Thứ Hai, 9 tháng 2, 2015

Món ăn lăn nỗi nhớ

Món ăn lăn nỗi nhớ
Phnom Penh, xứ sở của nỗi bất hạnh triền miên đón tôi vào buổi trưa với cái nắng Sài Gòn gắt gỏng. Gắt gỏng vì lâu ngày không chạm tới nó khiến màu nắng ấy có chút gì hờn dỗi và chạm mặt với chút rát nhẹ nhàng của màu nắng vàng khô mà lâu lắm tôi mới được gặp.
Làm việc tại Bangkok chỉ cách Phnom Penh hơn một giờ bay nhưng không biết tại sao nắng Bangkok cũng là màu nắng ấy nhưng tôi lại không mặn mà lắm như nắng Phnom Penh. Lại nhớ “Nắng Ca li cũng là nắng ấm, nhưng ấm sao bằng nắng ấm quê hương?” bản nhạc vua của các bản nhạc khi nói về nỗi nhớ từ nắng. Ừ, nắng có sức mê muội như một công nương xứ lạnh lúc nào cũng mê phơi mình dưới nắng Địa trung hải. Tôi mê nắng Sài Gòn và từ đó đắm mình vào mộng tưởng của những màu nắng khác tương tự.

Có một nỗi niềm gì đó đối với Phnom Penh khiến tôi liên tưởng về đất nước chăng? Có lẽ.

Không chỉ nắng mới làm mình nhớ Sài Gòn mà Phnom Penh còn có những căn phố làm người xa quê ám ảnh. Dọc bờ con sông chính của thủ đô Phnom Penh là đường Sisowah Quay. Bên kia là tòa nhà cao tầng mà chủ nhân của nó là một đại gia người...Việt! Cái tên Sok Kong không dấu được thân phận của ông nhưng tòa nhà cao tầng ấy là một sự kiêu hãnh của chính phủ Hun Sen. Người dân Khmer ngày nào xây dựng con đường này vẫn còn hiện lên rất rõ dấu ấn Sài Gòn, hay người Sài Gòn đã đến đây lập nghiệp từ những năm đầu của thế kỷ trước? Họ đã để lại dấu ấn với các kiến trúc thị dân kiểu Sài Gòn với những căn nhà mặt tiền nho nhỏ, nằm sát cánh với nhau, mỗi căn sở hữu một nền văn hóa đặc trưng không lẫn vào đâu được: khung cửa lá xếp bằng sắt của Sài Gòn ngày xưa.

Nếu khách đi chơi về khuya, những chiếc xe bán hàng đêm nằm gắn bó trên vỉa hè khiến người Sài Gòn xa nhà không thể cầm lòng khi nhìn thấy nó. Chỉ khác là đám đông đang cắm cúi xì xụp món ăn đêm không nói tiếng Sài Gòn! Nhưng cần gì... hình ảnh thay thế cho âm thanh, hình ảnh ghi nhận mọi thứ và những cái chép miệng kia đã nói giùm tất cả. Phnom Penh xưa như một vết nối không thể cắt rời đối với người Việt ở khu vực đồng bằng sông Cửu, nhất là các tỉnh giáp biên giới với Campuchia, nơi mà người Việt một thời đã xem Phnom Penh ngày nay không khác gì một nơi tin cẩn làm ăn hay trao đổi món ngon vật lạ, đến nỗi thành phố của người ta cũng âu yếm đặt theo kiểu gọi của mình: Nam Vang!

Có lẽ chính Sài Gòn là nơi mà Nam Vang chọn làm đối tượng để từng mét đường, từng căn phố mang nặng dáng dấp của một nàng tiểu thư đài các ngong ngóng mong ai. Những chiếc ghe thương hồ hay con tàu liên tỉnh của người Pháp mang nỗi trông ngóng ấy. Những kiến trúc thị dân của Nam Vang xưa không vượt ra khỏi cái khuôn của người Sài Gòn có lẽ từ nhịp cầu buôn bán giữa hai nước kéo dài nhiều chục năm qua các con tàu mà người Pháp đầu tư chở sản vật, thổ cẩm lẫn con người mang luôn văn hóa hai thành phố trao đổi với nhau. Nhánh của hai con sông Tiền giang và Hậu giang đã nối liền với đất nước của một nền văn minh Angkor rực rỡ, để rồi từ đấy người dân hai nước chia sẻ hạnh phúc và cả niềm đau của hai dân tộc.

Bất cứ sự giao thoa văn hóa nào thì món ăn vẫn luôn chiếm đầu bảng. Người Việt có làm gì thì cũng nhớ tới Nam Vang nếu đã từng một lần thưởng thức món ăn nổi tiếng của nó: Hủ tíu Nam Vang. Món hủ tíu này cũng do người Hoa-Khmer tại Nam Vang sáng chế nhưng đã nhanh chóng đánh bạt được cũng một món hủ tíu khác của người Hoa tại Việt Nam. Hủ tíu Nam Vang có cái tinh tế của vùng đất hội tụ nhiều sắc dân Đông Nam Á đổ về nên không thể không kể đến Thái Lan và Lào. Những món ngon của Nam Vang không nhiều nhưng người Việt bị hớp hồn vì món Hủ tíu đến nỗi họ đặt luôn cái tên Nam Vang cho món ăn phổ thông này. Từ Nam Vang người Việt mang nó về Mỹ Tho, rồi Sài Gòn đi tới đâu nó mặc áo nơi đến tới đó. Ở Mỹ Tho nó bỏ thêm gan tươi luộc chín rồi tôm rồi thịt ba chỉ... Mỹ Tho giữ bản quyền với tên Hủ Tíu Mỹ tho, nhưng dân Sài Gòn thì khác, không đổi tên, chỉ đổi ruột!

Mà không đổi tên cũng phải. Cả một dòng người trong và ngoài nước ai cũng nằm lòng món Hủ tíu Nam Vang, một thương hiệu không cần trả tiền franchise (nhượng quyền kinh doanh) lại được nấu công khai thì tội gì không thừa hưởng. Có điều người Sài Gòn bén nhạy hơn, nhiều đời liên tiếp, mỗi đời thêm mắm dặm muối vào tô hủ tíu đơn sơ ấy một ít nay đã trở thành món ăn cực kỳ nổi tiếng chạy rong khắp các nhà hàng Việt Nam trên toàn thế giới. Tô hủ tíu chạy tới đâu, người Sài Gòn lần theo tới đó.

Tô hủ tíu Nam Vang bây giờ sang cả hơn. Nào là sườn non nấu thật mềm nhưng vẫn chừa cái lõi hồng đào trong miếng thịt để khi ăn thì cái dòn dòn sật dật của sụn hòa vào chất ngọt của thịt vừa mềm tới khiến khách sành ăn liếm môi không kịp. Nào là miếng gan heo luộc sao cho mềm mại không chai, không sỉn màu nhưng phồng lên như thách thức chiếc răng của khách. Rồi con tôm phải cong cớn và đỏ au, phải khêu gợi lòng kiêu hãnh của người sành ăn liệu con tôm này có luộc chín quá hay non quá? Ôi sao mà rắc rối cái món hủ tíu này vậy?

Mà phải đâu đã hết, hủ tíu không thể thiếu nước lèo là câu vọng cổ bao đời chấp chới bay trong từng gia đình người Việt. Nước lèo cũng năm bảy đường nhưng cái món Nam Vang thì chỉ có một. Phải ngào ngạt hương vị của Sài Gòn lai Nam Vang! Nếu người Hoa Khmer nấu nước lèo với một chút mắm sống thì người Việt lại thay thế bằng con tôm khô nhỏ xíu của miệt biển Kiên Giang. Nước lèo hủ tíu Nam Vang có khác với các loại hủ tíu Sài Gòn mặc dù chất làm ngọt vẫn tương tự như nhau. Cũng thịt băm, cũng cải bắc thảo nhưng khi tô nước lèo được trang điểm bằng cần tây và cải cúc thì chất ngọt lịm đi trong miệng người thưởng thức nó. Khen ngợi tô hủ tíu Nam Vang tại Sai Gòn mà không tìm cho bằng được tô hủ tíu Nam Vang chính gốc tại Phnom Penh quả là một sai lầm như Pol Pot từng làm!

Trên đại lộ Sihanouk Bvld, người Sài Gòn xa quê dễ bị hớp hồn vì tưởng mình đang ở đâu đó tại bùng binh Phù Đổng Thiên Vương. Hai bên cơ man là xe gắn máy xếp hàng chờ người mua kẻ bán. Người ta đi lại xem xét, tranh nhau nói tranh nhau gọi mời dễ làm ta xao xuyến, nhưng thôi đi một chập nữa là tới nơi cần tới rồi... Trên con đường khá nhỏ nằm gần chùa Maha Montrey là một tiệm Hủ tiếu Nam Vang chính gốc. Nhìn là biết bán hủ tíu vì cách bày biện của nó. Kêu một tô hủ tíu và để cho tâm trí trôi bồng bềnh theo ghe thương hồ ghé các bến ký ức và đâu đó tiếng hò vời vợi một nỗi niềm. À thì ra nó là vậy, đơn giản như người dân Khmer. Không rau rác cầu kỳ chỉ vài cánh sà lách xanh chong. Có khác chăng là sợi hủ tíu nhỏ gần như cọng miến của dân miền Nam nhưng lại không trong như làm từ bột dong mà từ bột gạo.

Cọng hủ tiếu này vài năm nay xuất hiện tại Sài Gòn ở một nhà hàng hủ tíu từ Phnom Penh mang về có tên Liến Húa trên đường Võ Văn Tần. Cọng hủ tíu mảnh mai nên dễ thấm vị ngọt của nước lèo và điều khác biệt rõ nhất là nước lèo xứ Nam Vang ngọt hơn nước lèo Sai Gòn hàng chục lần. Ngọt vì đường, cộng với thịt băm và chừng như sợ người ăn chưa ngọt đủ, chủ quán bày thêm một hủ đường cát trắng tinh như trừng mắt hăm dọa người sợ... ngọt. Chữa ngọt ư? Chỉ còn cách nặn chanh vào. Thật nhiều chanh và đừng lo chua quá vì chất ngọt sẽ cạnh tranh với chanh để cho ra một tô nước lèo tạm dùng được đối với khẩu vị của đa số người Việt. Điều cần nhất là ăn tô hủ tíu Nam Vang tại Phnom Penh với tâm thức của người Sài Gòn nhớ quê thì sẽ thấy thương và yêu thích nó. Tô hủ tíu kéo dài nỗi nhớ ấy bộ không giá trị gì sao?

Rời Phnom Penh với tô hủ tíu mong manh trong trí nhớ, phải chăng vì nhớ ai quá nên hít bụi trước nhà người ta cũng tưởng nhớ tới da thịt của người mình thương?

Mặc Lâm
(Sống Magazine)

http://www.gocnhinalan.com/bai-cua-khach/mon-lan-noi-nho.html
 Mặc Lâm – Sống Magazine – 6 Feb 2015 – theo Tin Tức Hàng Ngày

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét