Thứ Ba, 3 tháng 2, 2015

QE, ECB và Chủ nghĩa Quốc gia Âu châu

QE, ECB và Chủ nghĩa Quốc gia Âu châu

Khủng hoảng kinh tế có thể làm Liên Âu tan rã?
Hôm 15 tuần trước, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ làm thế giới chấn động vì hai biện pháp tiền tệ bất thường là thả nổi đồng Phật lăng và hạ lãi suất xuống sâu hơn số âm. Giới quan sát cho rằng Thụy Sĩ phải làm như vậy là vì Ngân hàng Trung ương Âu châu (ECB) có thể áp dụng biện pháp gọi là "quantitative easing(QE) để bơm tiền cứu nguy kinh tế làm đồng Euro tuột giá mạnh hơn và đồng Phật lăng Thụy Sĩ (CHF) sẽ lại tăng giá khiến kinh tế Thụy Sĩ mắc hoạ vì khó xuất cảng.

* QE của ECB: Hôm 22, Chủ tịch Mario Draghi 
loan báo sẽ mua mỗi tháng 60 tỷ Euro * 
Giữa các vấn đề quá chuyên môn rắc rối ấy, người ta còn có câu hỏi: nếu khối Âu châu cũng lại bơm tiền theo kiểu QE như Nhật Bản, Hoa Kỳ và Anh quốc thì sẽ bơm ra sao? Bơm cho ai và ai trả tiền vì Liên hiệp Âu châu không là một quốc gia mà chỉ là một tổ chức quy tụ 28 nước, trong đó có 19 nước dùng chung một đồng Euro.

Thật ra, có một vấn đề còn chiến lược hơn bài toán kinh tế: nếu không qua được cơn sóng gió này thì liệu khối Euro và cả Liên Âu có còn nguyên vẹn không trước phản ứng từ nhiều nước lâm nạn - là sự hồi sinh của chủ nghĩa quốc gia?

Vì vậy, Hồ Sơ Người-Việt sẽ lần lượt tìm hiểu từng vấn đề để phần nào thấy trước được những thách đố.

Quantitative Easing là gì?

Trong cơn khủng hoảng của mình. Nhật đã đầu tiên p dụng biện pháp rất bất thường mà ta có thể dịch là "gia tăng mức lưu hoạt có định lượng".

Khi kinh tế suy trầm, người ta có thể tăng chi ngân sách và hạ lãi suất ngân hàng để bơm thêm tiền vào kinh tế. Khi các biện pháp ấy đều thiếu công hiệu, trường hợp điển hình tại Hoa Kỳ, mà khó đo được tác dụng, người ta có thể chủ động bơm thêm một lượng tiền nhất định (vì vậy, mới có chữ "định lượng",quantitative.)

Một cách khái quát thì việc bơm tiền như vậy có nghĩa là Ngân hàng Trung ương mua vào một số trái phiếu nhất định của nhà nước (công khố phiếu, gọi làTreasuries) hay của doanh nghiệp (Bonds) và trả tiền qua thể thức bút ghi vào trương mục của các ngân hàng. Khi được thêm một lượng thanh khoản (tiền mặt, hiện kim) thì các ngân hàng có thể cho vay ra một tỷ lệ nhất định, nên xả thêm tiền vào kinh tế (ý nghĩa của chữ "easing", hay tăng mức lưu hoạt của thanh khoản.)

Sau Nhật Bản thì Anh và Mỹ đều áp dụng biện pháp bất thường này từ vụ Tổng suy trầm năm 2008-2009. Biện pháp ấy có vẻ công hiệu vì kinh tế Anh và Mỹ đều hồi phục. Nhật thì chưa vì những khó khăn trầm trọng hơn nên cuối Tháng 10 họ lại tiếp tục việc QE (gọi là Quy Y cho vui!) bằng một lượng tiền cực lớn. Khi tiền được bơm nhiều như vậy (của Hoa Kỳ là khoảng bốn ngàn 800 tỷ đô la trong sáu năm) thì đồng đô la mất giá, nhưng vì kinh tế Mỹ đã tạm hồi phục nên so với các ngoại tệ khác thì đô la Mỹ tăng giá và gây thêm khó khăn cho xứ khác.

QE và Ngân hàng ECB


Tranh hý họa về khẩu đại pháo của Âu Châu

Trong hệ thống tiền tệ thống nhất là khối Euro gồm có 19 thành viên, Ngân hàng Trung ương Âu châu tại Frankfurt của Đức là cơ chế quyết định về chánh sách tín dụng và tiền tệ của cả khối, được gọi tắt là ECB. Dù Chủ tịch ECB là ông Mario Draghi người Ý từng nói "sẽ cứu vãn bẳng mọi cách", đến nay ECB vẫn do dự, vì một lý do chính là phải có sự đồng ý của mọi thành viên, nhất là của Cộng hoà Liên bang Đức nước giàu nhất và đã tốn nhiều nhất để cứu đồng Euro.

Bây giờ, khi tình hình quá nguy ngập, ECB có thể áp dụng biện pháp QE sau kỳ họp ngày 22. Nhưng ta lại thấy ra vấn đề khác. ECB mua trái phiếu của ai để bơm tiền cho ai?

Chúng ta trở lại thể thức QE mà Hoa Kỳ hay Nhật Bản đã áp dụng: mua trái phiếu Mỹ hay Nhật và bơm tiền cho các ngân hàng Mỹ hoặc Nhật tung ra thị trường. Với ECB thì nên giải quyết cách nào?

Thứ nhất, Ngân hàng ECB có thể đồng loạt mua trái phiếu Âu châu trên thị trường ngỏ (open market) của Âu châu cho ngân hàng nào cần thêm tiền bơm vào kinh tế. Khi ấy, hai vấn đề xảy ra: lãi suất tăng làm các nước không bị khủng hoảng bị thiệt; quan trọng hơn thế, một nước khá giả như Đức lại phải chịu trách nhiệm về trái phiếu của Pháp, Ý hay Hy Lạp. Giải pháp ấy có nghĩa là các nước an toàn ở vùng cốt lõi, như Đức, Hoà Lan, phải gánh lấy nợ cho các nước lâm nạn ở ngoại vi như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ý Đại Lợi, Pháp. Người dân ở nhà không chịu!

Giải pháp kia là "chọn mặt gửi vàng": ECB bán một số trái phiếu nhất định cho Ngân hàng Trung ương của xứ nào gặp khó khăn có thể bơm tiền kích thích kinh tế của mình. Tức là từng nước sẽ chịu trách nhiệm về trái phiếu, gánh nợ, của mình. Nước Đức vô can với trái phiếu của Tây hay Ý. Khi ấy ta phải nhìn xa hơn, vào gánh nợ sẵn có của từng nước.

Như Ý Đại Lợi hiện mắc nợ tới 133% Tổng sản lượng GDP, với gánh nợ tăng đều từ 3 đến 4% một năm. Nếu ECB mua nợ của Ý, phân lời (yield) trái phiếu tại Ý sẽ giảm nhưng kinh tế Ý đang bị giảm phát và vẫn phải tái tài trợ để đảo nợ và nếu mua thêm trái phiếu mới của ECB, bội chi ngân sách của Ý sẽ tăng, gánh công trái (nợ của khu vực công) cũng vậy.

Chi tiết quá chuyên môn về cách chữa lửa từng nhà cho thấy một thực tế phũ phàng: giải pháp cứu vãn này còn tùy tình hình nợ nần của từng nước đang lâm nạn. Và nếu áp dụng thì trong dăm năm tới, gánh nợ của Ý sẽ lên tới 150 hay 160% của Tổng sản lượng, là mức báo động của Hy Lạp trước khi bị khủng hoảng.

Vấn đề có vẻ rắc rối này thật ra là chuyện cốt tủy về kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa cho cả khối Âu châu. Chủ quyền quốc gia và tình liên đới trong một khối thống nhaất có còn giá trị gì không? Hay là mặc cho xứ nào lâm nạn thì ráng giải quyết lấy?

Từ Trái Phiếu đến Lá Phiếu



Thêm một tấm hình châm biếm: Mario Draghi là Rambo!

Theo dõi thời sự hàng ngày, ta biết khái quát rằng giải pháp QE có công hiệu – chả vậy mà Tổng thống Barack Obama nhận công trạng cho mình về sự hồi phục của kinh tế Mỹ! – mà ta không hiểu vì sao Âu Châu lại chẳng làm như vậy. Nếu tò mò tìm thêm thì có thể biết Ngân hàng ECB và Chủ tịch Draghi muốn áp dụng giải pháp đó mà gặp trở ngại từ Thủ tướng Đức là bà Angela Merkel, hoặc từ Ngân hàng Trung ương Đức Bundesbank, trưởng tràng của hệ phái bảo thủ - khắt khe về kỷ luật tài chánh.

Nếu suy nghĩ thêm một chút, ta có thể nhìn ra sự khác biệt với Hoa Kỳ - và nỗi khó khăn của Âu châu. Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed theo ký hiệu thông thường của báo chí) không phải chỉ thị cho tiểu bang California phải tiêu xài chừng mực như Texas chứ không nên quá phóng túng. Và giới đầu tư tại California có thể kiếm lời ở Texas. Hai tiểu bang này có chung một số phận và kỳ vọng vì là hai vùng của cùng một quốc gia. Âu Châu thì khác.

Để cứu lấy đồng Euro hầu kinh tế Đức có sân chơi và nơi xuất cảng, bà Merkel mà cứ gánh vác trái phiếu của các nước miền Nam là sẽ lãnh phiếu bất tín nhiệm của cử tri ở nhà.

Nói chung, quần chúng ở rất xa các trung tâm quyết định về Âu châu - như Hành pháp tại Bruxelles của Bỉ, Lập pháp tại Strasbourg của Pháp, và tài chánh ngân hàng tại Frankfurt của Đức – chả cần biết đại diện của mình ở nhưng nơi đó làm gì, tính toán làm sao, nhưng quan tâm đến ngân sách chi tiêu của gia đình. Khi ngân sách đó co cụm vì quyết định chính trị hay tiêu xài của ai khác ở xa, họ có quyền nêu câu hỏi.

Nếu các nước Âu Châu nêu câu hỏi và không muốn chịu chung số phận thì Liên hiệp Âu châu có còn ý nghĩa gì không?

Các quốc gia này cùng có một kỳ vọng là sống chung trong hòa bình và tự do buôn bán với nhau để cùng tiến tới thịnh vượng chung. Nhưng kỳ vọng đó nằm ở tương lai, hiện tại là câu hỏi: tôi đang có gì và sẽ chia sẻ cái "có" ấy với những ai? Mà vì sao phải chia sẻ?

Vụ khủng hoảng của đồng Euro do 19 nước cùng xài chung đang dẫn đến sự rạn nứt của tình liên đới Âu châu giữa 28 quốc của Liên Âu. Hết còn tình liên đới và không chia sẻ ước vọng chung, từng nước có thể nghĩ đến việc xé chiếu ngồi riêng. Đây không chỉ là kịch bản của giới nghiên cứu kinh tế khi tính toán về cách áp dụng giải pháp QE - mà là thực tế của chính trị Âu châu.

Chủ Nghĩa Quốc Gia Tái Xuất Hiện


Chưa nói đến hồ sơ di dân - từ Đông qua Tây để kiếm việc làm, hay từ Nam lên Bắc với mối nguy khủng bố xâm nhập vào xã hội - dự án hội nhập Âu châu bị khủng koảng lớn vì kinh tế.

Trong từng nước, ta đều thấy xu hướng cực đoan thắng thế.

Từ cánh tả, nhiều đại diện dân cử được bầu lên để đòi tăng chi và tái phân lợi tức cho dân nghèo mà không tự hỏi rằng lợi tức đó từ đâu mà ra. Những đòi hỏi cực tả ấy đều đẩy lui ảnh hưởng của phe trung tả, vốn dĩ ôn hoà và thực tế hơn vì đã có mấy chục năm kinh nghiệm cầm quyền. Phe cực tả đang tiến vào dòng chính lưu ở giữa, như trường hợp của Hy Lạp và Ý. Viễn ảnh thắng thế của khuynh hướng cực đoan đến vô trách nhiệm này có nghĩa là kinh tế tiếp tục khủng hoảng.
Nhưng kịch bản đáng ngại hơn vậy là sự thắng thế của phe cực hữu với chủ trương quốc gia dân tộc. Họ đòi hỏi một chuyện có vẻ hợp lý là quốc gia phải có chủ quyền và tiếng nói trong tập thể Âu Châu, rồi giương cờ độc lập: nếu không thì ta ra khỏi Liên Âu. Nhiều nước ở vùng cốt lõi tạn mạn Bắc đang chứng kiến hiện tượng đó.

Như Anh đang bị sức ép đó của đảng Độc Lập (United Kingdom Independence Party, UKIP). Pháp còn có một đảng quyết liệt hơn vậy, Front National của Marine Le Pen với chủ trương hạn chế di dân, bảo tồn bản sắc của nước Pháp chứ không hòa chung vào Âu Châu. Khủng hoảng kinh tế càng khiến thành phần thợ thuyền và bình dân - cử tri truyền thống của cánh tả - ùn ùn ngả theo Le Pen.

Nếu có bầu cử Tổng thống ngay lúc này thì vị nữ lưu sắt thép ấy sẽ dẫn đầu.

Kết luận ở đây là gì? Tương lai Âu Châu không sáng sủa.

Có khi lại là quá khứ, của phân hóa - và chiến tranh.

http://dainamaxtribune.blogspot.com/2015/01/qe-ecb-va-chu-nghia-quoc-gia-au-chau.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét