Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

Thương thuyết TPP bị thất bại

Thương thuyết TPP bị thất bại 
LAHAINA, Hawaii (NV) - Các thương thuyết gia Hoa Kỳ cùng 11 quốc gia khác ở vùng Thái Bình Dương hôm Thứ Sáu đã thất bại trong việc đạt thỏa thuận sau cùng cho hiệp ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Paficific Partnership-TPP), do những bất đồng ý kiến về bảo vệ thị trường cho các công ty dược phẩm cũng như các sản phẩm nông nghiệp ở cả hai bên bờ Thái Bình Dương, theo tin nhật báo The New York Times.
Bộ trưởng thương mại các quốc gia trong TPP họp báo sau cuộc thương 
thuyết chấm dứt tối Thứ Sáu. (Hình: AP Photo/Audrey McAvoy)
Các bộ trưởng thương mại, trong bản thông cáo chung đưa ra vào khuya ngày Thứ Sáu, nói rằng họ đã có những “tiến triển quan trọng” và sẽ quay trở lại quốc gia của mình để có được sự hướng dẫn của giới chức cao cấp hơn về một số vấn đề còn lại và sẽ sớm khởi sự các cuộc thảo luận song phương.

“Hiện còn nhiều vấn đề có thể giải quyết tại các cuộc họp này, để giảm thiểu khác biệt và kiếm được điểm đồng thuận,” theo lời ông Michael Froman, đặc sứ Thương Mại Hoa Kỳ. “Tôi hài lòng với những tiến triển đã đạt được.”

Tuy nhiên, việc không đạt thỏa thuận sau cùng ở Hawaii sau một tuần lễ thương thảo giữa 12 quốc gia gồm Hoa Kỳ, Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, Tân Tây Lan, Peru, Singapore và Việt Nam, sẽ là một thất bại nặng nề cho chính phủ Obama, vốn coi đây là vòng sau cùng để có được một hiệp ước thương mại với các quốc gia vùng Á Châu-Thái Bình Dương, có nền kinh tế chiếm vào khoảng 40% của cả thế giới.

Nỗ lực của ông Obama đã có được sự ủng hộ của Quốc Hội Hoa Kỳ khi thông qua đạo luật gọi là “fast track” (TPA) cho phép ông nhanh chóng có sự chuẩn thuận hơn trong trường hợp có thỏa thuận.

Các điểm sau cùng đã ngăn cản không có việc ký kết gồm cả những điều đã từng gây khó khăn cho thương mại quốc tế từ nhiều thập niên nay như: tiếp cận thị trường cho sản phẩm sữa từ Canada và Tân Tây Lan, bảo vệ thị trường đường mía ở Hoa Kỳ và gạo ở Nhật.

Ông Tim Groser, bộ trưởng Thương Mại Tân Tây Lan, quốc gia xuất cảng sản phẩm sữa lớn hàng đầu thế giới, nhất quyết tranh đấu để không bị giới hạn thị trường.

Ngoài ra, Tây Tân Lan cùng với Úc và Chile chống lại đòi hỏi của Hoa Kỳ là phải bảo vệ tài sản trí tuệ các công ty dược phẩm lớn trong vòng 12 năm, để họ có thể thu hồi các chi phí nghiên cứu sản xuất thuốc mới, trước khi phải cạnh tranh với các loại thuốc generic.

Các bộ trưởng thương mại và phái đoàn của họ, gồm khoảng 650 người, đã kéo về ở tại các khách sạn sang trọng trên đảo Maui tại Hawaii trong tuần qua để tham dự các cuộc họp kéo dài đến khuya Thứ Sáu, trước sự chứng kiến của khoảng 150 nhà báo, đó là chưa kể có hàng trăm quan sát viên khác thuộc các nhóm, tổ chức thương mại, chính sách, có thể bị hiệp ước này ảnh hưởng trực tiếp.

Do không kết thúc được cuộc thương thuyết, vốn kéo dài đã tám năm nay, vòng thảo luận tới đây sẽ đưa việc thông qua thỏa thuận vào đúng năm bầu cử tổng thống Hoa Kỳ 2016.


12 quốc gia tham gia TPP. (Hình: humanosphere.org)

Phần lớn các ứng cử viên thuộc Đảng Cộng Hòa nhiều phần sẽ bày tỏ sự ủng hộ TPP, nhưng nếu có thỏa thuận thì điều này sẽ buộc bà Hillary Clinton, người được coi là đang dẫn đầu các ứng cử viên phía Đảng Dân Chủ, vốn có khuynh hướng chống TPP, phải công khai bày tỏ lập trường của mình.

Tuần này, bà cho báo chí hay “Tôi không liên hệ đến TPP” khi bà còn là ngoại trưởng Hoa Kỳ, dù rằng năm 2012 bà từng tuyên bố tại Úc rằng TPP là “tiêu chuẩn vàng cho các thỏa thuận thương mại.”

Tại Canada, Thủ Tướng Stephen Harper, người đang phải vất vả tìm cách lấy lại sự ủng hộ của cử tri trước cuộc bầu cử Tháng Mười tới đây, sẽ không dám có nhượng bộ gì để mở thị trường súc sản và sữa của họ cho hàng ngoại quốc.

Chile, với tân chính phủ có khuynh hướng trung-tả và có thỏa thuận tự do mậu dịch với tất cả các quốc gia trong vùng Thái Bình Dương, kể cả Hoa Kỳ, sẽ không có lý do gì để nhượng bộ, đặc biệt là với đòi hỏi phải cho các công ty dược phẩm Hoa Kỳ có một thời gian để bảo vệ sản phẩm trí tuệ của họ.

Phía Úc cho hay việc bảo vệ sản phẩm này sẽ không được quốc hội chấp thuận nếu kéo dài quá 5 năm, trong khi phía Hoa Kỳ đòi là 12 năm.

Ông Ildefonso Guajardo, bộ trưởng Kinh Tế Mexico, nhất định giữ vững lập trường không cho nhập cảng bất cứ xe nào từ Nhật nếu không có ít nhất 65% phụ tùng được sản xuất từ các quốc gia thành viên TPP.

Các công ty xe hơi Nhật nay nhập cảng rất nhiều phụ tùng từ Thái Lan, vốn không là thành viên TPP.

“Tôi phải tranh đấu cho quyền lợi nước tôi,” ông Guajardo cho hay.

Tại Hoa Kỳ, chính phủ hiện cho nhập cảng đường mía theo tiêu chuẩn hạn ngạch.

Các nông dân Úc nay được xuất cảng khoảng 100,000 tấn sang Hoa Kỳ mỗi năm và muốn tăng lên khoảng 500,000 tấn, nhưng Washington không đồng ý vì phản đối của nông dân trong nước.

Trung Quốc, quốc gia có nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới chỉ sau Hoa Kỳ, không tham dự cuộc thảo luận, nhưng có thể sẽ gia nhập sau này.

Bắc Kinh đang tìm cách thương thảo một thỏa thuận khác với cùng các quốc gia TPP, gọi là Regional Comprehensive Economic Partnership (RCEP), gồm 16 quốc gia, kể cả 10 quốc gia thành viên ASEAN và Úc, Ấn Độ, Nhật, Nam Hàn cùng Tân Tây Lan.

Vòng tới của cuộc thảo luận TPP dự trù sẽ diễn ra vào Tháng Mười Một năm nay. (V.Giang)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=211152&zoneid=1#.Vb7AZvOqqko

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét