Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và trách nhiệm đối với tương lai VN
Mở đầu: Gần đây vấn đề thế nào là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) được bàn đến tương đối nhiều và được dư luận quan tâm. Dân chúng không thể không quan tâm đến vấn đề này vì đây là một định hướng cơ bản xây dựng đất nước của đảng cầm quyền. Nhưng vấn đề tối quan trọng như vậy mà cho đến nay chưa được giải thích rõ, ngay cả giới nghiên cứu trong đảng cũng chưa đưa ra một giải thích đầy đủ.Điều đó nói lên bản chất của vấn đề này: Đảng Cộng sản VN tuy phải tiến hành đổi mới (chuyển sang kinh tế thị trường) nhưng vẫn muốn duy trì chủ nghĩa xã hội, ít nhất là trên nguyên tắc, nên đã đưa ra khái niệm kinh tế thị trường định hướng XHCN để tự xác định là không thay đổi đường lối cơ bản lâu dài, còn đổi mới chỉ là sách lược trong thời quá độ.
Nhưng như vậy lại gây ra mâu thuẫn về lý luận và thực tiễn giữa hai khái niệm kinh tế thị trường và chủ nghĩa xã hội. Thực tiễn ngày càng diễn ra sôi động nên không thể không có giải thích rõ hơn về mặt lý luận. Đó là lý do có sự bàn luận sôi nổi gần đây về khái niệm, về lý luận về nền kinh tế thị trường XHCN. Có thể nói lần đầu tiên vấn đề này được vài người có thẩm quyền trong bộ máy nhà nước công khai bàn luận, giải thích trên mặt báo dù rằng vấn đề kinh tế thị trường định hướng XHCN đã được đưa ra thành chủ trương từ hơn 20 năm nay.1
Đọc những bài viết hoặc những cuộc tọa đàm trên báo gần đây về đề tài trên tôi thấy có hai nhóm ý kiến hoặc hai nhóm chuyên gia: Một là của các vị làm công tác quản lý trực tiếp hoặc gián tiếp trong bộ máy nhà nước, thường xuyên phải tiếp cận với các vấn đề thực tiễn, phải tìm cách giải thích đường lối, nguyên tắc của Đảng Cộng sản Việt Nam (dưới đây sẽ viết tắt là ĐCSVN hoặc Đảng CS) sao cho hợp với thực tiễn. Trong số này đặc biệt có bài viết khá chi tiết của ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại và hiện nay là một trong những chuyên gia tư vấn nòng cốt của thủ tướng.2
Đọc những bài viết hoặc những cuộc tọa đàm trên báo gần đây về đề tài trên tôi thấy có hai nhóm ý kiến hoặc hai nhóm chuyên gia: Một là của các vị làm công tác quản lý trực tiếp hoặc gián tiếp trong bộ máy nhà nước, thường xuyên phải tiếp cận với các vấn đề thực tiễn, phải tìm cách giải thích đường lối, nguyên tắc của Đảng Cộng sản Việt Nam (dưới đây sẽ viết tắt là ĐCSVN hoặc Đảng CS) sao cho hợp với thực tiễn. Trong số này đặc biệt có bài viết khá chi tiết của ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại và hiện nay là một trong những chuyên gia tư vấn nòng cốt của thủ tướng.2
Nhóm thứ hai là những vị có vai trò lãnh đạo trong các cơ quan lý luận, tư tưởng của Đảng CS như Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.3
Các bài viết của các vị lãnh đạo lý luận, tư tưởng ấy rất tiếc chỉ khẳng định lại những chủ trương đã cũ, xa rời với thực tiễn, đặc biệt là chỉ tham khảo, trích dẫn Văn kiện Đại hội Đảng và sách kinh điển của chủ nghĩa Mác Lenin, chứ không đọc những nghiên cứu mới, không xét đến những thay đổi trên thế giới và tại Việt Nam. Tuy nhiên qua các bài viết này, ta đọc được lý do tại sao Đảng CS kiên trì muốn duy trì chủ nghĩa xã hội. Đó cũng là lý do có sự khó hiểu trong khái niệm kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nhưng dù không có sức thuyết phục, những khẳng định của các vị trong nhóm thứ hai này sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến quá trình phát triển trong nhiều năm tới của VN nếu Đại hội Đảng sắp tới vẫn kiên trì với lý luận và tư tưởng hiện nay.4
Nếu như vậy thì con đường phát triển của Việt Nam trong tương lai rất đáng lo. Từ bức xúc đó tôi mạnh dạn nêu ý kiến qua bài viết này.
Bài viết này có 3 phần: Một là, sau khi làm rõ các khái niệm chủ nghĩa xã hội, kinh tế thị trường, và thể chế tư bản chủ nghĩa, ta sẽ bình luận về khái niệm kinh tế thị trường định hướng XHCN (Tiết I). Hai là, ôn lại quá trình phát triển kinh tế VN từ khi khái niệm kinh tế thị trường định hướng XHCN được trở thành chủ trương phát triển đất nước của Đảng CSVN, trong đó sẽ cho thấy khái niệm này đã trở thành căn cứ cho những lãnh đạo có óc bảo thủ lấy lý do “chệch hướng” để cản trở quá trình đổi mới, làm cho kinh tế không phát huy hết tiềm năng, bỏ lỡ nhiều cơ hội (Tiết II). Ba là, chủ trương của bài này là Đảng CS không nên và không cần phải dựa vào chủ nghĩa xã hội để khẳng định quyền độc tôn lãnh đạo hiện nay vì mâu thuẫn với thực tế đang diễn ra, mâu thuẫn với hành động và chính sách của chính họ. Trên thực tế Đảng CSVN đang là đảng duy nhất lãnh đạo hiện nay và còn có thể kéo dài trong một thời gian nữa, do đó phải cho thấy trách nhiệm của đảng cầm quyền đối với tương lai đất nước, một tương lai mà mọi người thức thời đang lo lắng khi thấy những thách thức quá lớn hiện nay (Tiết III).
I. Chủ nghĩa xã hội, kinh tế thị trường và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Làm rõ các khái niệm
Chủ nghĩa xã hội có 3 thuộc tính cơ bản. Một là xoá bỏ tư hữu, thiết lập chế độ sở hữu công đối với tư liệu, phương tiện sản xuất như tư bản, đất đai. Sở hữu công gồm sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể. Từ thuộc tính này, những người theo chủ nghĩa xã hội cho rằng xã hội sẽ không có giai cấp bóc lột, xã hội do giai cấp công nhân làm chủ. Hai là nguồn lực kinh tế được quản lý, phân bổ theo kế hoạch của nhà nước, sản xuất và phân phối thực hiện theo chỉ tiêu pháp lệnh, không theo cơ chế thị trường (bị coi là tự phát, vô tổ chức). Ba là làm theo năng lực và hưởng theo lao động, nhưng thường thì lao động chỉ được đánh giá trên thời gian tham gia lao động (điển hình là trong nông nghiệp) chứ không phải chất lượng lao động, và thu nhập của người dân chủ yếu là từ lao động.
Một đặc điểm nữa gắn với chủ nghĩa xã hội là những nước theo thể chế này đều có chế độ chính trị độc đảng, thường là đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo. Có thể gọi đây là thuộc tính thứ tư của chủ nghĩa xã hội, nhưng ở đây có thể tạm thời tách ra, vì như sẽ nói dưới đây, trong một giai đoạn nhất định, thể chế chính trị độc đảng không hẳn là mâu thuẫn với sự phát triển của xã hội, của kinh tế. Vấn đề là những người lãnh đạo và bộ máy của thể chế có hoạt động vì lợi ích của đất nước hay không.
Lý luận và thực tiễn đã chứng minh là thể chế xã hội chủ nghĩa với 3 thuộc tính nói trên đã làm trì trệ nếu không nói là phá sản các nền kinh tế theo thể chế đó. Và do đó có cải cách, mở cửa tại Trung Quốc từ cuối năm 1978, đổi mới tại Việt Nam từ cuối 1986, và nỗ lực chuyển sang nền kinh tế thị trường tại Liên xô cũ và Đông Âu từ đầu thập niên 1990. Từ đó một trào lưu nghiên cứu vừa lý luận vừa thực tiễn về sự chuyển đổi thể chế từ nền kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường diễn ra rất sôi nổi trên thế giới.5
Nền kinh tế thị trường mà các nước cần chuyển đổi thể chế nhắm đến có những thuộc tính gì? Đó là các thuộc tính trái ngược với chủ nghĩa xã hội. Thứ nhất, sở hữu tư nhân về tư liệu, phương tiện sản xuất là chủ đạo, cụ thể là doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước được tự do hoạt động và cạnh tranh nhau trong sản xuất, kinh doanh, ngày càng trở thành nền tảng của xã hội. Thứ hai, sự phân phối các nguồn lực được quyết định bởi thị trường, điều tiết qua cung cầu và cơ cấu giá cả trên thị trường. Thứ ba, thành quả phát triển được phân phối theo hiệu quả đến tất cả các thành phần tham gia, kể cả lao động, nhà kinh doanh, người sở hữu tư liệu sản xuất và các nguồn lực khác.
Chiến lược chuyển đổi thể chế diễn ra không đồng nhất giữa các nước6 nhưng cái đích là nhằm xây dựng nền kinh tế thị trường với 3 thuộc tính nói trên. Cần nói thêm là nền kinh tế thị trường phát triển qua nhiều giai đoạn, từ thấp đến cao, tương ứng với từng giai đoạn phát triển kinh tế của một nước. Thị trường hàng hoá phát triển sớm được trong khi thị trường vốn, thị trường tiền tệ thường cần thời gian chuẩn bị và đi từ đơn giản đến phức tạp. Vai trò của nhà nước trong việc quản lý thị trường cũng thay đổi theo từng giai đoạn.
Một điểm cần nói thêm nữa là các thuộc tính của nền kinh tế thị trường cũng là đặc tính của nền kinh tế theo chủ nghĩa tư bản, trong đó nổi bật nhất là quyền tư hữu tư liệu sản xuất và tự do cạnh tranh. Cũng như kinh tế thị trường, chủ nghĩa tư bản cũng phát triển theo từng giai đoạn, theo đó vai trò của nhà nước cũng thay đổi theo. Ở giai đoạn khởi đầu, nhà nước can thiệp nhiều vào thị trường, kể cả việc thiết lập một số công ty quốc doanh trong một số ngành trọng điểm (trong nhiều trường hợp sau đó được chuyển thành doanh nghiệp tư nhân). Cần nhấn mạnh rằng trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa dù ở giai đoạn nào vai trò của nhà nước vẫn quan trọng. Chỉ kể vài lãnh vực tiêu biểu như cung cấp dịch vụ công (hạ tầng, y tế, giáo dục, …) , ổn định vĩ mô, duy trì và cải thiện môi trường pháp lý, thực hiện an sinh xã hội, tái phân phối thu nhập, v.v.. đủ thấy sự quan trọng đó. Tuy nhiên, dù ở giai đoạn nào, doanh nghiệp tư nhân vẫn nắm vai trò chủ đạo. Vai trò quan trọng của nhà nước là tạo môi trường, tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân phát triển.7
Bây giờ bàn đến vấn đề nêu trong đầu đề bài viết này. Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội toàn quốc lần thứ XII (dưới đây gọi tắt là Dự thảo Báo cáo XII) của Đảng CSVN (dự kiến tổ chức vào đầu năm 2016) lần đầu tiên đưa ra định nghĩa chính thức về khái niệm “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. (Đảng Cộng sản Việt Nam 2015, người trích dẫn viết chữ nghiêng).
So sánh nền kinh tế thị trường phổ biến tại các nước tư bản chủ nghĩa với nội dung của “Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” ta thấy giống nhau ở những điểm như “nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường”8, “nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của nhà nước”. Còn về những điểm khác nhau, hay nói khác hơn những điểm chỉ có trong định nghĩa của Việt Nam, đó là “đồng thời bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước”, “nền kinh tế thị trường…có sự quản lý của nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng CS VN lãnh đạo”. Mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh thì nước nào cũng hướng đến, không riêng VN.
Nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước thì ở các nước tư bản cũng chủ trương như vậy, nhưng được quản lý bởi “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” thì chỉ có ở Việt Nam. “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” là thuật ngữ xuất hiện thường xuyên khi nói về “nhà nước” ở Việt Nam nhưng không được giải thích rõ. Về lý do tại sao phải “do Đảng CS lãnh đạo” thì Dự thảo Báo cáo XII không đề cập nhưng bài viết của ông Trương Đình Tuyển giải thích là để duy trì sự ổn định của chính sách làm cho dân giàu nước mạnh dân chủ công bằng văn minh. Ông cho rằng ở các nước đa đảng khi thay đổi chính phủ thì chính sách cũng thay đổi nên không ổn định. Giải thích này không có sức thuyết phục, vì nếu đảng cầm quyền có chính sách hợp với lợi ích của đa số người dân thì sẽ tiếp tục được bầu lại.9 Trên thực tế trên thế giới cho đến nay chưa có nước nào theo chế độ độc đảng đã thực hiện được lý tưởng dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
Trong định nghĩa về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN còn một điểm nữa chưa rõ, đó là “bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước”. Mỗi giai đoạn thì định hướng phải khác? Rất tiếc bài viết của ông Tuyển và ý kiến trả lời phỏng vấn của nhiều vị trong chính phủ gần đây, cũng như Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XII không nói rõ điểm này.
Ở đây có thể hiểu là cái đích của định hướng là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” nhưng mỗi giai đoạn có chiến lược khác. Dĩ nhiên ở mỗi giai đoạn phát triển của một nước, chính sách, chiến lược kinh tế phải khác. Nhưng ở đây cần phải hiểu ý nghĩa phù hợp với từng giai đoạn trong văn mạch định hướng XHCN. Tôi thử tìm đọc các văn kiện chính thức và các bài viết (nói ở chú thích số 2) của lãnh đạo lý luận và tư tưởng trong Đảng CSVN. Chẳng hạn trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa XH (bổ sung phát triển năm 2011) của Đảng CSVN thì thấy “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối… Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và mở rộng. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”.10
Dự thảo Báo cáo XII vẫn giữ nội dung của Cương lĩnh này nên có thể hiểu thế này: Mục tiêu của Đảng CS vẫn là xây dựng chủ nghĩa xã hội, một thể chế có thuộc tính cơ bản về quan hệ sản xuất là kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, và mục tiêu là làm cho dân giàu nước mạnh…Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn được gọi là quá độ lên chủ nghĩa xã hội, các hình thái sở hữu khác như tư nhân, vốn nước ngoài,… được cho phép hoạt động, nhưng dần dần phải nhường vị trí chủ đạo cho hình thái sở hữu nhà nước và tập thể. Các bài viết của một số lãnh đạo lý luận và tư tưởng của Đảng CS (giới thiệu trong chú thích 2) cũng khẳng định điều này.
Trong Dự thảo Báo cáo Chính trị XII nhấn mạnh xây dựng nền kinh tế “nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật” nhưng câu này có hai ý mâu thuẫn nhau: Làm sao vừa để kinh tế nhà nước chủ đạo vừa để các chủ thể bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật?
II. Kinh tế thị trường định hướng XHCN và kinh tế VN trong hơn 20 năm qua:
Tuy tên gọi chính thức được dùng từ năm 2001, kinh tế thị trường định hướng XHCN đã được quyết định thành đường lối phát triển đất nước từ năm 1994, nghĩa là đã hơn 20 năm. Vậy trong thời gian gần một thế hệ vừa qua, chiến lược, phương châm này đã chứng tỏ tính ưu việt của mình chưa? Nếu chưa thì tại sao? Và cơ sở nào để tin rằng trong tương lai tính ưu việt đó sẽ được phát huy? Rất tiếc chưa thấy có phân tích khoa học của các nhà lý luận trong Đảng CS về các vấn đề này. Một vài bài viết của các nhà lý luận trong Đảng khẳng định thành quả của đổi mới và cho rằng thành quả đó có được là do sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, là kết quả của chủ trương kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tuy nhiên, theo tôi, khách quan mà nói, thành quả của đổi mới có được là do Đảng đã xa rời chủ nghĩa xã hội, đi về hướng kinh tế tư bản chủ nghĩa,11 theo như các định nghĩa nói ở Tiết I. Nhưng sự xa rời chủ nghĩa xã hội chỉ là tạm thời trên sách lược (trong thời quá độ), không dứt khoát, muốn xoay hướng trở lại theo chủ nghĩa xã hội nên thành quả phát triển không những bị hạn chế mà còn để lại những vấn đề nan giải như sẽ nói ở Tiết III.
Đổi mới đã đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy nghèo và trở thành nước có thu nhập trung bình thấp từ năm 2008. GDP đầu người theo giá trị thực tế đã tăng 3,5 lần trong giai đoạn từ 1986 đến 2011. Cơ cấu kinh tế cũng chuyển dịch một bước quan trọng từ nông sang công nghiệp. Không ai phủ nhận được thành quả của đổi mới. Nhưng so với kinh nghiệm của các nước châu Á và so với tiềm năng của Việt Nam, kể cả những thời cơ rất thuận lợi đã đến với chúng ta, thành quả phát triển của Việt Nam có thể nói là rất khiêm tốn, không tương xứng với điều kiện thuận lợi và tiềm năng. Ngoài ra nền kinh tế hiện nay có những yếu kém như sức cạnh tranh của nền công nghiệp yếu, mục tiêu công nghiệp hoá hiện đại hoá còn rất xa, ngày càng dựa vào FDI và phụ thuộc nhiều vào kinh tế Trung Quốc. Đó là chưa kể những mặt ngoài kinh tế như giáo dục, văn hoá, đạo đức xã hội, tất cả đều xuống cấp trầm trọng.
Nhật Bản trong giai đoạn 1955-73, Đài Loan trong giai đoạn 1962-89, Hàn Quốc trong giai đoạn 1966-88 đều đạt được tốc độ tăng trưởng rất cao (trung bình trên dưới 10%) trong thời gian dài. Họ có một số những đặc điểm chung. Thứ nhất, vì là những nước đi sau trong quá trình công nghiệp hoá, nên tận dụng được lợi thế của nước đi sau trong việc du nhập công nghệ, tư bản từ các nước tiên tiến. Thứ hai, giai đoạn phát triển ấy trùng hợp giai đoạn có cơ cấu dân số vàng (tỉ lệ của người trong độ tuổi lao động trong tổng dân số tiếp tục tăng), thuận lợi cho phát triển. Thứ ba, nhà nước quan tâm không ngừng đầu tư cho giáo dục, công nghệ, nhờ đó phát huy được hiệu quả của 2 đặc điểm đầu tiên.
Thứ tư, kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa được xây dựng và hoàn thiện, ở giai đoạn đầu có tồn tại nhiều doanh nghiệp quốc doanh nhưng doanh nghiệp dân doanh giữ vai trò chủ đạo. Ngày nay những công ty của Nhật nổi tiếng thế giới như Toyota, Sony, Honda, Hitachi, Shiseido, v.v.. hoặc của Hàn Quốc như Sam Sung, Hyundai, v.v.. đều là công ty tư nhân. Thứ năm, vào thời điểm chuẩn bị bước vào giai đoạn phát triển cao, các nước đều có những người lãnh đạo thức thời, có hoài bão đưa đất nước lên hàng quốc gia thượng đẳng, và có một đội ngũ quan chức năng lực, đầy tinh thần trách nhiệm. Đây là tiền đề để đưa ra các chiến lược, chính sách đúng đắn và thực thi có hiệu quả.
Trong 5 yếu tố nói trên, hai yếu tố đầu tiên là khách quan và trong thời gian hơn 20 năm qua, Việt Nam ít nhất cũng có 2 yếu tố ấy. Nhưng dù có 2 yếu tố thuận lợi đó, suốt từ khi có đổi mới tới nay chưa có năm nào Việt Nam phát triển đến 10%, phát triển 8-9% cũng chỉ có tất cả 9 năm (1992-97 và 2005-07). Nền công nghiệp thì cạnh tranh quốc tế yếu, phụ thuộc nhiều vào FDI, phụ thuộc vào Trung Quốc, công nghiệp hỗ trợ không phát triển, v.v.. Cần nói thêm ở đây nữa là trong thời gian Việt Nam tiến hành đổi mới, công nghiệp hoá tại châu Á, đặc biệt tại Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc, tiến rất nhanh.12 Việt Nam đã bỏ mất nhiều thời cơ trong giai đoạn đó.
Ngoài ra, Việt Nam phát triển vừa không cao vừa kém hiệu suất13 và kéo theo sự phân tầng xã hội đáng lo ngại. Sự phân hoá giàu nghèo ở Việt Nam trầm trọng ở chỗ tầng lớp giàu với tài sản và lối sống ở mức độ vượt quá tưởng tượng tại một nước có thu nhập đầu người chỉ độ 2.000 USD (xếp thứ 131 trên thế giới vào năm 2013!) và sự giàu có đó phát sinh không phải do nỗ lực kinh doanh, khám phá thị trường hay công nghệ mà do tham nhũng, do quan hệ với người có quyền.
Nguyên nhân của tình trạng nói trên là gì? Cần một nghiên cứu sâu, hoàn chỉnh mới giải thích hết tình trạng nói trên. Ở đây tôi chỉ bàn về nguyên nhân tại sao kinh tế không phát triển hết tiềm năng, nhìn từ 5 yếu tố làm cho các nước Đông Á thành công. Như đã nói, trong 5 yếu tố thuận lợi cho phát triển thì Việt Nam đã có hai. Hai yếu tố cuối cùng có tính cách quyết định thì Việt Nam bị vướng vào đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Khi quyết định đổi mới, dù biết là phải bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, bỏ cơ chế quản lý theo chỉ tiêu, pháp lệnh, cho phép tư bản tư nhân kể cả tư bản nước ngoài sản xuất kinh doanh nhưng Đảng CSVN vẫn tránh dùng cụm từ “kinh tế thị trường” mà gọi là nền “kinh tế hàng hoá”. Như đã nói, đến năm 1994, Đảng CS mới chính thức dùng khái niệm “cơ chế thị trường” (“kinh tế thị trường” từ năm 2001) nhưng thêm vào thuộc tính “định hướng XHCN”. Dù hệ thống chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên xô sụp đổ trong các năm 1989-91, VN vẫn chủ trương duy trì chủ nghĩa xã hội.
Mặt khác, dù bắt đầu đổi mới, kinh tế vĩ mô tiếp tục bất ổn trong thời gian sau đó, kéo dài đến đầu thập niên 1990. Về sản xuất, nông nghiệp gia tăng nhanh sau Khoán 10 (1988) nhưng công nghiệp chưa phát triển dù đã có Luật đầu tư nước ngoài (1987) và Luật doanh nghiệp (1990). Bước chuyển mới bắt đầu từ giữa năm 1992 khi vĩ mô được ổn định và quan hệ với các nước tư bản tiên tiến bắt đầu hồi phục, viện trợ của Nhật được nối lại, năm sau đó thì Ngân hàng thế giới và các tổ chức quốc tế khác cũng tích cực hỗ trợ cho VN. Với bối cảnh đó, đầu tư nước ngoài tăng mạnh và doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng bắt đầu hình thành. Nhưng sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa làm cho những người bảo thủ trong Đảng Cộng sản VN lo ngại, sợ mất chủ nghĩa xã hội. Trong Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII (1/1994) Đảng CS đã cảnh báo và đặc biệt lo lắng về nguy cơ chệch hướng XHCN, coi đây là nguy cơ lớn nhất trong bốn nguy cơ. Ngược lại những lãnh đạo có óc thức thời, cải cách, như Thủ tướng Võ Văn Kiệt (đương thời) thì cho rằng nguy cơ tụt hậu mới đáng lo. Tuy nhiên nhìn chung thì phái bảo thủ thắng thế nên Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều cơ hội từ năm 1993.
Thái độ không dứt khoát chuyển sang kinh tế thị trường đã làm quá trình cải cách diễn ra quá chậm, ảnh hưởng nhiều đến sự hình thành và phát triển của khu vực dân doanh là chủ thể năng động nhất tại các nước phát triển nhanh. Chẳng hạn chính sách đổi mới quyết định năm 1986 chủ trương đa dạng hoá chế độ sở hữu tư liệu sản xuất nhưng đến năm 1990 mới có Luật doanh nghiệp trong đó thừa nhận sự tồn tại của doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên đó chỉ mới thừa nhận, phải đợi đến năm 1999 mới có Luật doanh nghiệp mới, cho phép doanh nghiệp tư nhân đầu tư trong mọi lãnh vực mà luật không cấm. Nhưng sau đó, do phương châm quốc doanh chủ đạo, hoạt động của doanh nghiệp tư nhân cho đến hiện nay vẫn gặp khó khăn.
Nói cụ thể hơn, doanh nghiệp tư nhân, khu vực năng động trong cách tân công nghệ tại các nước theo kinh tế thị trường, không có điều kiện phát triển lành mạnh vì phí tổn hành chánh cao, vì không được bình đẳng với doanh nghiệp nhà nước (SOEs) trong việc tiếp cận vốn, đất đai và thông tin. Quan trọng hơn, với viễn ảnh của đường lối định hướng XHCN, doanh nghiệp dân doanh không có động cơ đầu tư lớn và dài hạn vì sợ sẽ trở thành đối tượng bị xử lý trong tương lai.14 Thái độ coi thường hoặc cảnh giác với doanh nghiệp tư nhân còn phản ảnh trong tranh luận về vấn đề đảng viên có được làm kinh tế tư nhân có thuê lao động hay không, xem như kinh tế tư nhân là thành phần bóc lột lao động, đi ngược lại lý tưởng của đảng viên cộng sản.15
Chủ trương nền kinh tế thị trường định hướng XHCN cũng đã ảnh hưởng đến khu vực kinh tế quốc doanh. Phương châm kinh tế nhà nước chủ đạo tiếp tục ưu đãi SOEs, làm chậm những cải cách cần thiết để chuyển nhiều SOEs sang hình thái sở hữu khác có hiệu quả hơn hoặc làm cho hoạt động của những SOEs còn lại có hiệu quả hơn.
Ngoài ra, từ thập niên 1990 đến giữa thập niên 2000, chính sách FDI nói chung là nhằm hạn chế hoạt động của doanh nghiệp có vốn nước ngoài và luôn thay đổi nên đã đánh mất nhiều cơ hội đẩy mạnh công nghiệp hoá.16
Chính thái độ không dứt khoát trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường phản ảnh trên những điểm vừa nói đã làm mất nhiều thì giờ trong việc xây dựng hành lang pháp lý và làm cho môi trường đầu tư luôn mất ổn định. Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư nước ngoài thay đổi thường xuyên, 4-5 năm lại thay đổi luật mới và giữa các giai đoạn đó lại có nhiều sửa đổi các điều khoản.
Chủ trương định hướng XHCN và lo sợ chệch hướng kéo dài suốt từ đầu thập niên 1990 đến nay. Những năm cuối đời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt vẫn còn băn khoăn về nguy cơ tụt hậu trước tình trạng chung trong Đảng CS là sợ chệch hướng. Vào năm 2005, trong bản Đóng góp ý kiến vào Báo cáo tổng kết lý luận và thực tiễn hai mươi năm đổi mới, ông viết: “Bây giờ chúng ta không thể chỉ đặt ra vấn đề của VN như chuyện trong nhà, mà là chuyện ganh đua với thế giới để tồn tại và phát triển… Thách đố trước mắt là phải phát triển nhanh và bền vững, hội nhập trong độc lập, đi tiếp trong nhịp chung của thế giới, làm sao không vấp ngã, không tụt hậu. (…) Cần phải trân trọng những cái mới, phải khuyến khích những tìm tòi, những hướng đi mới, không nên khư khư giữ nếp cũ hoặc thoả mãn với những gì làm được. Nếu chỉ sợ chệch hướng theo một đánh giá nào đó thì thực tế cầm chắc sẽ là tụt hậu. Chẳng lẽ phải đuổi kịp với thiên hạ là chệch hướng, để đất nước tụt hậu ngày càng xa là đúng hướng”.
Cùng là hai quốc gia có cùng thể chế chính trị nhưng VN rất khác Trung Quốc. Việt Nam bị giáo điều của ý thức hệ xã hội chủ nghĩa chi phối, còn Trung Quốc thì trên nguyên tắc họ cũng có chủ trương xây dựng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa hay kinh tế thị trường mang mầu sắc Trung Quốc, nhưng trên thực tế họ theo chủ nghĩa phát triển.
Chủ nghĩa phát triển (developmentalism) nguyên nghĩa là sự can thiệp mạnh mẽ của nhà nước vào thể chế thị trường để động viên các nguồn lực vào mục tiêu đẩy mạnh phát triển và với thành quả đó khẳng định sự chính thống của người đang lãnh đạo đất nước. Ba yếu tố cốt lõi của chủ nghĩa phát triển thường thấy ở nhiều nước thành công ở châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore là độc tài nhưng yêu nước, kinh tế thị trường và tinh thần dân tộc.17 Áp dụng khái niệm này vào trường hợp một nước theo thể chế xã hội chủ nghĩa chuyển sang kinh tế thị trường, đó là sự mạnh dạn tạo điều kiện cho kinh tế thị trường phát triển, cho doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh. Điểm mấu chốt của chủ nghĩa phát triển ứng dụng cho trường hợp này là không để ý thức hệ (chủ nghiã xã hội) níu kéo khả năng phát triển.
Có thể nói lãnh đạo của Trung Quốc đã dứt khoát theo chủ nghĩa phát triển. Tuy đề ra chủ trương xây dựng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa nhưng trên thực tế hầu như họ gác lại một bên lý tưởng đó mà tập trung phát triển lực lượng sản xuất. Cụ thể là cho kinh tế tư nhân tự do phát triển và tạo điều kiện thuận lợi cho nước ngoài đến đầu tư trục tiếp (FDI). Trong thập niên 1980, phe bảo thủ còn mạnh nhưng phe cải cách đã theo phương châm “Thực tiễn là thước đo chân lý” lấy thành quả cải cách bước đầu thuyết phục được những người bảo thủ và tiếp tục cải cách. Khi thấy khu vực phi quốc doanh phát triển mạnh, và thành hình một giới lãnh đạo doanh nghiệp mới, thay vì kìm hãm họ để bảo vệ lý tưởng vì giai cấp công nông, Trung Quốc đã đưa ra thuyết Ba đại diện (năm 2002) để tu chỉnh lý tưởng, mục tiêu của Đảng cộng sản.
Khác với Trung Quốc, Việt Nam không theo chủ nghĩa phát triển mà thường để ý thức hệ chính trị chi phối quá trình cải cách, điển hình là trong tranh luận vào giữa thập niên 1990 về 4 nguy cơ mà Việt Nam đang trực diện, giới bảo thủ đã thắng thế với chủ trương nguy cơ “chệch hướng chủ nghĩa xã hội” đáng lo hơn là “nguy cơ tụt hậu”.
III. Trách nhiệm đối với tương lai đất nước:
1. Việt Nam đang đối diện những thách thức gì?
Những người thức thời thật sự lo cho tương lai đất nước không ai không lo lắng cho hiện trạng xã hội, văn hoá, giáo dục, đạo đức ở Việt Nam. Ở đây tôi chỉ nói về một số thách thức về mặt kinh tế.18
Thứ nhất là nguy cơ chưa giàu đã già. Một vấn đề ít được nhận diện, vì tiến hành âm thầm, chậm rãi, là sự thay đổi của cơ cấu dân số theo hướng lão hoá. Vấn đề này diễn ra chậm chạp nhưng khắc nghiệt vì khi đã thành hiện thực thì khó có thể đối phó được nữa. Trước giai đoạn lão hoá là thời đại dân số vàng. Giai đoạn này nếu không có chiến lược, chính sách phát triển nhanh để đất nước giàu lên trước khi cơ cấu dân số thay đổi thì chắc chắn sẽ trực diện với bi kịch chưa giàu đã già. Việt Nam đang đứng trước thách thức này. Theo nhiều phân tích về cơ cấu dân số, giai đoạn có cấu dân số vàng của Việt Nam kéo dài từ năm 1970 đến năm 2020 (hoặc 2025). Khi chấm dứt cơ cấu dân số vàng thu nhập đầu người của Nhật Bản (năm 1992) là 30.000 USD (tính theo giá năm 2005), của Hàn Quốc (năm 2010) là 20.000 USD. Còn thu nhập đầu người của VN vào năm 2025 là bao nhiêu? GDP đầu người hiện nay của VN độ 2000 USD, nếu tính theo giá năm 2005 thì khoảng 1000 USD. Nếu từ nay đến năm 2025 dù mỗi năm kinh tế phát triển 8% thì năm 2025 thu nhập đầu người (theo giá năm 2005) chỉ độ 2.000 USD hoặc 3.000 (tùy theo tỉ giá), chỉ bằng 1/10 của Hàn Quốc hay Nhật Bản ở thời điểm tương ứng.19 Lãnh đạo của VN phải thấy hết nguy cơ này. Nếu sa vào bẫy thu nhập trung bình thấp như sẽ nói ở phần sau thì thu nhập đầu người sẽ nhỏ hơn rất nhiều.
Thứ hai là đầu tư nước ngoài (FDI) có thể dẫn đến nguy cơ phân hoá nền kinh tế. Kinh tế Việt Nam đang tùy thuộc nhiều vào FDI, không phải chỉ xét trên các chỉ tiêu như tỉ lệ sản xuất công nghiệp (FDI chiếm 50% năm 2014) hay xuất khẩu (70% năm 2014) mà còn trên cơ cấu sở hữu của doanh nghiệp có vốn nước ngoài (phần lớn là 100% vốn ngoại) và sự gắn kết rất yếu giữa FDI với doanh nghiệp trong nước. Lý do chính gây ra hiện tượng này là doanh nghiệp trong nước quá yếu, khó có thể trở thành đối tác để doanh nghiệp nước ngoài lập liên doanh và không có khả năng cung cấp những linh kiện, những mặt hàng trung gian cho doanh nghiệp FDI. Một lý do khác là do nhà nước Việt Nam không có chính sách chọn lựa FDI phù hợp với hướng phát triển lâu dài cần có của đất nước. Nếu tình trạng này không thay đổi, nền kinh tế Việt Nam sẽ bị phân hoá thành hai khu vực riêng biệt. Khu vực FDI và khu vực của doanh nghiệp bản xứ không kết hợp thành một thể thống nhất của nền kinh tế quốc dân. Công nghệ và tri thức kinh doanh của FDI không lan toả đến cả nền kinh tế. Đây là một trong những thách thức lớn của kinh tế Việt Nam hiện nay.20
Thứ ba là thách thức trước bẫy thu nhập trung bình thấp. Thu nhập đầu người của Việt Nam đã vượt ngưỡng 1.000 USD vào năm 2008 (và hiện nay khoảng 2.000 USD), trở thành nước có thu nhập trung bình theo tiêu chuẩn của Ngân hàng thế giới. Thật ra, theo định nghĩa, mức thu nhập trung bình có phạm vi rất rộng, khoảng từ 1.000 đến 12.000 USD, nhưng các nhà nghiên cứu khi bàn về bẫy thu nhập trung bình chỉ khảo sát những nước có mức thu nhập 5.000 USD hoặc cao hơn. Nói cách khác, nếu các nước có thu nhập trung bình được chia thành hai tiểu nhóm thì vấn đề bẫy thu nhập trung bình cho đến nay chỉ liên quan đến các nước thu nhập trung bình cao. Trường hợp các nước thuộc tiểu nhóm trung bình thấp như Việt Nam thì thế nào?
Tôi đã phân tích 2 loại bẫy thu nhập trung bình và kết luận như sau: Trong khi vấn đề của các nước có thu nhập trung bình cao như Malaysia và Thái Lan là đẩy mạnh chính sách cách tân công nghệ và đào tạo nhân tài để duy trì cạnh tranh quốc tế để tránh bẫy thu nhập trung bình, còn đối với những nước ở mức thu nhập trung bình thấp như Việt Nam, lao động dư thừa còn nhiều, dư địa để dùng vốn đầu tư còn lớn nên vấn đề cốt lõi ở đây là làm sao để cho thị trường các yếu tố sản xuất như lao động, vốn và đất đai phát triển lành mạnh, qua đó các yếu tố này sẽ được sử dụng có hiệu suất, giúp cho nền kinh tế tiếp tục phát triển đến mức thu nhập trung bình cao. Khi các thị trường này không phát triển lành mạnh, vì bị các nhóm lợi ích chi phối, bị nạn tham nhũng hoành hành thì kinh tế trì trệ và đất nước có thể rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp.21
Từ góc độ này ta thấy rất lo cho tình hình Việt Nam hiện nay. Nếu không cải cách mạnh mẽ, đặc biệt là nếu không giải quyết triệt để nạn tham nhũng đã đến mức trầm trọng nhất ở Đông Nam Á, có thể Việt Nam sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp.22
2. Hình ảnh Việt Nam trên vũ đài thế giới sẽ ra sao?
Ngoài 3 thách thức đã nói, còn hai vấn đề liên quan đến hình ảnh của Việt Nam trên vũ đài thế giới.
Thứ nhất là vấn đề xuất khẩu lao động và hình ảnh của Việt Nam trên thế giới. Lao động xuất khẩu phản ảnh trình độ, vị trí và uy tín của một nước trên vũ đài quốc tế. Một nước xuất khẩu nhiều lao động giản đơn hầu hết, nếu không nói là tất cả, là những nước nghèo, và do đó hình ảnh của những nước này không mấy sáng sủa. Tại Việt Nam, không kể thời kỳ quan hệ mật thiết với các nước Đông Âu, xuất khẩu lao động tăng nhanh từ cuối thập niên 1990 và chủ yếu sang các nước Đông Á. Từ năm 2001, bình quân mỗi năm có 7 vạn, gần đây là 9 vạn, lao động được đưa đi ra nước ngoài. Báo chí đã phản ảnh tình trạng khó khăn, nhiều trường hợp rất bi thảm, của người lao động đang làm việc ở nước ngoài.
Do tích cực đầu tư sang Việt Nam, hiện nay (cuối năm 2014) số người Hàn Quốc sinh sống tại nước ta lên tới hơn 15 vạn. Ngược lại, tại Hàn Quốc hiện nay (cuối năm 2012) có hơn 12 vạn người VN đang sinh sống, trong đó gần 26.000 người cư ngụ bất hợp pháp. Ngoài vài ngàn người là sinh viên du học, hầu hết người Việt tại Hàn Quốc là lao động giản đơn hoặc phụ nữ kết hôn với người bản xứ mà theo nhiều nguồn tin trong đó một số không nhỏ đi làm dâu xa vì lý do kinh tế. Như vậy có sự tương phản trong quan hệ Việt Hàn: người Hàn Quốc đến Việt Nam là để làm chủ trong khi người Việt Nam đến Hàn Quốc là để làm thuê. Người Hàn Quốc làm chủ người Việt Nam vừa ở nước họ vừa ở ngay nước ta. Người Việt làm thuê cả ở xứ mình và xứ ngưới. Trách nhiệm của lãnh đạo chính trị là sớm chấm dứt một tình trạng liên quan đến thể diện quốc gia này.
Thứ hai là vị trí của Việt Nam trên vũ đài thế giới. Làm sao để đưa Việt Nam lên thành một quốc gia quan trọng trên bản đồ kinh tế và chính trị thế giới? Hiện nay về dân số, Việt Nam xếp thứ 14 trên thế giới. Về trình độ phát triển, phải xét nhiều tiêu chí. Tiêu chí tổng hợp nhất là thu nhập đầu người. Tiêu chí này cũng còn nhiều hạn chế nhưng nhìn chung cũng phản ảnh được trình độ phát triển của một nước. Vào năm 2013, thu nhập (GDP) đầu người của Việt Nam là 1.911 USD, xếp thứ 131 trong gần 200 nước lớn nhỏ trên thế giới. Vì dân số tương đối đông nên vị trí của GDP (năm 2013 là 171 tỉ USD) cao hơn nhưng cũng chỉ ở hạng 57. Tại vùng Đông Á hiện nay, GDP đầu người của Việt Nam chỉ cao hơn Cambodia, Lào và Myanmar. Nếu muốn GDP cũng ở vị trí khoảng thứ 14 như quy mô dân số thì Việt Nam cần độ 900 tỉ USD (GDP đầu người khoảng 10.000 USD). Đưa ra một dự phóng tương lai với cái mốc GDP 1000 tỉ và GDP đầu người 10.000 USD vào thời điểm dân số tăng lên 100 triệu và kèm theo những chiến lược cần thiết để thực hiện sẽ gây ra một sự tin tưởng và cảm khái lành mạnh trong dân chúng.
Nhìn lại thời gian từ khi đất nước thống nhất đến nay ta thấy đã 40 năm. Nếu so với tình trạng thiếu ăn trong khoảng 10 năm đầu và còn tới 70% dân số thuộc hộ nghèo vào cuối thập niên 1980 thì tình hình hiện nay đã cải thiện vượt bậc. Nhưng để có được sự cải thiện đó Việt Nam đã mất quá nhiều thời gian, và như ta đã thấy vị trí hiện nay trên vũ đài thế giới còn rất thấp. Hàn Quốc lúc chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (1953) là một trong những nước nghèo nhất thế giới, nhiều người dân phải gọt vỏ thông luộc ăn cho đỡ đói. Nhưng chỉ 43 năm sau họ phát triển thành nước thu nhập cao và trở thành thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thường được gọi là câu lạc bộ của các nước giàu. Vị thế của họ sau đó cũng tăng nhanh như ta đã thấy.
Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác đã làm được những kỳ tích trong phát triển, biến đất nước thành quốc gia thượng đẳng, đưa lại vinh dự, tự hào cho dân tộc. Chẳng lẽ Việt Nam cam chịu là một đất nước đông dân nhưng chỉ phát triển với tốc độ trung bình như hiện nay? Gần đây những dự báo về kinh tế ASEAN của Ngân hàng phát triển Á châu (ADB) hay của Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho rằng Việt Nam sẽ phát triển ở tốc độ cao hơn nhiều nước trong khối (chỉ vì là nước đi sau nên dễ phát triển với tốc độ cao hơn). Nhưng vì trình độ phát triển hiện nay quá thấp nên vị trí của VN trong tương lai không thay đổi bao nhiêu. Theo ADB, từ nay đến năm 2030, Việt Nam phát triển trung bình 7,2%, và GDP vào năm 2030 là 416 tỉ USD, chỉ bằng 40% của Thái Lan, 17% của Indonesia và nhỏ hơn Malaysia và Philippines. Dự báo này dựa trên tiền đề không có những cải cách lớn về thể chế. Như vậy ta đã thấy để cải thiện hình ảnh, vị trí của VN trên thế giới thì Việt Nam hiện nay phải phát triển nhanh hơn (dĩ nhiên phải đi đôi với bền vững, phải hài hoà với thiên nhiên và xã hội) và để được như vậy phải có những thay đổi lớn về tư duy, về thể chế.
3. Kinh tế thị trường định hướng XHCN giải quyết như thế nào trước những thách thức hiện nay và thay đổi được hình ảnh, vị trí của VN trên thế giới?
Lãnh đạo Đảng CS, nhất là các vị phụ trách lý luận và đường lối phát triển, cần phân tích và đưa ra các chính sách cụ thể để đối phó với ba thách thức và hai vấn đề thuộc thể diện quốc gia nói trên. Như đã nói, những bài viết của các vị phụ trách lý luận hầu hết khẳng định con đường phát triển phải là chủ nghĩa xã hội mà không chứng minh con đường đó sẽ giải quyết được những vấn đề mà toàn dân đang bức xúc hiện nay. Nhiều bài viết này còn cho rằng chủ nghĩa tư bản bản chất là bóc lột lao động và sẽ cáo chung như dự báo của Mác hồi giữa thế kỷ 19, và quên rằng mình đang tiếp tục nhận viện trợ từ những nước tư bản, gửi con em sang du học tại những nước đó, và trong số du học sinh ấy có rất nhiều người muốn định cư lâu dài ở những nước theo chế độ mà các vị phê phán. Có thể kể ra nhiều mâu thuẫn khác nữa trong nhận định của những nhà lý luận trong Đảng CS. Chẳng hạn phê phán chủ nghĩa tư bản nhưng lại tìm cách kêu gọi giới tư bản đến đầu tư và hiện nay trong công tác bồi dưỡng cán bộ nguồn, Đảng CS thường gửi các đoàn đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các nước tư bản tiên tiến.23
Đời sống công nhân, lao động ở VN như thế nào đã được phản ảnh nhiều trên mặt báo. Đó cũng là hiện tượng mâu thuẫn với cương lĩnh của đảng đại diện cho giai cấp công nhân. Ở các nước tư bản, đời sống của giới lao động đã khác xa so với thời Marx viết Tư bản luận. Vào năm 1870 (cùng thời với sự ra đời của bộ Tư bản luận ), tại Mỹ người lao động mỗi tuần phải làm việc trung bình 61 tiếng trong điều kiện khắc nghiệt và thời đó dĩ nhiên không có chế độ nghỉ hưu khi về già. Bây giờ số giờ làm việc của người lao động là 33 giờ/tuần trong điều kiện hoàn toàn khác và trung bình họ được nghỉ ngơi ít nhất 10 năm trong tuổi xế chiều. Trung bình một công nhân Mỹ vào năm 1958 cần làm 333 giờ mới mua được một cái tủ lạnh. Đến năm 2012 người công nhân ấy chỉ cần làm độ 60 giờ là có thể mua được cái tủ lạnh tốt hơn.24 Nhiều sự kiện tương tự có thể thấy ở các nước tư bản khác. Gần đây ở Nhật có một hiện tượng rất thú vị là những công ty lo cho cuộc sống của công nhân viên qua việc tăng tiền lương và cải thiện chế độ phúc lợi thì giá chứng khoán có khuynh hướng tăng (theo báo Nikkei 13/3/2015). Trước đây, vào năm 2007, những doanh nghiệp tuyên bố sẽ tăng tiền lương khởi đầu cho công nhân viên thì lập tức giá chứng khoán tăng (Nikkei 20/4/2007). Điều đó cho thấy doanh nghiệp nào lo cho đời sống của công nhân thì được đánh giá vì tin rằng những công ty ấy sẽ thu hút được nhiều lao động chất lượng tốt và với nguồn nhân lực ngày càng được chú trọng đó chắc chắn sẽ phát triển. Các công ty phải cạnh tranh với nhau trong việc thu hút nguồn lao động chất lượng và kết quả là đời sống người lao động được cải thiện.
Ở đây không có điều kiện bàn sâu hơn vấn đề này. Tôi chỉ tóm lược thêm vài điểm. Thứ nhất, tại các nước tư bản chủ nghĩa ngày nay, đã có sự phân ly giữa tư bản và kinh doanh, mà cả hai thành phần đã đại chúng hoá ở mức cao. Thông qua thị trường chứng khoán, mọi người dân đều trở thành chủ sở hữu công ty. Dĩ nhiên trên thực tế không phải ai cũng có khả năng mua nhiều chứng khoán của các công ty nhưng khác với thời thế kỷ 19 hay đầu thế kỷ 20, ngày nay ít có trường hợp một thiểu số cá nhân có thể thâu tóm, sở hữu và khống chế hoạt động của các công ty lớn. Còn giới lãnh đạo kinh doanh thì bất cứ ai có tài đều có thể ở vào các vị trí đó. Một công nhân có trình độ học vấn và có năng lực quản lý có thể trở thành tổng giám đốc hoặc thành viên trong ban giám đốc của các công ty, kể cả các công ty lớn. Hoặc nếu họ không có khả năng vì trình độ học vấn có giới hạn thì con em của họ có thể thay đổi vị trí xã hội của gia đình một cách dễ dàng.
Thứ hai, kinh tế thị trường hay chủ nghĩa tư bản dĩ nhiên không hoàn hảo, còn có nhiều mặt tiêu cực, đặc biệt là sự phân hoá giàu nghèo đang là vấn đề nổi cộm, nhưng xã hội luôn nêu ra các vấn nạn và tìm các giải pháp khắc phục. Vai trò của các học giả, các nhà nghiên cứu rất quan trọng trong việc khắc phục những hạn chế của kinh tế thị trường, của chủ nghĩa tư bản. Nhưng cho đến nay không có ai chủ trương phải chuyển sang chủ nghĩa xã hội (với nội dung như đã định nghĩa ở Tiết I) để giải quyết các mặt tiêu cực của kinh tế thị trường. Nếu có tham khảo chủ nghĩa xã hội thì cũng chỉ nhấn mạnh lý tưởng ban đầu là quan tâm hơn đến mặt công bằng xã hội. Ngay cả giáo sư Thomas Piketty (2014), tác giả cuốn sách đang được cả thế giới chú ý Tư bản trong thế kỷ 21, tuy chứng minh là chủ nghĩa tư bản có khuynh hướng ngày càng mở rộng sự phân hoá giàu nghèo nhưng cách giải quyết ông đề xuất vẫn nằm trong khuôn khổ của kinh tế thị trường, của chủ nghĩa tư bản (đánh thuế lũy tiến trên những người nhiều tư sản). Tuy chủ đề của cuốn sách gợi người ta liên tưởng đến bộ sách của Marx nhưng tác giả không chủ trương phải theo chủ nghĩa xã hội để giải quyết vấn đề.
Những nhà lý luận kinh điển của kinh tế thị trường như A. Smith và A. Marshall đều nhấn mạnh mặt đạo đức, mặt nhân văn cần có của kinh tế thị trường. Họ cho rằng mỗi cá nhân qua hoạt động kinh tế của mình phải đem lại ân huệ, lợi ích cho nhiều người; đạo đức của thị trường đòi hỏi phải có tính vị tha, lòng khoan dung, và tinh thần vì cộng đồng. Thị trường có chất lượng cao là nơi có nhiều người có năng lực làm ra của cải nhưng đồng thời có tấm lòng vị tha. Đó là điều kiện để có hiệu suất và công bằng trong kinh tế thị trường. Việt Nam hiện nay tuy chủ trương theo định hướng XHCN nhưng sự phân hoá giàu nghèo còn lớn hơn nhiều nước tư bản. Thu nhập bình quân đầu người mới chỉ 2.000 USD nhưng phong cách ăn tiêu của người giàu ở VN cao hơn nhiều so với người giàu ở Nhật Bản. Vấn đề đạo đức trong kinh tế thị trường ở VN cũng kém hơn nhiều so với các nước tư bản tiên tiến.25
4. Đảng Cộng sản và tương lai đất nước Việt Nam:
Do lịch sử để lại, Đảng CS hiện nay là chính đảng duy nhất lãnh đạo Việt Nam. Trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng CS đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Thời đó ngọn cờ chủ nghĩa xã hội chỉ có tác dụng như là một lý tưởng hứa hẹn cho tương lai, một xã hội chưa có nhưng nhiều người tin rằng đó là mục tiêu cần hướng đến, và Đảng CS đã dùng lý tưởng đó để động viên nông dân, công nhân và trí thức tham gia vào cuộc kháng chiến, chứ chưa cho thấy tính ưu việt của chủ nghĩa đó trong việc xây dựng đất nước. Sang thời bình, chủ nghĩa xã hội đã bộc lộ những khuyết điểm và VN phải thực hiện đổi mới. Chủ nghĩa xã hội cũng thất bại trên bình diện thế giới, và như đã nói ở Tiết I, cả khối xã hội chủ nghĩa đã hoặc đang chuyển sang kinh tế thị trường.
Đảng CS VN tuy ra đời với lý tưởng xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng, ngày nay thực tiễn đã cho thấy chủ nghĩa xã hội đã thất bại trong việc xây dựng đất nước nên Đảng CS không thể và không cần dựa vào ý thức hệ này để chính thống hoá vai trò lãnh đạo của mình. Ngược lại nếu Đảng CS từ bỏ ý thức hệ đã lỗi thời, tiếp thu những tiến bộ của thời đại, từ đó cùng với trí thức trong và ngoài đảng đưa ra được ý tưởng mới, tư duy mới, chiến lược mới cho con đường phát triển của đất nước, thì sẽ được dân tin tưởng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng CS và tin tưởng về tương lai của VN.
Như vậy, không cần phải dựa vào lý tưởng xã hội chủ nghĩa để khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng CS. Ngược lại nếu Đảng CS cứ tiếp tục chủ trương định hướng XHCN mà thực chất là muốn quay trở lại chủ nghĩa xã hội như ta đã thấy qua các bài viết của nhiều vị lãnh đạo lý luận và tư tưởng thì nhiều mâu thuẫn tiếp tục tồn tại, gây lãng phí thì giờ và các nguồn lực khác, chí ít là ở các mặt cụ thể như sau.
Thứ nhất, một mặt nhiều nhà lý luận và lãnh đạo tư tưởng trong Đảng CS khẳng định chủ nghĩa xã hội một cách duy ý chí và không chứng minh một cách có sức thuyết phục tại sao VN phải định hướng XHCN, mặt khác những cán bộ phụ trách lãnh đạo, quản lý và điều hành thực tế thì phải vất vả đi tìm phương cách giải thích đường lối sao cho tương thích với thực tiễn. Ông Trần Đức Nguyên, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng và là người từng làm trợ lý cho nhiều lãnh đạo cao nhất, từng tham gia vào việc soạn thảo nhiều văn kiện về đổi mới kinh tế của Đảng, đã từng nói: “Những người soạn thảo chiến lược (1991-2000) hiểu rằng việc xác định một cách khoa học thế nào là chủ nghĩa xã hội và thế nào là định hướng XHCN không đơn giản” (Trần Đức Nguyên 2008, tr. 93). Gần đây, theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN: “Trong 25 năm qua, cứ mỗi năm lại có một hoặc nhiều chương trình nghiên cứu nhà nước. Trong những chương trình ấy thường có một vài đề tài trả lời câu hỏi thế nào là kinh tế thị trường XHCN. ...Đến đợt này cũng phải trả lời tiếp. … Như thế là chúng ta đã rất cố gắng để đi tìm một định nghĩa làm chúng ta thấy tin tưởng và hài lòng. Nhưng thực tế là đến bây giờ chúng ta vẫn chưa rõ, vẫn cứ phải đi tìm câu trả lời” (Vietnamnet 1/4/2015, tôi nhấn mạnh). Trong buổi nói chuyện tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cuối năm 2013, trả lời câu hỏi thế nào là thể chế kinh tế thị trường XHCN, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có thứ đó mà tìm”. Qua các nhận xét này ta có thể tưởng tượng xã hội đã phải chịu bao nhiêu phí tổn cho vấn đề này suốt 20 năm qua. Tại sao các nước đã phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc không phải mất bao nhiêu công sức cho việc bàn luận, nghiên cứu về đường lối, nhất là không phải động viên sức người sức của cho việc chứng minh những vấn đề đã được thực tiễn cho thấy không còn tác dụng, không còn hợp thời nữa? Họ xuất phát từ khát vọng cháy bỏng là làm sao đưa đất nước lên hàng quốc gia thượng đẳng, từ đó tham khảo những kinh nghiệm thành công của các nước đi trước song song với các chiến lược, chính sách hợp lý, củng cố được nội lực chứ không phải chỉ tranh thủ ngoại lực.
Thứ hai, liên quan đến nguồn lực sử dụng không có hiệu quả phải kể đến tình hình giáo dục ở đại học. Hiện nay tại các đại học ở VN, sinh viên phải học các môn bắt buộc về chủ nghĩa Mac-Lênin và về chủ nghĩa xã hội khoa học. Lãnh đạo tư tưởng trong Đảng có bao giờ thực hiện một nghiên cứu nghiêm túc, một đánh giá khách quan về phí tổn (ngân sách và thì giờ) và tác dụng của các môn học này đối với sinh viên? Tại sao lãnh đạo VN tiếp tục gửi sinh viên sang nước ngoài học ở những đại học không dạy những môn đó mà trong nước lại bắt sinh viên mình phải học? Theo tôi có thể tiếp tục giảng dạy các môn đó nhưng để sinh viên chọn lựa, không bắt buộc phải học.
Thứ ba, như đã nói ở trên, dưới chủ trương nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà thực chất là sẽ trở lại chủ nghĩa xã hội (kinh tế nhà nước sẽ ngày càng đóng vai trò chủ đạo), doanh nghiệp quốc doanh tiếp tục ỷ lại vào sự bảo hộ của nhà nước, những nhóm lợi ích chung quanh doanh nghiệp quốc doanh sẽ có lý do để thao túng các nguồn lực như vốn, đất đai, và mặt khác doanh nghiệp dân doanh sẽ không có điều kiện phát triển, không có ý chí đầu tư dài hạn, không phát huy tinh thần doanh nghiệp.
Tôi muốn nhấn mạnh lại điểm này: Đảng CSVN không cần phải dựa vào ý thức hệ XHCN mới chính thống hoá được vai trò lãnh đạo của mình. Và trên thực tế đã đến lúc nên xa rời chủ nghĩa xã hội mới mong có thể tiếp tục lãnh đạo. Vài năm trước, cuốn sách Tại sao các quốc gia thất bại: Nguồn gốc của Quyền lực, Thịnh vượng và Nghèo khó của Acemoglu & Robinson (2012) đã gây tranh cãi trong giới nghiên cứu chính trị và kinh tế. Theo hai tác giả, nước nào theo thể chế bao trùm, bao dung (inclusive institutions) với ý nghĩa là phải dân chủ, phải tạo điều kiện bình đẳng về chính trị cho mọi tầng lớp dân chúng thì mới thực hiện được sự tăng trưởng bao trùm, bao dung (inclusive growth) trong đó kinh tế vừa phát triển vừa bảo đảm phân phối thu nhập công bằng hơn và tạo lập sự hài hoà trong xã hội, và đó là điều kiện để phát triển nhanh và bền vững. Nhiều ý kiến khác, trong đó có tôi, thì cho rằng trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển không nhất thiết phải có thể chế bao trùm26, vấn đề quan trọng nằm ở chỗ nhà nước có vì dân, vì đất nước và từ đó thoát ra khỏi những ràng buộc của tư tưởng giáo điều hay không mà thôi.
Theo tôi, Đảng CSVN có thể phát huy vai trò lãnh đạo của chính đảng duy nhất hiện nay, đưa đất nước tiến nhanh lên vị trí ngang tầm với vị trí về dân số trên thế giới (nghĩa là độ 10.000 USD) với điều kiện đổi mới thực sự theo những phân tích thực tiễn như nói trên. Từ điểm đó dù chuyển qua chế độ đa đảng, với thành tích vì dân vì nước mà đã thay đổi đường lối để phát triển, Đảng CS vẫn tiếp tục được dân chúng ủng hộ.
Thay lời kết
Trách nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay là phải đưa ra tầm nhìn, dự phóng về một tương lai 15 hoặc 20 năm tới, trong đó có những cam kết cụ thể về việc đưa đất nước lên hàng thượng đẳng trong đó kinh tế VN sẽ có một vị trí quan trọng, chẳng hạn tương đương với vị trí của quy mô dân số, không còn lao động xuất khẩu, không còn nhận viện trợ và có một đội ngũ tư bản dân tộc vững mạnh. Như vậy mới đáp ứng được kỳ vọng của dân chúng. Không nên tiếp tục đưa ra những mục tiêu không thiết thực như xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hoặc những mục tiêu chung chung như dân giàu nước mạnh,… Việt Nam đang cần những người lãnh đạo đề cao chủ nghĩa phát triển, thoát ra những trói buộc vào ý thức hệ lỗi thời, vào những giáo điều mà thực tế đã cho thấy không còn giá trị.
Năm 2015 là năm chẵn kỷ niệm nhiều sự kiện lịch sử, Đảng CS cũng đang chuẩn bị Đại hội lần thứ XII. Nhưng sẽ là một thiếu sót lớn nếu những dịp này không đưa ra tầm nhìn chiến lược về con đường phát triển sắp tới nhằm đối phó hữu hiệu với những thách thức hiện nay, không đề cập đến việc thay đổi hình ảnh của Việt Nam trên vũ đài quốc tế. Như đã phân tích ở trên, muốn đưa ra tầm nhìn chiến lược và các chính sách cụ thể phải giải phóng ra khỏi những tư tưởng, lý luận có tính giáo điều, xa rời thực tiễn.
Một đất nước muốn trở thành quốc gia thượng đẳng phải bắt đầu từ khí khái, đổi mới tư duy, và quyết tâm hành động của giới lãnh đạo, từ đó quy tụ nhân tài và đưa ra được tầm nhìn về hướng phát triển đáp ứng được mơ ước của dân chúng./.
Trần Văn Thọ (*)
(*) Đại học Waseda, Nhật Bản.
(Viet - Studies)
http://www.viet-studies.info/kinhte/TranVanTho_KinhTeThiTruong.htm
Tác giả cám ơn các anh chị Trần Hữu Dũng, Trần Xuân Giá, Trần Hải Hạc, Chu Hảo, Lưu Bích Hồ, Phạm Chi Lan, Trần Đức Nguyên, Hà Dương Tường, Vũ Quang Việt và hai ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã đọc bản thảo đầu tiên (tháng 5/2015) và góp nhiều ý kiến hữu ích. Bản sửa chữa đã được chuyển đến một số lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam (trong tháng 9/2015). Đây là bản cuối cùng (tháng 12/2015).
Tư liệu có trích dẫn:
Acemoglu, Daron and James A. Robinson (2012), Why Nations Fail: The Origin of Power, Prosperity, and Poverty, Crown Business.
Đảng Cộng sản Việt Nam (2015), Dự thảo báo cáo Chính trị Đại hội Đảng XII, Vietnamnet 15/9.
Kornai, Janos (1992), The Socialist System: The Political Economy of Communism, Oxford University Press.
Lavigne, Marie (1995), The Economics of Transition from Socialist Economy to Market Economy, Macmillan Press.
Lê Xuân Tùng (2015), Phải chăng kinh tế tư nhân là nền tảng của nền kinh tế quốc dân? Quân đội nhân dân, 5/6.
Lưu Văn Sùng (2014), Quan điểm, đường lối chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam khi bước vào công cuộc đổi mới và hiện nay, Tạp chí Cộng sản, 25/11.
Nguyễn T., Nguyễn T.T.H. và Nguyễn C. D. (2012), Kinh tế Việt Nam giai đoạn 2006-2010 và Triển vọng 2010-2020, Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Nhiều tác giả (2011), Ý kiến chúng tôi: Cải cách toàn diện để phát triển đất nước.
Piketty, Thomas (2014), Capital in the Twenty-First Century (Translated by Arthur Goldhammer), The Belknap Press of Harvard University Press.
Roland, Gerald (2000), Transition and Economics: Politics, Markets and Firms, MIT Press.
Suehiro Akira (2014), Shinko Ajia Keizairon (Luận về kinh tế của những nước Á châu mới nổi), Iwanami Shoten.
Nguyễn Viết Thông (2014), Kiên định con đường đi lên Chủ Nghĩa Xã Hội, Bài 1: Khát vọng của nhân dân, Saigon Giải phóng, 14/9/2014.
Tạ Ngọc Tấn (2015), Những thành tựu lý luận của Đảng qua 85 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, 31/3/2015.
Trần Đức Nguyên (2008), “Chiến lược 1991-2000: Bước đột phá về quan điểm phát triển,” trong Đào Xuân Sâm, Vũ Quốc Tuấn, chủ biên, Đổi mới ở Việt Nam: Nhớ lại và suy ngẫm, NXB Tri thức, tr. 89-121.
Trần Văn Thọ (2002), Đảng viên làm kinh tế, Tia Sáng, Tháng 9.
Trần Văn Thọ (2012), Bẫy thu nhập trung bình nhìn từ các nước ASEAN, Thời đại mới số 24 (tháng 3).
Tran Van Tho (2013a), Vietnamese Economy at the Crossroads: New Doi Moi for Sustained Growth, Asian Economic Policy Review, Volume 8 Issue 1 (June), pp. 122-143.
Trần Văn Thọ (2013b), Đạo đức và kinh tế thị trường, Thời báo kinh tế Saigon, số đặc biệt Xuân Quý Tỵ, tr. 24-25.
Tran Van Tho (2013), The problem of Vietnamese gradualism in economic reform, East Asia Forum, 12/4
Trần Văn Thọ (2014a), Thách thức chưa giàu đã già, Tuổi Trẻ số Tết Giáp Ngọ.
Trần Văn Thọ (2014b), FDI và nguy cơ phân hoá kinh tế, Thời báo kinh tế Saigon, 8/5.
Trương Đình Tuyển (2015), Kinh tế thị trường hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa là gì? Thời báo Kinh tế Saigon, 11/4.
Vũ Văn Phúc (2014), Phải chăng chủ nghĩa Mác-Lenin là "ngoại lai, bắt nguồn từ phương Tây nên không còn phù hợp với Việt Nam?", Tạp chí Cộng sản, 25/4.
Weil, David N. (2013), Economic Growth, Third Edition (International Edition), Pearson.
World Bank (1993), The East Asian Miracle: Economic Growth and Public Policy , Oxford University Press.
World Bank (1996), World Development Report: From Plan to Market, Oxford University Press.
World Bank (2011), Vietnam Development Report 2012: Market Economy for a Middle-Income Vietnam, Hanoi: World Bank.
Chú thích :
1 Khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chính thức được dùng từ năm 2001 (Đại hội IX) nhưng chủ trương có cùng nội dung đó đã có từ năm 1994 ở Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội VII. Liên quan sự phát triển nhận thức về kinh tế thị trường, ở Hội nghị đó, Đảng CSVN đã nêu quan điểm “Cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa đang trở thành cơ chế vận hành của nền kinh tế”.
2 Trương Đình Tuyển (2015). Các vị khác trong nhóm này có các chuyên gia như Nguyễn Đình Cung (VNeconomy, 21/4/2015), Trần Đình Thiên (Vietnamnet, 1-3/4/2015).
3 Chẳng hạn xem Lưu Văn Sùng (2014), Nguyễn Viết Thông (2014) , Vũ Văn Phúc (2014), Tạ Ngọc Tấn (2015), Lê Xuân Tùng (2015).
4 Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XII chủ trương vẫn kiên trì đường lối này do đó nếu dự thảo này được thông qua ở Đại hội thì xem như sẽ không có thay đổi. Ngoài ra, về nhân sự cấp lãnh đạo sắp tới, Tổng bí thư và Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã khẳng định một trong những tiêu chí quan trọng là phải kiên định với lập trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thêm vào đó, những đảng viên muốn được đề bạt vào cấp lãnh đạo phải học lý luận và tư tưởng ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
5 Do khuôn khổ của bài viết này, tôi sẽ không điểm lại nội dung, đặc tính và phát triển của trào lưu nghiên cứu này. Vài cuốn sách tiêu biểu bằng tiếng Anh xuất bản trong thập niên đầu của sự kiện lịch sử này là Kornai (1992), Lavigne (1995), Roland (2000) và World Bank (1996). Cuốn sách cuối cùng là bản báo cáo hằng năm của Ngân hàng Thế giới, báo cáo năm ấy có tiêu đề phụ là Từ Kế hoạch sang Thị trường.
6 Chiến lược liệu pháp sốc (shock-therapy) chủ trương nên chuyển sang kinh tế thị trường trong thời gian ngắn và đồng bộ giữa các ngành, các lãnh vực. Đối lại, chiến lược tuần tự (gradualism) chủ trương tự do hóa và cải cách từng bước và có chọn lựa mới khả thi và bảo đảm sự ổn định, bền vững. Bây giờ thì hầu hết các nhà nghiên cứu đều công nhận chiến lược thứ hai có hiệu quả hơn (Xem chẳng hạn Rodrik 2007). Tuy nhiên chiến lược thứ hai nếu kéo dài quá lâu và không triệt để thì lại phát sinh nhiều tệ hại như tham nhũng và duy trì các nhóm lợi ích. Tôi có bàn về chiến lược chuyển đổi thể chế tuần tự theo kiểu Việt Nam trong Tran Van Tho (2013).
7 Ngân hàng Thế giới dùng khái niệm “sự can thiệp của nhà nước cần theo hướng thân thiện với thị trường” (market friendly intervention) để chỉ quan hệ cần có giữa nhà nước và thị trường. Xem World Bank (1993).
8 Nói chính xác, như đã phân tích ở trên, kinh tế thị trường phát triển theo từng giai đoạn nên khi nói “vận hành đầy đủ, đồng bộ” là đã nói về một nền kinh tế thị trường đã phát triển đến giai đoạn cao nhất. Ngay cả những nước tư bản tiên tiến cũng có mặt chưa đạt đến giai đoạn đó. Thành ra nếu VN nói đến giai đoạn đó thì chỉ có nghĩa là mục tiêu sẽ hướng tới trong tương lai.
9 Ở Nhật Bản, suốt từ năm 1955 đến nay, trừ 2 thời kỳ ngắn tổng cộng hơn 5 năm, Đảng Tự do Dân chủ (LDP) cầm quyền đã gần 55 năm, mặc dù có nhiều đảng đối lập tranh nhau qua các cuộc bầu cử tự do.
10 Dẫn theo Dự thảo đăng trên báo Nhân Dân ngày 15/9/2010.
11 Sự chuyển dịch về hướng kinh tế thị trường này có tác dụng tốt là khơi dậy các nguồn lực trong và ngoài nước, đưa lại những thành quả nhất định trong đổi mới, nhưng những yếu kém trong sự quản lý của nhà nước tạo điều kiện cho sự hình thành và lộng hành các nhóm lợi ích bất chính làm cho thị trường phát triển thiếu lành mạnh. Nhiều người đã hình dung tình trạng nầy là chủ nghĩa tư bản hoang dã.
12 Tính từ tư liệu trong Suehiro (2014) ta thấy vào năm 1980 Á châu (không kể Nhật Bản là nước công nghiệp tiên tiến) chỉ chiếm 7% sản lượng thép của thế giới nhưng đến năm 2012 con số đó lên tới gần 60%. Con số tương tự trong ngành ô-tô tăng từ 0% lên 40%. Hiện nay (2012), Á châu chiếm từ 90 đến 100% sản lượng thế giới trong các ngành máy tính cá nhân và phụ kiện và hầu hết các mặt hàng về đồ điện gia dụng (ở các mặt hàng này Nhật hầu như không sản xuất trong nước nữa). Vào mùa thu năm 2001, chính phủ Đài Loan cho phép doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin (IT) sang đầu tư ở Trung Quốc đã tạo nên làn sóng công nghiệp máy tính ồ ạt chuyển sang nước này (Suehiro 2014, tr. 45). Điểm này cho thấy nếu môi trường đầu tư ở Việt Nam thuận lợi thì có khả năng đón đầu dòng thác FDI ngành IT từ Đài Loan trước năm 2001.
13 Về sự kém hiệu suất phát triển của kinh tế Việt Nam, xem chẳng hạn Tran Van Tho (2013a), Nguyễn et al. (2012), World Bank (2011).
14 Cuộc tọa đàm trên Vietnamnet gần đây (20/5/2015) giữa chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và Trưởng phòng Pháp chế Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho thấy hiện trạng bi thảm của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Theo điều tra của VCCI, từ 2002 đến 2012, trong 10 năm quy mô vốn bình quân của doanh nghiệp tư nhân VN bị “teo lại” còn một nửa.
15 Giữa lúc tranh luận sôi nổi về vấn đề này, tôi có viết bài chỉ trích những mâu thuẫn trong chủ trương của giới bảo thủ trong Đảng CS. Xem Trần Văn Thọ (2002). Đến năm 2006 đảng viên mới được phép làm kinh tế tư nhân.
16 Từ khi gia nhập WTO (đầu năm 2007) thì ngược lại, cho FDI vào tự do ở mọi ngành, kể cả những ngành doanh nghiệp trong nước có thể đầu tư, và kể cả những ngành lẽ ra cần dành cho doanh nghiệp bản xứ trong tương lai. Hậu quả của giai đoạn thứ hai là FDI vào ồ ạt vào đầu tư trong khi doanh nghiệp trong nước, kể cả quốc doanh còn yếu.
17 Trong trường hợp của Nhật Bản, yếu tố độc tài yếu hơn và chủ yếu chi thấy ở thời Minh Trị, nhưng Nhật cũng có đầy đủ các yếu tố khác như yêu nước, tinh thần dân tộc và kinh tế thị trường.
18 Gần 4 năm trước (ngày 8 tháng 9 năm 2011), chúng tôi gồm 14 người Việt Nam ở nước ngoài (đang hoặc đã làm việc ở các đại học, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế,.. ) đã phát biểu Ý kiến chúng tôi: Cải cách toàn diện để phát triển đất nước trong đó phân tích hầu hết các mặt kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, đối ngoại, và đưa ra các chiến lược, chính sách cải cách “vì một nước giàu mạnh và tự chủ”. Xem Nhiều tác giả (2011). Trước khi phát biểu, Bản ý kiến đã gửi đến các ủy viên Bộ Chính trị Đảng CS, Quốc Hội và Chính phủ Việt Nam. Tình hình Việt Nam hiện nay nhiều mặt còn đáng lo ngại hơn so với 4 năm trước.
19 Xem phân tích chi tiết trong Trần Văn Thọ (2014a).
20 Trần Văn Thọ (2014b)
21 Tran Van Tho (2012)
22 Trong những nước có một quy mô dân số nhất định tại châu Á, trước đây Indonesia và Phi-li-pin được xem là tồi tệ nhất về nạn tham nhũng, nhưng gần đây Việt Nam đã vượt qua hai nước này.
23 Riêng tại Nhật hàng năm tôi tham gia rất nhiều buổi giảng dạy, thuyết trình cho các khóa huấn luyện nầy.
24 Theo Weil (2013), tr. 22, dựa trên nhiều nghiên cứu.
25 Tôi đã có dịp bàn về vấn đề đạo đức trong nền kinh tế thị trường : Trần Văn Thọ (2013b).
26 Ở đây chỉ giới hạn vấn đề trong thể chế độc đảng hay đa đảng, chứ không đi vào các vấn đề liên quan như nhân quyền, tự do ngôn luận, v.v... Dù đang trong giai đoạn thể chế một đảng, việc bảo đảm tự do ngôn luận, bảo đảm nhân quyền là cần thiết, nếu không thì không thể phòng chống tham nhũng và không đáp ứng nhu cầu văn hóa ngày càng cao của dân chúng.
Nếu như vậy thì con đường phát triển của Việt Nam trong tương lai rất đáng lo. Từ bức xúc đó tôi mạnh dạn nêu ý kiến qua bài viết này.
Bài viết này có 3 phần: Một là, sau khi làm rõ các khái niệm chủ nghĩa xã hội, kinh tế thị trường, và thể chế tư bản chủ nghĩa, ta sẽ bình luận về khái niệm kinh tế thị trường định hướng XHCN (Tiết I). Hai là, ôn lại quá trình phát triển kinh tế VN từ khi khái niệm kinh tế thị trường định hướng XHCN được trở thành chủ trương phát triển đất nước của Đảng CSVN, trong đó sẽ cho thấy khái niệm này đã trở thành căn cứ cho những lãnh đạo có óc bảo thủ lấy lý do “chệch hướng” để cản trở quá trình đổi mới, làm cho kinh tế không phát huy hết tiềm năng, bỏ lỡ nhiều cơ hội (Tiết II). Ba là, chủ trương của bài này là Đảng CS không nên và không cần phải dựa vào chủ nghĩa xã hội để khẳng định quyền độc tôn lãnh đạo hiện nay vì mâu thuẫn với thực tế đang diễn ra, mâu thuẫn với hành động và chính sách của chính họ. Trên thực tế Đảng CSVN đang là đảng duy nhất lãnh đạo hiện nay và còn có thể kéo dài trong một thời gian nữa, do đó phải cho thấy trách nhiệm của đảng cầm quyền đối với tương lai đất nước, một tương lai mà mọi người thức thời đang lo lắng khi thấy những thách thức quá lớn hiện nay (Tiết III).
I. Chủ nghĩa xã hội, kinh tế thị trường và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Làm rõ các khái niệm
Chủ nghĩa xã hội có 3 thuộc tính cơ bản. Một là xoá bỏ tư hữu, thiết lập chế độ sở hữu công đối với tư liệu, phương tiện sản xuất như tư bản, đất đai. Sở hữu công gồm sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể. Từ thuộc tính này, những người theo chủ nghĩa xã hội cho rằng xã hội sẽ không có giai cấp bóc lột, xã hội do giai cấp công nhân làm chủ. Hai là nguồn lực kinh tế được quản lý, phân bổ theo kế hoạch của nhà nước, sản xuất và phân phối thực hiện theo chỉ tiêu pháp lệnh, không theo cơ chế thị trường (bị coi là tự phát, vô tổ chức). Ba là làm theo năng lực và hưởng theo lao động, nhưng thường thì lao động chỉ được đánh giá trên thời gian tham gia lao động (điển hình là trong nông nghiệp) chứ không phải chất lượng lao động, và thu nhập của người dân chủ yếu là từ lao động.
Một đặc điểm nữa gắn với chủ nghĩa xã hội là những nước theo thể chế này đều có chế độ chính trị độc đảng, thường là đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo. Có thể gọi đây là thuộc tính thứ tư của chủ nghĩa xã hội, nhưng ở đây có thể tạm thời tách ra, vì như sẽ nói dưới đây, trong một giai đoạn nhất định, thể chế chính trị độc đảng không hẳn là mâu thuẫn với sự phát triển của xã hội, của kinh tế. Vấn đề là những người lãnh đạo và bộ máy của thể chế có hoạt động vì lợi ích của đất nước hay không.
Lý luận và thực tiễn đã chứng minh là thể chế xã hội chủ nghĩa với 3 thuộc tính nói trên đã làm trì trệ nếu không nói là phá sản các nền kinh tế theo thể chế đó. Và do đó có cải cách, mở cửa tại Trung Quốc từ cuối năm 1978, đổi mới tại Việt Nam từ cuối 1986, và nỗ lực chuyển sang nền kinh tế thị trường tại Liên xô cũ và Đông Âu từ đầu thập niên 1990. Từ đó một trào lưu nghiên cứu vừa lý luận vừa thực tiễn về sự chuyển đổi thể chế từ nền kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường diễn ra rất sôi nổi trên thế giới.5
Nền kinh tế thị trường mà các nước cần chuyển đổi thể chế nhắm đến có những thuộc tính gì? Đó là các thuộc tính trái ngược với chủ nghĩa xã hội. Thứ nhất, sở hữu tư nhân về tư liệu, phương tiện sản xuất là chủ đạo, cụ thể là doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước được tự do hoạt động và cạnh tranh nhau trong sản xuất, kinh doanh, ngày càng trở thành nền tảng của xã hội. Thứ hai, sự phân phối các nguồn lực được quyết định bởi thị trường, điều tiết qua cung cầu và cơ cấu giá cả trên thị trường. Thứ ba, thành quả phát triển được phân phối theo hiệu quả đến tất cả các thành phần tham gia, kể cả lao động, nhà kinh doanh, người sở hữu tư liệu sản xuất và các nguồn lực khác.
Chiến lược chuyển đổi thể chế diễn ra không đồng nhất giữa các nước6 nhưng cái đích là nhằm xây dựng nền kinh tế thị trường với 3 thuộc tính nói trên. Cần nói thêm là nền kinh tế thị trường phát triển qua nhiều giai đoạn, từ thấp đến cao, tương ứng với từng giai đoạn phát triển kinh tế của một nước. Thị trường hàng hoá phát triển sớm được trong khi thị trường vốn, thị trường tiền tệ thường cần thời gian chuẩn bị và đi từ đơn giản đến phức tạp. Vai trò của nhà nước trong việc quản lý thị trường cũng thay đổi theo từng giai đoạn.
Một điểm cần nói thêm nữa là các thuộc tính của nền kinh tế thị trường cũng là đặc tính của nền kinh tế theo chủ nghĩa tư bản, trong đó nổi bật nhất là quyền tư hữu tư liệu sản xuất và tự do cạnh tranh. Cũng như kinh tế thị trường, chủ nghĩa tư bản cũng phát triển theo từng giai đoạn, theo đó vai trò của nhà nước cũng thay đổi theo. Ở giai đoạn khởi đầu, nhà nước can thiệp nhiều vào thị trường, kể cả việc thiết lập một số công ty quốc doanh trong một số ngành trọng điểm (trong nhiều trường hợp sau đó được chuyển thành doanh nghiệp tư nhân). Cần nhấn mạnh rằng trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa dù ở giai đoạn nào vai trò của nhà nước vẫn quan trọng. Chỉ kể vài lãnh vực tiêu biểu như cung cấp dịch vụ công (hạ tầng, y tế, giáo dục, …) , ổn định vĩ mô, duy trì và cải thiện môi trường pháp lý, thực hiện an sinh xã hội, tái phân phối thu nhập, v.v.. đủ thấy sự quan trọng đó. Tuy nhiên, dù ở giai đoạn nào, doanh nghiệp tư nhân vẫn nắm vai trò chủ đạo. Vai trò quan trọng của nhà nước là tạo môi trường, tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân phát triển.7
Bây giờ bàn đến vấn đề nêu trong đầu đề bài viết này. Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội toàn quốc lần thứ XII (dưới đây gọi tắt là Dự thảo Báo cáo XII) của Đảng CSVN (dự kiến tổ chức vào đầu năm 2016) lần đầu tiên đưa ra định nghĩa chính thức về khái niệm “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. (Đảng Cộng sản Việt Nam 2015, người trích dẫn viết chữ nghiêng).
So sánh nền kinh tế thị trường phổ biến tại các nước tư bản chủ nghĩa với nội dung của “Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” ta thấy giống nhau ở những điểm như “nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường”8, “nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của nhà nước”. Còn về những điểm khác nhau, hay nói khác hơn những điểm chỉ có trong định nghĩa của Việt Nam, đó là “đồng thời bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước”, “nền kinh tế thị trường…có sự quản lý của nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng CS VN lãnh đạo”. Mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh thì nước nào cũng hướng đến, không riêng VN.
Nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước thì ở các nước tư bản cũng chủ trương như vậy, nhưng được quản lý bởi “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” thì chỉ có ở Việt Nam. “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” là thuật ngữ xuất hiện thường xuyên khi nói về “nhà nước” ở Việt Nam nhưng không được giải thích rõ. Về lý do tại sao phải “do Đảng CS lãnh đạo” thì Dự thảo Báo cáo XII không đề cập nhưng bài viết của ông Trương Đình Tuyển giải thích là để duy trì sự ổn định của chính sách làm cho dân giàu nước mạnh dân chủ công bằng văn minh. Ông cho rằng ở các nước đa đảng khi thay đổi chính phủ thì chính sách cũng thay đổi nên không ổn định. Giải thích này không có sức thuyết phục, vì nếu đảng cầm quyền có chính sách hợp với lợi ích của đa số người dân thì sẽ tiếp tục được bầu lại.9 Trên thực tế trên thế giới cho đến nay chưa có nước nào theo chế độ độc đảng đã thực hiện được lý tưởng dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
Trong định nghĩa về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN còn một điểm nữa chưa rõ, đó là “bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước”. Mỗi giai đoạn thì định hướng phải khác? Rất tiếc bài viết của ông Tuyển và ý kiến trả lời phỏng vấn của nhiều vị trong chính phủ gần đây, cũng như Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XII không nói rõ điểm này.
Ở đây có thể hiểu là cái đích của định hướng là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” nhưng mỗi giai đoạn có chiến lược khác. Dĩ nhiên ở mỗi giai đoạn phát triển của một nước, chính sách, chiến lược kinh tế phải khác. Nhưng ở đây cần phải hiểu ý nghĩa phù hợp với từng giai đoạn trong văn mạch định hướng XHCN. Tôi thử tìm đọc các văn kiện chính thức và các bài viết (nói ở chú thích số 2) của lãnh đạo lý luận và tư tưởng trong Đảng CSVN. Chẳng hạn trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa XH (bổ sung phát triển năm 2011) của Đảng CSVN thì thấy “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối… Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và mở rộng. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”.10
Dự thảo Báo cáo XII vẫn giữ nội dung của Cương lĩnh này nên có thể hiểu thế này: Mục tiêu của Đảng CS vẫn là xây dựng chủ nghĩa xã hội, một thể chế có thuộc tính cơ bản về quan hệ sản xuất là kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, và mục tiêu là làm cho dân giàu nước mạnh…Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn được gọi là quá độ lên chủ nghĩa xã hội, các hình thái sở hữu khác như tư nhân, vốn nước ngoài,… được cho phép hoạt động, nhưng dần dần phải nhường vị trí chủ đạo cho hình thái sở hữu nhà nước và tập thể. Các bài viết của một số lãnh đạo lý luận và tư tưởng của Đảng CS (giới thiệu trong chú thích 2) cũng khẳng định điều này.
Trong Dự thảo Báo cáo Chính trị XII nhấn mạnh xây dựng nền kinh tế “nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật” nhưng câu này có hai ý mâu thuẫn nhau: Làm sao vừa để kinh tế nhà nước chủ đạo vừa để các chủ thể bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật?
II. Kinh tế thị trường định hướng XHCN và kinh tế VN trong hơn 20 năm qua:
Tuy tên gọi chính thức được dùng từ năm 2001, kinh tế thị trường định hướng XHCN đã được quyết định thành đường lối phát triển đất nước từ năm 1994, nghĩa là đã hơn 20 năm. Vậy trong thời gian gần một thế hệ vừa qua, chiến lược, phương châm này đã chứng tỏ tính ưu việt của mình chưa? Nếu chưa thì tại sao? Và cơ sở nào để tin rằng trong tương lai tính ưu việt đó sẽ được phát huy? Rất tiếc chưa thấy có phân tích khoa học của các nhà lý luận trong Đảng CS về các vấn đề này. Một vài bài viết của các nhà lý luận trong Đảng khẳng định thành quả của đổi mới và cho rằng thành quả đó có được là do sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, là kết quả của chủ trương kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tuy nhiên, theo tôi, khách quan mà nói, thành quả của đổi mới có được là do Đảng đã xa rời chủ nghĩa xã hội, đi về hướng kinh tế tư bản chủ nghĩa,11 theo như các định nghĩa nói ở Tiết I. Nhưng sự xa rời chủ nghĩa xã hội chỉ là tạm thời trên sách lược (trong thời quá độ), không dứt khoát, muốn xoay hướng trở lại theo chủ nghĩa xã hội nên thành quả phát triển không những bị hạn chế mà còn để lại những vấn đề nan giải như sẽ nói ở Tiết III.
Đổi mới đã đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy nghèo và trở thành nước có thu nhập trung bình thấp từ năm 2008. GDP đầu người theo giá trị thực tế đã tăng 3,5 lần trong giai đoạn từ 1986 đến 2011. Cơ cấu kinh tế cũng chuyển dịch một bước quan trọng từ nông sang công nghiệp. Không ai phủ nhận được thành quả của đổi mới. Nhưng so với kinh nghiệm của các nước châu Á và so với tiềm năng của Việt Nam, kể cả những thời cơ rất thuận lợi đã đến với chúng ta, thành quả phát triển của Việt Nam có thể nói là rất khiêm tốn, không tương xứng với điều kiện thuận lợi và tiềm năng. Ngoài ra nền kinh tế hiện nay có những yếu kém như sức cạnh tranh của nền công nghiệp yếu, mục tiêu công nghiệp hoá hiện đại hoá còn rất xa, ngày càng dựa vào FDI và phụ thuộc nhiều vào kinh tế Trung Quốc. Đó là chưa kể những mặt ngoài kinh tế như giáo dục, văn hoá, đạo đức xã hội, tất cả đều xuống cấp trầm trọng.
Nhật Bản trong giai đoạn 1955-73, Đài Loan trong giai đoạn 1962-89, Hàn Quốc trong giai đoạn 1966-88 đều đạt được tốc độ tăng trưởng rất cao (trung bình trên dưới 10%) trong thời gian dài. Họ có một số những đặc điểm chung. Thứ nhất, vì là những nước đi sau trong quá trình công nghiệp hoá, nên tận dụng được lợi thế của nước đi sau trong việc du nhập công nghệ, tư bản từ các nước tiên tiến. Thứ hai, giai đoạn phát triển ấy trùng hợp giai đoạn có cơ cấu dân số vàng (tỉ lệ của người trong độ tuổi lao động trong tổng dân số tiếp tục tăng), thuận lợi cho phát triển. Thứ ba, nhà nước quan tâm không ngừng đầu tư cho giáo dục, công nghệ, nhờ đó phát huy được hiệu quả của 2 đặc điểm đầu tiên.
Thứ tư, kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa được xây dựng và hoàn thiện, ở giai đoạn đầu có tồn tại nhiều doanh nghiệp quốc doanh nhưng doanh nghiệp dân doanh giữ vai trò chủ đạo. Ngày nay những công ty của Nhật nổi tiếng thế giới như Toyota, Sony, Honda, Hitachi, Shiseido, v.v.. hoặc của Hàn Quốc như Sam Sung, Hyundai, v.v.. đều là công ty tư nhân. Thứ năm, vào thời điểm chuẩn bị bước vào giai đoạn phát triển cao, các nước đều có những người lãnh đạo thức thời, có hoài bão đưa đất nước lên hàng quốc gia thượng đẳng, và có một đội ngũ quan chức năng lực, đầy tinh thần trách nhiệm. Đây là tiền đề để đưa ra các chiến lược, chính sách đúng đắn và thực thi có hiệu quả.
Trong 5 yếu tố nói trên, hai yếu tố đầu tiên là khách quan và trong thời gian hơn 20 năm qua, Việt Nam ít nhất cũng có 2 yếu tố ấy. Nhưng dù có 2 yếu tố thuận lợi đó, suốt từ khi có đổi mới tới nay chưa có năm nào Việt Nam phát triển đến 10%, phát triển 8-9% cũng chỉ có tất cả 9 năm (1992-97 và 2005-07). Nền công nghiệp thì cạnh tranh quốc tế yếu, phụ thuộc nhiều vào FDI, phụ thuộc vào Trung Quốc, công nghiệp hỗ trợ không phát triển, v.v.. Cần nói thêm ở đây nữa là trong thời gian Việt Nam tiến hành đổi mới, công nghiệp hoá tại châu Á, đặc biệt tại Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc, tiến rất nhanh.12 Việt Nam đã bỏ mất nhiều thời cơ trong giai đoạn đó.
Ngoài ra, Việt Nam phát triển vừa không cao vừa kém hiệu suất13 và kéo theo sự phân tầng xã hội đáng lo ngại. Sự phân hoá giàu nghèo ở Việt Nam trầm trọng ở chỗ tầng lớp giàu với tài sản và lối sống ở mức độ vượt quá tưởng tượng tại một nước có thu nhập đầu người chỉ độ 2.000 USD (xếp thứ 131 trên thế giới vào năm 2013!) và sự giàu có đó phát sinh không phải do nỗ lực kinh doanh, khám phá thị trường hay công nghệ mà do tham nhũng, do quan hệ với người có quyền.
Nguyên nhân của tình trạng nói trên là gì? Cần một nghiên cứu sâu, hoàn chỉnh mới giải thích hết tình trạng nói trên. Ở đây tôi chỉ bàn về nguyên nhân tại sao kinh tế không phát triển hết tiềm năng, nhìn từ 5 yếu tố làm cho các nước Đông Á thành công. Như đã nói, trong 5 yếu tố thuận lợi cho phát triển thì Việt Nam đã có hai. Hai yếu tố cuối cùng có tính cách quyết định thì Việt Nam bị vướng vào đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Khi quyết định đổi mới, dù biết là phải bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, bỏ cơ chế quản lý theo chỉ tiêu, pháp lệnh, cho phép tư bản tư nhân kể cả tư bản nước ngoài sản xuất kinh doanh nhưng Đảng CSVN vẫn tránh dùng cụm từ “kinh tế thị trường” mà gọi là nền “kinh tế hàng hoá”. Như đã nói, đến năm 1994, Đảng CS mới chính thức dùng khái niệm “cơ chế thị trường” (“kinh tế thị trường” từ năm 2001) nhưng thêm vào thuộc tính “định hướng XHCN”. Dù hệ thống chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên xô sụp đổ trong các năm 1989-91, VN vẫn chủ trương duy trì chủ nghĩa xã hội.
Mặt khác, dù bắt đầu đổi mới, kinh tế vĩ mô tiếp tục bất ổn trong thời gian sau đó, kéo dài đến đầu thập niên 1990. Về sản xuất, nông nghiệp gia tăng nhanh sau Khoán 10 (1988) nhưng công nghiệp chưa phát triển dù đã có Luật đầu tư nước ngoài (1987) và Luật doanh nghiệp (1990). Bước chuyển mới bắt đầu từ giữa năm 1992 khi vĩ mô được ổn định và quan hệ với các nước tư bản tiên tiến bắt đầu hồi phục, viện trợ của Nhật được nối lại, năm sau đó thì Ngân hàng thế giới và các tổ chức quốc tế khác cũng tích cực hỗ trợ cho VN. Với bối cảnh đó, đầu tư nước ngoài tăng mạnh và doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng bắt đầu hình thành. Nhưng sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa làm cho những người bảo thủ trong Đảng Cộng sản VN lo ngại, sợ mất chủ nghĩa xã hội. Trong Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII (1/1994) Đảng CS đã cảnh báo và đặc biệt lo lắng về nguy cơ chệch hướng XHCN, coi đây là nguy cơ lớn nhất trong bốn nguy cơ. Ngược lại những lãnh đạo có óc thức thời, cải cách, như Thủ tướng Võ Văn Kiệt (đương thời) thì cho rằng nguy cơ tụt hậu mới đáng lo. Tuy nhiên nhìn chung thì phái bảo thủ thắng thế nên Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều cơ hội từ năm 1993.
Thái độ không dứt khoát chuyển sang kinh tế thị trường đã làm quá trình cải cách diễn ra quá chậm, ảnh hưởng nhiều đến sự hình thành và phát triển của khu vực dân doanh là chủ thể năng động nhất tại các nước phát triển nhanh. Chẳng hạn chính sách đổi mới quyết định năm 1986 chủ trương đa dạng hoá chế độ sở hữu tư liệu sản xuất nhưng đến năm 1990 mới có Luật doanh nghiệp trong đó thừa nhận sự tồn tại của doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên đó chỉ mới thừa nhận, phải đợi đến năm 1999 mới có Luật doanh nghiệp mới, cho phép doanh nghiệp tư nhân đầu tư trong mọi lãnh vực mà luật không cấm. Nhưng sau đó, do phương châm quốc doanh chủ đạo, hoạt động của doanh nghiệp tư nhân cho đến hiện nay vẫn gặp khó khăn.
Nói cụ thể hơn, doanh nghiệp tư nhân, khu vực năng động trong cách tân công nghệ tại các nước theo kinh tế thị trường, không có điều kiện phát triển lành mạnh vì phí tổn hành chánh cao, vì không được bình đẳng với doanh nghiệp nhà nước (SOEs) trong việc tiếp cận vốn, đất đai và thông tin. Quan trọng hơn, với viễn ảnh của đường lối định hướng XHCN, doanh nghiệp dân doanh không có động cơ đầu tư lớn và dài hạn vì sợ sẽ trở thành đối tượng bị xử lý trong tương lai.14 Thái độ coi thường hoặc cảnh giác với doanh nghiệp tư nhân còn phản ảnh trong tranh luận về vấn đề đảng viên có được làm kinh tế tư nhân có thuê lao động hay không, xem như kinh tế tư nhân là thành phần bóc lột lao động, đi ngược lại lý tưởng của đảng viên cộng sản.15
Chủ trương nền kinh tế thị trường định hướng XHCN cũng đã ảnh hưởng đến khu vực kinh tế quốc doanh. Phương châm kinh tế nhà nước chủ đạo tiếp tục ưu đãi SOEs, làm chậm những cải cách cần thiết để chuyển nhiều SOEs sang hình thái sở hữu khác có hiệu quả hơn hoặc làm cho hoạt động của những SOEs còn lại có hiệu quả hơn.
Ngoài ra, từ thập niên 1990 đến giữa thập niên 2000, chính sách FDI nói chung là nhằm hạn chế hoạt động của doanh nghiệp có vốn nước ngoài và luôn thay đổi nên đã đánh mất nhiều cơ hội đẩy mạnh công nghiệp hoá.16
Chính thái độ không dứt khoát trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường phản ảnh trên những điểm vừa nói đã làm mất nhiều thì giờ trong việc xây dựng hành lang pháp lý và làm cho môi trường đầu tư luôn mất ổn định. Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư nước ngoài thay đổi thường xuyên, 4-5 năm lại thay đổi luật mới và giữa các giai đoạn đó lại có nhiều sửa đổi các điều khoản.
Chủ trương định hướng XHCN và lo sợ chệch hướng kéo dài suốt từ đầu thập niên 1990 đến nay. Những năm cuối đời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt vẫn còn băn khoăn về nguy cơ tụt hậu trước tình trạng chung trong Đảng CS là sợ chệch hướng. Vào năm 2005, trong bản Đóng góp ý kiến vào Báo cáo tổng kết lý luận và thực tiễn hai mươi năm đổi mới, ông viết: “Bây giờ chúng ta không thể chỉ đặt ra vấn đề của VN như chuyện trong nhà, mà là chuyện ganh đua với thế giới để tồn tại và phát triển… Thách đố trước mắt là phải phát triển nhanh và bền vững, hội nhập trong độc lập, đi tiếp trong nhịp chung của thế giới, làm sao không vấp ngã, không tụt hậu. (…) Cần phải trân trọng những cái mới, phải khuyến khích những tìm tòi, những hướng đi mới, không nên khư khư giữ nếp cũ hoặc thoả mãn với những gì làm được. Nếu chỉ sợ chệch hướng theo một đánh giá nào đó thì thực tế cầm chắc sẽ là tụt hậu. Chẳng lẽ phải đuổi kịp với thiên hạ là chệch hướng, để đất nước tụt hậu ngày càng xa là đúng hướng”.
Cùng là hai quốc gia có cùng thể chế chính trị nhưng VN rất khác Trung Quốc. Việt Nam bị giáo điều của ý thức hệ xã hội chủ nghĩa chi phối, còn Trung Quốc thì trên nguyên tắc họ cũng có chủ trương xây dựng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa hay kinh tế thị trường mang mầu sắc Trung Quốc, nhưng trên thực tế họ theo chủ nghĩa phát triển.
Chủ nghĩa phát triển (developmentalism) nguyên nghĩa là sự can thiệp mạnh mẽ của nhà nước vào thể chế thị trường để động viên các nguồn lực vào mục tiêu đẩy mạnh phát triển và với thành quả đó khẳng định sự chính thống của người đang lãnh đạo đất nước. Ba yếu tố cốt lõi của chủ nghĩa phát triển thường thấy ở nhiều nước thành công ở châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore là độc tài nhưng yêu nước, kinh tế thị trường và tinh thần dân tộc.17 Áp dụng khái niệm này vào trường hợp một nước theo thể chế xã hội chủ nghĩa chuyển sang kinh tế thị trường, đó là sự mạnh dạn tạo điều kiện cho kinh tế thị trường phát triển, cho doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh. Điểm mấu chốt của chủ nghĩa phát triển ứng dụng cho trường hợp này là không để ý thức hệ (chủ nghiã xã hội) níu kéo khả năng phát triển.
Có thể nói lãnh đạo của Trung Quốc đã dứt khoát theo chủ nghĩa phát triển. Tuy đề ra chủ trương xây dựng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa nhưng trên thực tế hầu như họ gác lại một bên lý tưởng đó mà tập trung phát triển lực lượng sản xuất. Cụ thể là cho kinh tế tư nhân tự do phát triển và tạo điều kiện thuận lợi cho nước ngoài đến đầu tư trục tiếp (FDI). Trong thập niên 1980, phe bảo thủ còn mạnh nhưng phe cải cách đã theo phương châm “Thực tiễn là thước đo chân lý” lấy thành quả cải cách bước đầu thuyết phục được những người bảo thủ và tiếp tục cải cách. Khi thấy khu vực phi quốc doanh phát triển mạnh, và thành hình một giới lãnh đạo doanh nghiệp mới, thay vì kìm hãm họ để bảo vệ lý tưởng vì giai cấp công nông, Trung Quốc đã đưa ra thuyết Ba đại diện (năm 2002) để tu chỉnh lý tưởng, mục tiêu của Đảng cộng sản.
Khác với Trung Quốc, Việt Nam không theo chủ nghĩa phát triển mà thường để ý thức hệ chính trị chi phối quá trình cải cách, điển hình là trong tranh luận vào giữa thập niên 1990 về 4 nguy cơ mà Việt Nam đang trực diện, giới bảo thủ đã thắng thế với chủ trương nguy cơ “chệch hướng chủ nghĩa xã hội” đáng lo hơn là “nguy cơ tụt hậu”.
III. Trách nhiệm đối với tương lai đất nước:
1. Việt Nam đang đối diện những thách thức gì?
Những người thức thời thật sự lo cho tương lai đất nước không ai không lo lắng cho hiện trạng xã hội, văn hoá, giáo dục, đạo đức ở Việt Nam. Ở đây tôi chỉ nói về một số thách thức về mặt kinh tế.18
Thứ nhất là nguy cơ chưa giàu đã già. Một vấn đề ít được nhận diện, vì tiến hành âm thầm, chậm rãi, là sự thay đổi của cơ cấu dân số theo hướng lão hoá. Vấn đề này diễn ra chậm chạp nhưng khắc nghiệt vì khi đã thành hiện thực thì khó có thể đối phó được nữa. Trước giai đoạn lão hoá là thời đại dân số vàng. Giai đoạn này nếu không có chiến lược, chính sách phát triển nhanh để đất nước giàu lên trước khi cơ cấu dân số thay đổi thì chắc chắn sẽ trực diện với bi kịch chưa giàu đã già. Việt Nam đang đứng trước thách thức này. Theo nhiều phân tích về cơ cấu dân số, giai đoạn có cấu dân số vàng của Việt Nam kéo dài từ năm 1970 đến năm 2020 (hoặc 2025). Khi chấm dứt cơ cấu dân số vàng thu nhập đầu người của Nhật Bản (năm 1992) là 30.000 USD (tính theo giá năm 2005), của Hàn Quốc (năm 2010) là 20.000 USD. Còn thu nhập đầu người của VN vào năm 2025 là bao nhiêu? GDP đầu người hiện nay của VN độ 2000 USD, nếu tính theo giá năm 2005 thì khoảng 1000 USD. Nếu từ nay đến năm 2025 dù mỗi năm kinh tế phát triển 8% thì năm 2025 thu nhập đầu người (theo giá năm 2005) chỉ độ 2.000 USD hoặc 3.000 (tùy theo tỉ giá), chỉ bằng 1/10 của Hàn Quốc hay Nhật Bản ở thời điểm tương ứng.19 Lãnh đạo của VN phải thấy hết nguy cơ này. Nếu sa vào bẫy thu nhập trung bình thấp như sẽ nói ở phần sau thì thu nhập đầu người sẽ nhỏ hơn rất nhiều.
Thứ hai là đầu tư nước ngoài (FDI) có thể dẫn đến nguy cơ phân hoá nền kinh tế. Kinh tế Việt Nam đang tùy thuộc nhiều vào FDI, không phải chỉ xét trên các chỉ tiêu như tỉ lệ sản xuất công nghiệp (FDI chiếm 50% năm 2014) hay xuất khẩu (70% năm 2014) mà còn trên cơ cấu sở hữu của doanh nghiệp có vốn nước ngoài (phần lớn là 100% vốn ngoại) và sự gắn kết rất yếu giữa FDI với doanh nghiệp trong nước. Lý do chính gây ra hiện tượng này là doanh nghiệp trong nước quá yếu, khó có thể trở thành đối tác để doanh nghiệp nước ngoài lập liên doanh và không có khả năng cung cấp những linh kiện, những mặt hàng trung gian cho doanh nghiệp FDI. Một lý do khác là do nhà nước Việt Nam không có chính sách chọn lựa FDI phù hợp với hướng phát triển lâu dài cần có của đất nước. Nếu tình trạng này không thay đổi, nền kinh tế Việt Nam sẽ bị phân hoá thành hai khu vực riêng biệt. Khu vực FDI và khu vực của doanh nghiệp bản xứ không kết hợp thành một thể thống nhất của nền kinh tế quốc dân. Công nghệ và tri thức kinh doanh của FDI không lan toả đến cả nền kinh tế. Đây là một trong những thách thức lớn của kinh tế Việt Nam hiện nay.20
Thứ ba là thách thức trước bẫy thu nhập trung bình thấp. Thu nhập đầu người của Việt Nam đã vượt ngưỡng 1.000 USD vào năm 2008 (và hiện nay khoảng 2.000 USD), trở thành nước có thu nhập trung bình theo tiêu chuẩn của Ngân hàng thế giới. Thật ra, theo định nghĩa, mức thu nhập trung bình có phạm vi rất rộng, khoảng từ 1.000 đến 12.000 USD, nhưng các nhà nghiên cứu khi bàn về bẫy thu nhập trung bình chỉ khảo sát những nước có mức thu nhập 5.000 USD hoặc cao hơn. Nói cách khác, nếu các nước có thu nhập trung bình được chia thành hai tiểu nhóm thì vấn đề bẫy thu nhập trung bình cho đến nay chỉ liên quan đến các nước thu nhập trung bình cao. Trường hợp các nước thuộc tiểu nhóm trung bình thấp như Việt Nam thì thế nào?
Tôi đã phân tích 2 loại bẫy thu nhập trung bình và kết luận như sau: Trong khi vấn đề của các nước có thu nhập trung bình cao như Malaysia và Thái Lan là đẩy mạnh chính sách cách tân công nghệ và đào tạo nhân tài để duy trì cạnh tranh quốc tế để tránh bẫy thu nhập trung bình, còn đối với những nước ở mức thu nhập trung bình thấp như Việt Nam, lao động dư thừa còn nhiều, dư địa để dùng vốn đầu tư còn lớn nên vấn đề cốt lõi ở đây là làm sao để cho thị trường các yếu tố sản xuất như lao động, vốn và đất đai phát triển lành mạnh, qua đó các yếu tố này sẽ được sử dụng có hiệu suất, giúp cho nền kinh tế tiếp tục phát triển đến mức thu nhập trung bình cao. Khi các thị trường này không phát triển lành mạnh, vì bị các nhóm lợi ích chi phối, bị nạn tham nhũng hoành hành thì kinh tế trì trệ và đất nước có thể rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp.21
Từ góc độ này ta thấy rất lo cho tình hình Việt Nam hiện nay. Nếu không cải cách mạnh mẽ, đặc biệt là nếu không giải quyết triệt để nạn tham nhũng đã đến mức trầm trọng nhất ở Đông Nam Á, có thể Việt Nam sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp.22
2. Hình ảnh Việt Nam trên vũ đài thế giới sẽ ra sao?
Ngoài 3 thách thức đã nói, còn hai vấn đề liên quan đến hình ảnh của Việt Nam trên vũ đài thế giới.
Thứ nhất là vấn đề xuất khẩu lao động và hình ảnh của Việt Nam trên thế giới. Lao động xuất khẩu phản ảnh trình độ, vị trí và uy tín của một nước trên vũ đài quốc tế. Một nước xuất khẩu nhiều lao động giản đơn hầu hết, nếu không nói là tất cả, là những nước nghèo, và do đó hình ảnh của những nước này không mấy sáng sủa. Tại Việt Nam, không kể thời kỳ quan hệ mật thiết với các nước Đông Âu, xuất khẩu lao động tăng nhanh từ cuối thập niên 1990 và chủ yếu sang các nước Đông Á. Từ năm 2001, bình quân mỗi năm có 7 vạn, gần đây là 9 vạn, lao động được đưa đi ra nước ngoài. Báo chí đã phản ảnh tình trạng khó khăn, nhiều trường hợp rất bi thảm, của người lao động đang làm việc ở nước ngoài.
Do tích cực đầu tư sang Việt Nam, hiện nay (cuối năm 2014) số người Hàn Quốc sinh sống tại nước ta lên tới hơn 15 vạn. Ngược lại, tại Hàn Quốc hiện nay (cuối năm 2012) có hơn 12 vạn người VN đang sinh sống, trong đó gần 26.000 người cư ngụ bất hợp pháp. Ngoài vài ngàn người là sinh viên du học, hầu hết người Việt tại Hàn Quốc là lao động giản đơn hoặc phụ nữ kết hôn với người bản xứ mà theo nhiều nguồn tin trong đó một số không nhỏ đi làm dâu xa vì lý do kinh tế. Như vậy có sự tương phản trong quan hệ Việt Hàn: người Hàn Quốc đến Việt Nam là để làm chủ trong khi người Việt Nam đến Hàn Quốc là để làm thuê. Người Hàn Quốc làm chủ người Việt Nam vừa ở nước họ vừa ở ngay nước ta. Người Việt làm thuê cả ở xứ mình và xứ ngưới. Trách nhiệm của lãnh đạo chính trị là sớm chấm dứt một tình trạng liên quan đến thể diện quốc gia này.
Thứ hai là vị trí của Việt Nam trên vũ đài thế giới. Làm sao để đưa Việt Nam lên thành một quốc gia quan trọng trên bản đồ kinh tế và chính trị thế giới? Hiện nay về dân số, Việt Nam xếp thứ 14 trên thế giới. Về trình độ phát triển, phải xét nhiều tiêu chí. Tiêu chí tổng hợp nhất là thu nhập đầu người. Tiêu chí này cũng còn nhiều hạn chế nhưng nhìn chung cũng phản ảnh được trình độ phát triển của một nước. Vào năm 2013, thu nhập (GDP) đầu người của Việt Nam là 1.911 USD, xếp thứ 131 trong gần 200 nước lớn nhỏ trên thế giới. Vì dân số tương đối đông nên vị trí của GDP (năm 2013 là 171 tỉ USD) cao hơn nhưng cũng chỉ ở hạng 57. Tại vùng Đông Á hiện nay, GDP đầu người của Việt Nam chỉ cao hơn Cambodia, Lào và Myanmar. Nếu muốn GDP cũng ở vị trí khoảng thứ 14 như quy mô dân số thì Việt Nam cần độ 900 tỉ USD (GDP đầu người khoảng 10.000 USD). Đưa ra một dự phóng tương lai với cái mốc GDP 1000 tỉ và GDP đầu người 10.000 USD vào thời điểm dân số tăng lên 100 triệu và kèm theo những chiến lược cần thiết để thực hiện sẽ gây ra một sự tin tưởng và cảm khái lành mạnh trong dân chúng.
Nhìn lại thời gian từ khi đất nước thống nhất đến nay ta thấy đã 40 năm. Nếu so với tình trạng thiếu ăn trong khoảng 10 năm đầu và còn tới 70% dân số thuộc hộ nghèo vào cuối thập niên 1980 thì tình hình hiện nay đã cải thiện vượt bậc. Nhưng để có được sự cải thiện đó Việt Nam đã mất quá nhiều thời gian, và như ta đã thấy vị trí hiện nay trên vũ đài thế giới còn rất thấp. Hàn Quốc lúc chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (1953) là một trong những nước nghèo nhất thế giới, nhiều người dân phải gọt vỏ thông luộc ăn cho đỡ đói. Nhưng chỉ 43 năm sau họ phát triển thành nước thu nhập cao và trở thành thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thường được gọi là câu lạc bộ của các nước giàu. Vị thế của họ sau đó cũng tăng nhanh như ta đã thấy.
Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác đã làm được những kỳ tích trong phát triển, biến đất nước thành quốc gia thượng đẳng, đưa lại vinh dự, tự hào cho dân tộc. Chẳng lẽ Việt Nam cam chịu là một đất nước đông dân nhưng chỉ phát triển với tốc độ trung bình như hiện nay? Gần đây những dự báo về kinh tế ASEAN của Ngân hàng phát triển Á châu (ADB) hay của Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho rằng Việt Nam sẽ phát triển ở tốc độ cao hơn nhiều nước trong khối (chỉ vì là nước đi sau nên dễ phát triển với tốc độ cao hơn). Nhưng vì trình độ phát triển hiện nay quá thấp nên vị trí của VN trong tương lai không thay đổi bao nhiêu. Theo ADB, từ nay đến năm 2030, Việt Nam phát triển trung bình 7,2%, và GDP vào năm 2030 là 416 tỉ USD, chỉ bằng 40% của Thái Lan, 17% của Indonesia và nhỏ hơn Malaysia và Philippines. Dự báo này dựa trên tiền đề không có những cải cách lớn về thể chế. Như vậy ta đã thấy để cải thiện hình ảnh, vị trí của VN trên thế giới thì Việt Nam hiện nay phải phát triển nhanh hơn (dĩ nhiên phải đi đôi với bền vững, phải hài hoà với thiên nhiên và xã hội) và để được như vậy phải có những thay đổi lớn về tư duy, về thể chế.
3. Kinh tế thị trường định hướng XHCN giải quyết như thế nào trước những thách thức hiện nay và thay đổi được hình ảnh, vị trí của VN trên thế giới?
Lãnh đạo Đảng CS, nhất là các vị phụ trách lý luận và đường lối phát triển, cần phân tích và đưa ra các chính sách cụ thể để đối phó với ba thách thức và hai vấn đề thuộc thể diện quốc gia nói trên. Như đã nói, những bài viết của các vị phụ trách lý luận hầu hết khẳng định con đường phát triển phải là chủ nghĩa xã hội mà không chứng minh con đường đó sẽ giải quyết được những vấn đề mà toàn dân đang bức xúc hiện nay. Nhiều bài viết này còn cho rằng chủ nghĩa tư bản bản chất là bóc lột lao động và sẽ cáo chung như dự báo của Mác hồi giữa thế kỷ 19, và quên rằng mình đang tiếp tục nhận viện trợ từ những nước tư bản, gửi con em sang du học tại những nước đó, và trong số du học sinh ấy có rất nhiều người muốn định cư lâu dài ở những nước theo chế độ mà các vị phê phán. Có thể kể ra nhiều mâu thuẫn khác nữa trong nhận định của những nhà lý luận trong Đảng CS. Chẳng hạn phê phán chủ nghĩa tư bản nhưng lại tìm cách kêu gọi giới tư bản đến đầu tư và hiện nay trong công tác bồi dưỡng cán bộ nguồn, Đảng CS thường gửi các đoàn đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các nước tư bản tiên tiến.23
Đời sống công nhân, lao động ở VN như thế nào đã được phản ảnh nhiều trên mặt báo. Đó cũng là hiện tượng mâu thuẫn với cương lĩnh của đảng đại diện cho giai cấp công nhân. Ở các nước tư bản, đời sống của giới lao động đã khác xa so với thời Marx viết Tư bản luận. Vào năm 1870 (cùng thời với sự ra đời của bộ Tư bản luận ), tại Mỹ người lao động mỗi tuần phải làm việc trung bình 61 tiếng trong điều kiện khắc nghiệt và thời đó dĩ nhiên không có chế độ nghỉ hưu khi về già. Bây giờ số giờ làm việc của người lao động là 33 giờ/tuần trong điều kiện hoàn toàn khác và trung bình họ được nghỉ ngơi ít nhất 10 năm trong tuổi xế chiều. Trung bình một công nhân Mỹ vào năm 1958 cần làm 333 giờ mới mua được một cái tủ lạnh. Đến năm 2012 người công nhân ấy chỉ cần làm độ 60 giờ là có thể mua được cái tủ lạnh tốt hơn.24 Nhiều sự kiện tương tự có thể thấy ở các nước tư bản khác. Gần đây ở Nhật có một hiện tượng rất thú vị là những công ty lo cho cuộc sống của công nhân viên qua việc tăng tiền lương và cải thiện chế độ phúc lợi thì giá chứng khoán có khuynh hướng tăng (theo báo Nikkei 13/3/2015). Trước đây, vào năm 2007, những doanh nghiệp tuyên bố sẽ tăng tiền lương khởi đầu cho công nhân viên thì lập tức giá chứng khoán tăng (Nikkei 20/4/2007). Điều đó cho thấy doanh nghiệp nào lo cho đời sống của công nhân thì được đánh giá vì tin rằng những công ty ấy sẽ thu hút được nhiều lao động chất lượng tốt và với nguồn nhân lực ngày càng được chú trọng đó chắc chắn sẽ phát triển. Các công ty phải cạnh tranh với nhau trong việc thu hút nguồn lao động chất lượng và kết quả là đời sống người lao động được cải thiện.
Ở đây không có điều kiện bàn sâu hơn vấn đề này. Tôi chỉ tóm lược thêm vài điểm. Thứ nhất, tại các nước tư bản chủ nghĩa ngày nay, đã có sự phân ly giữa tư bản và kinh doanh, mà cả hai thành phần đã đại chúng hoá ở mức cao. Thông qua thị trường chứng khoán, mọi người dân đều trở thành chủ sở hữu công ty. Dĩ nhiên trên thực tế không phải ai cũng có khả năng mua nhiều chứng khoán của các công ty nhưng khác với thời thế kỷ 19 hay đầu thế kỷ 20, ngày nay ít có trường hợp một thiểu số cá nhân có thể thâu tóm, sở hữu và khống chế hoạt động của các công ty lớn. Còn giới lãnh đạo kinh doanh thì bất cứ ai có tài đều có thể ở vào các vị trí đó. Một công nhân có trình độ học vấn và có năng lực quản lý có thể trở thành tổng giám đốc hoặc thành viên trong ban giám đốc của các công ty, kể cả các công ty lớn. Hoặc nếu họ không có khả năng vì trình độ học vấn có giới hạn thì con em của họ có thể thay đổi vị trí xã hội của gia đình một cách dễ dàng.
Thứ hai, kinh tế thị trường hay chủ nghĩa tư bản dĩ nhiên không hoàn hảo, còn có nhiều mặt tiêu cực, đặc biệt là sự phân hoá giàu nghèo đang là vấn đề nổi cộm, nhưng xã hội luôn nêu ra các vấn nạn và tìm các giải pháp khắc phục. Vai trò của các học giả, các nhà nghiên cứu rất quan trọng trong việc khắc phục những hạn chế của kinh tế thị trường, của chủ nghĩa tư bản. Nhưng cho đến nay không có ai chủ trương phải chuyển sang chủ nghĩa xã hội (với nội dung như đã định nghĩa ở Tiết I) để giải quyết các mặt tiêu cực của kinh tế thị trường. Nếu có tham khảo chủ nghĩa xã hội thì cũng chỉ nhấn mạnh lý tưởng ban đầu là quan tâm hơn đến mặt công bằng xã hội. Ngay cả giáo sư Thomas Piketty (2014), tác giả cuốn sách đang được cả thế giới chú ý Tư bản trong thế kỷ 21, tuy chứng minh là chủ nghĩa tư bản có khuynh hướng ngày càng mở rộng sự phân hoá giàu nghèo nhưng cách giải quyết ông đề xuất vẫn nằm trong khuôn khổ của kinh tế thị trường, của chủ nghĩa tư bản (đánh thuế lũy tiến trên những người nhiều tư sản). Tuy chủ đề của cuốn sách gợi người ta liên tưởng đến bộ sách của Marx nhưng tác giả không chủ trương phải theo chủ nghĩa xã hội để giải quyết vấn đề.
Những nhà lý luận kinh điển của kinh tế thị trường như A. Smith và A. Marshall đều nhấn mạnh mặt đạo đức, mặt nhân văn cần có của kinh tế thị trường. Họ cho rằng mỗi cá nhân qua hoạt động kinh tế của mình phải đem lại ân huệ, lợi ích cho nhiều người; đạo đức của thị trường đòi hỏi phải có tính vị tha, lòng khoan dung, và tinh thần vì cộng đồng. Thị trường có chất lượng cao là nơi có nhiều người có năng lực làm ra của cải nhưng đồng thời có tấm lòng vị tha. Đó là điều kiện để có hiệu suất và công bằng trong kinh tế thị trường. Việt Nam hiện nay tuy chủ trương theo định hướng XHCN nhưng sự phân hoá giàu nghèo còn lớn hơn nhiều nước tư bản. Thu nhập bình quân đầu người mới chỉ 2.000 USD nhưng phong cách ăn tiêu của người giàu ở VN cao hơn nhiều so với người giàu ở Nhật Bản. Vấn đề đạo đức trong kinh tế thị trường ở VN cũng kém hơn nhiều so với các nước tư bản tiên tiến.25
4. Đảng Cộng sản và tương lai đất nước Việt Nam:
Do lịch sử để lại, Đảng CS hiện nay là chính đảng duy nhất lãnh đạo Việt Nam. Trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng CS đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Thời đó ngọn cờ chủ nghĩa xã hội chỉ có tác dụng như là một lý tưởng hứa hẹn cho tương lai, một xã hội chưa có nhưng nhiều người tin rằng đó là mục tiêu cần hướng đến, và Đảng CS đã dùng lý tưởng đó để động viên nông dân, công nhân và trí thức tham gia vào cuộc kháng chiến, chứ chưa cho thấy tính ưu việt của chủ nghĩa đó trong việc xây dựng đất nước. Sang thời bình, chủ nghĩa xã hội đã bộc lộ những khuyết điểm và VN phải thực hiện đổi mới. Chủ nghĩa xã hội cũng thất bại trên bình diện thế giới, và như đã nói ở Tiết I, cả khối xã hội chủ nghĩa đã hoặc đang chuyển sang kinh tế thị trường.
Đảng CS VN tuy ra đời với lý tưởng xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng, ngày nay thực tiễn đã cho thấy chủ nghĩa xã hội đã thất bại trong việc xây dựng đất nước nên Đảng CS không thể và không cần dựa vào ý thức hệ này để chính thống hoá vai trò lãnh đạo của mình. Ngược lại nếu Đảng CS từ bỏ ý thức hệ đã lỗi thời, tiếp thu những tiến bộ của thời đại, từ đó cùng với trí thức trong và ngoài đảng đưa ra được ý tưởng mới, tư duy mới, chiến lược mới cho con đường phát triển của đất nước, thì sẽ được dân tin tưởng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng CS và tin tưởng về tương lai của VN.
Như vậy, không cần phải dựa vào lý tưởng xã hội chủ nghĩa để khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng CS. Ngược lại nếu Đảng CS cứ tiếp tục chủ trương định hướng XHCN mà thực chất là muốn quay trở lại chủ nghĩa xã hội như ta đã thấy qua các bài viết của nhiều vị lãnh đạo lý luận và tư tưởng thì nhiều mâu thuẫn tiếp tục tồn tại, gây lãng phí thì giờ và các nguồn lực khác, chí ít là ở các mặt cụ thể như sau.
Thứ nhất, một mặt nhiều nhà lý luận và lãnh đạo tư tưởng trong Đảng CS khẳng định chủ nghĩa xã hội một cách duy ý chí và không chứng minh một cách có sức thuyết phục tại sao VN phải định hướng XHCN, mặt khác những cán bộ phụ trách lãnh đạo, quản lý và điều hành thực tế thì phải vất vả đi tìm phương cách giải thích đường lối sao cho tương thích với thực tiễn. Ông Trần Đức Nguyên, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng và là người từng làm trợ lý cho nhiều lãnh đạo cao nhất, từng tham gia vào việc soạn thảo nhiều văn kiện về đổi mới kinh tế của Đảng, đã từng nói: “Những người soạn thảo chiến lược (1991-2000) hiểu rằng việc xác định một cách khoa học thế nào là chủ nghĩa xã hội và thế nào là định hướng XHCN không đơn giản” (Trần Đức Nguyên 2008, tr. 93). Gần đây, theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN: “Trong 25 năm qua, cứ mỗi năm lại có một hoặc nhiều chương trình nghiên cứu nhà nước. Trong những chương trình ấy thường có một vài đề tài trả lời câu hỏi thế nào là kinh tế thị trường XHCN. ...Đến đợt này cũng phải trả lời tiếp. … Như thế là chúng ta đã rất cố gắng để đi tìm một định nghĩa làm chúng ta thấy tin tưởng và hài lòng. Nhưng thực tế là đến bây giờ chúng ta vẫn chưa rõ, vẫn cứ phải đi tìm câu trả lời” (Vietnamnet 1/4/2015, tôi nhấn mạnh). Trong buổi nói chuyện tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cuối năm 2013, trả lời câu hỏi thế nào là thể chế kinh tế thị trường XHCN, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có thứ đó mà tìm”. Qua các nhận xét này ta có thể tưởng tượng xã hội đã phải chịu bao nhiêu phí tổn cho vấn đề này suốt 20 năm qua. Tại sao các nước đã phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc không phải mất bao nhiêu công sức cho việc bàn luận, nghiên cứu về đường lối, nhất là không phải động viên sức người sức của cho việc chứng minh những vấn đề đã được thực tiễn cho thấy không còn tác dụng, không còn hợp thời nữa? Họ xuất phát từ khát vọng cháy bỏng là làm sao đưa đất nước lên hàng quốc gia thượng đẳng, từ đó tham khảo những kinh nghiệm thành công của các nước đi trước song song với các chiến lược, chính sách hợp lý, củng cố được nội lực chứ không phải chỉ tranh thủ ngoại lực.
Thứ hai, liên quan đến nguồn lực sử dụng không có hiệu quả phải kể đến tình hình giáo dục ở đại học. Hiện nay tại các đại học ở VN, sinh viên phải học các môn bắt buộc về chủ nghĩa Mac-Lênin và về chủ nghĩa xã hội khoa học. Lãnh đạo tư tưởng trong Đảng có bao giờ thực hiện một nghiên cứu nghiêm túc, một đánh giá khách quan về phí tổn (ngân sách và thì giờ) và tác dụng của các môn học này đối với sinh viên? Tại sao lãnh đạo VN tiếp tục gửi sinh viên sang nước ngoài học ở những đại học không dạy những môn đó mà trong nước lại bắt sinh viên mình phải học? Theo tôi có thể tiếp tục giảng dạy các môn đó nhưng để sinh viên chọn lựa, không bắt buộc phải học.
Thứ ba, như đã nói ở trên, dưới chủ trương nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà thực chất là sẽ trở lại chủ nghĩa xã hội (kinh tế nhà nước sẽ ngày càng đóng vai trò chủ đạo), doanh nghiệp quốc doanh tiếp tục ỷ lại vào sự bảo hộ của nhà nước, những nhóm lợi ích chung quanh doanh nghiệp quốc doanh sẽ có lý do để thao túng các nguồn lực như vốn, đất đai, và mặt khác doanh nghiệp dân doanh sẽ không có điều kiện phát triển, không có ý chí đầu tư dài hạn, không phát huy tinh thần doanh nghiệp.
Tôi muốn nhấn mạnh lại điểm này: Đảng CSVN không cần phải dựa vào ý thức hệ XHCN mới chính thống hoá được vai trò lãnh đạo của mình. Và trên thực tế đã đến lúc nên xa rời chủ nghĩa xã hội mới mong có thể tiếp tục lãnh đạo. Vài năm trước, cuốn sách Tại sao các quốc gia thất bại: Nguồn gốc của Quyền lực, Thịnh vượng và Nghèo khó của Acemoglu & Robinson (2012) đã gây tranh cãi trong giới nghiên cứu chính trị và kinh tế. Theo hai tác giả, nước nào theo thể chế bao trùm, bao dung (inclusive institutions) với ý nghĩa là phải dân chủ, phải tạo điều kiện bình đẳng về chính trị cho mọi tầng lớp dân chúng thì mới thực hiện được sự tăng trưởng bao trùm, bao dung (inclusive growth) trong đó kinh tế vừa phát triển vừa bảo đảm phân phối thu nhập công bằng hơn và tạo lập sự hài hoà trong xã hội, và đó là điều kiện để phát triển nhanh và bền vững. Nhiều ý kiến khác, trong đó có tôi, thì cho rằng trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển không nhất thiết phải có thể chế bao trùm26, vấn đề quan trọng nằm ở chỗ nhà nước có vì dân, vì đất nước và từ đó thoát ra khỏi những ràng buộc của tư tưởng giáo điều hay không mà thôi.
Theo tôi, Đảng CSVN có thể phát huy vai trò lãnh đạo của chính đảng duy nhất hiện nay, đưa đất nước tiến nhanh lên vị trí ngang tầm với vị trí về dân số trên thế giới (nghĩa là độ 10.000 USD) với điều kiện đổi mới thực sự theo những phân tích thực tiễn như nói trên. Từ điểm đó dù chuyển qua chế độ đa đảng, với thành tích vì dân vì nước mà đã thay đổi đường lối để phát triển, Đảng CS vẫn tiếp tục được dân chúng ủng hộ.
Thay lời kết
Trách nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay là phải đưa ra tầm nhìn, dự phóng về một tương lai 15 hoặc 20 năm tới, trong đó có những cam kết cụ thể về việc đưa đất nước lên hàng thượng đẳng trong đó kinh tế VN sẽ có một vị trí quan trọng, chẳng hạn tương đương với vị trí của quy mô dân số, không còn lao động xuất khẩu, không còn nhận viện trợ và có một đội ngũ tư bản dân tộc vững mạnh. Như vậy mới đáp ứng được kỳ vọng của dân chúng. Không nên tiếp tục đưa ra những mục tiêu không thiết thực như xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hoặc những mục tiêu chung chung như dân giàu nước mạnh,… Việt Nam đang cần những người lãnh đạo đề cao chủ nghĩa phát triển, thoát ra những trói buộc vào ý thức hệ lỗi thời, vào những giáo điều mà thực tế đã cho thấy không còn giá trị.
Năm 2015 là năm chẵn kỷ niệm nhiều sự kiện lịch sử, Đảng CS cũng đang chuẩn bị Đại hội lần thứ XII. Nhưng sẽ là một thiếu sót lớn nếu những dịp này không đưa ra tầm nhìn chiến lược về con đường phát triển sắp tới nhằm đối phó hữu hiệu với những thách thức hiện nay, không đề cập đến việc thay đổi hình ảnh của Việt Nam trên vũ đài quốc tế. Như đã phân tích ở trên, muốn đưa ra tầm nhìn chiến lược và các chính sách cụ thể phải giải phóng ra khỏi những tư tưởng, lý luận có tính giáo điều, xa rời thực tiễn.
Một đất nước muốn trở thành quốc gia thượng đẳng phải bắt đầu từ khí khái, đổi mới tư duy, và quyết tâm hành động của giới lãnh đạo, từ đó quy tụ nhân tài và đưa ra được tầm nhìn về hướng phát triển đáp ứng được mơ ước của dân chúng./.
Trần Văn Thọ (*)
(*) Đại học Waseda, Nhật Bản.
(Viet - Studies)
http://www.viet-studies.info/kinhte/TranVanTho_KinhTeThiTruong.htm
Tác giả cám ơn các anh chị Trần Hữu Dũng, Trần Xuân Giá, Trần Hải Hạc, Chu Hảo, Lưu Bích Hồ, Phạm Chi Lan, Trần Đức Nguyên, Hà Dương Tường, Vũ Quang Việt và hai ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã đọc bản thảo đầu tiên (tháng 5/2015) và góp nhiều ý kiến hữu ích. Bản sửa chữa đã được chuyển đến một số lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam (trong tháng 9/2015). Đây là bản cuối cùng (tháng 12/2015).
Tư liệu có trích dẫn:
Acemoglu, Daron and James A. Robinson (2012), Why Nations Fail: The Origin of Power, Prosperity, and Poverty, Crown Business.
Đảng Cộng sản Việt Nam (2015), Dự thảo báo cáo Chính trị Đại hội Đảng XII, Vietnamnet 15/9.
Kornai, Janos (1992), The Socialist System: The Political Economy of Communism, Oxford University Press.
Lavigne, Marie (1995), The Economics of Transition from Socialist Economy to Market Economy, Macmillan Press.
Lê Xuân Tùng (2015), Phải chăng kinh tế tư nhân là nền tảng của nền kinh tế quốc dân? Quân đội nhân dân, 5/6.
Lưu Văn Sùng (2014), Quan điểm, đường lối chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam khi bước vào công cuộc đổi mới và hiện nay, Tạp chí Cộng sản, 25/11.
Nguyễn T., Nguyễn T.T.H. và Nguyễn C. D. (2012), Kinh tế Việt Nam giai đoạn 2006-2010 và Triển vọng 2010-2020, Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Nhiều tác giả (2011), Ý kiến chúng tôi: Cải cách toàn diện để phát triển đất nước.
Piketty, Thomas (2014), Capital in the Twenty-First Century (Translated by Arthur Goldhammer), The Belknap Press of Harvard University Press.
Roland, Gerald (2000), Transition and Economics: Politics, Markets and Firms, MIT Press.
Suehiro Akira (2014), Shinko Ajia Keizairon (Luận về kinh tế của những nước Á châu mới nổi), Iwanami Shoten.
Nguyễn Viết Thông (2014), Kiên định con đường đi lên Chủ Nghĩa Xã Hội, Bài 1: Khát vọng của nhân dân, Saigon Giải phóng, 14/9/2014.
Tạ Ngọc Tấn (2015), Những thành tựu lý luận của Đảng qua 85 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, 31/3/2015.
Trần Đức Nguyên (2008), “Chiến lược 1991-2000: Bước đột phá về quan điểm phát triển,” trong Đào Xuân Sâm, Vũ Quốc Tuấn, chủ biên, Đổi mới ở Việt Nam: Nhớ lại và suy ngẫm, NXB Tri thức, tr. 89-121.
Trần Văn Thọ (2002), Đảng viên làm kinh tế, Tia Sáng, Tháng 9.
Trần Văn Thọ (2012), Bẫy thu nhập trung bình nhìn từ các nước ASEAN, Thời đại mới số 24 (tháng 3).
Tran Van Tho (2013a), Vietnamese Economy at the Crossroads: New Doi Moi for Sustained Growth, Asian Economic Policy Review, Volume 8 Issue 1 (June), pp. 122-143.
Trần Văn Thọ (2013b), Đạo đức và kinh tế thị trường, Thời báo kinh tế Saigon, số đặc biệt Xuân Quý Tỵ, tr. 24-25.
Tran Van Tho (2013), The problem of Vietnamese gradualism in economic reform, East Asia Forum, 12/4
Trần Văn Thọ (2014a), Thách thức chưa giàu đã già, Tuổi Trẻ số Tết Giáp Ngọ.
Trần Văn Thọ (2014b), FDI và nguy cơ phân hoá kinh tế, Thời báo kinh tế Saigon, 8/5.
Trương Đình Tuyển (2015), Kinh tế thị trường hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa là gì? Thời báo Kinh tế Saigon, 11/4.
Vũ Văn Phúc (2014), Phải chăng chủ nghĩa Mác-Lenin là "ngoại lai, bắt nguồn từ phương Tây nên không còn phù hợp với Việt Nam?", Tạp chí Cộng sản, 25/4.
Weil, David N. (2013), Economic Growth, Third Edition (International Edition), Pearson.
World Bank (1993), The East Asian Miracle: Economic Growth and Public Policy , Oxford University Press.
World Bank (1996), World Development Report: From Plan to Market, Oxford University Press.
World Bank (2011), Vietnam Development Report 2012: Market Economy for a Middle-Income Vietnam, Hanoi: World Bank.
Chú thích :
1 Khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chính thức được dùng từ năm 2001 (Đại hội IX) nhưng chủ trương có cùng nội dung đó đã có từ năm 1994 ở Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội VII. Liên quan sự phát triển nhận thức về kinh tế thị trường, ở Hội nghị đó, Đảng CSVN đã nêu quan điểm “Cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa đang trở thành cơ chế vận hành của nền kinh tế”.
2 Trương Đình Tuyển (2015). Các vị khác trong nhóm này có các chuyên gia như Nguyễn Đình Cung (VNeconomy, 21/4/2015), Trần Đình Thiên (Vietnamnet, 1-3/4/2015).
3 Chẳng hạn xem Lưu Văn Sùng (2014), Nguyễn Viết Thông (2014) , Vũ Văn Phúc (2014), Tạ Ngọc Tấn (2015), Lê Xuân Tùng (2015).
4 Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XII chủ trương vẫn kiên trì đường lối này do đó nếu dự thảo này được thông qua ở Đại hội thì xem như sẽ không có thay đổi. Ngoài ra, về nhân sự cấp lãnh đạo sắp tới, Tổng bí thư và Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã khẳng định một trong những tiêu chí quan trọng là phải kiên định với lập trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thêm vào đó, những đảng viên muốn được đề bạt vào cấp lãnh đạo phải học lý luận và tư tưởng ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
5 Do khuôn khổ của bài viết này, tôi sẽ không điểm lại nội dung, đặc tính và phát triển của trào lưu nghiên cứu này. Vài cuốn sách tiêu biểu bằng tiếng Anh xuất bản trong thập niên đầu của sự kiện lịch sử này là Kornai (1992), Lavigne (1995), Roland (2000) và World Bank (1996). Cuốn sách cuối cùng là bản báo cáo hằng năm của Ngân hàng Thế giới, báo cáo năm ấy có tiêu đề phụ là Từ Kế hoạch sang Thị trường.
6 Chiến lược liệu pháp sốc (shock-therapy) chủ trương nên chuyển sang kinh tế thị trường trong thời gian ngắn và đồng bộ giữa các ngành, các lãnh vực. Đối lại, chiến lược tuần tự (gradualism) chủ trương tự do hóa và cải cách từng bước và có chọn lựa mới khả thi và bảo đảm sự ổn định, bền vững. Bây giờ thì hầu hết các nhà nghiên cứu đều công nhận chiến lược thứ hai có hiệu quả hơn (Xem chẳng hạn Rodrik 2007). Tuy nhiên chiến lược thứ hai nếu kéo dài quá lâu và không triệt để thì lại phát sinh nhiều tệ hại như tham nhũng và duy trì các nhóm lợi ích. Tôi có bàn về chiến lược chuyển đổi thể chế tuần tự theo kiểu Việt Nam trong Tran Van Tho (2013).
7 Ngân hàng Thế giới dùng khái niệm “sự can thiệp của nhà nước cần theo hướng thân thiện với thị trường” (market friendly intervention) để chỉ quan hệ cần có giữa nhà nước và thị trường. Xem World Bank (1993).
8 Nói chính xác, như đã phân tích ở trên, kinh tế thị trường phát triển theo từng giai đoạn nên khi nói “vận hành đầy đủ, đồng bộ” là đã nói về một nền kinh tế thị trường đã phát triển đến giai đoạn cao nhất. Ngay cả những nước tư bản tiên tiến cũng có mặt chưa đạt đến giai đoạn đó. Thành ra nếu VN nói đến giai đoạn đó thì chỉ có nghĩa là mục tiêu sẽ hướng tới trong tương lai.
9 Ở Nhật Bản, suốt từ năm 1955 đến nay, trừ 2 thời kỳ ngắn tổng cộng hơn 5 năm, Đảng Tự do Dân chủ (LDP) cầm quyền đã gần 55 năm, mặc dù có nhiều đảng đối lập tranh nhau qua các cuộc bầu cử tự do.
10 Dẫn theo Dự thảo đăng trên báo Nhân Dân ngày 15/9/2010.
11 Sự chuyển dịch về hướng kinh tế thị trường này có tác dụng tốt là khơi dậy các nguồn lực trong và ngoài nước, đưa lại những thành quả nhất định trong đổi mới, nhưng những yếu kém trong sự quản lý của nhà nước tạo điều kiện cho sự hình thành và lộng hành các nhóm lợi ích bất chính làm cho thị trường phát triển thiếu lành mạnh. Nhiều người đã hình dung tình trạng nầy là chủ nghĩa tư bản hoang dã.
12 Tính từ tư liệu trong Suehiro (2014) ta thấy vào năm 1980 Á châu (không kể Nhật Bản là nước công nghiệp tiên tiến) chỉ chiếm 7% sản lượng thép của thế giới nhưng đến năm 2012 con số đó lên tới gần 60%. Con số tương tự trong ngành ô-tô tăng từ 0% lên 40%. Hiện nay (2012), Á châu chiếm từ 90 đến 100% sản lượng thế giới trong các ngành máy tính cá nhân và phụ kiện và hầu hết các mặt hàng về đồ điện gia dụng (ở các mặt hàng này Nhật hầu như không sản xuất trong nước nữa). Vào mùa thu năm 2001, chính phủ Đài Loan cho phép doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin (IT) sang đầu tư ở Trung Quốc đã tạo nên làn sóng công nghiệp máy tính ồ ạt chuyển sang nước này (Suehiro 2014, tr. 45). Điểm này cho thấy nếu môi trường đầu tư ở Việt Nam thuận lợi thì có khả năng đón đầu dòng thác FDI ngành IT từ Đài Loan trước năm 2001.
13 Về sự kém hiệu suất phát triển của kinh tế Việt Nam, xem chẳng hạn Tran Van Tho (2013a), Nguyễn et al. (2012), World Bank (2011).
14 Cuộc tọa đàm trên Vietnamnet gần đây (20/5/2015) giữa chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và Trưởng phòng Pháp chế Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho thấy hiện trạng bi thảm của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Theo điều tra của VCCI, từ 2002 đến 2012, trong 10 năm quy mô vốn bình quân của doanh nghiệp tư nhân VN bị “teo lại” còn một nửa.
15 Giữa lúc tranh luận sôi nổi về vấn đề này, tôi có viết bài chỉ trích những mâu thuẫn trong chủ trương của giới bảo thủ trong Đảng CS. Xem Trần Văn Thọ (2002). Đến năm 2006 đảng viên mới được phép làm kinh tế tư nhân.
16 Từ khi gia nhập WTO (đầu năm 2007) thì ngược lại, cho FDI vào tự do ở mọi ngành, kể cả những ngành doanh nghiệp trong nước có thể đầu tư, và kể cả những ngành lẽ ra cần dành cho doanh nghiệp bản xứ trong tương lai. Hậu quả của giai đoạn thứ hai là FDI vào ồ ạt vào đầu tư trong khi doanh nghiệp trong nước, kể cả quốc doanh còn yếu.
17 Trong trường hợp của Nhật Bản, yếu tố độc tài yếu hơn và chủ yếu chi thấy ở thời Minh Trị, nhưng Nhật cũng có đầy đủ các yếu tố khác như yêu nước, tinh thần dân tộc và kinh tế thị trường.
18 Gần 4 năm trước (ngày 8 tháng 9 năm 2011), chúng tôi gồm 14 người Việt Nam ở nước ngoài (đang hoặc đã làm việc ở các đại học, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế,.. ) đã phát biểu Ý kiến chúng tôi: Cải cách toàn diện để phát triển đất nước trong đó phân tích hầu hết các mặt kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, đối ngoại, và đưa ra các chiến lược, chính sách cải cách “vì một nước giàu mạnh và tự chủ”. Xem Nhiều tác giả (2011). Trước khi phát biểu, Bản ý kiến đã gửi đến các ủy viên Bộ Chính trị Đảng CS, Quốc Hội và Chính phủ Việt Nam. Tình hình Việt Nam hiện nay nhiều mặt còn đáng lo ngại hơn so với 4 năm trước.
19 Xem phân tích chi tiết trong Trần Văn Thọ (2014a).
20 Trần Văn Thọ (2014b)
21 Tran Van Tho (2012)
22 Trong những nước có một quy mô dân số nhất định tại châu Á, trước đây Indonesia và Phi-li-pin được xem là tồi tệ nhất về nạn tham nhũng, nhưng gần đây Việt Nam đã vượt qua hai nước này.
23 Riêng tại Nhật hàng năm tôi tham gia rất nhiều buổi giảng dạy, thuyết trình cho các khóa huấn luyện nầy.
24 Theo Weil (2013), tr. 22, dựa trên nhiều nghiên cứu.
25 Tôi đã có dịp bàn về vấn đề đạo đức trong nền kinh tế thị trường : Trần Văn Thọ (2013b).
26 Ở đây chỉ giới hạn vấn đề trong thể chế độc đảng hay đa đảng, chứ không đi vào các vấn đề liên quan như nhân quyền, tự do ngôn luận, v.v... Dù đang trong giai đoạn thể chế một đảng, việc bảo đảm tự do ngôn luận, bảo đảm nhân quyền là cần thiết, nếu không thì không thể phòng chống tham nhũng và không đáp ứng nhu cầu văn hóa ngày càng cao của dân chúng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét