Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

Nếu chiến tranh Trung - Nhật bùng nổ, Mỹ sẽ làm gì?

Nếu chiến tranh Trung Quốc - Nhật Bản bùng nổ, Mỹ sẽ làm gì?
(TNO) Trong bài viết trên tạp chí National Interest trụ sở ở thủ đô Washington (Mỹ) ngày 21.6, chuyên gia quốc phòng Mỹ Harry Kazianis đã phân tích Mỹ nên làm gì nếu chiến tranh Trung Quốc - Nhật Bản bùng nổ ở quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Tàu hải giám Trung Quốc (giữa) "chạm trán" với 2 tàu
tuần duyên Nhật gần Senkaku/Điếu Ngư năm 2012 - Ảnh: AFP
Trong vài tháng qua, Trung Quốc tiến hành các cuộc tuần tra hằng ngày quanh quần đảo tranh chấp với Nhật Bản Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Tàu chiến và tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc còn tiến hành các cuộc tập trận gần vùng biển quanh Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 2.2014. Đây là một động thái cho thấy Bắc Kinh đang chuẩn bị sẵn sàng nếu chiến tranh bùng nổ tại khu vực này.

Kịch bản chiến tranh Nhật - Trung

Giả sử chiến tranh xảy ra vào ngày 1.3.2015, theo ông Kazianis. Khi đó, hai chiến đấu cơ Su-27 của Trung Quốc sẽ áp sát máy bay trinh sát P-3 Orion của Nhật ở phía tây Senkaku/Điếu Ngư (tương tự như một vụ có thật gần đây).

Phi công Nhật Bản bị khiêu khích và máy bay Nhật đâm vào một trong số 2 chiến đấu cơ Trung Quốc. Cả hai máy bay sẽ rơi xuống biển, không ai sống sót (viễn cảnh này được Kazianis vẽ ra dựa trên sự kiện có thật xảy ra vào tháng 4.2001, khi đó một chiến đấu cơ Su-27 của Trung Quốc đâm trúng máy bay P-3 Orion của Nhật ở đảo Hải Nam của Trung Quốc).

Chính quyền và truyền thông Nhật - Trung sẽ đấu tố lẫn nhau gây ra vụ đâm máy bay. Và 72 giờ sau đó, một nhóm 20 người Trung Quốc đổ bộ lên một trong số những hòn đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư vào ban đêm.

Nhật Bản sẽ điều động các tàu chiến để đưa một số ít binh sĩ đến hòn đảo với mục đích loại trừ công dân Trung Quốc ra khỏi đây.

Bắc Kinh đe dọa dùng vũ lực nếu công dân của họ bị hãm hại. Khi các tàu chiến Nhật tiến gần đến hòn đảo, một chiến đấu cơ J-10 của Trung Quốc sẽ báo động lực lượng hải quân sẵn sàng chiến đấu.

J-10 tiến sát một tàu khu trục Nhật đang tiến gần hòn đảo. Để tự vệ, tàu khu trục Nhật bắn hạ máy bay Trung Quốc.

Vài giờ sau đó, khi lực lượng Nhật Bản tiến hành chiến dịch loại trừ các công dân Trung Quốc khỏi Senkaku/Điếu Ngư, Bắc Kinh sẽ bắn cảnh cáo tên lửa “diệt tàu sân bay” Đông Phong-21D (DF-21D) rơi xuống biển, gần các tàu chiến Nhật Bản trên biển. Nhưng lực lượng Nhật không nản chí, quyết tiến lên.

Dưới áp từ trong nước, các lãnh đạo Trung Quốc căng thẳng. Họ cảm thấy họ không còn lựa chọn nào, đành ra quyết định bắn tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo nhắm vào lực lượng Nhật Bản. Nhật Bản sẽ mất ít nhất ba tàu chiến và nhiều binh sĩ thiệt mạng.

Một phần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhìn từ trên không - Ảnh: Reuters

Truyền thông thế giới sẽ phát đi những hình ảnh, video thi thể binh sĩ Nhật Bản thiệt mạng nổi lềnh bềnh trên biển sau vụ tấn công tên lửa từ Trung Quốc.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ gọi điện cho Tổng thống Mỹ Barack Obama đề nghị Mỹ giúp đỡ theo hiệp ước an ninh giữa hai nước đồng minh. Nhưng không có vị Tổng thống Mỹ nào mong muốn được nhận một cuộc gọi lúc 3 giờ sáng, theo ông Kazianis.

Mỹ sẽ làm gì?

Ông Kazianis nhắc lại bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng 5.2014 tại buổi lễ tốt nghiệp của học viên Học viện Quân sự West Point, Mỹ.

Khi đó, ông Obama nói: “Sự hung hăng mất kiểm soát trong khu vực, dù ở Ukraine, trên biển Đông hoặc bất kỳ nơi nào trên thế giới cuối cùng cũng sẽ ảnh hưởng đến đồng minh của chúng ta và có thể buộc quân đội của chúng ta can thiệp”.

Trước đó, trong chuyến công du Nhật Bản hồi tháng 4.2014, ông Obama cũng khẳng định Washington sẽ bảo vệ Nhật Bản trong vấn đề tranh chấp ở Senkaku/Điếu Ngư.

Ông Kazianis đặt ra nghi vấn liệu rằng người Mỹ sẽ bỏ phiếu ủng hộ ông Obama điều quân bảo vệ Nhật Bản, khi đó nhiều lính Mỹ sẽ phải bỏ mạng.

Nhưng nếu nguyên trạng bị thay đổi ở châu Á, sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ và khi đó Washington sẽ không làm ngơ và bỏ rơi các đồng minh tại khu vực này, theo ông Kazianis.

Ông Kazianis cho rằng Mỹ phải tiếp tục duy trì chính sách tái cân bằng, tăng cường sự hiện diện quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương.

Phúc Duy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét