Thứ Ba, 3 tháng 2, 2015

Đám cưới ở Mỹ

Đám cưới ở Mỹ
Khi lập gia đình ở Hoa Kỳ vào năm 1984, tôi thích con nít nên ngu xuẩn cứ tưởng là Mỹ cứ như Việt Nam đẻ như vịt nên tôi muốn có sáu đứa con, bằng số con cái của bố mẹ tôi. Khổ một nỗi thành ngữ Mỹ có câu "it takes two to tango", phải cần hai người mới có chuyện sinh con đẻ cái, vợ tôi không muốn sáu mà giới hạn lực lượng quân đội chỉ có hai nên sau vài năm hòa đàm căng thẳng không ăn không ngủ ở Paris với sự có mặt của Ủy Ban Quân Sự bốn bên giám sát, chúng tôi ký hiệp ước đồng ý thỏa thuận số con sẽ có còn lại bốn.

Chịu thua không phải là cá tính của tôi. Từ sự ao ước muốn sáu đứa con mà bị cắt đi một phần ba chỉ còn lại bốn, ai cũng nghĩ tôi đã nhượng bộ chịu thua; nhưng lý do tôi ký kết hiệp ước vì cho dù số con cái đã bị giảm bớt, vợ tôi đồng ý số giờ Tí canh Ba không thay đổi. Ở điểm này thì tôi nghĩ tôi thắng, đối phương thua nhượng bộ nên tôi nghĩ mình không nên đòi hỏi yêu sách thái quá, có qua có lại mới toại lòng nhau khi màn đêm buông xuống.

Ngày xưa khi còn trẻ chúng ta làm nhiều chuyện ngông cuồng không suy nghĩ. Đẻ con như vịt là một chuyện ngông cuồng. Tôi thích con nít. Em bé còn bé nũm nĩm dễ thương, nói chuyện ngộ nghĩnh buồn cười, ăn chẳng có là bao vì tối ngày uống sữa mẹ nên tôi không nghĩ đến chuyện tốn kém tiền bạc nuôi nấng con cái. Đến khi chúng nó càng ngày càng khôn lớn, bắt đầu đi học mẫu giáo, tiểu học rồi trung học, đứa bé dễ thương ngày nào dần dần trở thành một gánh nặng khổng lồ. Cha mẹ phải trả tiền nhà trẻ, phí tổn trường học, quần áo, ăn uống, mua bảo hiểm, mua xe cho nó chạy... Bao nhiêu là tiền, méo cả quai hàm.



Theo một dữ liệu vừa được Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ tiết lộ, tiền phí tổn ở Hoa Kỳ nuôi một đứa trẻ sinh năm ngoái -2013- cho đến khi nó 18 tuổi là $241,080 dollars.

Số tiền này tính tổng cộng tiền nhà, ăn uống, xe cộ, quần áo, y tế, giáo dục, giữ trẻ, và tiền linh tinh như cắt tóc, điện thoại cầm tay... Tiền này chưa tính tiền vào đại học.

Phí tổn trung bình mỗi năm (niên khóa 2013-2014) của đại học công ở Mỹ là $22,826 dollars, và đại học tư là $44,750 dollars. Nhân số này lên bốn năm sẽ ra tổng số tiền phí tổn của một sinh viên tốt nghiệp bốn năm đại học: trường công tốn $91,304, và trường tư tốn $179,000.

Nhà nào may mắn (hay xui xẻo?) có con quyết định học tiếp thành luật sư, bác sĩ, nha sĩ... thì chì nghèo rớt mồng tơi. Thí dụ học thêm ba năm để thành luật sư thì tiền phí tổn phải bỏ ra phỏng chừng $210,000 dollars nữa ($70,000 x 3 năm).

Bố mẹ Việt Nam thường cắn răng xoay sở tiền bạc trả tiền cho con học nốt đại học. Nếu đứa nào học thêm lên luật sư, bác sĩ... thì tụi nó sẽ vay tiền rồi tự trả sau này. Trong khi bố mẹ Mỹ thường thì chỉ lo cho con đến Trung học, bắt đầu vào đại học thì con đi vay tiền ngân hàng, tự xoay sở lấy.

Lo nuôi bốn đứa con đủ làm tôi sờ râu râu rụng, sờ rốn rốn rung rinh, thì đùng một cái vào một ngày đẹp trời, vợ chồng tôi khám phá thêm một phí tổn mình không bao giờ nghĩ có trong chương trình của ban Tùng Lâm: tụi nó muốn làm đám cưới!

Cô con gái lớn của chúng tôi năm nay 29 tuổi, cô kế 27 tuổi, và không hẹn mà gặp, không mời mà đến, không tính mà trùng, cả hai làm đám cưới năm nay. Cô cả làm vào tháng Hai, cô kế làm vào tháng Tám, Thứ Bẩy vừa rồi.


Đám cưới Mỹ không rườm rà, phức tạp như đám cưới Việt Nam. Người Việt sang Mỹ phần lớn vẫn còn giữ tục lệ cổ truyền của đám cưới Việt Nam: nhà trai đem lễ vật sang nhà gái, rước cô dâu về nhà trai. Cả hai cô dâu chú rể sau đó quỳ lạy đền thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Người theo Thiên Chúa giáo thì sau đó làm lễ cưới ở nhà thờ, buổi chiều thì đa số ăn lễ tiếp tân ở nhà hàng Tầu, một thiểu số làm ở nhà hàng Mỹ.

Phong tục khác biệt lớn nhất giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là ai trả tiền phí tổn đám cưới: Ở Việt Nam cũng như ở các nước Á Đông khác, không những nhà trai phải trả hết tất cả, mà còn phải đưa của hồi môn cho nhà gái. Lý do là vì gia đình nhà gái bỏ bao nhiêu tiền bạc nuôi con, bây giờ nhà trai muốn lấy con mình đi vĩnh viễn thì phải trả phí tổn đám cưới, và tùy theo gia đình nhà gái đòi hỏi, có thể phải đưa một số tiền cho bố mẹ cô dâu đã bỏ công nuôi nấng con mình cho khôn lớn.

Trong khi bên Mỹ thì ngược lại, nhà gái phải trả tiền đám cưới. Lý luận của họ là vì bắt đầu từ ngày đám cưới trở đi, chú rể tốn tiền có nhiệm vụ lo cho cô dâu. Bố mẹ cô dâu không phải nuôi con gái mình nữa, chú rể sẽ nuôi cho đến ngày răng long đầu bạc, do đó nhà gái phải "cảm ơn" nhà trai mà lo tiền đám cưới.

Từ ngày biết phong tục Mỹ khỉ gió này tôi lo sốt vó vì chúng tôi có ba đứa con gái, tụi nó lấy chồng Mỹ mình trả tiền đám cưới cho cả ba thì chỉ có hấp hối trở về trên đường làng tươi mát. Nhưng may thay sui gia là người thần giao cách cảm, thông cảm cho tôi sẽ bị bệnh trĩ kinh niên nếu phải trả tất cả tiền đám cưới nên đôi bên chia đều chi phí viện trợ kinh tế cho hai đứa nhỏ.


Hôn lễ tổ chức trong công viên. Elings Park, Santa Barbara, là công viên tư nhân lớn nhất nước Mỹ, đủ cảnh núi non trời biển, có chỗ riêng để tổ chức đám cưới. Chỉ cần đóng lệ phí cho county là có thể không đến nhà thờ, cũng khỏi cần ông Toà, tự chọn lấy người làm lễ và ký hôn thú.

Chi phí tổ chức đám cưới ở Hoa Kỳ ngày càng gia tăng. Theo một bản tin của trang web The Knot.com vào tháng 3 năm nay, họ phỏng vấn 13,000 cặp vợ chồng mới cưới, thì phí tổn cho một đám cưới của Mỹ tính ra trung bình gần ba mươi nghìn dollars: $29,858. Đây là tiền tiêu chi tiết:

Mướn địa điểm, thức ăn: $13,385

Nữ trang: $5,598

Chụp hình, quay phim: $2,670

Quần áo cưới: $1,610

Cố vấn tổ chức đám cưới: $1,540 (Wedding planner)

Hoa & trang trí: $2,069

Nhạc: $1,404

Thiệp cưới $817

Quà tặng $641

Gội đầu, trang điểm $124

Cặp nào càng ở thành phố lớn thì phí tổn càng cao: Ở Manhattan, New York, một đám cưới trung bình tốn $87,000 dollars, trong khi ở nơi khỉ ho cò gáy Utah hay Idaho thì chỉ tốn $17,000 dollars.

Hình minh họa

Một dữ kiện lý thú là tuy rằng tiền tổ chức đám cưới gia tăng hơn năm ngoái, số khách mời đi đám cưới giảm đi: cô dâu chú rể dùng tiền dư vì mời ít khách để tiêu vào mục giải trí khác cho khách vui thêm: năm vừa rồi 30% cặp cô dâu chú rể mướn phòng chụp hình tự động (photo booth), so với năm 2009 chỉ có 11% cặp dùng. Giá mướn phòng chụp hình tự động này là $600 dollars cho hai tiếng rưỡi đồng hồ.

Cả hai cô con gái của tôi làm lễ cưới ngay tại chỗ làm tiệc đám cưới. Chứng chỉ hôn thú chỉ được chính thức công nhận nếu được thị thực bằng chữ ký của Thẩm phán, những người có chức vụ trong tôn giáo như Mục sư, Linh Mục, Thượng Tọa, Thị Trưởng, Dân biểu/Nghị sĩ, hay trong trường hợp ngoại lệ mà cả hai con tôi dùng: cả hai đứa đều không đi nhà thờ, không muốn đến tòa trước mặt Thẩm phán nên chọn một cách nữa là đóng lệ phí cho County và được chọn bất cứ một người nào -trong trường hợp này là bạn của tụi nó- làm lễ hôn phối và ký chứng chỉ hôn thú.

Vì hôn lễ làm cùng nơi và ngay trước tiệc cưới nên rất ngắn gọn, không mất thì giờ. Không có nghi lễ dài dòng, không có bài giảng đạo đức dài 82 tập tại sao cô dâu chú rể quá khờ dại chọn đi vào con đường tử địa khi đang được tự do bay nhẩy, không có các ca sĩ con chiên trong nhà thờ chưa-lên-mà-đã-xuống hồ hởi thức trắng đêm khuya viết lại nhật ký của hai đứa mình, xin lỗi không phải, thức trắng đêm khuya nao nức hôm sau có dịp trổ tài tôi-là-ca-sĩ hát nhạc thánh ca cho khán giả nghe đinh tai nhức óc.

Nói đến tiệc cưới thì nhất định tiệc cưới truyền thống của người Việt mình nhàm chán hơn của người Mỹ. Khách ngồi ăn cỗ như tượng Bụt, nghe ca sĩ de dé hay sồn sồn trình bày những nhạc phẩm như "Con đò đưa xác" hay "Du kích qua sông". Các ca sĩ về chiều tranh nhau để có dịp lên sân khấu hát trổ tài, đôi lúc không ai nhường ai thành ra chiến tranh ác liệt xẩy ra máu nhuộm bãi Thượng Hải. Thay vì đám cưới là dịp để mọi người được vui mừng hứng thú thì đám cưới Việt Nam không khí nghiêm trọng như đưa tiễn Chiêu Quân cống Hồ.


Đám cưới Mỹ sống động hơn. Người DJ giỏi (DJ là disc jockey, người cho chơi nhạc trong một party) khích động khách đủ trò: lên sàn nhẩy nhẩy, nối đuôi nhau đi vòng vòng trong tiếng nhạc, ra sàn nhẩy vui đùa chung với những trò có cô dâu chú rể tham dự. Chỉ ngồi ở bàn ăn xem mọi người hào hứng mà khách cũng vui lây, có cảm tưởng mừng rỡ như vừa được vợ cấp chiếu khán cho về ViệtNam một mình ba tháng, tha hồ đi bia ôm, tắm ôm, và massage ôm.

Ảnh dâu rể tặng quà vui: Cô dâu có sẵn bó hoa chỉ việc tung cho bạn nữ. Chú rể vất vả hơn, phải chun vô váy cô dâu, dùng răng gỡ vòng ren nàng mang gần đầu gối, tung lên làm quà cho bạn nam.

Đám cưới Âu Mỹ có hai phong tục vui:

1. Cô dâu đứng xoay lưng, thẩy một bó hoa ra phía sau cho các cô còn độc thân đã đứng xếp hàng, bắt.

2. Cô dâu mang sẵn hai vòng vải ren ở đùi. Vòng ren gần về phía háng thì chú rể sẽ gỡ ra trong đêm động phòng (vòng ren này tượng trưng cho sự còn trinh tiết của cô dâu. Khi chú rể gỡ ra trong đêm tân hôn thì có nghĩa là trinh tiết của cô dâu Capri c'est fini). Còn vòng ren gần về phía đầu gối thì chú rể sẽ thò đầu vào trong váy cô dâu rồi dùng răng của mình kéo nó ra. Sau đó, giống như cô dâu quăng bó hoa, chú rể đứng xoay lưng thẩy vòng ren đó ra phía sau cho các anh độc thân bắt.

Người ta nói là cô nào bắt được bó hoa hay anh nào bắt được vòng ren là người kế tiếp sẽ lập gia đình.

Chị bắt được bó hoa và anh bắt được vòng ren chụp ảnh chung lưu niệm

Tục lệ thẩy vòng ren bắt nguồn từ thế kỷ thứ 14. Nhiều nơi ở Âu châu khách đi dự đám cưới tin rằng nếu có một mảnh quần áo của cô dâu thì sẽ đem đến sự may mắn nên họ thật sự đến xé áo cô dâu. Dĩ nhiên là cô dâu không muốn áo quần mình bị xé nên thẩy vòng ren này cho khách. Tuy nhiên, có nhiều ông say xỉn không kiên nhẫn đợi cô dâu thẩy vòng ren nên nhào đến... xé xác cô dâu, gỡ nó ra từ đùi nàng. Vì thế, phong tục thay đổi để chú rể gỡ vòng ren từ đùi cô dâu rồi thẩy ra cho các anh độc thân.

Vì cô dâu không có vòng ren để thẩy nữa nên cô dâu bây giờ thẩy bó hoa.

Có một tục lệ trong tiệc cưới Mỹ là bố vợ nhẩy đầm với cô dâu mà trong cả hai đám cưới của con gái tôi, tôi không làm. Tôi không biết nhẩy. Con gái tôi cũng không biết nhẩy, thành ra mục này thì tôi xin bỏ qua đi tám. Ngày xưa khi ở Việt Nam tôi có thành kiến với nhẩy đầm.

Sang bên Mỹ tôi không còn thành kiến với nhẩy đầm vì ở đây trai trẻ tình nguyện gia nhập quân đội, việc cầm súng không bị luật pháp bắt buộc. Không thể nào đổ lỗi cho một quân lính chết ở trận chiến vì người ở hậu phương thờ ơ. Nhẩy đầm ở Mỹ bây giờ đối với tôi chỉ là một môn giải trí lành mạnh như các môn giải trí khác như đi du lịch, chơi thể thao...

Tuy nhiên, old habits die hard, thói quen khó bỏ. Tuy rằng vợ tôi thỉnh thoảng nhẩy đầm với bạn bè mỗi khi chúng tôi có dịp gặp nhau, tôi vẫn không cảm thấy an toàn trên xa lộ làm điều gì ngày xưa mình nghĩ là sai lầm. Không nhẩy đầm chẳng chết một cửa tứ nào, vì thế tôi không muốn thay đổi lập trường xưa cũ của tôi.

Khách ra về đều thích cả hai đám cưới, dù rằng hai nơi khác nhau. Chúng tôi chỉ cho tiền cho con, rồi tự tụi nó lo lấy từ đầu đến cuối, vợ chồng tôi hoàn toàn không bàn vào bàn ra một tiếng nên tôi hơi ngạc nhiên khi cô con gái đầu tiên nói với tôi là nơi nó chọn lễ cưới là một công viên.


“Con gái tôi làm bảng này để khách đến biết mình ngồi bàn nào, không cần có người chỉ dẫn: mỗi thẻ nhỏ có đề tên khách và số bàn, xếp theo thứ tự họ, kẹp trên một lằn dây. Khách tìm tên mình, lấy thẻ, đến bàn chỉ định, để thẻ lên bàn. Người khác biết ngay là ghế đã có người ngồi.”

Nghe chữ "công viên", tôi đánh lô-tô trong bụng vì tôi mường tượng hôn lễ sẽ cử hành ở công viên... Lê Văn Tám, nơi cả nghìn người sáng đến để luyện nhất dương chỉ chỏ. Tuy nhiên đến ngày đám cưới, đến tận nơi tôi mới thấy Elings Park, Santa Barbara là một công viên thật đẹp có chỗ riêng để tổ chức đám cưới. Ngoài núi non và biển cả, có sân khấu ngoài trời hẳn hòi để làm lễ cưới, bãi cỏ rộng mênh mông tha hồ cho con nít và chó chạy nhẩy (tôi dẫn theo con chó Zoey, bố mẹ chồng con gái tôi cũng mang theo chó). Sau này tôi khám phá ra Elings Park, Santa Barbara là công viên tư lớn nhất ở Hoa Kỳ.

Nói đến hôn nhân của con cái thì vợ chồng tôi đã đi nửa chặng đường. Hai đứa đã xong, vẫn còn hai đứa kế tiếp. Có ai biết đâu ngày xưa chỉ vì ham vui táy máy mà cái sắc sắc không không biến thành bốn cục nợ kéo theo dai dẳng với mình cho đến ngày hôm nay, trăng tàn bến Ngự.

Bà sui gia của tôi nôn nóng không ngủ được đêm trước ngày con trai làm đám cưới, hỏi cảm tưởng của tôi như thế nào vào ngày trọng đại này. Tôi nói với bà ta là tôi không có cảm tưởng gì hết, vui thì có vui, nhưng không vui mừng quá độ như bà ta (gia đình bà ta ai cũng uống rượu, biết nhẩy đầm nên thích party). Hai đứa con rể của tôi đều là người Mỹ (một đứa bố gốc người Đức, mẹ gốc người Mễ-Tây-Cơ; đứa thứ nhì bố mẹ gốc người Á-Căn-Đình), nói chuyện dùng "I" và "you" xưng hô làm tôi không có cảm tưởng mật thiết như chữ dùng "con" với "bố" của người Việt mình.

Cả hai đứa con gái của tôi sau hơn hai chục năm sống chung cùng mái gia đình, bây giờ tách rời ra ở riêng không lệ thuộc bố mẹ, được tự do quyết định cuộc đời của vợ chồng nó nên vui mừng là phải lắm.

So sánh chúng nó với tôi mà tôi buồn. Chỉ hơn hai mươi năm mà tụi nó đã tung cánh bay xa. Còn tôi ở với vợ 30 năm nhưng cánh cửa tự do lúc nào cũng khép kín.

Khép kín thôi không đủ, lại còn có ổ khóa khóa chặt lại nữa chứ!

Buồn nào hơn đêm nay.

September 2014
Nguyễn Tài Ngọc
http://www.saigonocean.com/index.php/en/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét