Thứ Sáu, 13 tháng 2, 2015

Vì sao người Trung Quốc thích Putin?

Vì sao người Trung Quốc thích Putin?
Lời giới thiệu: Trang mạng Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày 24/5 có đăng bài dưới tiêu đề “Vương Nguyên Phong: Nỗi lòng Putin của người Trung Quốc”. Xin dịch nguyên văn để bạn đọc tham khảo và qua đó biết tâm lý hung hăng hiếu chiến của một số dân mạng Trung Quốc được hình thành, phát triển như thế nào và chịu ảnh hưởng ra sao từ các nhân tố bên ngoài.

Cho dù Putin không được hoan nghênh ở phương Tây nhưng ông lại vô cùng có duyên ở Trung Quốc. Rất nhiều người Trung Quốc hết lòng ưa thích nhà lãnh đạo quốc gia láng giềng phương Bắc này. Trong trò chuyện riêng tư, rất nhiều người bày tỏ tình cảm ca ngợi Putin. Trong quần thể bạn bè vi tín[1] do người Trung Quốc gần đây tạo dựng nên, có không ít người chuyển phát những câu như “Cánh đàn ông hãy kính chào ngài Putin!”; trên mạng lại càng nhiều, chẳng hạn “Lời Putin từng nói, quy tắc đàn ông của Putin” được lưu truyền bằng những “cách ngôn” nói theo giọng của Putin.

Thí dụ: Phẫn nộ mà không có thực lực thì vô nghĩa; chưa chuẩn bị đánh thì chớ cầm lấy vũ khí; vấn đề lãnh thổ không có đàm phán gì hết, chỉ có chiến tranh mà thôi. Cuốn sách “Hãy làm người đàn ông cứng rắn như Putin” lại càng tiêu thụ mạnh, với lời giới thiệu của Ban Biên tập: “Lấy chồng thì hãy lấy người như Putin; làm người thì hãy làm người như Putin”.[2]

Những con số càng nói lên mức độ Putin được người Trung Quốc hoan nghênh như thế nào. Các thống kê do một trang mạng lớn ở Trung Quốc tiến hành điều tra từ năm 2008 đến năm 2014 cho thấy tỷ lệ ủng hộ Putin của dân mạng Trung Quốc năm nào cũng vượt 90%, chẳng những cao hơn mức 84,7% là mức cao nhất xưa nay về tỷ lệ dân Nga ủng hộ Putin, mà còn rất ổn định.

Vì sao người Trung Quốc lại ưa thích nhà lãnh đạo của một quốc gia khác như vậy? Tạp chí Business Insider (Australia) và một số trang mạng Trung Quốc từng có phân tích về vấn đề này. Người Australia cho rằng nguyên nhân chính là tình cảm dân tộc chủ nghĩa ngày một cao trong dân Trung Quốc gây ra sự bất mãn đối với chính sách ngoại giao bị họ cho là “mềm yếu” [của chính phủ nước họ]. Người ta có thể tiếp tục truy hỏi vì sao dân Trung Quốc lại có tình cảm bất mãn như thế?

Thứ nhất, trong dân chúng Trung Quốc còn tồn tại bóng đen tâm lý lịch sử dân tộc bị áp bức sỉ nhục [khuất nhục]. Xưa kia nước này từng là “Thiên triều đại quốc” trung ương huy hoàng, nhưng từ cuộc Chiến tranh Thuốc phiện năm 1839 trở đi trong một thời gian lịch sử rất dài, Trung Quốc nếm đủ sự lăng nhục, cắt đất đai, trả các khoản bồi thường và đủ loại hiệp ước bất bình đẳng do phương Tây gây ra — đây là ký ức đau khổ mà người Trung Quốc không thể nào gạt bỏ. Trang sử đó chỉ chấm dứt khi nước Trung Quốc Mới thành lập năm 1949. Nhưng sau đó nước này lại rơi vào hoàn cảnh bị phương Tây phong tỏa, bị cắt đứt quan hệ với Liên Xô, làm cho Trung Quốc luôn luôn ở vào tình trạng vô cùng thiếu an ninh do bị các nước khác đe dọa. Sau cải cách mở cửa, các nước phương Tây từng tiến hành trừng phạt Trung Quốc, mấy năm gần đây họ lại vây hãm Trung Quốc và có những “động tác nhỏ” trên rất nhiều vấn đề như Đài Loan, Tây Tạng, khiến người Trung Quốc rất không thoải mái, rất ớn ghét, họ chưa có tâm thái bình thường với các nước phương Tây.

Vì thế cho nên nếu có người có thể đấu tranh với các nước phương Tây xưa kia từng đem lại đau khổ và đe dọa cho Trung Quốc, nay lại thường xuyên gây rắc rối cho Trung Quốc, thì dĩ nhiên người đó được dân Trung Quốc yêu thích. Điều ấy có chỗ tương thông với việc người Trung Quốc ưa thích Mao Trạch Đông. Mao dám giao chiến với người Mỹ trên chiến trường Triều Tiên, dám dàn trận đối phó với Liên Xô tại đảo Trân Bảo,[3] thực là có ý vị “Nhân dân Trung Quốc đứng lên rồi”; vì thế rất nhiều người hoài niệm sự gan dạ của Mao dám đọ sức với nước ngoài.

Thứ hai, dân chúng Trung Quốc chưa đồng ý cao với chiến lược ngoại giao của chính phủ nước họ. Tư tưởng chỉ đạo đường lối ngoại giao Trung Quốc sau cải cách mở cửa chủ yếu là “Giấu mình chờ thời” do Đặng Tiểu Bình đề xuất. Tuy rằng chiến lược “Giấu mình chờ thời” được đưa ra trong tình hình lịch sử đặc biệt năm 1989, nhưng về cơ bản nó là sự khắc họa chiến lược ngoại giao trong hơn ba chục năm cải cách mở cửa. Do sức mạnh nhà nước Trung Quốc chưa đủ mạnh, trước sự trừng phạt hồi đó của phương Tây và nhiều sự việc khác diễn ra sau đấy,[4] tư tưởng tổng thể của Trung Quốc là tranh thủ hoàn cảnh quốc tế tốt lành, không đối kháng quá mạnh mẽ với phương Tây, khi có tranh chấp với các nước xung quanh cũng chủ yếu giải quyết bằng con đường hòa bình.

Thế nhưng cùng với sự tăng cường nhanh chóng sức mạnh tổng hợp của đất nước, nền kinh tế Trung Quốc ngày nay đã lớn thứ hai thế giới, sức mạnh quốc phòng cũng được nâng cao rất nhiều. Hiện nay, khi Trung Quốc có mâu thuẫn với các nước xung quanh, nhất là mấy năm gần đây có tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản, Philippines… tại Đông Hải, Nam Hải,[5] dân chúng Trung Quốc càng ngày càng có ý kiến bất đồng với chiến lược “Phát triển hòa bình” do các nhà lãnh đạo Trung Quốc đề xuất! Tại sao Trung Quốc không thu hồi đảo Điếu Ngư[6] theo cách như Nga giải quyết vấn đề Crimea? Tại sao Trung Quốc không dùng vũ lực dạy bài học cho Philippines hay gây sự và cho Việt Nam vốn gần đây hung hăng? Phát triển hòa bình không có nghĩa là không đánh nhau, chỉ có chiến tranh mới có thể đổi lấy phát triển hòa bình! Đây là cách suy nghĩ của không ít dân chúng Trung Quốc.

Thứ ba, môi trường dư luận Trung Quốc cũng là nguyên nhân quan trọng làm cho người Trung Quốc có “nỗi lòng Putin”.[7] Có người phân tích truyền thông Trung Quốc tạo dựng hình ảnh Putin quá ư hoàn mỹ, vì vậy tỷ lệ ủng hộ Putin mới cao đến thế. Đây là nguyên nhân một mặt, còn có những nhân tố mặt khác. Một là thuyết âm mưu của dư luận Trung Quốc đối với phương Tây, tô vẽ quá nhiều về những tin tức hoạt động không hữu hảo của các nước xung quanh. Nên thừa nhận là những cách đưa tin như vậy của truyền thông Trung Quốc là có căn cứ nhất định, nhưng không ít tin tức thậm chí phân tích lại đều là sự suy đoán và tưởng tượng chủ quan. Chuyến đi thăm châu Á của Tổng thống Obama là để giúp một số nước thêm can đảm đối đầu với Trung Quốc, các hoạt động của Nhật là để chuẩn bị chiến tranh với Trung Quốc… loại tin như vậy đưa ra quá nhiều thì khó có thể khiến dân Trung Quốc có tình cảm tốt và lòng tin với phương Tây, với các nước xung quanh có mâu thuẫn [với Trung Quốc].

Mặt khác, mỗi khi ngoại giao Trung Quốc gặp một số vấn đề, nhất là khi xuất hiện tranh chấp mới trên Đông Hải và Nam Hải, trong số các chuyên gia phân tích bình luận trên truyền thông Trung Quốc rất nhiều người có chỗ dựa là quân đội. Dĩ nhiên quan điểm của người bên quân đội thì có khuynh hướng đẩy mạnh dùng chiến tranh để giải quyết vấn đề. Dưới sự hun đúc dư luận như vậy, dân chúng Trung Quốc dĩ nhiên rất tán thành cách làm của Putin trong cuộc tranh chấp Crimea và Ukraine.

“Nỗi lòng Putin” nói lên sự đặc biệt ưa thích Putin của dân chúng Trung Quốc, đây là điều tốt đối với Trung Quốc hay là có nhữngảnh hưởng tiêu cực ? Tác giả không có ý định bàn về vấn đề đó, nhưngtình cảm đặc biệt ấy của dân chúng thì đáng coi trọng!

Tác giả Vương Nguyên Phong là giáo sư Đại học Giao thông Bắc Kinh.

Bản gốc tiếng Trung: 王元丰:中国人的普京情结, 环球网, 2014-05-24 .

Biên dịch: Nguyên Hải
(Nghiên Cứu Quốc Tế)
—————–

[1] Vi tín (Micro message): Một phần mềm kết bạn trên điện thoại di động, giúp người ta thuận tiện và nhanh chóng tìm được bạn tâm đầu ý hợp qua việc phát tin nhắn, hình ảnh, video, chữ. Do người TQ sáng tạo.

[2] Vốn là lời trong một bài hát Nga ca ngợi Putin.

[3] Người Nga gọi là đảo Đamanxki.

[4] Ngày 4/6/1989 xảy ra vụ đàn áp học sinh biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn.

[5] Việt Nam gọi là Biển Đông.

[6] Người Nhật gọi là đảo Senkaku.

[7] Nguyên văn tình kết.

http://nghiencuuquocte.net/2015/02/13/vi-sao-nguoi-trung-quoc-thich-putin/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét