Lễ hội Chém lợn: Chính người dân thực hành nghi lễ sai
Lời dẫn của Nguyễn Xuân Diện: Nhân chuyện đang ầm ĩ về lễ hội làng Ném Thượng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, trong đó có nghi thức chém lợn thờ, xin cung cấp một tư liệu cổ viết bằng chữ Hán Nôm về lễ hội Ném Thượng.Tài liệu Bắc Ninh tỉnh khảo dị, hiện chỉ còn một bản dưới ký hiệu SA.HM.2167/1-6, lưu trữ tại Thư viện Hiệp hội Á Châu (Socie'té Asiatique), Paris, Pháp. Sách này là bản chép tay, được biên tập năm Khải Định thứ 5 (1920), gồm 14 quyển, đóng làm 3 tập.
Bắc Ninh tỉnh khảo dị đã được Viện Nghiên cứu Hán Nôm chụp từ Pháp về, và đã được hai Tiến sĩ Nguyễn Thị Hường (đã mất) và Nguyễn Tô Lan dịch, PGS. TS Đinh Khắc Thuân hiệu đính. Bản dịch được in trong cuốn sáchĐịa phương chí tỉnh Bắc Ninh qua tư liệu Hán Nôm. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2009.
Phong tục thờ thần của dân xã Niệm Thượng, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) được chép trong quyển số 6. Gồm:
- Lược kể thần tích dân tục;
- Nhập tịch thờ thần vào ngày 10 tháng Giêng,
- Tục giết lợn sống tế thần sáng Rằm tháng Giêng.
- Úp đèn sờ vú thờ thần vào tối Rằm tháng Giêng.
Theo ghi chép trong sách, thì trong phong tục thờ Thần của Niệm Thượng có 3 nghi thức quan trọng là Rước nước tắm thần, Giết lợn tế thần và Úp đèn sờ vú (gọi là điểm ngực) trong đêm hội.
Đối chiếu với lễ hội hiện nay thấy có một số điểm khác:
- Làng bắt đầu mở hội, vào đám vào ngày 10 tháng Giêng chứ không phải mùng 6 tháng Giêng như báo chí viết.
- Giết lợn tế thần, khi đưa ra đình chỉ để lợn trong giọ, chờ lợn xổng khỏi giọ thì chém lợn, tức là con lợn không bị trói, và người cầm đao phải khỏe mạnh, nhanh tay nhanh mắt, đúng với tinh thần thượng võ của quân sĩ của Ngài Sứ quân Thành hoàng để chém được con lợn. Hoàn toàn không phải buộc 4 chân lợn, kéo ra bốn phía, bụng lợn ngửa ra giữa sân, hoặc trói trên xe để chém như trên các bức ảnh mà ta được thấy.
- Khi chém lợn, tất cả mọi người đứng xem đều phải nghiêm trang.
- Không có chuyện khi chém lợn xong thì mọi người xông vào lấy tiền quệt lấy máu tươi đem về thờ hoặc để lấy may.
- Rước lợn ra đình chỉ là bốn gia nhân khiêng giọ lợn. <giọ...= cái rọ >
- Đám rước trong ngày hội chém lợn tế thần càng không mang ảnh Cụ Hồ như thế này:
- Riêng hai nghi thức: lấy nước tắm thần (mùng 10) và Úp đèn sờ vú (đêm Rằm) thì không biết hiện nay có còn duy trì nữa không (?).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét