Thứ Ba, 3 tháng 2, 2015

Thực phẩm ngày Tết và khủng hoảng tâm lý

Thực phẩm ngày Tết và khủng hoảng tâm lý
Người dân phải ăn những cái Tết bầy đàn, chầu chực nhận tem phiếu, công điểm và bữa cơm Tết đạm bạc, nghèo khổ kéo dài suốt hơn mười năm thì kể từ năm 1986 đến nay, cái Tết vẫn chưa bao giờ được đón trọn vẹn. Bởi cái đói, sự thiếu thốn cũng như sự khủng hoảng tâm lý, sức khỏe bởi thực phẩm độc hại, bởi con người chao đảo, lao theo vòng cuốn đồng tiền đã làm cho cái Tết trở nên quay cuồng, vô vị.

Nguồn thịt chứa nhiều độc tố luôn gây bất an -  AFP
Ký ức Tết thời tem phiếu
Một nhà giáo về hưu tên Thiết, ở Tây Nam Bộ chia sẻ: “Thịt heo, thịt gà thì họ bỏ ở chợ Bình Điền. Ba giờ sáng thì họ bắt đầu bán rồi. Nói chung là nhiều nguồn, thịt heo, thịt bò, nhưng mấy ông liên ngành ít hỏi thăm tới lắm!”

Theo thầy Thiết, trong suốt quá trình dạy học của mình, ký ức làm ông khủng hoảng tinh thần mỗi khi nhớ đến chính là xếp hàng trước kho lương thực để nhận phần theo tem phiếu. Thời đó, muốn có miếng thịt heo cho dễ coi một chút, phải tranh thủ đi đến kho lương thực từ lúc 4h sáng, chồng sổ lương thực vào một xấp có sẵn trên chiếc ghế gỗ trước cửa kho rồi nằm ngồi la liệt, đợi đến 7h sáng, bà lương thực xuất hiện mới xếp thành hàng và nếu bà nhìn ai thì chịu khó nhoẻn miệng cười tươi với bà để được yên chuyện. Nếu không làm vậy, một miếng thịt mỡ chài đang chờ sẵn, đến khi nhận về, bỏ heo thì heo cũng chê nhưng người phải ăn đỡ ba ngày Tết cho có chất.

Thời đó, ông thuế vụ như một ông vua, bà lương thực như một bà hoàng, không ai là không sợ cả. Vì nếu không sợ họ, nói năng ngang nhiên với họ, cách gì cũng bị ép vài lạng gạo, bị cấp gạo dở, bị chia cho phần thịt không ra gì. Tết đến, không riêng với người nông dân mà ngay cả những giáo viên, nhân viên nhà nước cũng cảm thấy quay cuồng vì miếng ăn, cái mặc, cả năm trời mới nhận được xấp vải thô để may quần áo… Nói chung là không biết bao nhiêu thứ khổ sở vì miếng ăn, cái mặc ở thời đó.

Nhưng khi nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, con người cũng đâu hết khủng hoảng bởi những thứ thực phẩm độc hại, một phần độc hại do người Trung Quốc đưa sang, phần khác độc hại do chính sự tham lam của người Việt với nhau. Cuối cùng, cái Tết luôn là thời gian mà sự khủng hoảng niềm tin, khủng hoảng về tâm lý lên đến đỉnh điểm vì lương thực. Mà không có gì tác động đến sức khỏe con người nhanh hơn, nhiều hơn là thức ăn. Mỗi cái Tết đối với thầy giáo Thiết là một lần nạp thêm độc tố vào cơ thể, từ việc cắn hạt dưa, ăn lát mứt cho đến lát bánh tét, lát thịt heo, miếng chả, miếng nem hay miếng thịt gà, ly rượu… Tất cả đều chứa độc tố.

Thời gian gần đây, ngoài vấn đề độc tố, vấn đề vệ sinh thực phẩm lại một lần nữa khiến cho sức khỏe người dân khủng hoảng bởi tính cẩu thả của các nhà buôn Việt Nam. Chẳng hạn như một con heo được nuôi bằng bột tăng trọng Trung Quốc, chỉ cần ba đến bốn tháng đã thành một con heo thịt bán Tết, đương nhiên là nguồn thịt này có chứa độc tố từ bột tăng trọng rồi. Nhưng trước khi đến lò mổ, họ lại bơm thêm dung dịch gồm hóa chất không tiêu và nước đậu nành để cân cho nặng. Đến lò mổ, trước khi mổ, chủ lò lại cho bơm dung dịch không tiêu vào ruột heo để đảm bảo lượng thịt luôn tươi và tăng ký.

Thời tem phiếu

Như vậy, qua hai lần bơm dung dịch và qua một quãng đời được nuôi bằng thuốc tăng trọng Trung Quốc, con heo này là một cơ thể chứa độc tố, kém vệ sinh, đang chờ để phân phát độc tố vào nhiều cơ thể người. Điều này khiến thầy giáo Thiết nhớ lại chuyện ông cân heo cho hợp tác xã thời bao cấp, cả một xã bắt heo tập trung lên sân hợp tác xã, trời nắng chang hay mưa dầm gì cũng để con heo nằm đó mà đợi người ta cân thu mua, có khi chờ lâu quá phải chở về nhà, đợi đến ra Giêng lại mang heo đi cân. Và trước khi cân, người nuôi heo phải cho heo ăn bún thật nhiều để khỏi tiêu hóa, giữ trọng lượng trong lúc chờ đợi. Nhiều người cho heo ăn nhiều bún quá, không cân được, mang về nhà thì heo lăn ra chết, coi như mất cả heo lẫn bún.

Nhưng dẫu sao, thời đó người ta cũng chỉ độn bún, độn cái món mà ngay cả con người cũng thèm ăn chứ không như bây giờ, người ta bơm, độn những thứ không thể chấp nhận được.

Tết Trung Quốc, Tết bơm, Tết độn

Một người buôn thịt tên Hóa ở chợ đầu mối quận 12, Sài Gòn, chia sẻ: “Họ bơm nước vào để thịt nó nặng hơn, thường thì bị nước bơm nước bẩn, heo, bò gì họ bơm vào để tăng trọng lên, có thể tăng lên đến năm chục kí lô. Có con bị bơm vào không thở được chết luôn. Nói chung là mấy ông lò mổ mua heo đã lớn rồi về mổ nên không dùng thức ăn tăng trọng được nữa mà chỉ có cách là bơm nước thôi. Nhưng mà mấy cái độc tố tăng trọng đó nguy hiểm lắm, có thể gây ung thư.”

Ông Hóa cho biết thêm, hiện nay, không riêng gì chợ đầu mối quận 12 mà hầu hết các chợ đầu mối, chợ đêm đang cuống cuồng mùa vào Tết, lương thực, thực phẩm cung cấp cho việc cúng tất niên, chuẩn bị Tết đã bắt đầu rầm rộ. Hàng Tết như mứt, hạt dưa, hạt hướng dương, hạt điều và bánh kẹo đã được tung ra thị trường. Đây cũng là lúc các loại thịt được tiêu thụ rất mạnh.

Trong những ngày bình thường, mỗi đêm, các chợ đầu mối tiêu thụ từ hai trăm đến ba trăm con heo thịt và tiêu thụ từ một tấn đến một tấn rưỡi dung dịch hóa chất chống tiêu pha với xác đậu nành, nước bẩn. Trong thời gian cận Tết, kể từ mồng mười tháng Chạp trở đi, số lượng thịt heo tiêu thụ tăng dần, đến độ 25 Tết trở đi thì mỗi đêm, chợ tiêu thụ từ 400 đến 600 con heo thịt, lượng dung dịch và nước bẩn bơm cho heo tăng trọng nhiều vô kể. Đó là chưa nói đến lượng gà, vịt hàng chục ngàn con cũng được bơm dung dịch, nước bẩn để giữ trọng lượng khi đưa ra thị trường. Thịt bò Trung Quốc cũng tràn ngập các chợ Sài Gòn trong giai đoạn này.

Giải thích vì sao người ta lại phải bơm nước bẩn thì ông Hóa cho biết là nguồn nước thành phố hiện tại rất khan hiếm, người ta phải tranh thủ dùng mọi thứ nước có thể có, trong đó có cả nước rửa thịt, trụng gà vịt để nhổ lông mà bơm, vừa đỡ tốn công đi đổ lại vừa đỡ tốn tiền trả cho thủy cục. Và đây là tình hình chung, bản thân ông cũng phải làm, nếu không làm thì không biết lấy gì để mà sống. Thời đại bây giờ đụng đâu cũng tốn tiền cả, ông chẳng biết làm sao, Tết đang đến gần kề, hàng trăm thứ chi phí thúc vào ông.

Một cái Tết nữa đang về, điều này cũng đồng nghĩa với một năm mới đầy độc tố với cái tên mỹ miều là Tết Dân Tộc đang gần kề!

http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/nwyear-food-n-psych-crisis-01262015064513.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét