Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

Nỗi đau vì phải sống

Nỗi đau vì phải sống
Không có gì đáng kinh ngạc khi nhà văn viết tiếng Đức vĩ đại nhất sau Kafka không phải Günter Grass (xem thêm ở đây) mà là Thomas Bernhard.
Các nhà văn viết tiếng Đức có hai đặc điểm rất lớn. Không phải là chuyện họ bị ám ảnh bởi “bản hợp đồng với quỷ”, mà là: thứ nhất, văn chương tiếng Đức đạt đến những đỉnh cao chói lọi (kiểu đỉnh cao này rất phù hợp với cách miêu tả đỉnh cao của Cioran: phải tưởng tượng là ta đi xuống bầu trời và bước lên đáy vực) ở những nhân vật rất bên lề, chứ không phải “ở trung tâm”. Kafka sống ở Praha, và nhà văn đồng thời (có lẽ là duy nhất) mà Kafka thực sự ngưỡng mộ trong thế giới văn chương tiếng Đức là một người bên lề khác: nhà văn Thụy Sĩ Robert Walser. Walser là một người bị điên, nhiều thời gian sống ở trại điên. 

Những nhà văn viết bằng tiếng Đức đồng thời bị điên, đó là cả một tập đoàn kỳ quặc. Tôi từng đến cái tháp nhỏ bên dòng sông ở Tübingen rồi; Hölderlin bị nhốt ở đấy, cái vòng đai sắt dùng để khóa tay Hölderlin lại giờ vẫn còn, rất đáng sợ. Các nhà văn viết tiếng Đức mà điên là rất điên, điên rực rỡ. Thử đọc Robert Walser (đọc vài quyển thôi, vì khó mà đọc hết tác phẩm của Walser lắm, nhiều kinh khủng) thì hiểu ngay tại sao Kafka lại ngưỡng mộ Walser; ngày nay Robert Walser gần như không được ai biết đến, chỉ xuất hiện dưới ngòi bút của một số nhà văn khác cũng rất cận kề bệnh điên, chẳng hạn như Linda Lê.

Thứ hai, các nhà văn Đức có một môn thể thao chung, kéo qua rất nhiều thế hệ, một môn thể thao vô cùng hào hứng, mà nhà văn viết tiếng Đức nào cũng đều cảm thấy một mệnh lệnh tinh thần là phải tham gia, và nỗ lực sao cho đạt đến những kỷ lục chóng mặt nhất. Đó là môn thể thao có mục đích là làm sao để sỉ nhục Goethe vĩ đại theo một cách thức khủng khiếp nhất. Kể từ Heinrich Heine đã thế rồi, và không biết bao nhiêu lực sĩ văn chương đã thi triển công phu trên riêng một địa hạt đặc chất Đức này. Thomas Bernhard có thứ hạng cực cao trong suốt lịch sử môn thể thao tê tái ấy. (Trong Nhật ký, Kafka cũng bình luận về Goethe, tôi nghĩ chẳng mấy ai để ý đến điều đó, và rất ít người hiểu Kafka thực sự định nói gì ở những đoạn bí hiểm ấy).

Bernhard không ngừng nói xấu Goethe. Cũng như nói xấu rất nhiều nhà văn khác (dường như có mỗi Kafka là biệt lệ trong thế giới văn chương tiếng Đức, trong mắt Thomas Bernhard, xem thêm ở đây). Thấy rất hậm hực vì suốt lịch sử của văn chương triết học tiếng Đức không có lấy nổi một nhân vật tương đương được với Voltaire. Nhìn chung, Bernhard thích Pháp, Ý và căm ghét Đức. Bernhard căm ghét gần như mọi thứ trên đời. Bước vào văn chương của Thomas Bernhard, một nhà văn Áo viết tiếng Đức (nghĩa là lại thêm một bên lề nữa), đồng nghĩa với bước vào một thế giới sôi sục sự căm ghét.

Bernhard, trước hết là bệnh tật. Cách đây không lâu, khi nói về một nhân vật kiệt xuất của thế kỷ 20, tôi đã nói đến căn bệnh lao phổi trứ danh của một thời (xem thêm ở đây). Thomas Bernhard cũng là một người mắc cùng chứng bệnh ấy ngay từ khi còn rất trẻ. Cả đời mình, Bernhard sẽ có rất nhiều đợt nằm liệt giường, và sẽ cực kỳ căm thù các bác sĩ; gần như tác phẩm nào của Bernhard cũng chửi đám bác sĩ không ra gì. Bernhard chửi gần như mọi thứ trên đời, nhưng có một vài thứ rất được ưu tiên trong niềm căm ghét chung, mà tiêu biểu là tụi bác sĩ.

Người cháu của Wittgenstein. Một tình bạn (Wittgensteins Neffe. Eine Freundschaft, 1982), cuốn tiểu thuyết rất đặc biệt của Bernhard (dựa trên Wittgenstein, điều này hiển nhiên ngay từ cái nhan đề, nhưng còn dựa trên Cháu ông Rameau của Diderot), mở ra ngay bằng mùi bệnh viện, Baumgartnerhöhe, nhân vật “tôi” thì ở khu mang tên “Hermann”, còn anh bạn “Paul”, tức là người cháu của Wittgenstein (Paul coi Ludwig Wittgenstein lúc thì là một thiên tài, lúc thì là một kẻ sát nhân; bản thân ông cháu Paul này vô cùng nghệ sĩ, tinh tế và chơi bời), thì nằm ở khu mang tên Ludwig; một người bị bệnh phổi, còn một người bị bệnh điên. Bernhard không từ một cơ hội nào để chửi bới đám bác sĩ. Mà lối chửi của Thomas Bernhard rất đặc biệt, rất kiên trì, liên tục, lặp đi lặp lại, nặng nề vô cùng. Bernhard chửi bọn trí thức trong Korrektur, tác phẩm khá phổ biến trong thế giới Anh ngữ dưới cái tên Correction. 

Chửi bọn nhà giàu, bọn hay chụp ảnh trong Auslöschung. Ein Zerfall (1986, cuốn tiểu thuyết rất lớn, tác phẩm cuối đời của Bernhard; một cuốn tiểu thuyết năm, sáu trăm trang chỉ gồm đúng hai đoạn văn, tức là hai phần, và đến đúng dòng cuối cùng ta mới biết tên nhân vật chính). Thomas Bernhard chửi tất tật mọi thứ trên đời. Nhưng đấy chỉ là một khía cạnh rất bề ngoài của văn chương Bernhard. Tôi từng đọc Orhan Pamuk bình luận Thomas Bernhard; lại thêm một lần nữa Pamuk chẳng hiểu gì một nhà văn lớn: Pamuk có một sự phập phù rất đặc trưng, thỉnh thoảng có thể rất xuất chúng nhưng khi đuối thì khủng khiếp đuối, mà lại rất hay bị đuối. Nhưng riêng ở trường hợp Thomas Bernhard, kiểu gì cũng phải quan tâm, dẫu chỉ là một cách tối thiểu, đến tiểu sử.

Cái họ “Bernhard” xuất phát từ người bà ngoại, mà người bà ngoại ấy lại mang cái họ đó do cuộc hôn nhân không hạnh phúc với Karl Bernhard. Bà ngoại Anna Bernhard ly dị với chồng để sống với ông ngoại của Thomas Bernhard, Johannes Freumbichler, và cùng năm 1904 ấy, Herta, mẹ của Thomas Bernhard, ra đời. Đây là một gia đình Áo, chủ yếu sống quanh Salzburg, cái thành phố mà cả đời mình Thomas Bernhard sẽ căm thù; một gia đình có những thiên hướng nghệ thuật và trí thức mơ hồ, nhưng đều không dẫn đến đâu. Thomas Bernhard còn có một ông cậu, “Farald”, mà ta sẽ thấy thường xuyên xuất hiện trong các tác phẩm của Bernhard dưới dạng một người mơ mộng, thích các loại máy móc. Thomas Bernhard ra đời năm 1931, ngay lập tức bị ông bố thợ mộc mang tên Alois Zuckerstätter không công nhận, được nuôi khi còn sơ sinh ở Hà Lan rồi ngay sau đó được gửi về cho ông bà ngoại. Bắt đầu những chuyến đi dạo trong rừng ở Salzburg với ông ngoại, một người ông rất “triết gia”, với vô vàn trích dẫn Montaigne. Trong gia đình còn xuất hiện thêm một người, chồng của bà mẹ Herta, Emil Fabjan, mà cả đời Thomas Bernhard sẽ chỉ gọi đơn giản là “tutor” chứ không phải “bố” hay “bố dượng”.

Nói tóm lại, Thomas Bernhard hồi bé đã trải qua “Anschluss” năm 1938 với một sự học hành rất bất hạnh. Sau này, bên cạnh đám bác sĩ, tụi thầy giáo cũng được đặc biệt ưu tiên trong những màn chửi rủa à la Bernhard. Mấy năm sau đó, các thành phố Đức bị ném bom tàn khốc, bọn học sinh liên tục phải đi trú bom, trường trung học của Thomas Bernhard chuyển từ một trường Quốc xã thành trường Thiên chúa giáo vào năm 1945 (sự thay đổi này với Thomas Bernhard chẳng có tác dụng gì, mọi thứ vẫn y nguyên như cũ); tại đây Thomas Bernhard học rất kém và đến năm 1947, ở tuổi 16, thì quyết định bỏ học, đến tìm việc làm ở văn phòng hỗ trợ việc làm và kiếm được một chân học việc ở cửa hàng lương thực tại Scherzhauserfeldsiedlung, một khu phố rất nhộn nhạo ở Salzburg. Đây là quãng thời gian hạnh phúc của Thomas Bernhard, tuy rằng phải làm việc hết sức nặng nhọc dưới hầm, nhưng không còn phải đến trường nữa, và nhất là đã có thể đi học hát, vì Thomas Bernhard có một giọng hát vô cùng hứa hẹn, có thể phát triển thành một ca sĩ chuyên nghiệp cự phách, biểu diễn những bài hát Đức một cách diễm lệ.

Nhưng mọi thứ kết thúc rất mau chóng. Từ năm 1948, Thomas Bernhard bắt đầu bị ốm, và bắt đầu những năm tháng rất dài bị chứng bệnh phổi hành hạ (một mầm non ca hát bị bệnh phổi, thật là không có đòn đánh nào nặng nề hơn được nữa). Đầu quãng thời gian ấy, ông ngoại Freumbichler, người mà Bernhard yêu quý nhất trên đời, cũng chết, ngay đúng lúc Bernhard đang thập tử nhất sinh trong cùng bệnh viện. Cuộc điều trị của Thomas Bernhard dường như dài và tàn khốc hơn nhiều so với Roland Barthes, với những hốc, những hang kỳ bí trong phổi; Bernhard trở thành vật thí nghiệm cho một số phương pháp chữa bệnh mới, được thuật lại trong một tác phẩm, khiến độc giả lạnh hết sống lưng, chỉ muốn nôn hết tất cả những gì đang có trong bụng ra.

Rất nhiều tháng, Bernhard phải nằm im trên một cái giường giữa một dãy giường bệnh nhân ở Grafenhof đặt ở ngoài hành lang lộ thiên, vì người ta nghĩ bệnh nhân phổi sẽ khá lên nên được hít thở không khí trong lành. Đây là quãng thời gian rất quyết định: với Thomas Bernhard, cuộc sống ngay lập tức đồng nghĩa với nghèo khó, trường lớp giẻ rách, sự lao lực, bệnh tật, chiến tranh, các ý thức hệ ngu xuẩn. 

Với Kafka, cảm giác lớn nhất về sự sống là nỗi nhục (trong tác phẩm của Kafka, con vật xuất hiện nhiều nhất là chó, và trong Amerika có một câu ghê rợn rất đáng nhớ, liên quan đến nhân vật Robinson: đại ý cứ coi người ta là chó mãi, thì rốt cuộc người ta sẽ thực sự trở thành chó thôi), còn với Thomas Bernhard, cảm giác bao trùm là một nỗi thù hận, nỗi thù hận ấy trùm ra bên ngoài một điều khác sâu kín hơn: sống nghĩa là đau khổ, và Thomas Bernhard chỉ viết văn để nói lên nỗi đau vì phải sống.

Tiểu sử của Thomas Bernhard đáng quan tâm nhất có lẽ chính là phần mà tôi vừa lược lại xong. Sau này, người ta không biết nhiều nữa về cuộc đời con người bí ẩn ấy. Chỉ một chi tiết rất hay được nhắc đến, nhưng người ta cũng không thực sự biết nhiều điều: năm 1950, Thomas Bernhard gặp một người đàn bà, tên là Hedwig Stavianicek, vợ góa của một công chức Wien. Stavianicek hơn Bernhard 35 tuổi. Hai người sẽ sống cùng nhau rất nhiều năm, và rất khó biết mối quan hệ này thực chất là như thế nào, ta chỉ biết rằng Thomas Bernhard gọi Stavianicek là “Lebensmensch” của mình, một con người cốt yếu ở bên cạnh. Những năm cuối đời Stavianicek (bà chết năm 1984), Thomas Bernhard lúc nào cũng ở bên cạnh, chăm sóc đến tận phút cuối cùng. Dường như trong đời mình, Bernhard không có người đàn bà nào khác.

Quãng thời gian hồi nhỏ và hồi trẻ của Thomas Bernhard rất đặc biệt, và Bernhard dành cho nó đến năm cuốn sách. Với tôi, trong tất tật những gì Bernhard từng viết, vĩ đại hơn cả là cuốn tiểu thuyết lớn Auslöschung cuối đời và loạt năm cuốn tiểu thuyết tự truyện ấy.

Die Ursache. Eine Andeutung (Nguồn gốc. Một chỉ dẫn, 1975); Der Keller. Eine Entziehung (Căn hầm. Một sự thoái lui, 1976); Der Atem. Eine Entscheidung (Hơi thở. Một quyết định, 1978); Die Kälte. Eine Isolation (Cái lạnh. Một sự cô lập, 1981); Ein Kind (Một đứa trẻ, 1982).

Đây là năm cuốn sách mỏng được Thomas Bernhard dùng để thuật lại gần hai chục năm đầu của đời mình. Ta sẽ không thể lặn vào thế giới ấy rồi trở ra mà còn lành lặn. Đó là một văn chương mang một sức nặng khủng khiếp, gây xước xát và rách rưới cho bất kỳ sự đọc nào, một cuộc sống âm u mà chỉ một người Đức mới đủ khả năng diễn tả, giống như Thomas Bernhard. Văn chương của Thomas Bernhard thiếu hẳn hai thứ, rất giống một nhà văn Việt Nam mà tôi từng nói đến (xem ở đây): văn chương ấy không có tình ái và không có sự hài hước. 

Nhưng nó còn đặc biệt hơn thế nhiều: nếu đi hẳn vào đó, hẳn vào trong sự suy sụp, lịm tắt, đổ nát, những chửi rủa liên tục không ngừng, lòng thù hận mà hơn bất kỳ ai khác, Thomas Bernhard biết cách dùng để tạo thành những viên đạn dữ dội, những lặp lại liên tu bất tận để không ngưng nghỉ nhắc rằng thế giới này vô cùng giẻ rách, đê tiện và hạ đẳng, con người là một lũ ngớ ngẩn không đáng sống trên đời, thì, thật nghịch lý, cứ đi mãi, cuối cùng một điều gì đó rất giống sự thanh tẩy, một sự thanh tẩy đích thực, bắt đầu hiện ra; những nỗi đau, cần phải nói mãi đến chúng để tẩy trừ chúng đi, đâu có cách nào khác. Nỗi đau vì phải sống cũng có lúc trở nên thật nhẹ, nếu ta biết cách vén lên những tấm màn đau thương nặng nề và tối tăm; đằng sau những nỗi đau đích thực là một cái gì đó khác, vô hình, nhưng cũng là đích thực. Chẳng một ai khác thực hiện được màn giả kim thuật xuất chúng này giống như Thomas Bernhard.

http://nhilinhblog.blogspot.com/2015/07/noi-dau-vi-phai-song.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét