Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016

Thú chơi tận diệt

Thú chơi tận diệt
Hôm nay tôi đi ngang qua đường Âu Cơ, đoạn chợ hoa Quảng An và thấy người ta bán gốc Lê rừng chơi xuân. Cả một dãy dài đường ven đê người ta trưng những cây Lê bị cắt gốc từ miền núi phía Bắc đưa về. Lá Lê vẫn xanh, hoa Lê nở trắng, gốc Lê còn bám đầy rêu phong của núi rừng. Nhưng chắc chỉ ít ngày thôi, sau khi người ta thõa mãn “thú chơi xuân” thì những những cành Lê, gốc Lê kia lại bị vứt ra lề đường và lên xe rác. 

Tôi gọi đó là thú chơi trọc phú. Thú chơi tận diệt. Tôi nhớ đến cách đây 4 năm mình đã cố đi tìm người đồng chí hướng để phát triển phong trào nói không với Đào rừng. Tôi đã chẳng làm được gì từ hồi đó đến nay và năm nào người ta cũng kìn kìn xe tải chở đầy các gốc Đào, cây Đào rừng về Hà Nội. Sau Tết, các gốc Đào, cây Đào lại đi ra bãi rác. Và mọi người có thể hình dung 5 đến 10 năm sau sẽ không còn những chuyến xe tải chở Đào, chở Lê từ rừng xuống phố. Thật đáng xấu hổ và xót xa!

Năm 2007 tôi có viết một bài báo về câu chuyện AI PHÁ RỪNG đăng trên Tuần Việt Nam (lúc đó hình như là chị Kỳ Duyên Kim Dung Pham duyệt và đăng bài). Bài báo chỉ ra rằng người phá rừng tất nhiên là người trực tiếp lên rừng chặt cây, săn thú. Nhưng đằng sau đó, có những kẻ phá rừng giấu mặt bằng chính những thú chơi hủy diệt, bằng những nhu cầu vô độ của họ. Khi thăm và làm việc các cơ quan công quyền, hẳn các bạn dễ dàng bắt gặp và được ngồi trên những chiếc ghế gỗ bành cỡ lớn được làm bằng các loại gỗ quý nguyên khối. Khi thăm nhà các quan chức địa phương hẳn các bạn dễ dàng bắt gặp những cỗ phản ngựa với kích thước lớn được trưng giữa nhà.



Cá biệt hơn, tôi đi thăm nhà một số “nhà khoa học bảo tồn” và “chuyên gia bảo tồn” vẫn thấy sự hiện diện của các lâm sản quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Trong một cuộc nói chuyện gần đây với một nhà quản lý cấp cao về buôn bán động vật hoang dã cấp Quốc gia, người đó thản nhiên thừa nhận rằng Sừng Tê Giác đó là món quà biếu có giá trị và đa số cán bộ cấp cao ai cũng phải “thủ” cho mình một tí. Ngay cả những người trong cuộc, người trực tiếp làm công tác bảo tồn cũng tham lam như vậy thì chẳng trách núi đồi không còn cây và rừng không còn tiếng chim muông.

Vậy đấy! Nhận thức và thói tiêu xài vô độ đang làm cho nguồn tài nguyên trở nên cạn kiệt. 

Theo công ước của liên hợp quốc năm 1992 mà Việt Nam đã tham gia ký cam kết nôm na là “khai thác tài nguyên, phát triển nhằm đáp ứng các nhu cầu hiện tại nhưng không gây trở ngại cho các nhu cầu của các thế hệ mai sau”. Thực tế là từ năm 1992 đến nay diện tích che phủ rừng của Việt Nam tăng lên rõ rệt… trong các báo cáo. Trời ạ! Đó chỉ là con số trong các báo cáo. Thực tế thì sao? Những cánh rừng còn lại chỉ là đồi trọc, hoặc rừng keo được trồng mới sau khi đã chặt gọn các cánh rừng tự nhiên. Những chiêu bài phát triển thủy điện và trồng “rừng” cao su cũng lấy mất đi những tài nguyên thiên nhiên mà vốn dĩ nó phải thuộc về tự nhiên. Hậu quả là hạn hán, lũ lụt, mất sinh cảnh của các loài động thực vật và quan trọng hơn là sự mất đi vĩnh viễn những giá trị tự nhiên mà lẽ ra con cháu của chúng ta đáng được chiêm ngưỡng.

Những cây đào rừng, lê rừng có lẽ phải mất cả hàng mấy chục năm mọc trên các cao nguyên đá ở Mai Châu, Sơn La trong phút chốc trở thành những cành củi khô rác rưởi. Những cánh rừng nguyên sinh phải mất hàng ngàn năm mới tạo ra được sự giàu có và đa dạng sinh học riêng của nó nhưng chỉ trong một thời gian ngắn đã bị lụi tàn bởi sự tham lam của thế hệ chúng ta. Điều đau xót hơn là chúng không có khả năng tự phục hồi sau khi bị tận diệt. Đó là sự mất mát vĩnh viễn.

Tôi có một ước mơ. Ước mơ con cháu của con cháu chúng ta sẽ được ngồi dưới các tán hoa Đào cổ thụ trong công viên để ngắm hoa Đào như cách của người Nhật trân trọng và giữ gìn hoa Anh Đào của họ (trong hình)

Tác giả: Huy Nguyên (FB Huy Nguyên)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét