Việt Nam đối mặt với chiến tranh tiền tệ?
"Nếu Ngân hàng Nhà nước cố giữ giá trị tiền đồng thì năm sau sẽ có biến động rất mạnh về tỷ giá." "Việc Trung Quốc phá giá tiền tệ nằm ngoài dự đoán chủ quan của Việt Nam cũng như thế giới và việc không giữ cam kết 2% đầu năm hoàn toàn có thể chấp nhận được." Nhận định về điều mà các báo nước ngoài gọi là nguy cơ xảy ra chiến tranh tiền tệ trong khu vực, giới chuyên gia cho rằng những yếu tố làm xảy ra chiến tranh tiền tệ hiện nay "có thể nhiều hơn những năm trước."
Ngân hàng trung ương của Việt Nam đã
phá giá VND hai lần trong nửa đầu năm nay
Động thái phá giá tiền tệ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã gây chấn động cho các thị trường tài chính thế giới trong 24 tiếng qua. Đồng nhân dân tệ đã được điều chỉnh tỷ giá tham chiếu so với USD xuống 1,9% hôm 11/8, trước khi tiếp tục giảm thêm 1,6% ngày 12/8.Nhiều hãng tin tài chính lớn như Financial Times, Bloomberg, cho rằng hành động của Bắc Kinh đang châm ngòi cho một 'cuộc chiến tiền tệ' trong khu vực, khi hàng loạt các quốc gia châu Á bất ngờ phải đối mặt với áp lực phá giá tiền tệ để giữ tính cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu.
Động thái của Trung Quốc được cho là bước đi nhằm tạo tiền đề cho phép các tác nhân thị trường đóng vai trò lớn hơn trong việc xác định tỷ giá hối đoái.
Bất lợi cho Việt Nam
Sáng 12/8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra thông báo điều chỉnh nâng biên độ tỷ giá USD/VND lên gấp đôi, từ 1% lên 2%.
Điều này đồng nghĩa với việc giá mua bán USD của các ngân hàng có thể biến động trong phạm vi từ 21.240 đồng đến 22.106 đồng.
Ngân hàng trung ương của Việt Nam giải thích động thái này là nhằm đảm bảo tính linh hoạt cho tỷ giá trước các tác động của thị trường quốc tế và đảm bảo cho khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
"Với đặc thù Trung Quốc là đối tác chiếm tỷ trọng thương mại lớn của Việt Nam thì việc điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ sẽ có tác động bất lợi tới nền kinh tế Việt Nam", thông cáo viết.
Kết thúc phiên giao dịch sáng 12/8, chỉ số VN-Index dừng lại ở mức 604,24 điểm, giảm 8,81 điểm (-1,44%).
Trả lời BBC ngày 12/8, ông Vũ Thanh Phong, một chuyên gia chứng khoán trong nước, cho biết "tình hình hiện tại không tích cực cho lắm".
Ông cho biết thị trường đã diễn biến xấu kể từ khi đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương tại Hawaii không mang lại kết quả như kỳ vọng.
"Tuy nhiên việc ngân hàng trung ương Trung Quốc phá giá nhân dân tệ ngày hôm qua đã khiến thị trường bị bất ngờ", ông nói.
"Điều này gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến Việt Nam cũng như thế giới, nhất là về mặt kinh tế."
"Về mặt nhập khẩu, Việt Nam vẫn chưa giải quyết được vấn đề nhập siêu với Trung Quốc, và nếu đồng nhân dân tệ tiếp tục yếu hơn thì trong tương lai vấn đề nhập siêu sẽ nghiêm trọng hơn nữa."
"12 năm trước Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 15 của họ, tính đến quý 1 năm nay thì Việt Nam đã là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Trung Quốc và đây là điều rất đáng lo ngại," ông nói.
'Không ngờ trước'
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước đó đã thông báo sẽ không điều chỉnh tỷ giá VND nhiều hơn 2% trong năm nay.
Tuy nhiên, theo ông Phong, cơ quan này đã "không tính được hết biến động tỷ giá trong năm nay".
"Sự tăng giá của đồng đôla đã khiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dùng hết 2% trong nửa năm đầu", ông nói.
"Hôm qua thì việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ tiếp tục nằm ngoài dự kiến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam".
"Trong điều kiện tỷ giá biến động quá mạnh này, nếu tiếp tục bảo vệ tỷ giá tiền đồng thì cái giá phải trả rất lớn và cụ thể là dự trữ ngoại hối sẽ bị tiêu tốn", ông nói.
"Nếu Ngân hàng Nhà nước cố giữ giá trị tiền đồng thì năm sau sẽ có biến động rất mạnh về tỷ giá."
"Việc Trung Quốc phá giá tiền tệ nằm ngoài dự đoán chủ quan của Việt Nam cũng như thế giới và việc không giữ cam kết 2% đầu năm hoàn toàn có thể chấp nhận được."
Nhận định về điều mà các báo nước ngoài gọi là nguy cơ xảy ra chiến tranh tiền tệ trong khu vực, giới chuyên gia cho rằng những yếu tố làm xảy ra chiến tranh tiền tệ hiện nay "có thể nhiều hơn những năm trước."
http://www.bbc.com/vietnamese/business/2015/08/150812_vn_facing_currency_war
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét