“Cưa bom” là hành động chỉ có ở Việt Nam!
Diệu Linh - Vinh Hải - Phạm Huyền (Dân Việt) “Cưa bom” là hành động chỉ có ở Việt Nam. Những cái chết vô lý này không chỉ diễn ra ở nông thôn hay những vùng còn bom mìn chiến tranh sót lại mà đang xảy ra ở giữa thủ đô, trong khi việc quản lý buông lỏng, nhận thức của người dân còn hạn chế.
Hiện trường vụ nổ ở khu đô thị Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội ngày 19.3. Ảnh: I.T
“Cưa” mạngNguyên nhân vụ “nổ bom” khiến 4 người chết và nhiều người bị thương vừa diễn ra tại số nhà 15 - TT19, khu đô thị Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông (Hà Nội) ngày 19.3, được xác nhận là do cưa bom. Cụ thể, ông Phạm Văn Cường (SN 1975), quê ở thôn Nam Hùng, xã Nam Hưng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, thuê nhà số 15 - TT 19, khu đô thị Văn Phú, hành nghề thu mua phế liệu. Hàng ngày, ông Cường mang phế liệu ra vỉa hè để dùng đèn khò cắt, phá sắt vụn. Sáng 19.3, ông Cường nhờ một nam thanh niên nhà ở khu đô thị Văn Phú lăn giúp 1 khối kim loại hình trụ bằng sắt đã hoen gỉ, xung quanh bám đất màu vàng để cưa, thì vụ nổ xảy ra.
Vụ nổ đã cướp đi mạng sống của ông Cường và “đồng nghiệp” cùng cưa bom và 2 mẹ con đi xe máy ngang qua. Ngoài ra còn có 8 người khác bị thương (2 người bị thương nặng) phải đi cấp cứu tại bệnh viện. Vụ nổ cũng làm hư hỏng nhiều ô tô, xe máy và các nhà xung quanh.
Theo kết quả điều tra sơ bộ do Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn thực hiện năm 2002 cho thấy, trên toàn quốc có 9.284/10.511 xã còn bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ, chiếm 88,3% tổng số xã, đây là những xã còn có bom mìn vật nổ nằm lẫn trong lòng đất ở các độ sâu khác nhau. Tất cả các loại bom mìn, vật nổ này đều rất nguy hiểm, trong quá trình lao động sản xuất, xây dựng các công trình, trẻ em đi học, đi chơi... không may tác động phải sẽ gây nổ hoặc có thể tự nổ do thay đổi về tính chất cơ học, lý học hay hoá học.
Hàng năm trung bình cả nước có khoảng 3.807 người chết và bị thương do tai nạn bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh gây ra. Những năm đầu sau chiến tranh số lượng tai nạn nhiều, cho đến nay có giảm đi (còn khoảng 2.000 người bị tai nạn mỗi năm). 48% nạn nhân do tai nạn bom mìn thời bình là người trong độ tuổi lao động; 38% là trẻ em.
Lời cảnh báo bằng máu
Anh Nguyễn Văn Toàn (Công ty TNHH Thanh Ngọc, nơi chuyên thu mua các loại phế liệu tại Trung Kính, Hà Nội) cho biết vụ việc thực sự là một bài học đắt giá với những người làm nghề thu mua và xử lý phế liệu cũ. “Đọc báo tôi thấy thực sự xót xa cho các nạn nhân. Tôi nghĩ người thu mua phế liệu đó cũng chỉ vì không hiểu biết và tiếc ít kim loại màu mà người ta phải trả giá quá đắt”.
Anh Nguyễn Việt Hùng (cơ sở chuyên mua phế liệu ở 65 Ngọc Hồi, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết gia đình anh đã có mười mấy năm kinh nghiệm thu mua các loại phế liệu, cũng gặp không ít trường hợp các loạt đầu đạn, quả đạn nhưng thường thì vứt đi ngay hoặc từ chối mua vì “anh đã trực tiếp thấy nhiều trường hợp cụt tay cụt chân vì cưa đầu đạn lấy đồng”. Đó là chưa kể chuyên chở trên đường, lực lượng chức năng bắt được thậm chí phạt rất nặng.
Vật liệu gây nổ dạng bom
Theo Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội, từ công tác khám nghiệm hiện trường, các lực lượng chức năng đã thu được nhiều mảnh kim loại bằng gang, thép, được xác định là những kim loại dùng để chế tạo bom. Theo kết quả giám định sơ bộ của Cục Kỹ thuật hình sự Bộ Công an, thuốc nổ gây ra vụ nổ là loại thường sử dụng để chế tạo bom mìn.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội sơ bộ kết luận, vật liệu gây ra vụ nổ dạng bom. Vật liệu nổ này được anh Cường mua về nhà, rồi dùng đèn khò phá với mục đích lấy sắt vụ bán. Trong quá trình cắt phá bằng đèn khò, nhiệt lượng đã kích hoạt gây ra vụ nổ trên.
“Chỉ vì vài kg đồng mà nhiều người mất cả tính mạng, nhẹ thì mất tay mất chân, tôi quá rõ chuyện đó nên không bao giờ tham kiểu đó. Có trường hợp trót mua phải mấy loại quả đạn còn đầu nổ, tôi cũng cho anh em đưa đi hàn qua cho cơ quan chức năng theo đúng quy trình mới đảm bảo an toàn”- anh Hùng cho biết.
Báo cáo của Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn cũng cho biết, số vụ do dân đi thu nhặt phế liệu, phát hiện bom, đạn rồi đem cưa, đục để lấy phế liệu, thuốc nổ gây ra nổ chiếm 30% số vụ tai nạn do bom mình. Còn lại do trẻ em không hiểu biết nhặt được vật nổ (thường là bom bi, đạn M-79) đem đập, ném để chơi đã gây nổ chiếm 38%; do rủi ro cuốc, đập, giẫm... phải vật nổ gây ra nổ chiếm 18%. Số còn lại do nguyên nhân ngẫu nhiên khác chiếm 14%.
“Người dân thu nhặt phế liệu nhằm bán lấy tiền sinh sống, do không có kiến thức về cấu tạo và nguyên lý hoạt động của các loại bom mìn, vật nổ đã tự động tháo, cưa, cắt lấy thuốc nổ và vỏ kim loại để bán dẫn đến gây nổ” – bà Trần Thu Hằng – Phó phòng Truyền thông và phát triển nhân lực (T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) cho biết. Để tăng cường cho người dân hiểu biết về tác hại của bom mìn, không có các hành động “ngây thơ”: Cưa bom để lấy thuốc nổ, sắt bán phế liệu, T.Ư Hội Chữ thập đỏ đã có Dự án "Phòng ngừa thương tích và giảm thiểu những tác động bất lợi về kinh tế - xã hội đối với nạn nhân bom mìn" từ năm 2009 tại Quảng Trị, Quảng Bình.
Năm 2014 dự án mở rộng thêm ở tỉnh Thừa Thiên- Huế. Đây là 3 địa phương có tỷ lệ ô nhiễm bom mìn lớn nhất cả nước.Tính riêng ở Quảng Trị, 83,3% diện tích đất bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh. Từ năm 1975 đến nay, toàn tỉnh có hơn 7.000 nạn nhân do bom mìn sót nổ, trong đó hơn 2.500 người chết, 31% nạn nhân là trẻ em.
“Chúng tôi cùng với chính quyền địa phương tăng cường truyền thông cho bà con, đặc biệt là những người thu gom phế liệu để họ nhặt được bom mìn thì báo cho chính quyền địa phương để giải quyết, không tự ý cưa, đập. Đồng thời truyền thông tại các trường học cho các em học sinh để các em nhận biết được bom, mìn, khi thấy bom mìn cần phải tránh xa và báo với cơ quan chức năng ngay” – bà Hằng cho biết.
Một số vụ chết vì “cưa bom” Ngày 14.10.2015 Khi đi tìm phế liệu và nhặt được 1 quả bom, 3 người tại thôn 1, xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông (Gia Lai) đã cùng cưa bom để lấy thuốc nổ. Quả bom phát nổ khiến nạn nhân Phạm Đình Thu và Lê Tấn Quang chết tại chỗ, nạn nhân Nguyễn Văn Thông bị thương nặng. Ngày 28.5.2015 ông Lê Văn Minh - làm nghề rà sắt thép bán phế liệu tại ấp Mỹ Thanh, xã Mỹ Lợi B, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã dùng búa đập mạnh lên một quả bom thu mua được khiến quả bom phát nổ. Vụ nổ đã khiến ông Minh chết tại chỗ và làm 1 nạn nhân khác bị thương nặng... Ngày 29.7.2015 ông Ngô Phụng (46 tuổi, trú tại thôn Phú Sơn Tây, xã Hoà Khương, huyện Hoà Vang, TP.Đà Nẵng) cũng bị thương rất nặng sau khi cưa bom. Đáng nói, khi cơ quan chức năng vào kiểm tra cơ sở thu gom phế liệu tại nhà ông Phụng đã thu giữ tới 26 đầu đạn lớn 106,7 mm, 18 đầu đạn cối 81mm, 30 ống thuốc phóng tên lửa cùng hàng trăm loại đạn lớn nhỏ khác… |
http://danviet.vn/tin-tuc/cua-bom-la-hanh-dong-chi-co-o-viet-nam-668419.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét