial Times “Người Trung Cộng đã đi quá xa và nó đã có ảnh hưởng ngược lại. Có những cách lịch sử hơn để nói về những gì họ muốn nói, nhưng thay vì vậy họ đã thẳng thừng bảo “Chúng ta đúng và các người sai.”

Tiến Sĩ Yanmei Xie, chuyên gia về an ninh vùng của Tổ Chức International Crisis Group, ghi nhận là các vị ngoại trưởng của Hiệp Hội Asean, có người là phó thủ tướng ở nước mình, đã không bằng lòng bị một thứ trưởng ngoại giao Trung Cộng coi mình như là đàn em nếu không nói là tôi tớ. 


Bà Xie giải thích: “Việc này thực sự đã làm cho thái độ đối với Trung Quốc trở nên cứng rắn hơn và đóng góp cho bản tuyên ngôn chung của Asean với lời lẽ khá mạnh bạo. Và tuy sau đó, vì luật lệ Asean đòi phải có thống nhất, bản tuyên ngôn đã bị rút lại, nhưng trước đó, phái đoàn Malaysia đã ‘cố tình’ cho phổ biến trước cho báo chí.” Bà thêm là liên hệ giữa Trung Cộng và toàn khối Asean phải nói là đã “xuống đến mức thấp nhất từ nhiều năm nay.”

Ở nhiều khía cạnh, đây là một màn tái diễn của cuộc đụng độ giận dữ giữa ông Dương Khiết Trì, lúc đó là ngoại trưởng Trung Cộng, và các vị ngoại trưởng Asean ở Hà Nội hồi năm 2010. Ông Dương đã từng được dẫn lời nói một câu bất hủ “Trung Quốc là nước lớn và các ông là nước nhỏ và đó là một sự thật.” Khá nhiều nguồn tin thân cận với chính phủ Hoa Kỳ nói chính câu nói này đã khiến cho Tổng Thống Barack Obama quyết định “chuyển hướng” quân sự sang vùng Á Châu Thái Bình Dương.

Trong những năm gần đây, cố gắng rộng lớn của Trung Cộng trong việc lấn biển để xây dựng trên những bãi cạn đang còn bị tranh chấp, biến chúng thành những căn cứ quân sự tiềm tàng nằm ngay gần lãnh thổ của Philippines và Việt Nam, chỉ làm cho vùng này ngày càng sẵn sàng hơn trong việc yêu cầu một sự hiện diện mạnh mẽ hơn của Hoa Kỳ trong vùng.

Một nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã từng giải thích tình hình một cách tóm gọn như sau: “Thái độ của chúng tôi là, OK, anh chiếm mấy hòn đá đó đi, chúng tôi sẽ chiếm toàn vùng.”

Hơn thế cố gắng của Trung Cộng để dành đồng minh ở xa hơn cũng có vẻ khá khó khăn.

Hôm tháng rồi, một phát ngôn nhân bộ ngoại giao ở Bắc Kinh tuyên bố: “Gần 60 quốc gia ủng hộ Trung Quốc (về vấn đề Biển Hoa Nam). So sánh với bảy hay tám quốc gia duy trì lập trường đối nghịch, tôi nghĩ con số đó đã chứng minh quá rõ ràng.”

Hôm Thứ Tư vừa qua, Tân Hoa lại tường thuật là hơn 70 quốc gia và tổ chức quốc tế ủng hộ “Lập trường có chính nghĩa của Trung Quốc.”

Nhưng theo một số nhà ngoại giao quen thuộc với cố gắng vận động này, một số quốc gia đã tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy mình được dẫn lời là đã ủng hộ lập trường của Trung Cộng. Một nhân vật trong ngoại giao Âu Châu nói: “Slovenia đã không hài lòng khi họ thấy tên mình trong danh sách mà truyền thông nhà nước phổ biến và chính thức yêu cầu rút tên ra.” Tổ chức nghiên cứu Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS ở Washington thì nói họ chỉ tìm được có bảy tám quốc gia thực sự có tuyên bố ủng hộ Trung Cộng mà tất cả trừ Vanuatu đều ở xa ngàn vạn dặm và không có quyền lợi gì trong vấn đề Biển Đông cả.

Tiến Sĩ Bonnie Glaser của CSIS thì giải thích: “Lề lối Trung Quốc hành xử về Biển Nam Trung Hoa đã làm cho toàn vùng sáng mắt ra. Cố gắng của họ để gây áp lực cho khối Asean đã lộ rõ là quyền lợi của họ là tạo nên một Asean yếu và chia rẽ. Trung Quốc không cho phép một Asean đoàn kết chỉ trích Trung Quốc.”

Những cố gắng của Trung Cộng cũng đã thành công một phần nào. Cho đến nay Asean vẫn chưa có được một phản ứng chính thức về phán quyết của Tòa Trọng Tài. Bà Glaser bảo là Trung Cộng sẽ dùng chính sách dọa nạt cùng với “củ cà rốt kinh tế” để khai thác các quốc gia nhỏ trong Asean như Cambodia và Lào. Bà nói “Nếu người Trung Quốc nghe phong thanh về bất cứ một tuyên bố nào của Asean thì họ sẽ tìm đủ mọi cách để giết nó đi.”

Nhưng như tờ South China Morning Post, một tờ báo nay chủ nhân là một tỷ phú người Hoa Lục, đã kết luận: “Các nhà phân tích kêu gọi chính phủ lục địa hãy tính lại lối chơi hung hăng hiện nay, mà họ nói chỉ có hậu quả ngược lại và đã tạo nên một ‘thâm thủng chiến lược’ cho Bắc Kinh trong việc đối xử với các nước láng giềng ở Đông Nam Á. Họ khuyến cáo là nếu Bắc Kinh có những biện pháp ngoại giao, kinh tế hay quân sự trả đũa cho phán quyết này thì nó chỉ lôi cuốn các quốc gia Asean xích lại gần hơn đối thủ chiến lược của họ là Hoa Kỳ.”

Lê Phan
Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét