Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2016

GS Ngô Vĩnh Long phân tích về phán quyết lưỡi bò

GS Ngô Vĩnh Long phân tích về phán quyết lưỡi bò
GS Ngô Vĩnh Long trả lời phỏng vấn ngày 12-7-2016 của phóng viên báo Quân Đội Nhân Dân, trong đó ông khẳng định Trung Quốc sẽ tiếp tục vùng vẫy và khiêu khích. Nhưng Mỹ, EU, Nhật, Úc, Ấn Độ, và nhiều nước khác đã cảnh báo Trung Quốc là làm như thế thì Trung Quốc sẽ tự cô lập hoá chính mình thôi. Các nước trong và ngoài khu vực sẽ cố gắng hoà hoãn để Trung Quốc không có cớ leo thang, nhưng nếu Trung Quốc vẫn cứ cố tình gây hấn thì các nước bắt buộc phải có chính sách thiết thực với Trung Quốc vì đây là vấn đề an ninh của toàn thế giới cũng như vấn đề cốt lõi của luật pháp quốc tế.


Câu hỏi 1: Xin cho biết ý kiến về việc Tòa bác các quyền lịch sử và đường 9 đoạn của Trung Quốc?
Thông cáo báo chí của Toà Trọng tài Thường tực (11 trang) và bản phán quyết (501 trang), trình bày rất chi tiết quá trình quyết định của Toà và khẳng định vùng độc quyền kinh tế (EEZ) của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS, năm 1982) đối với các nước ven biển. Từ đó Toà kết luận rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi chủ quyền và các tài nguyên ở các khu vực biển trong phạm vi đường chín đoạn, tức đường lưỡi bò.

Kết luận trên đi đôi với điểm thứ hai là các cấu trúc hiện đang tranh chấp trong toàn vùng Trường Sa tự nó trong dạng tự nhiên không có khả năng nuôi dưỡng con người và đời sống kinh tế cho nên chỉ có thể là các bãi đá (rocks) hay bãi đá ngầm (reefs) và chỉ có được tối đa là 12 dặm chủ quyền. Phán quyết nầy nhấn mạnh là toàn bộ Trường Sa không có vùng độc quyền kinh tế (Exlusive Economic Zone, EEZ) 200 dặm. Như thế tất cả các vùng biển nằm ngoài các cấu trúc đang được tranh chấp đều là vùng nước quốc tế.

Do đó việc Trung Quốc đã dùng lý luận “quyền lịch sử” và đường lưỡi bò để chiếm đóng các bãi đá của nước khác rồi từ đấy đòi chủ quyền các vùng biển xung quanh các thực thể nầy là phi pháp.

Câu hỏi 2: Phán quyết của Tòa có lợi như thế nào với Phi-líp-pin?

Phán quyết nói rõ là các bãi ngầm như Scarborough không có 12 dặm chủ quyền. Thêm vào đó là nó nằm trong EEZ của Phi, nên thuộc chủ quyền Phi. Việc Trung quốc cấm Phi đánh cá là trái phép. Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Phi.

Câu hỏi 3: Tân Tổng thống Phi-líp-pin Rodrigo Duterte được cho là có thái độ mềm mỏng với Trung Quốc hơn so với người tiền nhiệm. Xin cho biết dự báo về chính sách của Phi-líp-pin tại Biển Đông trong thời gian tới?

Tân Tổng thống Rodrigo Duterte được cho là có thái độ mềm mỏng có thể là vì ông ấy là “phe tả” và chống Mỹ như có một số bài báo đã viết. Nhưng cũng có thể là ông ấy đã biết Philippines sẽ thắng kiện nên không muốn để cho Trung Quốc có cơ hội leo thang. Việc ông ấy đã nói là sẽ đàm phán với Trung Quốc và sẽ sẵn sàng cộng tác với Trung Quốc trong việc phát triển các vùng biển tranh chấp thì tôi thấy bề ngoài có vẻ nhượng bộ, nhưng khi đàm phán hợp tác trên vùng biển mà theo phán quyết là của Philippines thì tôi nghĩ Trung Quốc sẽ khó bắt chẹt hơn trong tương lai.

Câu hỏi 4: Trung Quốc vẫn thực thi chính sách 3 không với vụ kiện – không tham gia, không thừa nhận và không thực thi. Xin cho biết ý kiến về tính pháp lý của vụ kiện?

Chính sách 3 không của Trung Quốc chỉ làm cho Trung Quốc không được sự đồng tình của thế giới thôi. Phán quyết của Toà Thường trực cho thấy hai vế đầu (không tham gia và không thừa nhận) đã thất bại rồi. Trung Quốc cho rằng phán quyết không có tính ràng buộc, nhưng phán quyết nói rõ là có tính cách ràng buộc trên phương diện pháp lý. Lẽ dĩ nhiên Toà án không có thực lực để bắt Trung Quốc thực thi, nhưng toà án công luận thế giới sẽ gây sức ép nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục ngoan cố.

Câu hỏi 5: Phán quyết của Tòa ảnh hưởng tới Trung Quốc như thế nào? Xin cho biết dự báo về những bước đi tiếp theo của Trung Quốc sau phán quyết?

Phán quyết của Toà rõ ràng cho biết là Trung Quốc đã cố tình vi phạm các điều khoản của luật quốc tế mà Trung Quốc đã ký kết. Bước đi tốt nhất sắp tới cho Trung Quốc là từ từ chấp nhận phán quyết nầy bằng cách đàm phán với các nước trong khu vực và ASEAN để tạo điều kiện giảm căng thẳng và xây dựng hợp tác mới trong trình trạng hoà bình. Nếu Trung Quốc cứ khăng khăng tiếp tục chính sách hiện nay thì tôi nghĩ các nước trên thế giới sẽ phải tìm cách giúp cho Trung Quốc hiểu biết hơn.

Câu hỏi 6: Phán quyết của Tòa có lợi hay hại gì cho Việt Nam? Việt Nam cần phải làm gì trong thời gian tới?

Phán quyết của Toà phần lớn là có lợi cho Việt Nam. Một là vì Việt Nam có bờ biển, lãnh hải và vùng độc quyền kinh tế dài nhất và rộng nhất ở khu vực Biển Đông. Hai là Việt Nam chiếm đóng nhiều thực thể nhất ở Trường Sa. Theo phán quyết thì Việt Nam được toàn quyền hưởng EEZ tính từ bờ biển vì không có chồng lấn với ai, và Việt Nam hoàn toàn có quyền khai thác dầu hỏa ở các khu vực như khu Tư Chính mà Trung Quốc đã đem tầu ra dọa đuổi làm các nước khác sợ phải rút. Trung Quốc, sau phán quyết, khó có thể sử dụng đường lưỡi bò để tiếp tục liếm các vùng lãnh hải và vùng độc quyền kinh tế của Việt Nam cũng như đe doạ các thực thể ở Trường Sa.

Trong thời gian tới Việt Nam nên sử dụng một cách hữu hiệu phán quyết nầy để bảo vệ quyền lợi của Việt Nam trên các vùng chủ quyền của mình cũng như quyền lợi của người dân Việt Nam, trong đó có ngư dân, trên biển cả. Xin nhắc lại là điểm 2 của phán quyết đã đề cập đến ở trên khẳng định là tất cả các thực thể ở Trường Sa, trong đó có đảo Itu Aba (Ba Bình) là đảo có tranh chấp lớn nhất không chỉ ở Trường Sa và Hoàng Sa, cũng chỉ được 12 dặm chủ quyền vùng biển chung quanh. Do đó, bất chấp ai nắm chủ quyền Hoàng Sa, cũng không có quyền đe doạ các thuyền bè hay đánh đắm tàu cá của ngư dân khi đến gần 12 hải lý như Trung Quốc đã làm đối với ngư dân Việt Nam.

Câu hỏi 7: Phán quyết của Tòa có ảnh hưởng thế nào tới các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông?

Các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền trước hết là có thể trở lại Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) để khẳng định chủ quyền và đàm phán với nhau về những chồng lấn. Không được dựa vào việc dùng vũ lực xâm chiếm rồi từ đó đòi hỏi đàm phán.

Câu hỏi 8: Xin cho biết ý kiến về bước đi tiếp theo của Mỹ, ASEAN trong thời gian tới?

Mỹ sẽ tiếp tục kêu gọi mọi bên tuân thủ phán quyết của Toà Thường trực và sẽ tiếp tục có sự hiện diện trên Biển Đông, trong đó có việc cho tàu đi tuần tra để phòng ngừa sự leo thang bất ngờ của Trung Quốc. Còn đối với ASEAN thì Trung Quốc sẽ tiếp tục gây chia rẽ cũng như lũng đoạn. Nhưng các nước có lợi ích trực tiếp vì thế sẽ phải lên tiếng mạnh hơn để vận động dư luận thế giới.

Câu hỏi 9: Tình hình Biển Đông trong thời gian tới dự báo sẽ thế nào?

Trung Quốc sẽ tiếp tục vùng vẫy và khiêu khích. Nhưng Mỹ, EU, Nhật, Úc, Ấn Độ, và nhiều nước khác đã cảnh báo Trung Quốc là làm như thế thì Trung Quốc sẽ tự cô lập hoá chính mình thôi. Các nước trong và ngoài khu vực sẽ cố gắng hoà hoãn để Trung Quốc không có cớ leo thang, nhưng nếu Trung Quốc vẫn cứ cố tình gây hấn thì các nước bắt buộc phải có chính sách thiết thực với Trung Quốc vì đây là vấn đề an ninh của toàn thế giới cũng như vấn đề cốt lõi của luật pháp quốc tế.

Câu hỏi 10: Xin cho biết trong lịch sử đã có vụ kiện nào tương tự như vậy hay không? Nếu có, các bên đã thực thi phán quyết ra sao?

Đã có nhiều vụ kiện tương tự, tuy không giống hoàn toàn, mà chính phán quyết có đề cập đến từ trang 400 trở đi. Phần lớn các phán quyết được thi hành, tuy các nước lớn cậy mạnh nên ít thi hành hơn. Một trong những trường hợp đó là vụ Nicaragua kiện Mỹ năm 1986 trước Toà án Công lý Quốc tế (International Court of Justice) về việc đào mỏ trong vùng biển của nước nầy và Mỹ bị xử thua nhưng không thực thi phán quyết. Nhưng việc không thực thi nầy đã làm cho Quốc hội Mỹ phải cắt hết các tài khoản mà chính quyền Tổng thống Ronald Reagan dùng để chống chính thể Sandanista ở Nicaragua cũng như đã thúc đẩy các nước Trung Mỹ (Central America) tìm giải pháp hoà bình cho Nicaragua.

Vấn đề hiện nay cũng tương tự như vụ kiện ở trên. Tuy Toà án Thường trực không có cơ chế để cưỡng chế Trung Quốc thực thi và Trung Quốc sẽ không rời bỏ các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây cất, áp lực của dư luận thế giới sẽ dần dần có ảnh hưởng tích cực.

(Viet-studies)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét